đến bao lâu nữa?
Nguyễn Huy Vũ
VOA Blog
VOA: Bài viết dưới đây của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ là phần bổ sung thêm vào các luận cứ của ông trong buổi hội luận trên VOA Tiếng Việt ngày 1 tháng Tám về đề tài “Liệu Việt Nam có sẽ được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường?” Ở thời điểm này thì mọi chuyện đã rõ, Hoa Kỳ đã không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Tiến sĩ Vũ, hiện định cư tại Oslo, Na Uy, là học giả nghiên cứu kinh tế và chính trị độc lập, đưa thêm các luận cứ bổ sung dưới đây.
***
Xung đột thương mại Mỹ - Trung
Khi tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt các quyết định áp thuế nhập khẩu lên hàng hoá Trung Quốc, tạo ra một hiệu ứng quan trọng: Các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc hoảng sợ và phải tìm kiếm một kế hoạch phòng bị trong trường hợp mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi.
Kế hoạch kiềm chế Trung Quốc thật ra đã có từ thời Tổng thống Barack Obama với kế hoạch xây dựng Hiệp định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và kế hoạch Xoay trục về châu Á (Pivot to Asia). Tuy nhiên đây là kế hoạch dài hơi, cần thuyết phục và lôi kéo nhiều đối tác, và vì vậy chưa có nhiều tác dụng.
Nếu áp dụng chính sách thương mại tự do TPP, hàng hoá giá rẻ sẽ theo chính sách này mà vào Hoa Kỳ. Do đó TPP gặp phải sự chống đối của các nghiệp đoàn. Việc đồng ý công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cũng có tác dụng tương tự, hàng hoá Việt Nam giá rẻ cũng sẽ vào Hoa Kỳ, và các nghiệp đoàn cũng sẽ chống. Chỉ còn 3 tháng nữa là đến kỳ bầu cử Hoa Kỳ, thật là một nhạy cảm chính trị để có thể cho phép công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường tại thời điểm này.
Chính quyền TT Joe Biden kế tục các chính sách thuế đối với Trung Quốc của Donald Trump và đẩy mức thuế nhập khẩu lên cao hơn nữa và mở rộng ra nhiều mặt hàng.
Dù bị Mỹ coi là nước có nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc nhưng sự đối xử của Mỹ đối với Việt Nam dễ chịu hơn nhiều, dù đôi khi vẫn bị kiện tụng chống bán phá giá đối với một số mặt hàng như thuỷ hải sản. Chi phí cho việc kiện tụng rất tốn kém, tốn thời gian, và thường ít có phần thắng.
Khi bị xem là một nền kinh tế phi thị trường, đối với mỗi vụ kiện, vì giá cả hàng hoá của Việt Nam không được xem là trao đổi dựa trên nguyên tắc thị trường, nếu đưa ra toà án phân xử, họ buộc phải lấy giá ở một thị trường tương tự để tham chiếu giá sản xuất ra mặt hàng trước khi phán xét rằng hàng hoá có phải là bán phá giá hay không. Nền kinh tế thường được tham chiếu là Indonesia. Thông thường khi được tham chiếu như vậy, bên bị kiện sẽ bị thiệt hại rất lớn. Trái lại, khi được xem là một nền kinh tế thị trường, việc kiện tụng buộc phải lấy giá cả trong nước và bên bị kiện có lợi thế hơn. Khi mà bên kiện thấy bên bị kiện có lợi thế hơn thì chắc chắn họ sẽ không kiện làm gì. Một số hàng Việt Nam lúc này sẽ không chịu thuế chống bán phá giá.
Mỹ áp chính sách nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam từ rất lâu, nhưng cho đến gần đây Việt Nam mới tích cực và cố gắng giải thích và làm áp lực để Mỹ công nhận là kinh tế thị trường. Một lý do lớn, là nếu trong trường hợp Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, các công ty Trung Quốc sẽ tràn ngập đầu tư vào Việt Nam để lắp ráp đơn giản và đóng gói sản phẩm của họ với nhãn hiệu “Made in Vietnam” và dễ dàng xuất đi Hoa Kỳ mà không phải chịu thuế từ 25 đến 50% như hiện nay. Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn, nhưng ngược lại chính sách ngăn chặn Trung Quốc của Hoa Kỳ trở nên vô hiệu. Việt Nam sẽ tăng nhập siêu từ Trung Quốc, và xuất siêu sang Hoa Kỳ. Việt Nam và Trung Quốc sẽ tăng phần lợi mà Hoa Kỳ sẽ ngày càng thiệt.
Việt Nam gia nhập “Vành đai – Con đường”
Hoa Kỳ chắc chắn biết rằng Việt Nam đã chính thức quyết định trở thành một đối tác chính thức của chiến lược “Một Vành Đai - Một Con Đường” của Trung Quốc.
