Nguyễn Dư (Danlambao) - Hầu hết các ông lãnh đạo cộng đảng Việt Nam đều nói dóc. Nói dóc của họ đã được liệt kê và công nhận là "ranh ngôn"! Người dân khắp mọi miền trên bốn vùng (chiến thuật) miền Nam - vào khoảng năm bảy mươi ba hay bảy mươi bốn gì đó - không ai mà không biết đến câu nói của ông Thiệu đã được truyền tụng để đời trong dân gian: "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn cho kỹ những gì cộng sản làm".
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nói dóc của họ một cách trơ trẻn đến nỗi không biết ngượng mồm.
Tôi ngờ rằng: việc thứ nhất họ không biết họ nói dóc bởi vì không có thành phần đối lập, phản biện xã hội, thế cho nên họ mới vô tư mà "xổ"; mỗi lần "xổ" là người dân bụm miệng nhìn nhau cười mà họ không hay; chỉ có các báo hay nội bộ của họ thì "đồng thuận", "phát huy tiềm năng thế mạnh (nói dóc độc quyền) sẵn có".
Tất cả các đảng viên ăn bám đi theo một lề, được điều khiển chỉ định từ xa bởi ban tuyên giáo cho nên những ngôn từ qua những lời phát biểu hoặc đọc diễn văn đều được "nhất trí cao", lặp đi lặp lại rập khuôn toàn những từ ngữ sáo rỗng.
Không chỉ các đảng viên, mà có cả các cơ quan, đoàn thể, phóng viên, ký giả, phát ngôn viên... đều "mặc đồng phục" trong cách ăn nói. Thí dụ như mới đây, ông Trần Đại Quang trong dịp lễ quốc khánh, có bài phổ biến gọi là do ông viết và báo Công An Nhân Dân thuộc gà nhà của ông giới thiệu, đăng.
Thường thường, thay vì trên cương vị chủ tịch nước, trong dịp lễ thuộc về của quốc gia thì ông phải đường đường chính chính xuất hiện trên phương tiện truyền thông với hình thức như là nói chuyện trước quốc dân đồng bào; đàng này ông viết bài gởi cho báo cậy đăng, giống như những tên bồi bút viết mướn cho đảng thì không thể là xứng danh một chính khách, một vị nguyên thủ của quốc gia được. Tôi xin trích đoạn, dẫn lời bài viết với tựa đề: "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam trước yêu cầu mới".
Mở đầu: "Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trọng nhân nghĩa, khoan dung, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người con đất Việt, trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam".
Bài viết dài lê thê! Ông Quang không cần nói thì người dân cũng biết, thấy, nghe nhiều quá nên nhàm. Dẫn một đoạn thôi, khỏi cần phân tích, chỉ ra, thì độc giả cũng nghe quen quen, đủ biết nó sáo rỗng, khoác lác, không thể nào ngửi được nữa!
Tương tự, mấy ông trước đây cũng có lời lẽ gần giống bài viết của ông Quang như thế; tức là cho đến nay không phải chỉ mình ên ông Quang phát ngôn nội dung vừa nêu. Bài viết của ông Trần Đại Quang nó giống như một bài luận văn dở, nhàm chán của các cháu học sinh lớp đệ thất. Viết rất dài, ở đây không cần kể ra, mổ xẻ, phân tích để làm gì. Nhưng độc giả có thể hình dung được lịch sử của dân tộc; rồi từ khi có đảng, và hiện nay thì đất nước nó ra làm sao -để thấy rằng ông Trần Đại Quang nói dóc, hứa lèo, đi trên mây trước bàn dân thiên hạ mà không biết ngượng.
Lẽ thứ hai, ông Quang trở thành người nói dóc có thể vì mù chính sử; không biết thực tế; nói chỉ để có nói, viết chỉ để viết.
Lẽ thứ ba, ông chưa bao giờ dám đọc báo "phản động", do đó tầm nhìn rất mập mờ, chỉ biết dựa vào các báo đảng, dư luận viên hay những cố vấn thiếu hiểu biết.
