Tổ chức phi chính phủ gửi thư ngỏ đề nghị Mỹ và các nước
phương Tây cấm vận TBT Tô Lâm
RFA
Một nhóm gồm sáu tổ chức phi chính phủ vào ngày 23/9 đã công bố một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng lãnh đạo các nước phương Tây khác, đề nghị điều tra và có biện pháp cấm vận đối với tướng Công an Tô Lâm - người vừa trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/8 vừa qua.
Ông Tô Lâm - người đồng thời cũng là Chủ tịch nước Việt Nam - đang có chuyến thăm New York, Mỹ, để dự hội nghị tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi ông có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới hôm 22/9.
Bức thư ngỏ được gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Anh Anthony Albanese, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Charles Michel.
Các nhóm tham gia bức thư bao gồm Việt Tân, Hội Anh Em Dân Chủ, ACAT tại Bỉ, Pháp và Đức đã liệt kê trong bức thư năm điểm đáng chú ý về vấn đề vi phạm nhân quyền mà ông cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã thực hiện bao gồm: bắt cóc quốc tế, sử dụng bạo lực với dân, đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội, bắt các nhà hoạt động phải sống lưu vong, kẻ thù của internet.
Những vụ bắt cóc quốc tế có sự tham gia của ông Tô Lâm được nêu trong thư bao gồm: vụ bắt cóc cựu quan chức Chính phủ Việt Nam Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi năm 2017, blogger của RFA Trương Duy Nhất ở Thái Lan năm 2019, và nhà báo tự do Đường Văn Thái ở Thái Lan năm 2023.
“Những hành động này là những vi phạm trắng trợn luật quốc tế - xâm phạm chủ quyền của nước khác và bất chấp các quyền con người cơ bản” - bức thư có đoạn viết.
Trong phần tố cáo ông Tô Lâm sử dụng bạo lực với người dân, các tổ chức phi chính phủ đề cập đến vụ cưỡng chế đất gây chết người ở ngoại thành Hà Nội vào tháng 1/2020 khi công an huy động lực lượng hàng ngàn người đến cưỡng chế đất đang tranh chấp, dẫn đến cái chết của cụ ông Lê Đình Kình. Những đàn áp đối với người thiểu số đặc biệt là người Thượng ở Tây Nguyên, bắt họ bỏ đạo, cũng được đề cập.
Liên quan đến việc đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội dân sự, theo bức thư, dưới thời ông Tô Lâm làm Bộ trưởng Công an, hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, hoạt động xã hội, blogger đã bị bắt giữ tuỳ tiện và kết án tù.
“Kể từ năm 2016, các nhà hoạt động Việt Nam phải chịu các án tù dài chỉ đơn giản bởi vì họ thực hiện các quyền tự do phát biểu và tự do hội họp như đã ghi nhận trong văn thư của Nhóm Làm việc của LHQ về bắt giữ tuỳ tiện” - theo nội dung thư ngỏ.
Ông Tô Lâm cũng bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm “bắt buộc hàng chục nhà hoạt động phải sống lưu vong”.
Theo nội dung thư: “lo sợ bị bắt giữ, tra tấn, kết án, nhiều người lên tiếng về nhân quyền đã phải chạy khỏi Việt Nam, bỏ lại phía sau nhà cửa, gia đình để tị nạn ở nước ngoài”.
Trong phần về kẻ thù internet, bức thư tố cáo đội ngũ an ninh của ông Tô Lâm đã gây sức ép bắt các công ty nước ngoài phải kiểm duyệt nội dung mạng xã hội và nhắm mục tiêu vào những người bất đồng chính kiến trên mạng.
Các tổ chức tham gia ký thư ngỏ thúc giục chính phủ Mỹ và các nước phương Tây có hành động kiên quyết đối với các hành vi phạm tội của ông Tô Lâm với các biện pháp bao gồm sử dụng luật nhân quyền Magnitsky và các điều luật tương tự, đóng băng tài sản của ông Tô Lâm và cấm ông Tô Lâm vào nước khác, lên án công khai các hành vi vi phạm của ông Tô Lâm và ủng hộ cho những người Việt Nam đang là nạn nhân của các hành vi này.