Hội đồng Liên tôn Việt Nam lên án nhà cầm quyền
Cát Linh, phóng viên RFA
Hội đồng Liên tôn Việt Nam vừa ra tuyên bố lên án chính sách đàn áp tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 71 năm cầm quyền. Tuyên bố ký hôm 30 tháng 8 vừa qua.
Mục đích
Theo nội dung của bản tuyên bố do Hội đồng Liên tôn Việt Nam đưa ra để nói về thực trạng tôn giáo trong nước trong 71 năm qua cho biết, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam luôn coi tôn giáo là những thế lực thù nghịch, các giáo hội là những thành phần cần phải tiêu diệt.
Linh mục Phe-ro Phan Văn Lợi, thành viên của Hội đồng liên tôn Việt Nam cho biết trong 71 Đảng Cộng sản đặt quyền cai trị lên đất nước, thì các tôn giáo là lực lượng luôn gây những lo lắng cho nhà cầm quyền. Theo linh mục, lý do vì tôn giáo là những thế lực tinh thần và là một sự cản trở đối với ách độc tài của Cộng sản, với chế độ vô luật và vô luân. Chính vì vậy, nhân dịp này Hội đồng liên tôn Việt Nam muốn nhìn lại 71 năm qua và những điểm chính, nhất là đối với thời điểm hiện tại, Đảng Cộng sản đã làm gì đối với các tôn giáo.
“Cái chủ trương của Cộng sản 71 năm qua như nhau đối với tôn giáo, luôn luôn làm cho tôn giáo phải bị tiêu diệt. Có nơi thì họ dùng bạo lực vũ khí, như bắt giam, thủ tiêu, quản thúc. Rồi có những trường hợp họ dùng bạo lực hành chánh, tức những luật lệ làm cho các tôn giáo, các chức sắc của tôn giáo bị tê liệt. Đó là mục đích của chúng tôi.”
Cái chủ trương của Cộng sản 71 năm qua như nhau đối với tôn giáo, luôn luôn làm cho tôn giáo phải bị tiêu diệt. Có nơi thì họ dùng bạo lực vũ khí, như bắt giam, thủ tiêu, quản thúc.
- LM Phan Văn Lợi
Trong bản tuyên bố nêu rõ những trường hợp của các chức sắc tôn giáo phải chịu nhiều sách nhiễu, đàn áp, bắt bớ hoặc cấm cản vô lý trong sinh hoạt tôn giáo và hoạt động cá nhân. Trường hợp mục sư Nguyễn Công Chính được nhắc đến trong bản tuyên bố và mục sư Nguyễn Hoàng Hoa nhấn mạnh thêm rằng.
“Bản án dành cho ông hết sức nặng nề. Có thể nói đây là một áp đặt lên để tiêu diệt giáo hội này ngay từ lúc đầu.”
Ông cho biết bản tuyên ngôn được những đại diện của năm tôn giáo ở Việt Nam đưa ra nhằm phản ảnh thực trạng và tình hình thực tế và khó khăn vẫn còn tồn tại.
“Bản tuyên bố cũng xin nói rõ lên để cho dư luận trong và ngoài cũng như các nước tự do về dân chủ nhân quyền và tôn giáo có sự cầu nguyện đặc biệt, phản ánh cho chúng tôi để chính phủ Việt Nam thay đổi chính sách tự do tôn giáo đúng nghĩa của nó.”
Bản tuyên bố của Hội đồng liên tôn Việt Nam lần này nhắc đến rất nhiều những trường hợp bị đàn áp, sách nhiễu đối với các chức sắc và hoạt động tôn giáo của các tôn giáo thuần tuý và độc lập ngoài sự quản lý của nhà cầm quyền. Theo Hoà thượng Thích Không Tánh, bên cạnh nội dung chính nói về dân chủ và nhân quyền thì thực tế trong 71 năm qua, không thể kể hết những việc sách nhiễu, xâm phạm, hoặc lấy đất đai của tôn giáo. Cụ thể là những sự việc diễn ra trong thời gian gần đây
“Nhân dịp rằm tháng 7 gần đây của bên Phật giáo thì công an bao vây, cô lập chùa Liên Trì, không cho phật tử đến lễ. Phía linh mục Phan Văn Lợi cũng bị công an giả dạng ném đồ dơ vào nhà. Phía chức sắc bên Phật giáo Hoà Hảo đi tham dự những khoá niệm Phật thì bị họ bao vây, hành hạ rất nặng nề.”
