Văn Hóa Thể Hiện Con Người
Hình AnGospel
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Trong một bài viết của ông Phan Lạc Phúc đăng trên Hồn Việt UK, với tựa đề Qua Cơn Mê, kể lại cuộc đời tù tội của ông tại miền Bắc sau khi miền Nam sụp đổ vào năm 1975.
Qua bài viết đó, sự kiện người trưởng trại tù với cái tên là Trần Việt, trên dưới 60 tuổi, cách nói chuyện và đối xử với người tù miền Nam, so với những người cai quản tù mà nhiều người lính miền Nam đã từng trải, thì ông cụ Việt này đối xử và nói chuyện với người tù miền Nam rất là tử tế, kính trọng chứ không chửi và đánh đập như các người cai quản tù mà họ đã từng gặp. Cách nói chuyện của ông Trần Việt nói rõ với các tù nhân là ông làm trách nhiệm của trên giao phó và ông mong muốn có sự hợp tác của tù nhân để cả hai bên thực hiện tốt cái chủ trương mà trên giao phó.
Cách nói chuyện của ông trưởng trại tù Trần Việt cho thấy ông chỉ làm cái bổn phận và trách nhiệm của một trưởng trại tù do lệnh từ bên trên. Ông không hách dịch với tù nhân bởi họ vẫn là con người và ông biết để trại tù được yên ổn, không lộn xộn thì ông cần sự hợp tác từ tù nhân. Mà sự hợp tác này chỉ xảy ra khi trưởng trại tù và tù nhân cùng nhau thực hiện trách nhiệm của mỗi bên trong một tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Tại sao thế? Tại sao dưới một chế độ độc tài, sắt máu mà có người trưởng trại tù không có sự sắt máu trong đó? Đơn giản là ông cụ Trần Việt đó là người có học, có một nền văn hóa được hấp thụ thời Pháp thuộc và cái văn hóa đó tạo ra cách ứng xử văn hóa đối với những người tù miền Nam được đưa ra miền Bắc sau cuộc chiến 1975.
Dĩ nhiên đây là trường hợp ngoại lệ hiếm thấy trong chế độ độc tài, tàn bạo của nhà tù, đặc biệt những người trưởng trại tù, luôn luôn muốn lấy điểm bên trên để được lên chức, cho nên càng tàn bạo với tù nhân thì cơ hội lên chức cũng theo mức tàn bạo đó. Điều đó cũng là lý do tại sao ông trưởng trại tù Trần Việt trên, nói về chức vụ thì không cao so với những người trưởng tù trẻ khác mà ông Phan Lạc Phúc đã từng gặp qua.
Văn hóa là cái gốc của Con Người. Tục ngữ Việt thường có câu “tiên học lễ hậu học văn”. Nhà đạo diễn Trần Văn Thủy, trong phim “Chuyện Tử Tế” có một đoạn như sau:
“Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng, tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi giòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào học làm người, Người Tử Tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm ”.
Người có văn hóa sẽ không dùng những từ ngữ thô tục đối với những người khác bởi họ quý trọng tất cả mọi người mà không cần biết nam-nữ, sắc tộc nào, có học hay không có học, địa vị xã hội ra sao. Người có văn hóa trong thảo luận là để tìm sự thật chứ không phải để tranh thắng thua. Người có văn hóa sẵn sàng lắng nghe tiếng nói khác biệt và học hỏi từ sự khác biệt đó. Người có văn hóa sẵn sàng nhìn nhận sự sai lầm của chính mình và sửa đổi sự sai lầm đó. Người có văn hóa sẵn sàng lên tiếng chống lại cái ác, cái giả dối bởi chính họ tôn trọng sự thật cho dù cái sự thật là một đau lòng nhưng không vì sự đau lòng đó để bẻ cong sự thật.
Có bao nhiêu người Việt trong nước hay ngoài nước thực sự là người có văn hóa? Sống ở xã hội dân chủ không có nghĩa là cá nhân đó có văn hóa. Để có văn hóa, cá nhân đó phải tự chính mình tạo ra cái văn hóa cho bản thân; và cái văn hóa đó có cái gốc là Con Người. Văn hóa không có gốc Con Người là loại văn hóa nguy hiểm cho xã hội.
Ngày nào người Việt vẫn “tôn thờ, ủng hộ” sự nói dối của bất cứ nhà lãnh đạo nào; không đặt nặng Nhân Phẩm, Nhân Cách là nền tảng của một người lãnh đạo thì ngày đó nền văn hóa với câu nói “tiên học lễ hậu học văn” của Việt tộc đã bị phá vỡ.
Chính cái văn hóa của người trưởng trại tù Trần Việt để khi nằm ở vị trí cầm quyền, ông đã đối xử với tù nhân như là những Con Người và hoàn thành trách nhiệm của một người trưởng tù trong một tinh thần Nhân Bản bởi cái gốc của chính người trưởng tù Trần Việt đã có nền văn hóa Việt tộc với nền tảng là Con Người.
Bài học văn hóa của Việt tộc đến ngày hôm nay còn bao nhiêu người hiểu? Chính cái văn hóa đó đã làm cho Việt tộc một thời sống an bình dưới triều đại của Trần, Lê, Lý của thời phong kiến. Cũng với nền văn hóa đó, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa đã tạo ra những tác phẩm âm nhạc mang tính của Người; và chính cái văn hóa Người đó đã làm cho âm nhạc dưới thời Việt Nam Cộng Hòa vẫn sống cho đến ngày hôm nay dưới chế độ cộng sản -- mà văn hóa của họ là nền văn hóa của gian dối, tàn bạo sẽ không cạnh tranh lại nền văn hóa Nhân Bản của Việt tộc.