Cái chết của người đàn ông ở Huế là một cái tát đánh thẳng vào bộ mặt thối nát của bộ máy chính quyền
hình minh họa
FB.Nhân Thế Hoàng
Việc người đàn ông ở Huế nhảy cầu tự tử, bỏ lại vợ và các con do quá túng quẫn, nó khiến chúng ta thực sự đau lòng.
Ngoài sự đồng cảm của số đông thì một số người cho rằng, người chồng, người cha ấy đã quá dại dột hay thậm chí là vô trách nhiệm khi hành động như vậy. Người chết rồi là xong, nhưng người ở lại phải sống sao khi nỗi đau chất chồng nỗi đau và sự nghèo khó cứ đeo bám họ dai dẳng từ năm này qua tháng nọ đây?
Tôi đặt mình vào vị trí của người chồng, người cha ấy, và tôi thực sự đồng cảm với cách làm của anh. Cái cách mà anh hy sinh mạng sống để đánh đổi lòng thương cảm của mọi người nhằm giúp vợ con và, cái chết này theo tôi, nó như một cái tát đánh thẳng vào mặt sự thối nát của bộ máy chính quyền này. Một chính quyền nhận tiền thuế từ dân, tiêu xài nó phung phí vào những dự án bỏ hoang, những tượng đài nghìn tỷ, rồi bỏ mặc dân phải tự tử vì quá nghèo khó, phải chọn cái chết khi không có được chiếc áo mới để đến trường.
Chúng ta đang mụ mị, đang được ru ngủ bằng những cụm từ hoa mỹ rằng, đất nước mình giàu đẹp, văn minh; đang hằng ngày được ăn món bánh vẽ thần thánh rằng, chúng ta sẽ xây dựng một xã hội mà ở đó không có người nghèo kẻ giàu, tất cả đều được sống sung sướng. Kết quả là gì? Chẳng có gì ngoài sự giả dối mà chúng ta đang được nhận ở đây cả.
Anh sinh viên thất nghiệp ở nước độc tài kia đã dùng mạng sống của mình bằng cách tự thiêu để khơi lên sự bất bình ở người dân, khiến họ đồng lòng đứng dậy để lật đổ nó. Nếu anh cứ sống lay lắt qua ngày, chọn cách bán vé số, phụ hồ, hay chấp nhận nó như là số phận thì liệu nó có đánh động được tiếng nói lương tri từ người dân không?
Cái chết của anh ấy nó mang lại hiệu quả thiết thực, còn cái chết của người chồng, người ta tội nghiệp này, rồi nó cũng sẽ giống như cái chết của hàng trăm nghìn người mắc ung thư, hay hàng chục nghìn người chết vì TNGT mỗi năm ở nước tôi. Nó sẽ đánh động hay làm thay đổi được lương tri bao nhiêu người, khiến họ phải có trách nhiệm cất tiếng nói cho chính cuộc sống của họ và đồng bào họ đây?
Ôi, mỗi lần đưa ra câu hỏi này là mỗi lần đau, câu trả lời sẽ dành cho ai nếu tôi, bạn, hay tất cả chúng ta đều xem nó như là một định mệnh nghiệt ngã của số phận!
nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2016/09/05/9877-cai-chet-cua-nguoi-dan-ong-o-hue-la-mot-cai-tat-danh-thang-vao-bo-mat-thoi-nat-cua-bo-may-chinh-quyen/