Vấn đề An sinh Xã hội ở Việt Nam hiện nay
Anh Vũ RFA
Chuyện xác người bó chiếu chở bằng xe máy ở Sơn La đã khiến dư luận xã hội đã đặt câu hỏi về trách nhiệm trong những chính sách an sinh xã hội (ASXH) của nhà nước.
Thực trạng
ASXH là các chương trình hành động của nhà nước, nhằm thúc đẩy phúc lợi của người dân thông qua các biện pháp hỗ trợ, để đảm bảo quyền tiếp cận các điều kiện sống tốt hơn.
Gần đây, câu chuyện người nhà chị Lò Thị Phanh ở tỉnh Sơn La, do hoàn cảnh nghèo khó không có tiền thuê xe ô tô chở xác, thân nhân đã phải mua chiếc chiếu bó xác lại, cột sau xe máy để chở về nhà.
Bà Nguyễn Trang Nhung, người đã tự ra ứng cử độc lập Đại biểu Quốc Hội khóa 14 thấy rằng, quyền ASXH cơ bản cho người dân đã được khẳng định tại HP năm 2013, tuy nhiên những hiện tượng như hình ảnh "xác người bó chiếu" hiện nay còn quá nhiều. Theo bà, điều đó đã phản ảnh toàn cảnh vấn đề ASXH ở VN hiện nay. Bà nhận xét:
“Cần nhìn nó như một vấn nạn, bởi vì đây không phải là trường hợp duy nhất mà đã có các trường hợp tương tự trước đây và ngay cả sau này. Vụ việc đã diễn ra trong một thời gian dài tại tỉnh nghèo khó như ở Sơn La mà nó vẫn tiếp tục duy trì như vậy mà không có một biện pháp nào cả. Về trách nhiệm xét trên diện rộng thì thuộc về chính quyền địa phương và Chính Phủ.”
Đánh giá về toàn cảnh vấn đề ASXH ở VN hiện nay, TS. Lê Đăng Doanh hiện là thành viên của UB chính sách phát triển LHQ, nguyên Giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thấy rằng, công tác bảo đảm ASXH đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực: xoá đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm, ưu đãi người có công …. Tuy nhiên theo ông, việc bảo đảm ASXH vẫn còn bất cập và yếu kém: giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách thu nhập của các tầng lớp dân cư còn lớn... Ông nói:
“Vấn đề ASXH ở VN hiện nay đang đứng trước các thách thức rất lớn, những người nghèo ở vùng núi và các đồng bào dân tộc còn tỷ lệ rất cao. Vấn đề họ phải bó chiếu để chở xác bằng xe máy về nhà, thì tôi nghĩ đó là các vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết. VN hiện nay đang gặp những khó khăn trong vốn ngân sách cũng như việc phát triển kinh tế, vì thế tôi nghĩ rằng đó là vấn đề cần phải nỗ lực lâu dài mới có thể giải quyết được.”
VN hiện nay đang gặp những khó khăn trong vốn ngân sách cũng như việc phát triển kinh tế, vì thế tôi nghĩ rằng đó là vấn đề cần phải nỗ lực lâu dài mới có thể giải quyết được.
- TS. Lê Đăng Doanh
Nhận xét về kết quả vấn đề ASXH ở VN trong thời gian qua, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, thành công đáng chú ý của vấn đề ASXH ở VN là hệ thống bảo hiểm XH và y tế, nhằm chia sẻ rủi ro đã trợ giúp thiết thực, đặc biệt là người nghèo. Bà cho biết:
“ASXH cũng tiếp tục là một vấn đề mà VN phải tiếp tục và quan tâm rất nhiều trong quá trình phát triển của mình. Trên thực tế, nhu cầu của XH đối với vấn đề ASXH luôn lớn hơn khả năng thực tế mà nhà nước có thể đáp ứng các nhu cầu đó. Nhưng nhà nước cũng đã chấp nhận cung cấp bảo hiểm cho các người nghèo để đảm bảo cho họ khi đau ốm thì cũng có thể đến bệnh viện để chữa trị.”
