“Chính quyền rất thành công khi tạo ra một lớp người đầy sợ hãi…”
FB. Chau Doan
Một cậu em họ rất hiểu biết về sự bẩn thỉu, tham nhũng của quan chức nhưng chẳng bao giờ lên tiếng. Cậu ấy bảo bạn bè cậu ấy đi nước ngoài định cư gần hết rồi. Tất nhiên, đấy toàn là những con người giỏi giang. Tôi nghe mà buồn quá. Không thể trách họ mà chỉ buồn.
Tôi bảo: “Anh hiểu là em sợ nhưng sao lại sợ quá đáng đến thế nhỉ? Anh nghĩ là anh không thích chơi với một thằng bạn dát chết như em và có lẽ em cũng không thích bản thân mình. Em sống như vậy thì các con em chắc chắn cũng sẽ sống thờ ơ, an phận giống em. Em có muốn bọn chúng như thế không? Sống như thế nhợt nhạt và chán lắm.
Em là người có học mà em im lặng tuyệt đối như thế, em sợ từng cái like, cái cmt chứ đừng nói tới share những bài em tâm đắc. Một người có học như em mà thế thì dân chúng lao động còn sợ đến đâu?
Trước em có hàng ngàn người. Nếu có vấn đề gì thì hàng ngàn người ấy sẽ bị bắt trước. Em không phải là người đấu tranh thì ít ra cũng nên là người đồng tình, tán thưởng với những người đấu tranh chống lại cái xấu. Sao em không làm một cầu thủ trên sân bóng để có thể thở hổn hển, háo hức, hồi hộp, vui mừng và buồn bã với cuộc chơi, mà chỉ là khán giả im lặng ngồi bên lề sân cỏ?“
Tôi viết ra đây mà không sợ cậu em giận bởi con người có vô vàn góc độ mà ta có thể tán thưởng họ một vài góc. Cậu ấy có thể dát chết, dùng đúng từ là hèn nhát nhưng vẫn là một người em tốt, chu đáo với anh em họ hàng. Không thể đòi hỏi mọi người đều hoàn hảo được. Tôi cũng nói là tôi hy vọng cậu ấy sẽ thay đổi và đóng góp được một điều gì đấy cho xã hội. Và nhân đây tôi cũng muốn nói với những người bạn của mình. Tôi sẽ luôn thẳng thắn và chân thành trong mọi mối quan hệ. Tôi không thoả hiêp, “khéo léo” để gìn giữ những mối quan hệ bề mặt và nhạt nhẽo. Làm thế là vô nghĩa và mất thời gian, thứ tôi không có nhiều.
Chính quyền rất thành công khi tạo ra một lớp người đầy sợ hãi, một lớp người “khôn ngoan” chọn im lặng và chờ sự thay đổi tạo ra bởi người khác. Tôi có thể quý người em họ nhưng tôi không thể kính trọng nếu cậu ấy cứ tiếp tục sống như thế.
Cần phân biệt rạch ròi ở đây. Đâu phải cứ nói tới tham nhũng, cái xấu, sự bẩn thỉu là chống chính quyền bởi trong chính quyền cũng có người tốt. Tuy nhiên thành phần tốt thì ít hơn xấu rất nhiều. Tiếc thay tốt mà hèn cũng không ít. Do vậy, tốt như thế cũng chẳng giá trị cho lắm.
Nếu cứ sợ hãi quá đáng như thế thì xã hội này sẽ chuyển mình rất chậm và trong xã hội sẽ chỉ có hai loại người cơ bản là tầng lớp thống trị quyết bảo vệ quyền lợi của mình, tầng lớp bị thống trị cam phận sống hèn nhát cốt sao mình và gia đình được yên ổn.
Vậy xã hội ấy là xã hội gì? Xã hội ấy sẽ thoái hoá thành một xã hội thấp kém và hèn hạ. Cả hai loại người ấy có chung một điểm là coi miếng cơm manh áo là điều quan trọng nhất trong cuộc sống.
Nhưng nếu thế thì xấu xí và buồn bã quá. Lý tưởng muốn xã hội tốt lên thì sao? Lý tưởng muốn đất nước được sánh vai với các nước khác thì sao? Cứ co mình lại mãi cho an toàn nhưng cái an toàn ấy chỉ là giả tạo và kết quả là môi trường xã hội sẽ đầy ô nhiễm. Ô nhiễm trên đường phố và ô nhiễm trong đầu óc con người.
Giờ đây, bước chân ra ngoài ta sẽ gặp nhan nhản những kẻ xôi thịt, lấy ăn uống rượu bia là thú vui hàng ngày, chỉ toàn là những tình cảm vụn vặt, pha trò nhảm nhí, tự cao tự đại mà đánh mất đi những gì đẹp nhất của con người. Đấy là sự cương trực, mạnh mẽ, dũng cảm trong suy nghĩ và hành động, là khát vọng sống muốn biến từng giây phút trên mặt đất của mình có một ý nghĩa nào đấy.
Tôi thà làm một cầu thủ bị đá gẫy chân, bị đập vỡ đầu còn hơn làm một khán giả thu lu ngồi xem với sự an toàn.
nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2016/09/28/10-211-chinh-quyen-rat-thanh-cong-khi-tao-ra-mot-lop-nguoi-day-so-hai/