Báo cáo viên LHQ: Chính phủ cần đảm bảo sự tham gia tự do của dân trong xây dựng chính sách!
RFA
Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển của Liên Hiệp quốc (LHQ), tiến sĩ Surya Deva đưa ra nhiều khuyến cáo cho Chính phủ Việt Nam, trong đó có khuyến nghị bảo đảm quyền tham gia của người dân trong quá trình phát triển.
Ông Surya Deva, người có chuyến viếng thăm Việt Nam vào giữa tháng 11 năm ngoái, có buổi trình bày ngắn về kết quả chuyến thăm trong buổi họp chiều 18/9/2024 (giờ Geneva) trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại trụ sở của tổ chức này ở Thuỵ Sĩ.
Ông ngợi khen Việt Nam trong việc phát triển kinh tế và thực hiện các chương trình an sinh xã hội cũng như có những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trong một số lĩnh vực như giảm nghèo, cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh, phát triển cơ sở hạ tầng phục hồi và thúc đẩy đổi mới. Ông cũng đánh giá cao về cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều mà Chính phủ Việt Nam đã áp dụng.
Người dân cần có vai trò trong xây dựng chính sách
Trong báo cáo của ông về chuyến thăm Việt Nam, tiến sĩ Surya Deva nói ông đã được nhiều viên chức chính phủ chia sẻ về tầm quan trọng của việc đảm bảo sự tham gia toàn diện của tất cả mọi người, bao gồm cả các nhóm yếu thế hoặc dễ bị tổn thương, khi thông qua hoặc sửa đổi luật, xây dựng chính sách và phê duyệt các dự án.
Tuy nhiên, trong các cuộc gặp với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ… ở bốn tỉnh thành mà ông đến thăm, ông Surya nhận được thông tin rằng các nhóm đối tượng trên và các tổ chức phi chính phủ thường không thể tham gia vào các quá trình ra quyết định một cách chủ động, tự do và có ý nghĩa.
"Mặc dù các cuộc tham vấn thường được tiến hành bởi nhiều cơ quan chính phủ khác nhau, nhưng chúng thường không có ý nghĩa trong thực tiễn," ông viết trong báo cáo được Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố trong tuần này.
Phản hồi báo cáo của tiến sĩ Surya Deva, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Geneva khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm quyền phát triển.
Đại sứ Dũng nói nước này luôn đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược phát triển, với tư cách là chủ thể, động lực và người thụ hưởng.
Ông nói Việt Nam không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ luôn coi trọng việc tạo điều kiện cho người dân tham gia và đóng góp vào mọi quá trình xây dựng và thực hiện chính sách với khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng lợi.”
Bình luận về phát biểu của Đại sứ Dũng, một nhà hoạt động ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 20/9:
“Ông đại sứ nói Việt Nam không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, nhưng sau trận bão Yagi và lũ quét ở nhiều nơi của miền Bắc thì mọi người đều nhìn thấy cái giá của việc phát triển nóng bất chấp tàn phá môi trường, kết quả là môi trường bị tàn phá mà mục tiêu phát triển không đạt được."
Người này cho biết thêm, người dân hoàn toàn không có vai trò gì trong việc xây dựng chính sách ở mức độ địa phương hay quốc gia.
Nhà hoạt động này nói rằng chính quyền một số địa phương hay cơ quan cũng tổ chức lấy ý kiến người dân một cách hình thức, những ý kiến trái chiều sẽ được giữ lại làm bằng chứng chống lại người đưa ra ý kiến đó.
Cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Huệ cho rằng những phản hồi của Đại sứ Dũng là một sự dối trá trong khi nhà nước độc đảng ở Việt Nam đã che giấu toàn bộ sự thật với thế giới về mức độ tàn ác của họ đối với người dân.
Bà nói với RFA trong ngày 20/9:
“Tất cả các hội nhóm ban ngành được lập ra chỉ để hưởng lương và làm theo chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền cho bộ máy của Đảng còn nhân dân bị gạt ra rìa trong việc bầu chọn người lãnh đạo cũng như quá trình xây dựng đất nước."
Bà cho biết vụ việc gần đây nhất là sau khi Thái Nguyên bị lũ quét và sạt lở đất, một số người dân lên tiếng về quản lý của địa phương trong việc cứu trợ người bị ảnh hưởng cũng như một số tiêu cực ở địa phương. Liền sau đó, họ bị công an địa phương “mời” làm việc về phát ngôn của họ trên mạng xã hội.
Sử dụng luật để đàn áp bất đồng chính kiến
Trong báo cáo về chuyến thăm Việt Nam, tiến sĩ Surya Deva nêu quan ngại về việc Chính phủ sử dụng có chọn lọc các điều khoản của Bộ luật Hình sự như Điều 117 “tuyên truyền chống nhà nước” và Điều 331 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để nhắm vào những tiếng nói chỉ trích các quyết định và chính sách của chính phủ.
Ông cũng nói Chính phủ kiểm soát đáng kể việc đăng ký và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và có các yêu cầu nghiêm ngặt về việc phê duyệt tất cả các cuộc tụ họp, cuộc biểu tình và cuộc diễu hành công khai...
Ngoài ra, họ còn áp đặt nhiều hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, kể cả trên không gian mạng. Không gian dân sự đang bị thu hẹp và việc Việt Nam sử dụng luật có chọn lọc để nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền có tác động làm giảm nhiều cơ hội tham gia khác nhau.
Ông khuyến nghị Việt Nam ân xá hoặc giảm án cho tất cả người hoạt động môi trường đang bị cầm tù đã nêu lên những lo ngại hoặc khiếu nại hợp pháp một cách ôn hòa và thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy nhân quyền của tất cả mọi người.
“Cân nhắc rằng Việt Nam chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, chính phủ nên hợp tác với các đối tác phát triển và những người bảo vệ nhân quyền về môi trường để xây dựng khả năng phục hồi và đạt được quá trình chuyển đổi điều chỉnh sang nền kinh tế xanh,” ông nói trong cuộc họp chiều thứ Tư.
Sau cuộc họp ở Geneva, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin nhưng chỉ đưa ra lời ngợi khen và các đánh giá tích cực của Báo cáo viên về quyền phát triển, và hoàn toàn lờ đi các đánh giá khách quan và khuyến cáo của ông liên quan đến quyền tự do ngôn luận, hội họp và không gian dân sự.
Tuy nhiên, phía Việt Nam cũng cho rằng chuyến thăm của ông Surya Deva đã diễn ra thành công và đánh giá cao đối thoại mang tính xây dựng với Báo cáo viên đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi thông tin về hiện thực hóa quyền phát triển và các Mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam.