Thủ tướng Việt Nam có lẽ đang hào hứng lắm với những công việc của chính phủ nên ông đã liên tiếp phát ngôn những mỹ từ khoa trương, tối nghĩa và bay bổng hoàn toàn không đúng lúc.
Mai Tú Ân
Xế chiều, tôi mới để ý tới ca dao:
Buồn vì một nỗi tháng Giêng
Con chim cái cú nằm nghiêng thở dài
Buồn vì một nỗi tháng Hai
Đêm ngắn ngày dài thua thiệt người ta
Buồn vì một nỗi tháng Ba
Mưa dầu nắng lửa người ta lừ đừ
Buồn vì một nỗi tháng Tư
Con mắt lừ đừ cơm chẳng muốn ăn
Buồn vì một nỗi tháng Năm
Chưa đặt mình nằm gà đã gáy kêu
Bước sang tháng Sáu lại đều
Tưởng Năng Tiến
Vậy mà qua tới tháng Chín rồi nhưng sao tôi vẫn chưa cảm thấy “lại đều” gì ráo, vẫn cảm thấy nặng lòng vì những nỗi buồn ngun ngún từ vài tháng trước. Hồi tháng Tư (cái tháng “lừ đừ cơm chả muốn ăn”) nghe ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, tại Hội Nghị Doanh Nghiệp Việt Nam, khiến tôi thiếu điều còn muốn bỏ uống luôn nữa kìa:
“Đặc biệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập để không những phát triển kinh tế trong nước mà còn có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở nước ngoài, mang thương hiệu mà ta hay gọi là ‘Ma dzê in Việt Nam’. Đất nước mình anh hùng như vậy, giải phóng dân tộc như vậy, tại sao không thể xuất khẩu lớn được? ”
Tôi hoàn toàn không phiền hà gì cái thứ tiếng Anh ba rọi, và ba trợn của ông Phúc, vì đó chỉ là tiểu tiết. Một vị thủ tướng không nhất thiết phải thông thạo ngoại ngữ (bất kể là thứ tiếng nào) nhưng ít nhất thì cũng phải biết về tình trạng kinh tế của nước mình chớ bộ. Ông cho biết: “Dù bận cỡ nào, hằng ngày… tôi cũng đọc tin tức trên các báo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp…” mà chả lẽ không rõ những mẩu tin sau:
– 58,2% doanh nghiệp FDI phải chi phí “bôi trơn” để được việc
– Làm được 10 đồng, thuế ‘ăn’ 4 đồng
– Gần 29.000 doanh nghiệp “chết lâm sàng” trong 5 tháng
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 5 tháng đầu năm nay là 4.643 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh chú thích: vneconomy
Là người đứng đầu chính phủ hiện hành mà ông Phúc không thấy rằng ngành doanh nghiệp Việt Nam đang sống dở và chết dở sao? “Chúng ta chưa tự làm được cái đinh vít,” đã đành; “tăm tre, đũa tre cũng phải nhập khẩu cả chục ngàn tấn mỗi năm.” Vậy lấy cái gì ra “để xuất khẩu lớn,” ngoài thân xác của người dân Việt!
Đến tháng Bẩy, vào ngày 18, báo Dân Trí đưa tin:
“Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp cụ thể chăm lo cho những Việt kiều nghèo từ Cam Bốt về nước, sống ở đầu sông Sài Gòn, đoạn nằm giữa 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh…”
Mẹ ơi! Việt kiều về từ Cam Bốt đâu phải chỉ có một nhóm nhỏ ở đầu sông Sài Gòn – cha nội! Họ đang sống vất vưởng tại rất nhiều nơi khác nữa: Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang, và Kiên Giang.
Tình trạng Biển Hồ cạn nước, và tình hữu nghị Việt/Miên cũng đang từng bước cạn theo thì số lượng người Việt buộc phải hồi hương sẽ mỗi lúc một tăng. Theo luật lệ hiện hành của Việt Nam thì những người Việt “không có một manh giấy lận lưng này” sẽ phải chờ hai mươi năm sau mới được nhập tịch, nếu họ được cấp chứng minh thư và hộ khẩu.
Và không có quốc tịch thì họ sẽ không có việc làm, không được hưởng bất cứ phúc lợi xã hội nào, con cái cũng không được đến trường. Nếp sống khốn cùng và bấp bênh này sẽ kéo dài qua đến thế hệ kế sau, nếu không có sự tu chính về luật lệ di trú đối với những người dân bất hạnh này.
