Y Quynh Bdap và người Thượng:
LHQ cáo buộc gì với Việt Nam và Thái Lan?
Anh Y Quynh Bdap là người Êđê theo đạo Tin lành, tỵ nạn tại Thái Lan từ năm 2018 - Hình từ bài chủ.
Hải Di Nguyễn
Mạch Sống Media
Ngày 24/6/2024 vừa qua, một số Báo cáo viên Đặc biệt LHQ đã gửi thư chung tới chính phủ Việt Nam và tới chính phủ Thái Lan về trường hợp anh Y Quynh Bdap, một số vấn đề khác liên quan tới người Thượng, và việc cảnh sát Thái Lan hợp tác với công an Việt Nam.
Sau hạn định 60 ngày, chính phủ Thái Lan lẫn Việt Nam đều không đáp trả.
LHQ hiện nay đã công bố hai bức thư.
Ai ký tên hai bức thư cáo buộc?
Đó là Ben Saul, Báo cáo viên Đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản khi chống khủng bố; Ganna Yudkivska thuộc Nhóm Công tác về giam giữ tùy tiện; Aua Baldé thuộc Nhóm Công tác về mất tích cưỡng bức hoặc không tự nguyện; Morris Tidball-Binz, Báo cáo viên Đặc biệt về các vụ hành quyết phi pháp, không qua xét xử công bằng, hoặc tùy tiện (extrajudicial, summary, or arbitrary executions); Irene Khan, Báo cáo viên Đặc biệt về thúc đẩy quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; Gina Romero, Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội; Mary Lawlor, Báo cáo viên Đặc biệt về tình hình người bảo vệ nhân quyền; Margaret Satterthwaite, Báo cáo viên Đặc biệt về sự độc lập của thẩm phán và luật sư; José Francisco Cali Tzay, Báo cáo viên Đặc biệt về quyền người bản địa; Cecilia M. Bailliet, Chuyên gia Độc lập về nhân quyền và đoàn kết quốc tế; Nicolas Levrat, Báo cáo viên Đặc biệt về các vấn đề thiểu số; Nazila Ghanea, Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do tôn giáo hay niềm tin; và Alice Jill Edwards, Báo cáo viên Đặc biệt về tra tấn và các hình phạt và đối xử tàn ác, vô nhân đạo, hoặc hạ nhục khác.
Các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ nói về những vấn đề gì?
- Phiên tòa xử 100 cá nhân về cáo buộc liên quan tới vụ xả súng tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023
- Cách nhà nước Việt Nam bắt và giam giữ các nghi phạm trước phiên tòa
- Cáo buộc nhà nước Việt Nam kỳ thị sắc tộc và đàn áp tôn giáo với người Thượng Tây Nguyên
- Việc Việt Nam xếp Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice, viết tắt MSFJ) là tổ chức khủng bố vào ngày 6/3/2024
- Cáo buộc Việt Nam tìm cách đưa người Thượng ở Thái Lan về Việt Nam, bao gồm trường hợp anh Y Quynh Bdap (đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý)
- Cái chết của ông Y Bum Byă ngày 8/3/2024 tại Đắk Lắk
- Cáo buộc cảnh sát Thái Lan phối hợp với công an Việt Nam để đe dọa và bắt giữ người Thượng tỵ nạn
LHQ nói gì với chính phủ Việt Nam?
Bắt giữ và xét xử liên quan tới vụ xả súng 11/6/2023
Ngày 11/6/2023, đã xảy ra vụ xả súng nhắm vào trụ sở công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm chín người thiệt mạng, trong đó có công an xã, cán bộ xã, và dân thường.
“Chúng tôi lo ngại rằng phiên tòa xét xử hình sự lưu động với 100 bị cáo vào tháng 1/2024 không đáp ứng các tiêu chuẩn xét xử công bằng theo luật nhân quyền quốc tế”, các Báo cáo viên Đặc biệt nói. “Trong một phiên tòa xét xử tập thể có tới 100 bị cáo, việc mỗi bị cáo được bảo đảm một cách cụ thể được xét xử công bằng theo đúng luật pháp quốc tế là rất khó, nếu không nói là không thể.”
