Chuyên gia nhân quyền: Chính phủ Việt Nam sử dụng án tử hình
để khủng bố người dân
RFA
Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia còn áp dụng án tử hình, chuyên gia nhân quyền cho rằng chế độ độc đảng ở Hà Nội sử dụng án tử hình như là công cụ để khủng bố người dân.
Theo phúc trình Vấn đề án tử hình năm 2024 của Tổng thư ký LHQ cho kỳ họp đầu tháng 9 này, đã có 170 quốc gia không còn áp dụng án tử hình hoặc đã dừng thi hành án tử hình trong hơn 10 năm qua.
Việt Nam là một trong số các quốc gia còn lại vẫn còn áp dụng án tử hình cho 18 tội danh theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), và là quốc gia áp dụng án tử hình đối với tội danh tham nhũng và hối lộ.
Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố phúc trình trên vào ngày 31/8, cho biết Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia không công khai số lượng người bị kết án tử hình và số người bị thi hành án tử hình, cho dù báo chí nhà nước vẫn có đưa thông tin riêng lẻ về các vụ án có bị cáo kết tội tử hình.
Việt Nam được cho là đã tuyên án tử hình ít nhất 34 người vì các tội liên quan đến ma túy trong năm 2023.
Tòa án Việt Nam cũng kết án tử hình đối với tội danh phi bạo lực như "tham ô tài sản" đối với bà Trương Mỹ Lan - nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo của LHQ nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Cơ quan này thường không trả lời câu hỏi của RFA.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, tổ chức có đóng góp cho báo cáo về vấn đề tử hình ở Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 03/9:
“Tại Việt Nam hiện nay, khi một nhà nước toàn trị cai trị bằng bạo lực và khủng bố thì án tử hình là một công cụ hữu hiệu nhất để gây khủng bố, để làm người dân sợ.”
Do vậy, theo ông, việc bãi bỏ án tử hình ở Việt Nam là một điều khó xảy ra khi chế độ chính trị không thay đổi.
Báo chí nhà nước đưa tin năm 2023, một toà án ở Nghệ An kết án 6 bị cáo tử hình trong vụ án ma tuý. Một vụ án khác năm 2021 ở Sơn La, 10 bị cáo lĩnh án tử hình cũng vì mua bán trái phép hơn 21kg ma túy. Đặc biệt, tháng 11 năm ngoái, cũng vì hành vi trên mà 18 người bị tuyên tử hình trong một vụ án ở thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Tùng, việc kết án tử hình ở Việt Nam là một vấn đề lớn, đặc biệt sai sót trong quá trình tố tụng còn nhiều, và cho dù Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tân (CAT) nhưng vấn nạn này vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương.
Ông nói:
“Thủ tục tố tụng hình sự đưa đến án tử hình còn nhiều khiếm khuyết, chẳng hạn như các vụ án của Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Đặng Văn Hiến, Lê Văn Mạnh, rồi vụ án Đồng Tâm cũng vậy.”
Hồi tháng 9 năm ngoái, công an tỉnh Hòa Bình thi hành án tử bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với ông Lê Văn Mạnh (sinh năm 1982) bất chấp việc ông và gia đình kêu oan trong suốt hơn 18 năm qua.
Vụ việc đã vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức quốc tế và báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc.
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, một chuyên gia về thương mại quốc tế và có nhiều năm giảng dạy về lĩnh vực này tại nhiều trường Đại học ở Việt Nam, cho biết bà không ủng hộ việc áp dụng án tử hình, vì nó trái với quy luật tự nhiên.
Bà nói với RFA:
“Trong quy luật của tự nhiên thì việc quan trọng nhất đó là các loài vật không được xâm phạm đến quyền sống của nhau và đặc biệt là không được xâm phạm đến cuộc sống của đồng loại. Án tử hình là điều hoàn toàn đi ngược lại với tự nhiên.”
Theo bà, nếu vẫn chưa bỏ được án tử hình thì phải áp dụng một cách hạn chế và chặt chẽ.
Trong Chương An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự hiện nay có tới sáu tội danh có áp dụng án tử hình mà theo bà Ánh thì các điều luật này mơ hồ và khó hiểu. Bà nói:
“Những tội danh để quy định về án tử hình rất mập mờ và khó hiểu trong trường hợp của Việt Nam ở đây và những cái mà hôm nay mà chúng ta có thể quy kết là tội tử hình nhưng ngày mai có thể được quy kết là anh hùng.”
Đề nghị xem xét hủy bỏ việc áp dụng án tử hình với các tội danh liên quan đến tư tưởng và tiền bạc, bà cho rằng án tử hình "có vẻ giải quyết được vấn đề tức tối của xã hội với một số tội nhất định nhưng về lâu dài thì nó có hại cho chính xã hội đó".
Những tác hại của việc vẫn áp dụng hình phạt từ hình theo bà Ánh, đó là tâm lý đè nặng lên tử tù và gia đình của họ, đặc biệt trong trường hợp oan ức. Bên cạnh đó, việc giam giữ tử tù lâu dài và chi phí cho việc thi hành án tử hình cũng tốn nhiều nguồn lực của Nhà nước.