LTS: Cuối tháng 9, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế công bố tài liệu nghiên cứu về 6 tổ chức tôn giáo và nguỵ tôn giáo phục vụ chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước Việt Nam. Chúng tôi sẽ đăng từng phần bản dịch tiếng Việt tài liệu quan trọng này để người Việt khắp nơi tiện tham khảo và tiếp tay phổ biến. Tài liệu này đánh dấu bước ngoặt đáng kể trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Khi các tổ chức làm trợ cụ đàn áp tôn giáo mất tác dụng, gọng kềm khống chế các nhóm tôn giáo độc lập sẽ bị đứt gãy và mất dần tác dụng. Tài liệu này được giới thiệu tại Hội Nghị Cấp Bộ Trướng Phát Huy Tự Do Tôn Giáo mới diễn ra ở Berlin, Đức.
3. Các Luật Chủ Chốt để Kiểm Soát Tôn Giáo
Mặc dù Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 [1] và Nghị định số 162/2017/ND-CP [2] cung cấp một khung pháp lý cho sự can thiệp của chính phủ vào đời sống tôn giáo, một số văn bản pháp luật khác cũng áp đặt thêm các quy định đối với hoạt động tôn giáo. Các văn bản này bao gồm Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014, Bộ luật hình sự năm 2015, và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018. Chính phủ cũng ban hành các nghị định để thực hiện và bổ sung cho các luật này và làm rõ quan điểm chính thức của họ. Ngày 31 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm đó đã ký Nghị định 1940/CT-TTG, khẳng định rằng các tài sản từng thuộc sở hữu của các tổ chức tôn giáo nhưng được nhà nước quản lý và sử dụng trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 sẽ được điều chỉnh theo hiện trạng. Chính sách “không trả lại” này về cơ bản đã hợp pháp hóa việc tịch thu tất cả các tài sản mà chính phủ đã lấy từ các tổ chức tôn giáo trước ngày 1 tháng 7 năm 1991.[3]
Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (LTNTG)
Điều 18 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị bảo vệ một cách rộng rãi quyền tự do tư tưởng, lương tâm, và tôn giáo hoặc niềm tin của mọi cá nhân, bao gồm "quyền tự do tư tưởng về mọi vấn đề, niềm tin của cá nhân và cam kết đối với tôn giáo hoặc tín ngưỡng." [4] Trong LTNTG 2016, chính phủ Việt Nam đã chọn thuật ngữ "Tin ngưỡng" cho khái niệm tín ngưỡng, thuật ngữ này truyền tải ý nghĩa "niềm tin vào các yếu tố thiêng liêng và siêu nhiên," loại trừ tư tưởng và/hoặc lương tâm. Diễn giải hạn hẹp này hạn chế quyền được nêu trong Điều 18, cho phép chính phủ đàn áp bất kỳ tín ngưỡng nào mà họ cho là gây hại cho ĐCSVN, trong khi lại mô tả LTNTG 2016 như là khung pháp lý thích hợp để thực thi tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.[5]
Quy trình thực thi LTNTG 2016 cho BTGCP quyền đơn phương từ chối bất kỳ cá nhân nào "không như ý muốn của họ" đảm nhiệm vị trí then chốt trong tổ chức hoặc nhóm đăng ký. Các khoản 1 và 2 của Điều 33 quy định rằng một tổ chức tôn giáo được công nhận phải cung cấp cho BTGCP danh sách các chức sắc tôn giáo họ bổ nhiệm để BTGCP phê duyệt trong vòng 20 ngày kể từ ngày bổ nhiệm. Điều 36 trao quyền cho BTGCP bãi nhiệm các chức sắc tôn giáo khỏi vị trí của họ thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát.
Chương IV và VI của Luật này bắt buộc các tổ chức tôn giáo phải đăng ký các hoạt động của mình với chính quyền địa phương, tỉnh, và trung ương, và phải hàng năm thông báo và xin phép chính quyền để được thực hiện các hoạt động tôn giáo đó. Điều 21 và 30 cho phép một tổ chức tôn giáo nộp đơn xin tư cách pháp nhân sau 5 năm hoạt động liên tục.[6]
Luật Đất đai năm 2013[7] và Luật Xây dựng năm 2014[8]
Điều 159 của Luật Đất đai năm 2013 định nghĩa thế nào là đất tôn giáo và trao quyền cho chính quyền cấp tỉnh (được gọi là “Ủy ban nhân dân”) quyết định những trường hợp này. Điều 103(2) của Luật Xây dựng năm 2014 quy định chính quyền cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép hay không cho phép xây dựng cơ sở tôn giáo. Các luật này quy định việc sử dụng đất cho các mục đích tôn giáo.
Bộ luật hình sự năm 2015[9]
Bộ CA sử dụng nhiều điều khoản trong Bộ luật hình sự để nhắm vào các nhóm tôn giáo độc lập, bao gồm Điều 113, quy định tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”; Điều 116, quy định tội “phá hoại chính sách đại đoàn kết”; Điều 117, quy định tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”; và Điều 331, quy định tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.” Chính phủ cố ý diễn giải rộng rãi vượt quá phạm vi của các điều khoản này, để cho phép họ truy tố những người ủng hộ tự do tôn giáo và/hoặc thực hành tôn giáo độc lập. Bộ CA cũng sử dụng các điều khoản này để nhắm vào các thành viên của các cộng đồng dân tộc tôn giáo thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018[10]
Điều 8 và 19 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 phân loại bí mật nhà nước thành ba cấp độ và cho phép bảo mật trong thời gian nhất định: tối mật (30 năm), mật (20 năm) và tuyệt mật (10 năm). Chính phủ có quyền gia tăng thời hạn bảo mật vô thời hạn.
Vào tháng 11 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào thời điểm đó đã công bố Quyết định 1722/QĐ-TTg,[11] khẳng định rằng ĐCSVN đã cài cắm đặc vụ vào các tổ chức tôn giáo. Quyết định này xác định rằng các thông tin liên quan đến những đảng viên “được lựa chọn, sắp xếp và tuyển dụng” bởi chính quyền trong các tổ chức tôn giáo là thông tin mật.
[1] Luật tín ngưỡng, tôn giáo (LTNTG) 2016
[2] LTNTG được Quốc hội thông qua ngày 18-11-2016. Chính phủ ban hành nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 nói rõ chi tiết một số các điều luật và cách thức thi hành LTNTG. Nghị định này có hiệu lực ngày 1-1-2018.
[3] Thông tin từ cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát LHQ, 2013.
[4] Phê bình tổng quát số 22.
[5] BPSOS, 2021.
[6] Đối với một nhóm không trực thuộc một tổ chức đã được đăng ký để được công nhận, nếu họ chỉ muốn thực hành tôn giáo của họ, họ phải nộp đơn với chính quyền địa phương, không phải vối BTGCP. Giấy phép sinh hoạt tôn giáo này chỉ có hiệu lực trong vòng một năm và nhóm sẽ phải nộp đơn lại mỗi năm.
[7] Luật Đất đai năm 2013.
[8] Luật Xây dựng năm 2014 (được tu chính vào năm 2020)
[9] Bộ luật Hình sự 2015.
[10] Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.
[11] Quyết Định 1722/QĐ-TTg 2020.