Lá thư cũng nói phiên tòa bị ảnh hưởng chính trị; các quan chức cấp cao có “bình luận công khai có định kiến trước phiên xét xử”; “chỉ có 19 luật sư được chỉ định cho 94 bị cáo có mặt tại tòa, và 6 người bị xét xử vắng mặt không có bất kỳ đại diện pháp lý nào”.
Ngoài ra, thư nhắc tới cách truyền thông đưa tin, và cách bắt và giam giữ nghi phạm sau vụ xả súng 11/6, lo ngại là một số bị cáo bị đe dọa, tra tấn, và ép cung.
Việc xếp Người Thượng vì Công lý là tổ chức khủng bố
Lá thư nói việc xếp một tổ chức nào đó là khủng bố “phải chứng minh bằng bằng chứng đáng tin cậy” và phải “tránh các thuật ngữ mơ hồ”; và trường hợp này dường như không đáp ứng đủ các thủ tục pháp lý theo luật nhân quyền quốc tế.
Họ nói “khuyến khích biểu tình ôn hòa là một quyền tự do ngôn luận được bảo vệ.”
Quan trọng hơn, các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ nói tổ chức Người Thượng vì Công lý thường xuyên làm việc công khai với các cơ chế nhân quyền của LHQ, và cung cấp thông tin về các vụ đàn áp quyền con người. Họ lo ngại rằng cái nhãn tổ chức khủng bố là “một hình thức đàn áp xuyên quốc gia.”
Đàn áp xuyên quốc gia, lùng bắt người lưu vong
Thứ 4 từ trái qua ở hàng dưới là cô H Biap Krong, người Êđê và không phải là thành viên của Người Thượng vì Công lý, khi đó ở Thái Lan và hiện nay đã lánh nạn ở nơi khác (chụp màn hình từ video của An Ninh TV).
Bức thư nói tới việc công an Việt Nam sang Thái Lan thuyết phục người tỵ nạn về nước, nhưng cũng cùng lúc truy bắt người (trong đó có anh Y Quynh Bdap), khiến người tỵ nạn lo lắng sợ hãi, cảm thấy bị đe dọa.
Chúng tôi đã có 3 bài viết trên Mạch Sống về những lời dụ dỗ ngon ngọt của Thiếu tướng Rahlan Lâm (còn viết là Rah Lan Lâm), Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, trong khi Trung tá Y Lương Niê, Phó Trưởng phòng Công an đối nội tỉnh Đắk Lắk, đi vòng quanh và tra hỏi về người Thượng đang lánh nạn.
Phân biệt và đàn áp người Thượng
Các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ nói nhà nước Việt Nam kỳ thị, phân biệt người Thượng, tước đoạt quyền người bản địa, lấn chiếm đất đai, đàn áp tôn giáo, v.v.
“Cách Việt Nam đối xử với người Thượng dường như không phù hợp với nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế thông thường về người bản địa.”
Bức thư cũng nhắc tới “các cáo buộc hình sự mơ hồ” và án tù nặng nề với hai thầy truyền đạo Nay Y Blang và Y Krêc Byă.
Cái chết của ông Y Bum Byă và cáo buộc tra tấn
Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã nhắc tới cái chết bất thường của thầy truyền đạo Y Bum Byă vào ngày 8/3/2024, trong tư thế treo cổ, ở buôn Kŏ Tam, xã Êa Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Ông là thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, và trước đó cho biết đã bị công an địa phương đánh đập, tra tấn vào tháng 12/2023.
