Nguy Hiểm Của Miễn Truy Tố
Hình Amazon.com
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tòa án tối cao của Hoa Kỳ vừa đưa ra bản án là ông Trump được quyền miễn truy tố nếu hành động của ông dính dáng đến chức vụ điều hành quốc gia của ông.
Đây là một bản án nguy hiểm với lý luận không có cơ sở và sẵn sàng để cho Trump hoặc bất cứ cá nhân thiếu Nhân Cách, Nhân Phẩm, Nhân Tri, Nhân Trí, Nhân Tâm trong tương lai toàn quyền thực thi những điều đi ngược lại bản Hiến Pháp hoặc vi phạm luật pháp nhưng không bị truy tố bởi thực hiện trách nhiệm trong cương vị của tổng thống.
Thay vì nhìn vấn đề ở dạng tổng thể là hành động của vị tổng thống, trong những quyết định để hoàn thành trách nhiệm, mục đích để phục vụ ai. Nếu hành động (hay quyết định) là để phục vụ quyền lợi cá nhân, lợi ích cá nhân thì cho dù quyết định đó nằm trong trách nhiệm của vị tổng thống, vẫn phải bị truy tố vì đã vi phạm luật. Thí dụ: tổng thống có quyền ân xá tội phạm. Nhưng nếu tổng thống dùng cái quyền này để nhận tiền hối lộ từ gia đình của tội phạm được ân xá thì tổng thống vẫn phải bị truy tố. Hoặc tổng thống hứa hẹn ai đó sẽ được ân xá nếu cá nhân đó ám sát một người mà tổng thống không thích -- thì sự ân xá này đã vi phạm luật pháp, khuyến khích tội phạm xảy ra cho quyền lợi của tổng thống và sẽ được ân xá.
Vị tổng thống có quyền kêu gọi cơ quan tư pháp thực hiện những biện pháp để bảo vệ an ninh cho người dân. Nhưng lợi dụng quyền này, tổng thống ra lệnh Bộ Tư Pháp phải tìm đủ mọi cách để sách nhiễu một nhóm nào nó mà tổng thống không thích thì hành động này vi phạm luật pháp cho dù là trách nhiệm của một vị tổng thống đối với Bộ Tư Pháp.
Khi luật sư của Trump, trước các vị thẩm phán, cho rằng nếu Trump ra lệnh nhóm đặc nhiệm Seal Team 6 để ám sát đối thủ của mình thì vẫn không bị truy tố bởi đang ở cương vị tổng thống. Và khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chấp nhận lý luận này thì đất Mỹ đang bước vào thời kỳ nguy hiểm bởi sẽ có những kẻ gian ác như Trump, lợi dụng quyết định của tòa án này để làm những chuyện như vua chúa thời xưa đã từng làm mà không hề bị luận tội.
Đã có vài dân biểu đề nghị sửa tu chỉnh án (sửa đổi Hiến Pháp) để chống lại quyết định sai trái của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ; nhưng điều này là điều không tưởng bởi tình trạng đảng tranh trong Quốc Hội, trong các tiểu bang, sẽ không bao giờ có một tu chỉnh án nào xảy ra, đặc biệt tu chỉnh án giới hạn quyền hành của vị tổng thống.
Khi Tòa Án Tối Cao của Hoa Kỳ bật đèn xanh cho Trump hay cho tất cả những vị tổng thống tương lai được quyền miễn truy tố trong cương vị tại chức thì chính tòa án Hoa Kỳ đã mở cổng “độc tài” (authoritarian) cho vị tổng thống tương lại thực hiện những chuyện đi ngược lại luật pháp, nhân tính mà vẫn không bị xử án.
Nếu vị tổng thống kêu gọi (ra lệnh) người ủng hộ mình (hay cơ quan FBI, Seal Team 6), ám sát các vị thẩm phán trong Tối Cao Pháp Viện, hay ám sát các vị trong Quốc Hội thì vẫn không bị truy tố bởi bản án do Tối Cao Pháp Viện đưa ra trong tháng 7 năm 2024.
Ai bảo rằng hệ thống chính trị Tam Quyền Phân Lập của Mỹ hiệu quả thì cần phải đánh giá lại. Ai sẽ điều chỉnh sai lầm của Tối Cao Pháp Viện trước những bản án sai trái mà vì tinh thần đảng tranh, Tối Cao Pháp Viện đã tạo ra tiền lệ để các vị tổng thống tương lai của Mỹ làm những chuyện phi pháp mà không bị truy tố? Quốc Hội ư? Đây là điều không tưởng và sẽ không xảy ra với hiện trạng đảng tranh, còn đảng còn mình đang xảy ra trong hệ thống sinh hoạt xã hội, chính trị của Mỹ.
Buồn thay cho hệ thống sinh hoạt chính trị của Mỹ, từ một hệ thống hiệu quả bởi những Con Người có nhân cách lãnh đạo nay trở thành một hệ thống với những con người thiếu nhân cách, sẵn sàng gian dối gồm cả những người trong Tối Cao Pháp Viện. Một hệ thống tốt nhưng không có Con Người tốt thì hệ thống đó chỉ có giá trị trên mặt giấy tờ chứ không thực tế. Dĩ nhiên hệ thống Tam Quyền Phân Lập của Mỹ trong quá khứ thành công vì có những Con Người tốt nằm ở các vị trí quan trọng của đất nước. Còn hiện giờ, trong thế kỷ 21 này, toàn bộ hệ thống chính trị của Mỹ là đảng tranh với những con người thiếu Nhân Phẩm, Nhân Cách, Nhân Sinh, Nhân Tri, Nhân Tâm.