1 năm cổ phiếu VinFast lên sàn Mỹ: Khởi điểm 22 USD, đạt kỷ lục
93 USD, hiện nay dưới 4 USD
Hình minh họa - Nguồn Yahoo Finance
VOA
Cổ phiếu của hãng xe hơi Việt Nam VinFast, do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập, đã trải qua 1 năm giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq ở Mỹ, với những thăng trầm lớn khi đi từ mức giá chào sàn là 22 đô la vọt lên mức giá kỷ lục 93 đô la không lâu sau, rồi từ đó chủ yếu đi xuống để đến mức giá chưa đến 4 đô la hiện nay.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 16/8/2024, giá 1 cổ phiếu có mã VFS của VinFast là 3,80 đô la, chỉ bằng 17% của mức giá 22 đô la khi VinFast lên sàn hôm 15/8/2023. Nếu so với mức đỉnh lập được trong phiên giao dịch hôm 28/8/2023 là 93 đô la, cổ phiếu VinFast đã sụt giảm tới gần 96%.
Nhưng mức giá hiện nay được xem là vẫn khá hơn nhiều so với điểm đáy mà VFS đã từng rơi xuống, chỉ là 2,25 đô la trong phiên giao dịch hôm 22/4, cách đây gần 4 tháng.
Ít ngày trước thời điểm đó, một số cơ quan báo chí Mỹ đưa tin rằng việc xây nhà máy của VinFast ở bang North Carolina bị đình trệ và hãng tính chuyện thu nhỏ quy mô, trong khi Reuters có phóng sự dài nêu lên những khó khăn của hãng về tiêu thụ xe cũng như những quan ngại của giới đầu tư về hoạt động kinh doanh của hãng.
Chỉ 1 ngày trước khi VFS rớt giá kỷ lục, trang truyền thông Hunterbrook đăng phóng sự chi tiết sau nhiều tháng điều tra và dẫn các thông tin mà VinFast nộp cho Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ cho thấy hơn 70% trong số gần 35.000 xe mà VinFast đã giao trong năm 2023 thực ra là giao cho các công ty cũng thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
“Có rất ít người mua ô tô điện của hãng, ở trong nước hoặc ở nước ngoài”, trang truyền thông Hunterbrook viết hôm 21/4/2024. “Hầu hết xe VinFast được bán cho hãng taxi và hãng bất động sản đều thuộc sở hữu của tập đoàn mẹ là Vingroup hoặc của vị tổng giám đốc điều hành”, vẫn trang này nhấn mạnh.
Kể từ mức giá thấp nhất nêu trên, đến ngày 20/5/2024, giá VFS phục hồi khi tăng gần gấp 3, đạt 6,42 đô la trong phiên giao dịch hôm đó. Diễn biến này trùng với thời điểm VinFast bắt đầu nhận tiền đặt cọc của những người có ý định mua loại xe VF3 mới, nhỏ gọn và có giá phải chăng mà nhiều nhà quan sát cho rằng sẽ trở nên phổ biến, tràn ngập các con đường ở Việt Nam, giúp VinFast tăng mạnh doanh số bán hàng.
Mặc dù vậy, gần 3 tháng trôi qua, giá VFS chủ yếu theo xu hướng giảm xuống và đến nay đã mất đi khoảng 40% giá trị.
Đó là khoảng thời gian đã xuất hiện những thông tin không thuận lợi cho VinFast, bao gồm việc Cơ quan An toàn Giao thông Xa lộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) công bố là họ khởi sự điều tra một vụ tai nạn trên xe VinFast ở California hồi tháng 4 làm 4 người trong một gia đình thiệt mạng, hãng bị khiếu nại ở Mỹ về xe VF8, và bị kiện về việc chưa trả tiền thuê mặt bằng.
VinFast đã trả lời VOA qua email khi đó rằng NHTSA “không điều tra VinFast” và khiếu nại về việc hãng chưa trả tiền thuê mặt bằng là “không đúng”, ngược lại, hãng có “đủ cơ sở để chứng minh đã thanh toán đầy đủ đến hết tháng 3/2024”.
Đến tháng 7 vừa qua, VinFast chính thức xác nhận họ phải hoãn kế hoạch mở nhà máy trị giá 4 tỷ đô la ở bang North Carolina, Mỹ, cho đến năm 2028 và đưa ra dự báo mới là con số xe giao trong năm nay sẽ giảm 20.000 chiếc, trong bối cảnh thị trường ô tô điện (EV) toàn cầu có nhiều điều bất định.
VinFast nói hôm 13/7 rằng họ sẽ giao 80.000 xe trong năm nay, giảm xuống từ kế hoạch ban đầu là 100.000 chiếc.
Trong một tuyên bố với báo chí, VinFast nêu quan điểm: “Tuy kết quả kinh doanh quý 2 rất đáng khích lệ, song những khó khăn kinh tế đang diễn ra và những điều bất định ở các nền kinh tế vĩ mô khác nhau cũng như bối cảnh EV toàn cầu đòi hỏi phải có cái nhìn về phía trước thận trọng hơn trong thời gian còn lại của năm”.
VinFast vẫn chưa hề có lãi và đã lỗ ròng lần lượt 618 triệu đô la và 730 triệu trong quý 1 và quý 2/2024. Năm 2023 và 2022, hãng bị lỗ ròng lần lượt là 2,39 tỷ đô la và 2,1 tỷ đô la.
Trước đó, hãng lỗ hơn 1,3 tỷ đô la vào năm 2021 và gần 800 triệu đô la vào năm 2020. Tính từ khi hãng được thành lập hồi tháng 6/2017 đến hết năm 2023, lỗ lũy kế lên đến hơn 7,7 tỷ đô la.
Về nợ nần, hãng cho biết trong báo cáo tài chính gửi cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Mỹ rằng hãng nợ ngắn hạn đến ngày 31/12/2023 là hơn 5,8 tỷ đô la, tăng gần 110% so với năm 2022; nợ dài hạn là hơn 2,4 tỷ đô la, giảm khoảng 30% so với năm trước.
Cộng gộp lại, cả nợ ngắn hạn lẫn nợ dài hạn của hãng lên đến hơn 8,2 tỷ đô la trong toàn bộ năm ngoái, tăng hơn 30% so với năm kia.