Các Báo cáo viên Đặc biệt yêu cầu nhà nước Việt Nam cho biết các bước đã thực hiện để điều tra một cách “độc lập, không thiên vị, nhanh chóng, toàn diện, hiệu quả, đáng tin cậy, và minh bạch” về cái chết của ông Y Bum Byă.
LHQ nói gì với chính phủ Thái Lan?
“Theo thông tin nhận được, Thái Lan đã hợp tác với chính phủ Việt Nam xác định người Thượng tỵ nạn tại Thái Lan, để cưỡng bức họ hồi hương”, lá thư viết, và nhắc tới việc cảnh sát Thái Lan tới gõ cửa nhà người tỵ nạn và đưa họ đi gặp đoàn công an Việt Nam.
“Đặc biệt quan ngại về một trong những người Thượng bị kết án vắng mặt, ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập Người Thượng vì Công lý và người tỵ nạn đã được Cao ủy Tỵ nạn LHQ công nhận, hiện đang trong quá trình tái định cư sang nước thứ ba.”
Các Báo cáo viên Đặc biệt nhắc tới hai trường hợp trước đây, nhà báo Trương Duy Nhất và blogger Đường Văn Thái, bị bắt cóc tại Thái Lan và đưa về Việt Nam.
Bức thư nói đi nói lại nhiều lần rằng Thái Lan có nghĩa vụ không trả lại bất kỳ cá nhân nào nếu họ có nỗi sợ chính đáng và có cơ sở là khi về nước, họ sẽ bị “tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo, hoặc hạ nhục, và các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác, như bị tước đoạt mạng sống một cách tùy tiện, bị giam giữ tùy tiện, hoặc bị từ chối trắng trợn quyền được xét xử công bằng.”
Thư nhấn mạnh, theo luật nhân quyền quốc tế, điều này “là tuyệt đối và hoàn toàn không có ngoại lệ.”
Ngoài việc cáo buộc chính phủ Thái Lan hợp tác với các hành vi đàn áp xuyên quốc gia của nhà nước Việt Nam, các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ cũng nói về tình trạng người tỵ nạn người Thượng nói chung. Họ yêu cầu Thái Lan cho biết đã làm gì để hợp thức hóa tình trạng pháp lý và quyền lợi người tỵ nạn người Thượng theo luật nhân quyền và luật tỵ nạn quốc tế.
Xuất xứ của hai bức thư chung
Từ tháng 11/2023, BPSOS đã tiếp xúc với nhiều cơ chế nhân quyền LHQ ký tên trên hai bức thư cáo buộc.
Tháng 11 năm ngoái, cô H Biap Krong, người tỵ nạn và nhân viên của BPSOS bị Bộ Công an cáo buộc là thành phần khủng bố, đã họp trực tiếp với ông Surya Deva và ông José Francisco Cali Tzay.
TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, cũng cho biết, sau khi Bộ Công an xếp tổ chức Người Thượng vì Công lý là tổ chức khủng bố và tuyên bản án 10 năm tù cho anh Y Quynh Bdap, tháng 3/2024, ông đã họp tại Geneva, Thụy Sỹ với ông Ben Saul, bà Nazila Ghanea, và nhân viên của phần lớn các cơ chế nhân quyền đứng tên trong thư chung. BPSOS đã cung cấp thông tin và giúp phối kiểm một phần thông tin cho hai bức thư.
“Bức thư chung gửi cho nhà nước Việt Nam là một tài liệu tổng hợp quan trọng cho cuộc vận động quốc tế cho các hội thánh Tin lành người Thượng nói chung cho nhiều năm tới,” TS. Nguyễn Đình Thắng nhận định.
Quý độc giả có thể đọc/ download nguyên văn hai bức thư cáo buộc tại đây:
Việt Nam: https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadPublicCommunicationFile?gId=29087
Thái Lan: https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadPublicCommunicationFile?gId=29112
Trong bài viết sau, tôi sẽ viết về ý nghĩa và tầm quan trọng của hai bức thư cáo buộc trên.