SPIEGEL
Alexandra Berlin phỏng vấn
Nguyễn Văn Vui chuyển ngữ
Gần 73 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu cho Donald Trump, bất chấp những lời lẽ bạo lực và những phát ngôn gây tranh cãi của ông. Nhà xã hội học Arlie Hochschild (1) nghiên cứu về nhóm cử tri này và đưa ra những lý giải về sức hút của Trump đối với họ. Sau đây là nội dung bài phỏng vấn bà Hochschild:
Hỏi: Thưa bà Hochschild, trái với dự đoán, Donald Trump đã thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào thứ Ba vừa qua với đa số rõ ràng. Điều đó có khiến bà ngạc nhiên không?
Hochschild: Thú thật là tôi không nghĩ ông ấy sẽ thắng với cách biệt lớn như vậy. Việc này gần giống như một cuộc tiếp quản quyền lực.
Hỏi: Bà đang sống tại Berkeley, California, nơi bà đã giảng dạy nhiều năm. Hiện giờ bà và những người xung quanh cảm thấy như thế nào?
Hochschild: Nhiều người đang trải qua 5 giai đoạn đau buồn (2), hiện họ đang ở giai đoạn đầu tiên là phủ nhận. Họ không muốn tin rằng Trump lại làm tổng thống, rằng điều này thực sự đang xảy ra.
Hỏi: Còn bà thì đang ở giai đoạn nào?
Hochschild: Tôi đã vượt qua giai đoạn giận dữ và buồn bã, giờ tôi muốn giúp mọi người hiểu tại sao chúng ta lại rơi vào tình huống này.
Tôi thường nghe mọi người nói rằng tất cả những ai bỏ phiếu cho Trump đều là những người tồi tệ hoặc ngu ngốc. Nhưng có hơn 72 triệu người bầu cho ông ta – cách nhìn như vậy là không hợp lý và cũng không giúp chúng ta tìm ra giải pháp cho xã hội.
Hỏi: Thật khó hiểu khi Donald Trump, một người có tiền sử phạm tội, ca ngợi bạo lực và có những phát ngôn xúc phạm phụ nữ, lại giành được nhiều phiếu đến như vậy. Tại sao nhiều người lại bầu cho ông ta?
Hochschild: Để hiểu về cuộc bầu cử vừa qua, chúng ta cần quay lại một chút. Khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ có hiệu lực vào năm 1994, vô số nhà máy chuyển ra nước ngoài, dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở Mỹ, đặc biệt là những người ít học và không có bằng đại học, đa phần là người da trắng. Thất nghiệp lại kéo theo các vấn đề khác như cô đơn, nghiện rượu, ma túy và tỉ lệ tự tử cao.
Nhưng không giống như thời “Đại suy thoái” thập niên 1930, khủng hoảng lần này không ảnh hưởng đến toàn bộ dân chúng mà chỉ đến nhóm người có học vấn thấp. Song song đó, các công đoàn mất dần sức mạnh, trong khi người nhập cư tăng lên, tạo ra cảm giác bị thiệt thòi cho những người đàn ông vốn mất công ăn việc làm và địa vị xã hội. Phong trào quyền phụ nữ lại làm giảm vị thế của họ thêm nữa.
Hỏi: Những cảm giác thua thiệt này liên quan gì đến sự nổi lên của Donald Trump?
Hochschild: Nhóm người này cảm thấy xấu hổ về sự đi xuống của họ về mặt kinh tế và văn hóa – và khi đó, Trump xuất hiện. Trong nhiều câu chuyện cao bồi Mỹ, một chàng cao bồi bất ngờ xuất hiện, cưỡi ngựa đến cứu dân làng khỏi bọn cướp. Trump là một hình tượng như vậy trong mắt nhiều người. Ông ta khôi phục trật tự và có thể xóa tan cảm giác xấu hổ của họ.
Hỏi: Ông ta làm điều đó bằng cách nào?
