Donald Trump và các đồng minh thân cận nhất của ông đang chuẩn bị tái định hình triệt để chính phủ Mỹ nếu ông giành lại Nhà Trắng. Dưới đây là một số kế hoạch của ông nhằm triệt để thi hành luật đề nhập cư, chỉ đạo Bộ Tư Pháp truy tố những kẻ thù của ông, tăng cường quyền lực tổng thống, đảo ngược các chính sách kinh tế của Mỹ, rút quân lực ra khỏi Châu Âu và đơn phương triển khai quân đội đến các thành phố do Đảng Dân chủ điều hành.
ĐÀN ÁP THẲNG TAY NẠN NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP
Ông Trump đang lên kế hoạch mở rộng quy mô cuộc đàn áp nhập cư trong nhiệm kỳ đầu tiên nếu ông trở lại nắm quyền vào năm 2025 bao gồm (1) Thực hiện trục xuất hàng loạt, (2) Tăng số lượng nhân viên cho các cuộc đột kích của sở Immigration and Customs Enforcement (ICE), (3) Xây dựng trại để giam giữ người nhập cư, (4) Thúc đẩy các quốc gia khác tiếp nhận những người xin tị nạn từ Hoa Kỳ, (5) Một lần nữa cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ đối với người dân từ một số quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, (6) Chấm dứt “quyền công dân theo nơi sinh.”
SỬ DỤNG BỘ TƯ PHÁP ĐỂ TRUY TỐ KẺ THÙ
Ông Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ sử dụng quyền lực của tổng thống để tìm cách trả thù những kẻ thù của mình. Các đồng minh của ông đã phát triển một cơ sở pháp lý để xóa bỏ sự độc lập của Bộ Tư Pháp đối với tổng thống. Ông Trump đã gợi ý rằng ông sẽ:
(1) Chỉ đạo điều tra hình sự ông Biden và gia đình, (2) Truy tố kẻ thù đã thách thức ông về mặt chính trị, (3) Truy tố các nhà báo.
TĂNG CƯỜNG QUYỀN LỰC TỔNG THỐNG
Ông Trump và các cộng sự viên có mục tiêu rộng lớn là thay đổi cán cân quyền lực bằng cách tăng quyền lực của tổng thống đối với mọi bộ phận của chính phủ liên bang hiện đang hoạt động độc lập với Nhà Trắng. Ông Trump đã nói rằng ông sẽ:
(1) Đặt các cơ quan độc lập dưới sự kiểm soát của tổng thống, (2) Khôi phục quyền từ chối sử dụng ngân sách vào những chương trình tổng thống không thích , (3) Tước bỏ các biện pháp bảo vệ việc làm đối với hàng chục nghìn công chức lâu năm, (4) Thanh trừng các quan chức từ các cơ quan tình báo, thực thi pháp luật, Bộ Ngoại Giao và Lầu Năm Góc, (5) Bổ nhiệm những luật sư ủng hộ chương trình nghị sự của Trump.
THAY ĐỔI NHỮNG CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI VÀ KINH TẾ
Trước nguy cơ làm gián đoạn nền kinh tế với hy vọng chuyển đổi nó, ông Trump có kế hoạch áp đặt mức thuế mới đối với hầu hết hàng hóa sản xuất ở nước ngoài. Các nhà kinh tế cho rằng chương trình nghị sự rộng lớn của ông – bao gồm cả vấn đề thương mại, trục xuất và thuế – có thể khiến giá cả tăng cao và đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái. Ông Trump có thể gặp nguy cơ làm gián đoạn nên kinh tế khi ông muốn thay đổi nó. Ông ta đã nói sẽ làm những việc sau đây:
(1) Áp đặt “mức thuế căn bản phổ quát”, một loại thuế mới đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu, (2) Thực hiện các hạn chế thương mại mới nghiêm ngặt đối với Trung Quốc, (3) Hủy bỏ những quy định chặt chẽ áp đặt lên lợi ích kinh doanh, (4) Ông Trump cho biết ông sẽ gia hạn các đợt cắt giảm thuế theo luật thuế năm 2017 sắp hết hiệu lực, bao gồm tất cả các mức thu nhập cá nhân và đối với các khu bất động sản lớn. Ông cũng nói riêng với các lãnh đạo doanh nghiệp rằng ông muốn giảm hơn nữa mức thuế doanh nghiệp.
RÚT KHỎI LIÊN MINH QUÂN SỰ VỚI CHÂU ÂU
Ông Trump từ lâu đã nói rõ rằng ông coi North Atlantic Treaty Organization (NATO), một liên minh quân sự quan trọng nhất của đất nước, không phải là một lực lượng đồng minh làm tăng sức mạnh của Mỹ mà là một tổ chức làm tiêu hao tài nguyên của Mỹ.
Ông đã nói rằng ông ta sẽ thực hiện những kế hoạch sau đây: (1) Có khả năng thu hẹp NATO hoặc rút Hoa Kỳ khỏi liên minh, (2) Giải quyết cuộc chiến Nga-Ukraine “trong 24 giờ."