Lẽ thứ tư, ông tự tin, "trả nợ" trước quốc dân cho cương vị chủ tịch quốc gia vào ngày lễ quan trọng bằng bài viết, cậy đăng, cậy người khác đọc trên trang Trần Đại Quang; và nghĩ rằng nó giống như ngọn gió thoảng, mây bay, rồi cũng sẽ qua. Nhưng ông quên rằng một vị nguyên thủ, khi phát ngôn không phải chỉ để mình ông nghe hay nội bộ đảng của ông biết. Có thể ông cho rằng vì trình độ hiểu biết của người dân kém; vì cơm, áo, gạo, tiền thì mọi người cũng sẽ cho vào quên lãng (!). Chưa khi nào thấy mấy ông trong đảng chịu trách nhiệm, hay có những lời lẽ lưu loát với những phát ngôn lôi cuốn, nức lòng, thu hút người nghe. Đọc toàn bài của ông Quang mới biết ông này "điếc nên không sợ súng"!
Sau vụ thảm họa biển miền Trung thì các đảng viên từ trung ương cho đến địa phương đều thi nhau trổ tài nói dóc tập thể; cùng nhau múa rối rập khuôn bởi do sự đào tạo cùng dưới một mái trường xã hội chủ nghĩa mà ra. Không ai dám nói khác hơn ngoài những gì đảng chưa cho phép.
Tôi đã nghe ít nhất là ba người: ông Nguyễn Xuân Phúc; ông Phan Xuân Dũng, ủy viên ủy ban thường vụ quốc hội, chủ nhiệm ủy ban khoa học công nghệ và môi trường quốc hội; ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư thành ủy Đà Nẵng. Ba ông cùng mang chữ lót trước tên là "xuân"; có cùng một câu nói dóc tương tự như nhau:"Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường". Rồi ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc còn đương nhiệm thì cũng xêm xêm: "không đánh đổi chủ quyền để lấy hữu nghị viển vông" (chủ quyền quốc gia đã bán dần để ăn rồi còn muốn đánh đổi cái con mẹ gì nữa hả cha nội! Chờ bán hết luôn đất nước này mới chịu chắc?!)
Qua vụ Formosa, là một bài học hủy hoại môi trường để phát triển kinh tế quốc gia. Sau thảm họa, nó làm cho đảng bộ chính trị sáng mắt, nhưng chưa sáng lòng! Cái nguy hại chắc chắn sẽ còn tiềm ẩn nếu Formosa còn đó. Điều này thì ai cũng biết, chỉ có đảng là giả vờ như không biết. Nhưng nếu bây giờ nhờ tòa án tối cao áp dụng luật pháp quốc gia, đem ra kiện tới bến, đóng cửa nhà máy thì sẽ kéo theo những hệ lụy dây chuyền: chủ đầu tư sẽ rút khỏi Việt Nam. Ngoài Formosa Hà Tĩnh ra còn nhiều cơ sở khác sẽ bị sập tiệm; thì đảng cũng sẽ sập theo vì trong giai đoạn hiện nay nợ công lên đến đỉnh mà ngành công nghiệp nặng của quốc gia chỉ là con số không. Formosa là một trong những mạch... máu bầm và là máu bẩn tiếp sức để cứu nguy sự phát triển nền kinh tế của chế độ.
Bây giờ các ông đảng bộ cố tình hay đã quên, nhưng người dân nghe rất rõ lời của ông Chu Xuân Phàm (cũng lại là "xuân") cảnh báo: "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được..."
Sau nhiều tháng thương lượng, ngã giá với chủ đầu tư (bất chấp lời cảnh báo của ông Chu Xuân Phàm về ảnh hưởng môi trường như thế nào) - thì bây giờ đảng bộ chọn nhà máy như mọi người đã thấy!
Các ông nói: "Không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường". Nhưng: nếu còn để Formosa trên đất nước này thì các ông chỉ là những thằng nói dóc.
Ranh ngôn: "Người ta có thể nói dóc trước nhiều người một lần chứ không thể nhiều lần trước một người."