Hochschild: Donald Trump đã khéo léo đánh vào nỗi xấu hổ của cả một tầng lớp trong xã hội: Công nhân da trắng, chiếm 42% dân số Hoa Kỳ. Trump biết chính xác cách nói chuyện với họ, và ông đã tìm ra một khuôn cách để giúp họ giải tỏa nỗi xấu hổ đó.
Hỏi: Khuôn cách đó ra sao?
Hochschild: Nó gồm bốn bước. Đầu tiên, Trump đưa ra phát ngôn gây tranh cãi, chẳng hạn như nói người nhập cư Haiti ở Springfield, Ohio ăn trộm thú cưng về ăn. Bước thứ hai, giới truyền thông và các chính trị gia phản đối và tố cáo Trump nói bậy. Bước thứ ba, Trump quay lại với những người ủng hộ mình, mang theo thông điệp: “Nhìn đi, các thế lực Establishment đang tấn công tôi, nhưng tôi kiên cường chống trả vì các bạn”. Bước thứ tư, Trump nổi giận và đấu lại giới truyền thông và những người chỉ trích, vu khống họ là một phần của “Deep State”.
Hỏi: Vâng, đó là một thuyết âm mưu về “Nhà nước ngầm“, bịa ra về một quốc gia trong một quốc gia, bao gồm một số người trong bóng tối, cấu kết với nhau để thống trị xã hội. Những xuyên tạc này ảnh hưởng thế nào đến những người ủng hộ Trump?
Hochschild: Họ cảm thấy tự hào. Đột nhiên, có một người đứng ra đấu thay cho họ. Trump đã biến nỗi xấu hổ của họ thành cảm giác phấn khích, như một loại thuốc chống trầm cảm.
Hỏi: Trong các bài phát biểu, Trump liên tục hứa sẽ trả thù. Ông ta muốn trả thù ai và vì điều gì?
Hochschild: Ông ta muốn trả thù cho những thiệt thòi mà nhóm người ủng hộ ông đã phải chịu, cho cảm giác xấu hổ của họ. Nhiều người ủng hộ Trump đến từ những nơi mà người ta tin rằng thành công hay thất bại là do tự thân. Trump đã lợi dụng điều này, biến sự xấu hổ thành căm hờn nhưng lại hướng căm hờn vào người nhập cư, người da đen, người theo đảng Dân chủ – những đối tượng bị đổ lỗi cho hoàn cảnh của họ. Điều này giống như ở Đức thập niên 1930, khi người Do Thái bị đổ lỗi cho tình trạng kinh tế suy sụp sau Thế chiến thứ nhất.
Hỏi: Nhưng không phải chỉ có tầng lớp công nhân mới bầu cho Trump lần này. Bà giải thích sao về hiện tượng này?
Hochschild: Có những người đóng thuế cao, họ bỏ phiếu cho Trump vì ông ta đã giảm thuế cho họ. Có những người ủng hộ than, dầu, họ hy vọng Trump sẽ nới lỏng các quy định bảo vệ khí hậu và sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Và có những người bỏ phiếu cho Trump vì cái mà tôi gợi là “nam tính”.
Hỏi: Họ là ai?
Hochschild: Ở Đại học Berkeley, nơi tôi giảng dạy, phụ nữ chiếm đa số, và đàn ông chỉ chiếm 43% số sinh viên. Họ cảm thấy bị suy giảm vị thế xã hội. Đàn ông, bất kể mức thu nhập nào, đều cảm nhận sự suy giảm này, và Trump trở thành giải pháp.
Hỏi: Đảng Dân chủ có thể làm gì để thu hút những cử tri này?
Hochschild: Đặc biệt, họ nên tiếp cận công nhân nhiều hơn. Kamala Harris rất tuyệt nhưng chủ yếu thu hút tầng lớp trung lưu. Điều tôi nhớ trong các bài phát biểu của Harris là bà đề cập rõ ràng đến thành phàn đàn ông da trắng và nói: Tôi sẽ là tổng thống của các bạn, tôi sẽ đấu tranh để các bạn trỗi dậy. Nhưng tất nhiên nhiều người vẫn không bầu cho bà ấy chính vì định kiến đối với phụ nữ vẫn tồn tại. Tôi nghĩ điều này đã đóng một vai trò quan trọng.