Đồng thời bà Phạm Chi Lan cho biết thêm rằng, vấn đề ASXH đang là một gánh nặng của nền kinh tế và đây là bài toán hết sức phức tạp. Theo bà cần thiết phải huy động từ các nguồn lực khác trong xã hội. Bà bày tỏ:
“Mạng lưới ASXH của VN với khả năng tài chính hiện nay thì không có cách nào có thể bù đắp được cho tất cả những người dân bị thua thiệt trong hoàn cảnh đó. Nếu nhìn thực trạng chung thì vấn đề ASXH của VN là một gánh nặng hay một món nợ lớn mà cả nhà nước và nền kinh tế đang phải gánh chịu hiện nay.”
Bà Nguyễn Trang Nhung đồng ý rằng, việc phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các tổ chức XHDS, cần phải được chú trọng. Theo bà, đây là điều mà các tổ chức XHDS hiện nay chưa ý thức được đầy đủ, tuy nhiên bà cũng bày tỏ sự lo ngại trước các chính sách hiện nay của nhà nước đối với các hoạt động của các tổ chức XHDS. Bà nói:
“Các cá nhân hay các tổ chức XHDS họ biết, song họ chưa biết đó là vấn nạn để cảnh tỉnh xã hội, bởi vì họ không biết điều này trên một tầm hiểu biết đủ để có thể thấy trách nhiệm của mình như là một thành phần có trách nhiệm liên đới trong các vấn đề của xã hội.”
Cách giải quyết
Bà Phạm Chi Lan thấy rằng, việc các cá nhân hay các tổ chức xã hội tham gia công việc tương trợ lẫn nhau đã có từ lâu và được nhà nước khuyến khích. Bà khẳng định:
“Trên thực tế ở VN, các tổ chức XHDS hay các cá nhân hỗ trợ hay giúp đỡ cho những người khác thì đã diễn ra rất nhiều rồi, và nhà nước VN theo tôi nghĩ thì họ cũng không ngăn cản các việc đó. Vì thế tôi nghĩ, không có bất cứ một rào cản nào về mặt luật pháp hay chính sách cấm đoán những người làm thiện nguyện đó đâu.”
Nói về vai trò của các cá nhân và tổ chức xã hội trong công việc tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong cộng đồng hiện nay. Từ Sài gòn, một vị Bác sĩ Bệnh viện ở bệnh viện công, đề nghị giấu danh tính bày tỏ:
Mạng lưới ASXH của VN với khả năng tài chính hiện nay thì không có cách nào có thể bù đắp được cho tất cả những người dân bị thua thiệt trong hoàn cảnh đó.
- Bà Phạm Chi Lan
“Trong trường hợp cụ thể thì ở Sài Gòn ở một số nơi họ cũng đã làm, mà việc làm đơn giản nhất là những bữa cơm cho những bệnh nhân nghèo và người nhà của họ. Điều đó có thể thấy ở một số bệnh viện và đã được triển khai.”
Trả lời câu hỏi, về biện pháp nhằm tăng hiệu quả của vấn đề ASXH, nhằm phục vụ người dân ở mức cao nhất có thể, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định:
“Vấn đề ở đây là phải giải quyết cơ chế tài chính, tăng nguồn thu và giảm chi để có thể chi một cách hợp pháp và cũng như chi bền vững được. Cho nên đây không phải là vấn đề một khuyết tật của một cá nhân, mà vấn đề cần phải giải quyết bằng cơ chế.”
Chúng tôi đã liên lạc với Viện nghiên cứu các vấn đề Xã hội, để tìm hiểu về các chính sách ASXH trong vấn đề y tế, một cán bộ yêu cầu giấu danh tính cho biết:
“Các chính sách đảm bảo về ASXH cho người bệnh của các cơ quan nhà nước quản lý, như BHXH hiện nay cần có chính sách hỗ trợ đối với các bệnh nhân cũng như người có hoàn cảnh khó khăn.”
Trong bài viết "Chở xác người bằng xe máy: Buồn hơn cả chuyện buồn" mới đây, nhà báo Nguyễn Thông viết rằng,“Cứ nghĩ đến cảnh hai chân người chết thò khỏi chiếu phía sau xe máy trên suốt con đường dài, chả mấy ai cầm lòng được. Nó không chỉ đơn thuần là hình ảnh nói lên cuộc sống bần cùng của một bộ phận nhân dân mà ở góc nhìn nào đó nó còn tạo nên một bộ mặt xã hội. Gam màu xám, u tối. Có cảm giác những chính sách an sinh xã hội dường như chưa hề đến những nơi này, với những con người này. Mà lỗi không phải ở họ.”.