Tháng Sáu vừa rồi, Thủ Tướng Việt Nam Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc và đã quyết định thúc đẩy một loạt các dự án nhằm kết nối Việt Nam với Trung Quốc. Bên cạnh thúc đẩy các đặc khu kinh tế dọc biên giới, Việt Nam sẽ hợp tác với Trung Quốc để xây dựng ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc gồm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Đồng Đăng - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Một dự án khác quy mô hơn mà chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy là dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Cho đến nay, chưa công khai rõ ai sẽ là đối tác để thực hiện. Nhưng nhiều khả năng đó cũng sẽ là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.
Việc hợp tác với Trung Quốc trong các dự án này chắc chắn sẽ khiến Việt Nam trói buộc vào các mối quan hệ với Trung Quốc và các dự án này dễ dàng trở thành một đòn bẩy để Trung Quốc có những yêu sách nhất. Nếu không, số phận của các dự án của Việt Nam sẽ tương tự như dự án xe lửa Subic-Clark của Philippines.
Dự án xe lửa Subic-Clark nối hai vùng thương mại của Philippines vốn trước đây từng là hai căn cứ quân sự của Mỹ. Subic từng là căn cứ hải quân, còn Clark từng là căn cứ không quân của Hoa Kỳ. Dự án xe lửa Subic-Clark là một phần của hành lang kinh tế Luzon vốn nối Subic, Clark, Manila với Batangas, tất cả đều nằm trên hòn đảo Luzon. Dự án này được triển khai bởi Trung Quốc vào khi mà mối quan hệ mặn nồng giữa Philippines và Trung Quốc được dẫn dắt bởi tổng thống Philippines là Rodrigo Duterte. Sau khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. của Philippines lên, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc trở nên rạn nứt vì Ferdinand Marcos Jr. cứng rắn hơn với các yêu sách và hành động xâm lấn của Trung Quốc trên vùng biển của mình. Ferdinand Marcos Jr. muốn có một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Mối xung đột đó đã dẫn đến việc Trung Quốc rút khỏi dự án. Giờ đây Philippines đã phải tìm kiếm các đối tác từ Nhật và Mỹ để khởi động lại dự án này.
Một nền kinh tế định hướng XHCN méo mó
Bên cạnh các yếu tố chiến lược mang tính địa chính trị, thương mại, và mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc được đề cập ở trên vốn có thể gây tổn hại một cách trực tiếp cho các chính sách của Hoa Kỳ, một loạt các vấn đề về các cấu trúc kinh tế của Việt Nam không thể hiện rằng nó hoạt động theo một quy chế thị trường.
Thứ nhất là thị trường nhà đất. Thị trường nhà đất không hoạt động một cách lành mạnh theo nguyên tắc của thị trường. Giới tư bản đỏ với sự chống lưng của các quan chức dễ dàng giành được các mảnh đất ở vị trí tốt. Nhà nước cũng dễ dàng giao đất cho những công ty ưa thích với những mức giá rẻ bèo.
Thứ hai là luật lệ không công bằng đối với các tác nhân khác nhau trong nền kinh tế. Những người có mối quan hệ tốt, hoặc có tiền, có thể nhận được một sự đối xử và một bản án tốt hơn.
Thứ ba là thị trường tài chính. Một số tác nhân kinh tế có mối quan hệ tốt với chính quyền có thể tiếp cận được những cơ hội tốt để nhận được những khoản vay dễ dàng và ưu đãi hơn. Các công ty nhà nước cũng nhanh chóng nhận được các khoản cứu trợ và hỗ trợ nếu nó thua lỗ.
Thứ tư là thị trường hối đoái. Thị trường hối đoái hầu như bị kiểm soát chặt chẽ. Việc chuyển đổi tiền Đồng sang một loại tiền tệ khác rất khó khăn và với một tỉ giá không theo thị trường mà tỉ giá này được kiểm soát hoàn toàn bởi chính phủ Việt Nam.
Thứ năm là lương bổng. Việc không tồn tại một công đoàn độc lập hoạt động vì ý nguyện của công nhân khiến cho lương bổng và các điều kiện làm việc của công nhân không được xem là đạt được do sự thoả thuận.
Thứ sáu là việc đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước không như nhau. Điều oái ăm là chính phủ Việt Nam lại có quá nhiều ưu đãi với các doanh nghiệp nước ngoài so với các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài được miễn giảm thuế doanh nghiệp trong một thời gian, rồi miễn giảm thuế đất... Đó là những điều mà nhiều doanh nghiệp trong nước khó mà nhận được ngoại trừ những doanh nghiệp thân hữu.