Hỏi: Tim Walz, phó tướng của Harris và thống đốc bang Minnesota, lẽ ra phải kêu gọi chính xác nhóm cử tri đàn ông da trắng này. Nhưng tại sao không thành công?
Hochschild: Walz đại diện cho mẫu đàn ông khác hẳn với Trump. Walz là hiện thân của một người cha tốt, chính trực, còn Trump là một tên hư hỏng. Và chính phẩm chất siêu nam tính này đã thu hút nhiều đàn ông.
Hỏi: Tại sao?
Hochschild: Trong cuốn sách đầu tiên của tôi, “Người nước ngoài trên đất nước của bạn”, tôi mô tả một câu chuyện mà tôi gọi là câu chuyện sâu sắc và điều đó giải thích cảm xúc của nhiều cử tri Trump. Nó diễn ra như thế này: Mọi người đang đứng xếp hàng để tiến đến giấc mơ Mỹ, nhưng phụ nữ, người da đen, người di cư lại vượt lên trước. Và sau đó Barack Obama trở thành tổng thống và tiếp tục thúc đẩy nhóm này.
Một người đàn ông ở Kentucky tôi gặp trong nghiên cứu nói rằng, câu chuyện này thiếu một điều: Donald Trump. Anh ta là kẻ bắt nạt, bảo vệ những người đã xếp hàng chờ đợi từ lâu, bằng bạo lực nếu cần thiết. Để thể hiện tính cách này, bạn phải là người toát ra sức mạnh và không chịu đựng bất cứ điều gì. Giống như Trump.
Hỏi: Ở Mỹ, không ai làm tổng thống quá hai nhiệm kỳ. Chủ nghĩa Trump có chấm dứt vào năm 2028 không?
Hochschild: Nếu Trump rời đi, phong trào này sẽ mất nhiều động lực. Tôi không nghĩ J.D. Vance, phó tướng của Trump, có đủ sức thu hút để kế nhiệm ông. Nhưng trước tiên chúng ta phải cố gắng đạt được điều đó – tôi phải nói rằng cảm giác của tôi về tương lai thật ảm đạm. Bây giờ chúng ta phải đối mặt với bài test khó, xem liệu cơ chế kiểm soát và cân bằng của nền dân chủ Mỹ có thể bảo vệ khỏi sự chuyên quyền lực hay không. Bốn năm tới sẽ rất khó khăn. Đảng Dân chủ phải thành công trong việc tự chuyển hóa và học cách nói ngôn ngữ của những người đã bỏ phiếu cho Trump.
Hỏi: Tại sao?
Hochschild: Bởi vì nếu chỉ nói “Trump là môt tên điên, và khi gã điên đó ra đi thì mọi chuyện sẽ ổn lại“, thì không đủ. Chúng ta phải tự hỏi: Tại sao người ta lại bỏ phiếu cho “kẻ điên”? Chỉ khi hiểu được điều này, chúng ta mới tìm ra giải pháp.
________
Chú thích:
(1) Arlie Russell Hochschild là giáo sư về xã hội học tại Đại học California, Berkeley. Cuốn sách của bà “Người nước ngoài ở đất nước của bạn” xuất bản năm 2016, trong đó bà đã phỏng vấn các cử tri bảo thủ ở Louisiana trong vài năm. Cuốn sách mới của bà “Niềm tự hào bị đánh cắp: Mất mát, xấu hổ và sự trỗi dậy của quyền” về cử tri ở miền đông Kentucky đã được xuất bản ở Hoa Kỳ hồi tháng 9 năm nay.
(2) Theo Elisabeth Kübler, khi có một sự mất mát lớn, chúng ta sẽ phải trải qua 5 giai đoạn đau buồn khác nhau: Chối bỏ, giận dữ, thương lượng, trầm cảm và chấp nhận.