BPSOS
LTS: Cuối tháng 9, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế công bố tài liệu nghiên cứu về 6 tổ chức tôn giáo và nguỵ tôn giáo phục vụ chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước Việt Nam. Chúng tôi sẽ đăng từng phần bản dịch tiếng Việt tài liệu quan trọng này để người Việt khắp nơi tiện tham khảo và tiếp tay phổ biến. Tài liệu này đánh dấu bước ngoặt đáng kể trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Khi các tổ chức làm trợ cụ đàn áp tôn giáo bị vô hiệu hoá, gọng kềm khống chế các nhóm tôn giáo độc lập sẽ bị đứt gãy và mất dần tác dụng.
UỶ HỘI HOA KỲ VỀ TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ
TÔN GIÁO DƯỚI SỰ KIỂM SOÁT CỦA NHÀ NƯỚC VÀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
Tóm Lược 1
- Bối Cảnh Và Phương Pháp 4
- Các Cơ Quan Chính Kiểm Soát Tôn Giáo của Đảng và Chính Phủ 4
- Các Luật Chủ Chốt Để Kiểm Soát Tôn Giáo 7
- Các Chiến Lược Chính Để Kiểm Soát Tôn Giáo Của Chính Phủ 9
- Các Tổ Chức Tôn Giáo Bị Đặt Dưới Sự Kiểm Soát Của Nhà Nước 10
5.1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam 10
5.2. Chi phái Cao Đài 1997 16
5.3. Ban Trị sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo 20
5.4. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) 24
5.5. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) 30
5.6. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam 33 - Kết luận 38
TÓM LƯỢC
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) sử dụng các tổ chức tôn giáo do Nhà nước kiểm soát để kiểm soát đời sống tôn giáo và đe dọa, gây áp lực buộc các cộng đồng tôn giáo độc lập phải phục tùng. Tổ chức tôn giáo do Nhà nước kiểm soát là một nhóm hoặc tổ chức tôn giáo hoạt động dưới sự ảnh hưởng trực tiếp, chỉ huy, hoặc kiểm soát của chính phủ. Chính phủ có thẩm quyền rộng lớn đối với các tổ chức này, bao gồm việc bổ nhiệm các lãnh đạo, quản lý tài sản, thực hành tôn giáo, và thậm chí luôn cả việc diễn giải giáo lý. Tài liệu nghiên cứu này xem xét và đề cập đến sáu tổ chức tôn giáo do Nhà nước chỉ đạo và kiểm soát:
1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
2. Chi phái Cao Đài 1997;
3. Ban trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (GHPGHH) được công nhận;
4. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc);
5. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam);
6. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Phúc trình này mô tả phương cách Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Chính phủ Việt Nam sử dụng ba cơ quan chủ chốt của chính phủ, cùng với một số luật lệ và ba chiến lược chính để kiểm soát đời sống tôn giáo của người dân thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát.
Các cơ quan chính phủ chủ chốt gồm có:
1. Ban Tôn giáo Chính phủ;
2. Bộ Công an;
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các luật, bộ luật chủ chốt bao gồm:
1. Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016
2. Luật Đất đai năm 2013.
3. Bộ luật hình sự năm 2015.
4. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018.
Ba chiến lược kiểm soát gồm có:
- Thay thế: Chính phủ cấm các nhóm tôn giáo độc lập có từ lâu đời và tạo ra các tổ chức tôn giáo mới thay thế do nhà nước kiểm soát. Các tổ chức này bắt chước tên, cơ cấu và chức năng của các tổ chức tôn giáo gốc, nhưng được ĐCSVN và chính phủ chỉ đạo nhằm phục vụ lợi ích của Đảng và Nhà nước, không nhất thiết là phục vụ tôn giáo và các tín đồ. Các ví dụ bao gồm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chi phái Cao Đài 1997, và Ban trị sự Trung ương GHPGHH được chính phủ công nhận.
- Thoả hiệp/khuynh loát: Chính phủ khuyến khích tôn giáo tuân thủ các chính sách của nhà nước bằng cách trao cho các tổ chức tôn giáo hiện hữu sự công nhận pháp lý, nới lỏng các hạn chế về hoạt động tôn giáo, cấp phép xây dựng cơ sở thờ tự và gia tăng các lợi ích khác. Các thành viên và lãnh đạo của tôn giáo có thể cho rằng hoạt động trong hệ thống chính phủ kiểm soát chặt chẽ là cách duy nhất và tốt nhất để thực hành đức tin của họ. Ví dụ gồm có: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam).
- Xâm nhập: Chiến lược này được sử dụng khi chính phủ không thể kiểm soát hoàn toàn một nhóm tôn giáo do nhóm này có liên kết với tổ chức ở ngoài biên giới Việt Nam. Vì vậy Chính phủ thành lập và sử dụng một tổ chức tôn giáo giả mạo mà các thành viên cũng đồng thời là thành viên của tổ chức tôn giáo thực sự. Các thành viên này có thể được sử dụng để diễn giải giáo lý và thực hành tôn giáo phù hợp với chương trình chính trị và chính sách của ĐCSVN. Một ví dụ của chiến lược này là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thông qua các luật và chiến lược kiểm soát này, cùng với các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát và các nghi lễ, lễ hội, và cách thờ tự đã được nhà nước phê duyệt, chính phủ Việt Nam cố gắng cho quốc tế thấy họ tôn trọng và bảo vệ các tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo. Đồng thời, chính phủ cũng đánh lạc hướng sự chú ý của quốc tế về các vi phạm tự do tôn giáo hoặc niềm tin mà họ gây ra như: quấy rầy, đe dọa, giam giữ, bỏ tù, tịch thu tài sản, phạt tiền và các hành vi bức hại khác để đàn áp các tổ chức và hoạt động tôn giáo độc lập.