Ông từng tuyên bố rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong một ngày. Ông không nói bằng cách nào, nhưng ông ta gợi ý rằng ông ấy sẽ thực hiện một thỏa thuận để ngăn chặn chiến tranh bằng cách để Nga đơn giản chiếm đất của Ukraine.
Theo ký giả Max Boot của Washington Post, mọi cuộc bầu cử đều quan trọng, nhưng cuộc tranh cử sắp xảy ra giữa Tổng thống Biden và cựu tổng thống Donald Trump thực sự là như vậy. Đây sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý không chỉ về tương lai của nền dân chủ Mỹ mà còn về tương lai vai trò của Mỹ trên thế giới.
Max Boot phân tách rằng kể từ Thế Chiến Thứ Hai, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò lãnh đạo quan trọng và thực sự không thể thiếu trên thế giới. Ngày nay Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đóng vai trò đó. Cùng với vai trò là cảnh sát thế giới, Hoa Kỳ còn là nhà ngoại giao hàng đầu thế giới, dẫn đầu các nỗ lực nhằm giải quyết các mối quan tâm quan trọng như sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu và nhân quyền.
Mọi tổng thống ngoại trừ một người kể từ Franklin D. Roosevelt đều tin rằng Hoa Kỳ nên sử dụng ảnh hưởng quốc tế ưu việt của mình vì lợi ích của chính mình và của thế giới. Trump là ngoại lệ duy nhất. Ông ta cam kết vào một chủ trương “Nước Mỹ Trên Hết” - cùng một khẩu hiệu được những người có cảm tình với Đức Quốc Xã và những người theo chủ nghĩa biệt lập trước biến cố Pearl Harbor theo đuổi. Ông ta không có gì ngoài sự chống đối các hiệp định thương mại tự do và liên minh an ninh, hai cột trụ của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Ông Boot kết luận nếu Trump thắng cử, ông ta sẽ phá hủy trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Chỉ có lãnh tụ của vài nước như Nga, Bắc Hàn, Hung Gia Lợi và có thể Do Thái là sẽ vui vẻ nếu Trump trở lại nắm chính quyền. Trump từng dời tòa Đại Sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv qua Jerusalem, và ủng hộ việc sát nhập Golan Heights của Syria vào Do Thái. Trump tự xưng là King of Israel. Saudi Arabia sẽ hưởng lợi từ những nguồn đầu tư vào gia đình của Trump.
TẬP CẬN BÌNH MONG TRUMP THẮNG CỬ
Nói đến phản ứng của thế giới không thể không nói đến Trung Quốc. Michael Schuman của The Atlantic từng nói "Nếu Tập có thể bỏ phiếu vào tháng 11, ông ấy chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho Trump." Sau 4 năm của Joe Biden, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, áp thuế vào các hàng nhập khẩu của Trung Quốc, chọc giận Bắc Kinh bằng cách gọi Coronavirus là “Virus Trung Quốc,” đổ lỗi cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc làm lan rộng, và thậm chí đôi khi còn tung ra những lý thuyết cho rằng đảng có thể đã đóng một vai trò nào đó trong việc chế tạo ra con virus này.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, mặc cả với Trump về thuế quan hoặc những lời tuyên bố vung vít của Trump chỉ là một vài phiền toái. Việc Trump rút khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ khuyến khích Tập Cận Bình quảng bá Trung Quốc như một quốc gia mạnh mẽ hơn cường quốc thế giới có trách nhiệm. Sự hỗn loạn của nhiệm kỳ tổng thống của Trump—sự phản ứng thiếu hiệu quả của chính quyền đối với đại dịch, bạo lực ngày 6 tháng Giêng— cho phép các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng rằng siêu cường Hoa Kỳ đang trong đà suy sụp.
Bằng cách làm suy yếu vị thế của nước Mỹ trên chính trường quốc tế và nền dân chủ ở trong nước, Trump sẽ cho Tập nhiều cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và giành được cảm tình của những nước đang phát triển.
Để so sánh, Biden đã tấn công Trung Quốc mạnh và có bài bản hơn Trump từng làm. Chính sách đối ngoại của Biden đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và tham vọng địa chính trị của Trung Quốc. Scott Kennedy, cố vấn cao cấp của Center for Strategic and international Studies tại Washington DC nhận xét “Một nước Mỹ do Biden lãnh đạo, nhìn từ góc cạnh của Trung Quốc, là một thử thách ghê gớm hơn”.
Vào năm 2022, chính quyền của Tổng Thống Biden đã cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các chất bán dẫn (semiconductor) tiên tiến và các thiết bị cần thiết để sản xuất chúng. Các biện pháp này có thể sẽ cản trở Trung Quốc xây dựng một ngành công nghiệp chip trong nhiều năm và cản trở sự tiến bộ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng khác, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo.
Biden đã hồi sinh mạng lưới liên minh toàn cầu do Mỹ dẫn đầu vốn đã bị suy yếu dưới thời Trump, và đã huy động sức mạnh của mình để chống lại Trung Quốc. Biden đã thành công trong việc liên minh chặt chẽ với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Phi Luật Tân, và Thái Lan trong chiến lược bảo vệ vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương qua hai khối QUAD và AUKUS.
