Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tại LHQ ngày 27/9/2024, tại buổi họp thông qua báo cáo UPR Việt Nam (chụp màn hình từ UN Web TV).
Hải Di Nguyễn
Mạch Sống Media
Ngày 27/9/2024 vừa qua, báo cáo của Tổ Công tác về Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) với Việt Nam đã được thông qua tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trong tổng số 320 khuyến nghị từ các quốc gia khác, Việt Nam đã chấp nhận 271 khuyến nghị, tức là 85% (253 chấp nhận hoàn toàn, 18 chấp nhận một phần), và không chấp nhận 49 khuyến nghị.
Vì công việc của BPSOS tập trung vào quyền tự do tôn giáo và quyền người bản địa, bài viết sẽ nhắm vào hai khía cạnh này.
Vậy có gì đáng chú ý?
Trước tiên, UPR là gì?
UPR (còn dịch là Rà soát Định kỳ Phổ quát) là một cơ chế đánh giá định kỳ hồ sơ nhân quyền của tất cả 193 quốc gia thành viên của LHQ.
Khác với những phiên rà soát về việc thực thi các công ước quốc tế (như chống tra tấn, xóa bỏ kỳ thị chủng tộc, xóa bỏ phân biệt phụ nữ, v.v.), kiểm điểm UPR không phải là do một ủy ban LHQ thực hiện, mà do các quốc gia rà soát lẫn nhau, trên nguyên tắc mọi quốc gia thuộc LHQ đều bình đẳng.
UPR đánh giá hồ sơ nhân quyền mỗi quốc gia dựa theo những quyền được quy định trong:
- Hiến chương LHQ
- Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
- Các công ước về nhân quyền quốc gia đó đã ký
- Các cam kết tự nguyện của quốc gia đó (như chính sách hoặc chương trình về nhân quyền)
- Luật nhân đạo quốc tế hiện hành
Việc rà soát dựa theo:
- Thông tin do chính nhà nước bị rà soát cung cấp, trong báo cáo quốc gia
- Thông tin trong báo cáo của các chuyên gia và nhóm nhân quyền độc lập, như các cơ quan công ước nhân quyền, các ủy ban của LHQ, v.v.
- Thông tin từ các bên liên quan khác, bao gồm cơ quan nhân quyền quốc gia và các tổ chức phi chính phủ hay tổ chức XHDS
Trong đợt rà soát UPR 2024, BPSOS đã nộp 4 báo cáo cho LHQ, và trong tháng 2/2024 đã cử người phát biểu tại buổi họp tiền kiểm điểm của UPR, có sự tham dự của đại diện nhiều chính quyền, bao gồm Việt Nam.
Các khuyến nghị về tự do tôn giáo
Tại UPR năm 2024, có 6 quốc gia nhắc trực tiếp tới quyền tự do tôn giáo: Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Hoa Kỳ, Cyprus, Đan Mạch, Ý, và Vương quốc Anh.
Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất khuyến nghị chung chung “thúc đẩy bình đẳng giữa các tôn giáo, và tạo điều kiện để các tôn giáo đóng góp phát triển quốc gia.” Việt Nam chấp nhận.
Cyprus cũng nói chung chung: “thực hiện các bước lập pháp để bảo đảm tự do tôn giáo hay niềm tin.” Việt Nam chấp nhận.
Ý khuyến nghị “rút bỏ các rào cản với tự do tôn giáo hay niềm tin, và xử lý mọi hành động phân biệt hay bạo lực với các nhóm tôn giáo hay sắc tộc thiểu số.” Việt Nam chấp nhận.
Khuyến nghị của Đan Mạch và Vương quốc Anh, Việt Nam chấp nhận một phần. Với Đan Mạch, Việt Nam chấp nhận “cho phép mọi tổ chức tôn giáo độc lập được tự do thực hành tôn giáo”, nhưng không chấp nhận “sửa đổi Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo.” Với Vương quốc Anh, Việt Nam chấp nhận “thực hiện các bước để bảo đảm tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do tôn giáo”, nhưng không chấp nhận “cải cách Điều 117 và Điều 331 của Bộ luật Hình sự.”
