Đảng lo ‘phản động’ lợi dụng qua nạn thiếu xăng dầu
Trường Sơn, RFA
Hàng loạt cây xăng ở khu vực phía nam vào năm ngoái treo biển nghỉ bán vì hết hàng. Tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống xã hội ở Tp. HCM và các tỉnh phía nam.
Doanh nghiệp thì đổ lỗi cho chính sách của Nhà nước, do trước đó đã tước giấy phép nhập khẩu xăng dầu của bảy doanh nghiệp đầu mối, dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn. Còn cơ quan quản lý thì đổ cho nạn buôn lậu, và ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán, cũng như thiên tai.
Tình trạng vừa nêu đã đặt ra dấu hỏi lớn về năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước trong vấn đề an ninh năng lượng, và trực tiếp đặt nghi vấn về khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Hôm 29/10, lực lượng công an Tp. HCM tổ chức diễn tập chống bạo loạn. Buổi diễn tập được mô phỏng là để đối phó với việc “Lợi dụng tình trạng khan hiếm và giá xăng dầu tăng cao để tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự trước trụ sở Tổng kho xăng dầu Nhà Bè”.
Phản ứng trước việc công an Tp. HCM chuẩn bị trước kịch bản người dân biểu tình phản đối tình trạng khan hiếm xăng dầu, và trong đó đổ lỗi cho các lực lượng thù địch là đứng sau xúi giục, luật sư Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, từ Cộng hòa Liên Bang Đức, cho biết ý kiến:
“Không có bất kỳ một tổ chức, đảng phái chính trị đối lập nào, có thể xúi giục hay kích động được người dân, nếu như người dân không lâm vào cảnh đường cùng, cho nên, nếu như có những cuộc xuống đường biểu tình của người dân để đòi chính quyền cung cấp đầy đủ xăng dầu, thì đó trước hết xuất phát từ chính nhu cầu của người dân.”
Lập luận tưởng là hợp lý như vậy thế nhưng lại chưa từng được thừa nhận bởi đảng cầm quyền.
Bởi từ trước đến nay, theo vị luật sư bất đồng chính kiến, thì hễ cứ có khó khăn xảy ra mà trên thực tế là do sự quản lý yếu kém của Đảng Cộng sản, thì chế độ luôn tìm cách đổ lỗi cho các yếu tố khách quan, hay thế lực bên ngoài, hoặc các thành phần phản động ở trong nước, chứ không hề chịu nhận lấy trách nhiệm về mình. Ông nói thêm:
“Từ xưa đến nay, người dân Việt Nam đã có một câu ca rất chí lý rồi, tức là ‘mất mùa thì tại thiên tai, được mùa thì bởi thiên tài Đảng ta’, kể cả những thành tựu do chính người dân nỗ lực như là vấn đề xóa đói giảm nghèo, thì họ cũng giành công về Đảng. Còn khi họ mắc sai lầm, khuyết điểm thì luôn luôn đổ lỗi cho khách quan.”
Một trong những đối tượng thường xuyên được dùng làm ‘dê tế thần’ mỗi khi xảy ra các sự việc liên quan đến biểu tình là đảng Việt Tân, một tổ chức mà chính quyền Việt Nam liệt vào danh sách ‘khủng bố”. Ở Việt Nam cái tên Việt Tân đã được gắn liền với những cái mác như phản động, thế lực thù địch, và cơ hội chính trị. Đây là hậu quả của chính sách tuyên truyền dai dẳng và có hệ thống của chế độ.
Ngoài Việt Tân, chính quyền cũng xem những tổ chức xã hội dân sự khác, dù là các tổ chức hoạt động nhân quyền, hay cổ xúy dân chủ là những tổ chức “phản động”, và thường xuyên công kích những tổ chức này trên hệ thống tuyên truyền.
Trao đổi với đài RFA, ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một tổ chức xã hội dân sự ở trong nước, cho biết quan điểm của ông về việc công an Tp. HCM tổ chức diễn tập chống bạo loạn trong tình huống khủng hoảng nhiên liệu:
“Thiếu xăng dầu là do điều hành của bộ Công Thương của Chính phủ, không có xăng dầu ảnh hưởng đến cuộc sống trực tiếp của dân thì dân phản đối chứ thế lực phản động nào dính vào đây. Chống bạo loạn ở đây là chống dân.”
Lâu nay, Đảng Cộng sản luôn phủ nhận cáo buộc “chống dân” do các nhà bất đồng chính kiến đưa ra. Thay vào đó, điều mà họ vẫn tuyên truyền chỉ những phần tử quá khích, hoặc những người bị lợi dụng thì mới là đối tượng đấu tranh của lực lượng công an.
Nhưng khi đọc mô tả về các nhóm đối tượng trong cuộc diễn tập chống bạo loạn được đăng trên Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, thì thật khó có thể nghĩ theo cách nào khác, ngoài việc đây có vẻ như là một cuộc diễn tập để chống dân thường, cụ thể, nhóm đối tượng phản động được lột tả là “trong vai người đi bộ, đi xe ôm công nghệ, xe buýt..vân vân.” Và cái gọi là “yêu sách” được nhóm chống đối này đưa ra, theo giả định của công an, lại là một đòi hỏi vô cùng chính đáng, cụ thể ở đây là “đòi giảm giá xăng, dầu và yêu cầu được cung cấp miễn phí xăng dầu vì các cửa hàng hiện đã đóng cửa”.
Trong những năm qua đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn ở miền nam Việt Nam, trong đó phải kể đến làn sóng biểu tình chống dự luật Đặc Khu và luật An ninh Mạng hồi năm 2018, với sự tham gia của hàng ngàn người chỉ riêng ở Tp. Hồ Chí Minh, dẫn đến việc đàn áp và bắt bớ khốc liệt.
Chính quyền sau đó đã thành lập lực lượng cảnh sát cơ động chuyên trách chống biểu tình ở nhiều địa phương, trong đó có nhiều tỉnh phía nam như TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, và Sóc Trăng.
Câu hỏi cần phải đặt ra ở đây là vì sao Đảng lại sợ chịu trách nhiệm cho những sai lầm về mặt chính sách mà chính họ gây ra, để rồi phải đi đến nước tiêu hao nguồn lực của đất nước vào việc ngăn chặn và dập tắt tiếng nói của dân chúng?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Văn Đài đưa ra nhận định của ông:
“Nếu như chúng ta đọc Điều 4 Hiến pháp thì thấy rằng họ khẳng định rất rõ ràng, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân và người dân lao động Việt Nam, khi tự gọi mình là lực lượng tiên phong thì họ thừa nhận mình là lực lượng ưu tú nhất của mọi giai tầng trong xã hội. Thì khi như vậy thì họ cho rằng họ không bao giờ có sai lầm hay yếu kém.
Nếu bây giờ mà họ thừa nhận yếu kém thì rõ ràng những gì mà họ nói trước đây là không đúng. Đồng thời, họ cũng nhận thấy rõ, là nếu một đảng cầm quyền mà thừa nhận có quá nhiều khuyết điểm và sai lầm, thì dẫn đến việc người dân nghĩ rằng tại sao đảng của anh không từ bỏ quyền lực, và mở đường để người dân tự do chọn lựa đảng phái khác để thay thế.
Thế nên, việc thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, hay yếu kém đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là điều rất khó chấp nhận.”
Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng xăng dầu ở miền nam đến nay, vẫn chưa có bất cứ một cơ quan hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm, và gánh chịu hậu quả.