Có thể nói những tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá rằng một nền kinh tế hoạt động theo nguyên tắc của thị trường trong đó nhà nước chỉ đứng bên ngoài, không can thiệp với từng cá nhân một, và đối xử công bằng với tất cả các tác nhân kinh tế, đã không đạt được nếu không muốn nói là vi phạm hầu như tất cả. Trong trường hợp nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ công nhận rằng các sai phạm mang tính cơ cấu về chính sách kinh tế của chính quyền Việt Nam là bình thường. Và chấp nhận điều đó sẽ khiến Mỹ mất uy tín khi Washington khó mà bảo vệ các luận điểm của mình trước các chất vấn của các đối tác kinh tế khác rằng tại sao họ cũng như Việt Nam mà lại không được công nhận là nền kinh tế thị trường. Hoặc là họ sẽ nói rằng là một nền kinh tế thị trường dưới nhãn quan của Mỹ thì việc đó đồng nghĩa với việc cho phép nhà nước được quyền can thiệp một cách có chọn lọc vào các vấn đề có tính căn bản như trên. Hoặc điều này cũng đồng nghĩa rằng nền kinh tế thị trường và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo hướng nhà nước can thiệp vào thị trường một cách thô bạo, bất chấp và ngẫu hứng, là một. Đó quả thực là một thảm hoạ cho chính sách của Hoa Kỳ.
Có gì để trao đổi cho một quan hệ mới?
Trước khi Việt Nam muốn Mỹ công nhận mình là một nền kinh tế thị trường, ngoài việc tự mình cải cách về luật lệ và chính sách nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn trên, Việt Nam cần phải chuẩn bị một món quà để ra mắt cho một mối quan hệ. Món quà đó chắc chắn không phải là những tù nhân lương tâm, bởi vì không có gì ô nhục hơn là đem những công dân ưu tú của mình ra để làm hàng hóa trao đổi.
Một món quà như vậy sẽ phải đi cùng với các giá trị văn minh, dân chủ, và lương thiện, để khởi đầu cho một mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong công cuộc xây dựng nên một tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Nhưng trước khi nghĩ tới một món quà để khởi đầu cho một mối quan hệ mới, Việt Nam chắc chắn phải nghĩ tới việc đón nhận thêm nhiều các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến đầu tư. Không ai có thể vận động hành lang cho một mối quan hệ thương mại giữa hai nước tốt hơn các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Họ có một truyền thống lâu đời, họ có kết nối, có tiền, và quan trọng là giữa những người Mỹ với nhau, mọi thứ hoạt động dựa trên niềm tin danh dự (credit).
Đừng tưởng mình cao giá
Người Việt trong nước ít đi xa nên có xu hướng nghĩ thế giới chỉ có mỗi mình Việt Nam, Việt Nam là nhất. Trong mối quan hệ với Hoa Kỳ cũng vậy. Họ cũng nghĩ Việt Nam như cô gái mà Hoa Kỳ muốn tán tỉnh và một trong các lý do đó là vị thế địa chính trị. Một suy nghĩ thật buồn cười.
Trong suy nghĩ của tôi, Việt Nam có tiềm năng để trở thành một quốc gia hùng mạnh. Nhưng sự hùng cường đó chỉ có thể có được khi người dân được khai phóng, được tự do suy nghĩ, được giáo dục, được trau dồi tinh thần khiêm tốn, cầu tiến, thật thà, và suy nghĩ tích cực. Nó cần một quá trình. Những điều đó chỉ có thể tạo ra trong một thể chế mới, một thể chế trọng tự do và trọng các giá trị con người.
Về mặt địa lý ngay ở thời điểm này, các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ rải rác ở Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Guam, Singapore đã đủ để Hoa Kỳ đối phó với Trung Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn có thể tiếp cận với các cơ sở quân sự của Úc và Thái Lan. Hoa Kỳ không nhất thiết cần Việt Nam như một đối tác trong chiến lược bao bọc Trung Quốc. Cái mà Hoa Kỳ cần ở Việt Nam là đừng ngã về phía Trung Quốc cho ý đồ của Bắc Kinh quấy phá khu vực hay làm mất ổn định khu vực như cái cách mà Việt Nam từng làm cho Liên Xô, diễu võ giương oai với các nước trong khu vực sau năm 1975. Hoa Kỳ cũng hiểu rõ rằng giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam chắc chắn không muốn ngã hoàn toàn vào lòng Trung Quốc bởi vì những bài học lịch sử cho thấy Việt Nam không có một tương lai nào nếu phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Nhưng điều chắc chắn hơn là không một lãnh đạo nào của Việt Nam có thể công khai ngã vào Trung Quốc mà không sớm bị hạ bệ bởi ý thức độc lập của người dân Việt Nam rất cao.
Do đó, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có lẽ chỉ dừng lại ở mức hiện nay và khó có thể tiến xa hơn nếu Việt Nam không có một sự đột phá để cải cách thể chế chính trị sang hướng dân chủ hơn. Mà khi không có một sự thay đổi về thể chế thì việc xem xét Việt Nam như một nền kinh tế phi thị trường vẫn sẽ tiếp tục.
Quả bóng cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam giờ đây chủ yếu nằm trong chân của Việt Nam, chứ không phải Hoa Kỳ.