Ảnh hưởng
Thời gian qua, phản ứng của người dân trong nước thể hiện trong các hoạt động dân sự và diễn biến xã hội có thể thấy rằng, các tôn giáo đã có tiếng nói mạnh hơn và sự liên kết chặt chẽ, cụ thể là Hội đồng liên tôn quốc nội cùng với chức sắc của 5 tôn giáo lớn ở Việt Nam. Linh mục Phe-ro Phan Văn Lợi cho biết.
“Chúng tôi cố gắng liên kết với nhau và cố gắng có những lời nói, phát biểu, văn kiện chung để cho đồng bào thấy rằng tôn giáo cần phải đứng với nhau để lo việc đạo và việc đời. Không những đòi tự do tôn giáo mà còn tự do nhân quyền cho con người.”
Chúng tôi cố gắng liên kết với nhau và cố gắng có những lời nói, phát biểu, văn kiện chung để cho đồng bào thấy rằng tôn giáo cần phải đứng với nhau để lo việc đạo và việc đời.
- LM Phan Văn Lợi
Việc đoàn kết 5 tôn giáo trong Hội đồng liên tôn được Hoà thượng Thích Không Tánh nhìn nhận là một quá trình có nhiều khó khăn dưới chế độ độc tài toàn trị của nhà cầm quyền Việt Nam
“Bởi vì dưới chế độ tài toàn trị theo chủ trương duy vật vô thần của Cộng sản, nên bằng mọi cách họ cô lập, đánh phá và triệt tiêu hết tôn giáo chân truyền hoặc chính thống, độc lập nhằm mục đích để cho giao hội quốc doanh chịu thần phục dưới sự điều khiển của nhà cầm quyền Cộng sản thôi.”
Những năm gần đây, các tôn giáo đã lên tiếng rất nhiều về các hành vi bắt bớ không đúng pháp luật, những sách nhiễu, đàn áp bạo lực đối với tín đồ.
Linh mục Phan Văn Lợi cho biết “khi nhà nước Việt Nam ra Luật về tín ngưỡng tôn giáo, hoặc ra dự thảo Hiến pháp mới thì các tôn giáo đã phản bác rất mạnh mẽ.
Khó khăn
Những đàn áp do nhà cầm quyền Việt Nam áp dụng đối với các tìn đồ tôn giáo được Hội đồng liên tôn Việt Nam đề cập đến trong bản tuyên bố trên hai phương diện, lý thuyết và thực tế. Trong đó, Luật tôn giáo tín ngưỡng, một phương pháp mà Hoà thượng Thích Không Tính gọi đó là “cái vòng kim cô” dùng để đàn áp các tôn giáo được đặt ra như một khó khăn lớn cho tôn giáo Việt Nam. Ông nói:
“Đánh giá chung thì luật mới còn có thể khó khăn và khắc khe hơn. cho nên đa phần người ta nhận định là không có sự đổi mới hay không có sự thay đổi gì về luật tự do tín ngưỡng này. Nó gần như là một vòng kim cô hay cái dây tròng vào để thắt nút lại, để cuối cùng tất cả phải chịu cơ chế xin và cho. Chứ không thể có vấn đề tự do tối thiểu.”
Chúng tôi có tham khảo vì thấy có những điểm bất cập, không khác gì lắm với những văn bản và nghị định cũ.
- Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa có cùng nhận định:
“Chúng tôi có tham khảo vì thấy có những điểm bất cập, không khác gì lắm với những văn bản và nghị định cũ. Có những câu lúc đầu như mở nhưng rồi có những điều khoản chi tiết cột lại. Đây cũng không nằm ngoài cơ chế xin-cho như những văn bản cũ.”
Theo những vị chức sắc tôn giáo mà chúng tôi nói chuyện thì cho dù Luật Tín ngưỡng- tôn giáo trong thời gian tới sẽ là một trong những khó khăn cho sinh hoạt của của các tôn giáo tại Việt Nam, họ vẫn kiên định sống đạo, hành đạo và truyền đạo như tự bao đời nay nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.