Hoa Kỳ khuyến nghị “Sửa đổi Điều 117 và 331 để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp ôn hòa, và tự do tôn giáo hay niềm tin.” Việt Nam không chấp nhận. Hoa Kỳ khuyến nghị “ngay lập tức chấm dứt cưỡng ép thành viên các nhóm tôn giáo không đăng ký phải bỏ đạo, và sửa đổi Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo để tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam.” Cũng không chấp nhận.
Điều 117 (“Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCNVN”) và Điều 331 (“Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”) là hai điều luật nhà nước Việt Nam thường xuyên sử dụng để bắt bớ và giam cầm các nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền, bao gồm các nhà hoạt động về tự do tôn giáo.
Các khuyến nghị về quyền người bản địa
4 quốc gia nhắc tới người bản địa.
Luxembourg khuyến nghị “thực hiện các Nguyên tắc Hướng dẫn của LHQ về Kinh doanh và Nhân quyền, đặc biệt với sự tham gia của người bản địa”. Việt Nam chấp nhận.
Việt Nam không chấp nhận khuyến nghị của Mexico, “công nhận người bản địa”, nhưng chấp nhận khuyến nghị của Senegal, “thúc đẩy quyền lợi người bản địa.”
Với Costa Rica, Việt Nam chấp nhận khuyến nghị “bảo đảm quyền lợi người thiểu số,” nhưng không chấp nhận “công nhận người bản địa, bao gồm người Khmer Krom, H’mông (sic), và người Thượng.”
Một số quốc gia nhắc tới vấn đề các sắc tộc thiểu số (y tế, giáo dục, ngôn ngữ, hỗ trợ pháp lý, mức sống, v.v.): Slovenia, Palestine, Thái Lan, Yemen, Zimbabwe, Armenia, Cameroon, Djibouti, Hungary, Ý. Tất cả những khuyến nghị này, Việt Nam chấp nhận.
Làm gì tiếp theo?
TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, phát biểu về đàn áp tôn giáo ở Việt Nam tại buổi họp ngày 27/9/2024.
Thứ nhất, người Việt có thể bám vào những cam kết của Việt Nam tại UPR để yêu cầu chính quyền thực hiện các nghĩa vụ quốc tế: tại sao các tổ chức tôn giáo độc lập không được thờ phượng? Tại sao chính quyền không xử lý những cá nhân và tổ chức chà đạp lên quyền tự do tôn giáo của người khác? Tại sao hệ thống giáo dục có sự phân biệt rõ ràng giữa người Kinh và các sắc tộc khác, không tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa của người Thượng, người H’mông, hay người Khmer Krom? v.v.
Thứ hai, các nhà hoạt động nhân quyền và các tổ chức XHDS có thể nhắc tới các cam kết này và tiếp tục vạch trần tình trạng nhân quyền của Việt Nam tại các diễn đàn khác, các cơ chế nhân quyền khác của LHQ.
Thứ ba, người Việt hải ngoại có thể xem chính quyền nước sở tại của mình đặc biệt quan tâm tới những vấn đề nào, để tiếp tục vận động, tiếp tục kêu gọi họ theo dõi những khía cạnh đó về nhân quyền ở Việt Nam.
Chẳng hạn, Vương quốc Anh đưa ra 3 khuyến nghị, về các tổ chức phi chính phủ; về án tử hình; và về quyền tự do ngôn luận, lập hội, và tôn giáo, và Điều 117 và 331.
Thứ tư, các nhà hoạt động sẽ phải theo dõi, từ giờ đến UPR lần sau, Việt Nam thực hiện hoặc không thực hiện các khuyến nghị như thế nào.
BPSOS đã tổ chức khoá huấn luyện về báo cáo vi phạm nhân quyền theo tiêu chuẩn và thể thức của LHQ.
Xem báo cáo của Tổ Công tác UPR tại đây, trong đó có danh sách 320 khuyến nghị.
Xem các câu trả lời của nhà nước Việt Nam tại đây.
Xem lại phiên Kiểm điểm UPR.
Xem buổi họp thông qua báo cáo của Tổ Công tác UPR ngày 27/9/2024.