Biden đã liên tục gây áp lực lên Bắc Kinh nhiều mặt trận, thậm chí vượt xa vị trí mơ hồ theo truyền thống của Washington về Đài Loan để gợi ý rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ hòn đảo này khỏi sự tấn công quân sự của Trung Quốc. Theo quan điểm của Bắc Kinh, Biden là một mối đe dọa và khó quản lý hơn Trump nhiều.
CHUẨN BỊ CHO SỰ BẤT NGỜ
Chiến thắng của Donald Trump vào 2016 là một bất ngờ cho nhiều người. Do đó, để tránh tình trạng tương tự, nhiều tổ chức chính trị ở Mỹ đã chuẩn bị sẵn hai kịch bản cho 2024. Michael Waldman, Giám đốc của Brennan Center for Justice nói rằng nếu Biden thắng Trung Tâm sẽ thúc đẩy các đạo luật quan trọng nhằm tăng cường quyền tự do bầu cử và nếu người thắng cử là Trump, Trung Tâm tìm cách hạn chế thiệt hại từ sự lạm dụng quyền lực.
Quốc Hội Hoa Kỳ gần đây đã thông qua luật cấm cản tổng thống đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi NATO không có sự chấp thuận của Quốc Hội. Tuy nhiên Trump vẫn có thể khiến liên minh trở thành tổ chức vô dụng khi từ chối tôn trọng Điều 5 nghĩa vụ bảo vệ các thành viên khi bị tấn công.
American Civil Liberties Union (ACLU), một tổ chức bảo vệ dân quyền ở Mỹ, chuẩn bị kế hoạch chống lại chính quyền Trump như đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông nếu ông ta tái đắc cử vào tháng 11 sắp tới và đe dọa đến dân quyền và pháp quyền. ACLU tập trung vào bốn lãnh vực ưu tiên của Trump: đàn áp những người nhập cư trái phép, hạn chế việc phá thai, sa thải công chức vì lý do chính trị và sử dụng quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình.
Thống đốc California, Gavin Newsom, đã thành lập một nhóm có tên Reproductive Freedom Alliance (RFA). Mặc dù phi đảng phái, hiện nay RFA có 23 thống đốc, tất cả đều là đảng viên Đảng Dân Chủ. Các thành viên trong liên minh đã cùng nhau lên kế hoạch kiện tụng, thông qua luật pháp để bảo vệ các nhà cung cấp dịch vụ phá thai và bệnh nhân khỏi bị trừng phạt ở các tiểu bang và đảm bảo dự trữ thuốc phá thai trong trường hợp khan hiếm hoặc bị hạn chế nghiêm trọng.
KẾT LUẬN
Nếu Trump thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới thì đó là một thảm họa cho nước Mỹ. Nhiệm kỳ II của Trump sẽ không có những nhân vật còn biết tự trọng như cựu Ngoại Trưởng Rex Tillerson, cựu Chánh Văn Phòng Nhà Trắng John Kelly, và cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions. Nội các của Trump sẽ bao gồm những nhân vật sẵn sàng thần phục Trump như TNS Ted Cruz, TNS Josh Hawley, TNS J.D. Vance, TNS Marco Rubio, và Thống Đốc North Dakota Doug Burgum.
David Frum của tờ báo Anh The Atlantic, nhận định rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên, sự tham nhũng và tàn bạo của Trump đã được giảm nhẹ nhờ sự thiếu hiểu biết và sự lười biếng của ông. Nhưng trong nhiệm kỳ II, Trump sẽ hiểu rõ hơn nhiều về các lỗ hổng của hệ thống và chọn lựa đồng minh kỹ hơn, sự hỗn loạn sẽ chờ đợi ở phía trước.
Nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng hơn bất cứ điều gì từng thấy kể từ cuộc Nội Chiến. Ngay cả trong tình trạng hỗn loạn của những năm 1960, ngay cả trong thời kỳ Đại Suy Thoái, đất nước này đã có một chính phủ hoạt động hiệu quả với tổng thống là người đứng đầu. Nhưng chính phủ không thể hoạt động với một kẻ bị truy tố hoặc tội phạm bị kết án làm người đứng đầu, một kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Mỉa mai thay để bắt đầu nhiệm kỳ II, Trump một lần nữa sẽ phải thề trung thành với Hiến Pháp.
Nguyễn Quốc Khải
Nguyễn Quốc Khải
THAM KHẢO
(1) Max Boot, "If Trump wins, he will destroy the American-led world order," Washington Post, January 31, 2024.
(2) David Frum, "The danger ahead," The Atlantic, December 4, 2023.
(3) Charlie Savage, Jonathan Swan, Maggie Haberman, "If Trump wins," New York Times, June 16, 2024.
(4) Charlie Savage, Reid J. Epstein, Maggie Haberman, and Jonathan Swan, "The Resistance to a New Trump Administration Has Already Started," New York Times, June 18, 2024.
(5) Michael Schuman, "Why Xi wants Trump to win," The Atlantic, December 3, 2024.
Gửi ý kiến của bạn