Đây là một vấn đề lớn, ở tầm mức quốc gia. Trong cương vị thủ tướng, ông Phúc cần phải có cái nhìn toàn diện và cách giải quyết rốt ráo. Chớ đâu phải bạ đâu nói đó (“Chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp cụ thể chăm lo cho những Việt kiều nghèo từ Cam Bốt về nước, sống ở đầu sông Sài Gòn, đoạn nằm giữa 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh…”) là xong!
Còn “những Việt kiều nghèo từ Cam Bốt” ở những nơi khác thì sao? Không lẽ thây kệ họ! Đó là chưa kể đến những công dân, cũng chả có giấy khai sinh hay căn cước gì ráo trọi, đang sống trong những “xóm liều” giữa lòng Hà Nội mà ông Phúc (dám) chưa nghe ai nói đến bao giờ.
Xóm Liều giữa lòng Hà Nội. Ảnh: Báo Mới
Qua tháng Tám, tại Hội Nghị Ngoại Giao Lần Thứ Hai Mươi Chín, ông T.T. lại “nổ” một phát nghe cũng phát ù tai: “Khắc phục tình trạng nói không ai nghe”.
Ông Phúc à, ráng “khắc phục” chuyện gì dễ hơn chút xíu đi. “Khắc phục tình trạng lạm thu phí visa” của Bộ Ngoại Giao thử coi có được không?
Được chết liền!
Nếu không lạm thu, và không buôn lậu thì các Sứ Quán Việt Nam sẽ phải đóng cửa ráo trọi vì tất cả nhân viên ngoại giao sẽ chết đói hết trơn. Họ sống sao nổi, ở nước ngoài, với cái đồng lương đốn mạt của nhà nước Việt Nam ?
Ông nói chi đến chuyện viển vông (“khắc phục tình trạng nói không ai nghe”) nghe sao mệt quá hà! Dối trá, nói lấy được, ́nói cho qua chuyện, nói một đằng làm một nẻo đều là những nét văn hoá đặc trưng – đậm đà bản sắc dân tộc – của những quốc gia theo CNXH mà:
– “Công dân của các nước ấy dùng ngôn từ để che đậy chứ không nhằm giao tiếp, hoặc giao tiếp bằng cách che đậy ‘nói vậy mà không phải vậy’! Nó là cái vỏ cứng để bảo vệ mọi sự bất trắc, chống lại thói quen hay xét nét lời ăn tiếng nói của công dân của mọi chính quyền chuyên chế.” (Nguyễn Khải – Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất).
– “Nói dối mãi thành quen, thành tự nhiên, thành ‘mày phải’… nói dối. Không nói dối không thành gì cả, không được gì cả. Một xã hội ứng xử bằng nói dối làmột xã hội đang đứng bên bờ vực thẳm hay đang rơi tự do xuống vực thẳm.” (Nguyễn Trọng Tạo – Ngày Nói Thật Cho Việt Nam).
– “Người nói cứ nói. Thừa hiểu mình nói dối, chẳng ai tin, nhưng cứ nói. Rất thành thật thiết tha. Thuyết giảng chân lý, thuyết giảng con đường. Người nghe làm ra vẻ chăm chú, rất chăm chú, mê say. Nhận thức đường đi. Sáng lòng sáng mắt. Tuy biết tỏng rằng người nói cũng chẳng mảy may tin những điều họ nói, thì mình tin sao được. Nhưng vẫn làm ra vẻ tin, tin thật, tin lắm. Xuýt xoa, tấm tắc dù biết ngời nói nhìn thấu ruột gan mình. Vở diễn vẫn cứ kéo dài năm này sang năm khác. Vì không ai dám nói ra sự thật nên vở vẫn cứ diễn. Cứ giả cách nói, giả cách nghe, giả cách tin tưởng”. (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập II. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).
Nhà nước hiện hành được thiết lập, xây dựng trên một thứ nền móng xảo trá và tồn tại tại được là nhờ vào dối gạt triền miên: “Cứ giả cách nói, giả cách nghe, giả cách tin tưởng …”. Đòi “khắc phục tình trạng” này là đi ngược lại với chính sách cùng chủ trương của Đảng và Nhà Nước chớ đâu phải chuyện giỡn chơi, cha nội.
Nổ nhỏ và nổ bớt chút xíu đi, ông Phúc. Mỏng mỏng thôi. Nổ hoài và nổ quá Trời dễ bị ù tai lắm; đã vậy, có bữa còn bị trúng miểng (uổng mạng) như không.