Việt Nam phủ nhận đàn áp người Thượng vì tôn giáo,
HRW nói chính phủ "ngoan cố"
RFA
Chính phủ Việt Nam luôn ngoan cố khi phản bác các cáo buộc vi phạm nhân quyền đồng thời hạn chế sự tiếp cận của các quan sát viên độc lập của quốc tế tới khu vực bị cho là xảy ra vi phạm, theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW đưa ra nhận xét trên sau khi Chính phủ Việt Nam công bố thư phản hồi gửi bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc về vấn đề đàn áp các cộng đồng tôn giáo của người Thượng ở Tây Nguyên.
Ông Phil Robertson nói trong email gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 09/8:
“Có những vi phạm nghiêm trọng, đang diễn ra đối với quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Tây Nguyên của Việt Nam, nhưng Chính phủ đang hoàn toàn phủ nhận, bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và sau đó hạn chế sự tiếp cận của cộng đồng quốc tế đối với những khu vực đó để từ chối cơ hội kiểm chứng của các quan sát viên độc lập.”
Ông cho rằng biểu hiện rõ ràng nhất về đàn áp tự do tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên và một số nơi khác ở Việt Nam là việc chính quyền ở các địa phương đó rất tích cực theo dõi, quấy rối, thẩm vấn và bắt giữ tín đồ của nhiều nhóm tôn giáo chỉ vì họ kỷ niệm “Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin” (ngày 22/8 hàng năm), vốn được Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua năm 2019.
Theo ông, thư phản hồi ngày 27/7 của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, được công bố bởi Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ ngày 04/8, rất điển hình “cho phản ứng ngoan cố của Việt Nam về các vấn đề nhân quyền.”
Ông nhận định chính phủ Việt Nam luôn khẳng định tuân thủ luật pháp quốc gia trong khi thực tế luật pháp của Việt Nam về các vấn đề tôn giáo còn kém xa so với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, và “lực lượng an ninh coi nhiều cộng đồng người Thượng như những mối đe dọa và kẻ thù tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.”
“Chắc chắn, không ai, kể cả các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, những người đã gửi thông điệp ban đầu, sẽ bị thuyết phục bởi những lời phủ nhận thiếu độ tin cậy của Hà Nội trong bối cảnh phân biệt đối xử và ngược đãi đối với người bản địa ở Tây Nguyên vẫn tiếp diễn,” chuyên gia về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nói.
Báo cáo viên đặc biệt chất vấn vì người Thượng bị đàn áp do kỷ niệm ngày của Liên Hiệp Quốc
Về vấn đề đàn áp người Thượng trong thực hành tự do tôn giáo, ngày 06/9/2022, Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện và ba Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo và niềm tin, quyền tự do hội họp và các vấn đề của người thiểu số, đã gửi thư chung cho Chính phủ Việt Nam.
Thư chung này nhắc đến việc đàn áp đối với ba ông Y Cung Niê, Y Thịnh Niê, Y Don Niê thuộc cộng đồng người Thượng (Montagnard) bản địa ở xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk.
Theo thông tin mà bốn cơ chế nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhận được, vào tháng 5/2022, ba tín đồ theo đạo Tin Lành tại gia này gửi thư đến chính quyền địa phương với đề nghị được hướng dẫn cách đăng ký sinh hoạt tôn giáo vì các mẫu đơn hiện có chỉ dành cho các tổ chức tôn giáo còn họ thì không có nhu cầu thành lập các tổ chức như vậy.
Thay vì trả lời, vào cuối tháng 5/2022, công an địa phương lần lượt bắt giữ ba người lên đồn công an để thẩm vấn, mỗi người một ngày về đơn đề nghị của họ.
Trong ngày 02/6/2022, công an huyện Cư Mgar lại bắt giữ ba ông này để thẩm vấn lần thứ hai. Trong quá trình thẩm vấn, công an doạ sẽ phạt nặng và bỏ tù hai ông Y Don Niê và Y Čung Niê nếu họ tiếp tục gửi đơn cũng như không chịu gia nhập các nhóm tôn giáo đã được nhà nước công nhận.
Cũng theo thông tin mà các cơ quan của Liên Hiệp Quốc thu thập được, công an nói với ông Y Thinh Niê rằng yêu cầu hướng dẫn đăng ký sinh hoạt tôn giáo của họ là bất hợp pháp bởi vì người Thượng theo Tin Lành gửi báo cáo vi phạm tự do tôn giáo cho cộng đồng quốc tế thông qua các tổ chức phản động- ám chỉ các tổ chức xã hội dân sự quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo.
Trước đó, vào ngày 22/8/2021, ba ông cùng một số tín đồ Tin Lành tụ tập để kỷ niệm ngày tưởng niệm các nạn nhân bị bạo lực vì lý do tôn giáo. Họ căng biểu ngữ rồi chụp hình và gửi cho một số tổ chức dân sự ở nước ngoài.
Vì lý do này, ngày 10/6/2022, UBND huyện Cư M’gar thông báo quyết định phạt hành chính 4 triệu đồng/người đối với cả ba ông vì “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 7 của Nghị định 144/2021.
Chính phủ nói "Việt Nam không có người bản địa", "không có người Thượng"
Trong thư phản hồi, phía Việt Nam cho rằng ở quốc gia này không có khái niệm người bản địa, cũng không có khái niệm người Thượng trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và càng không có ai bị bắt giữ tùy tiện vì lý do theo tín ngưỡng tôn giáo.
Họ biện hộ rằng các ông Y Cung Niê, Y Thịnh Niê, Y Don Niê là những cá nhân có các hoạt động phức tạp liên quan đến tổ chức FULRO, một tổ chức bị nhà nước cho là "lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm đe dọa an ninh quốc gia, kích động bạo loạn, ly khai, và tự trị trên lãnh thổ Việt Nam."
Trong quá trình sinh sống tại địa phương, ba cá nhân trên bị cho là đã thường xuyên lợi dụng mình là người dân tộc thiểu số để cung cấp thông tin sai lệch, bịa đặt vu cáo chống lại chính quyền và lực lượng công an địa phương đàn áp tôn giáo và sắc tộc; liên hệ với các tổ chức ở nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam để tuyên truyền sai sự thật, vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền, và tạo ra những thông tin không chính xác về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Hà Nội nói ba người này bị phạt tiền vì hành vi vi phạm pháp luật, không liên quan đến việc họ nộp đơn gửi chính quyền xin hướng dẫn đăng ký hoạt động tôn giáo, và cũng không liên quan đến các hoạt động kỷ niệm ngày 22/8.
Mục sư Aga, người sáng lập Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, cho RFA biết ông nắm rõ sự đàn áp đối với nhiều nhóm tôn giáo độc lập ở Tây Nguyên, trong đó có cả các nhóm Tin Lành tại gia.
Về trường hợp ba tín đồ Tin Lành được nhắc trong báo cáo, ông Aga - người đến Hoa Kỳ tị nạn chính trị và đang có quy chế Thường trú nhân nói:
“Ba nhân vật này đã theo bên Hội thánh Truyền giảng Phúc âm độc lập, họ sinh hoạt tôn giáo và bị đàn áp rất nhiều. Ngày 22/8/2020, họ có một buổi tổ chức tưởng nhớ những nạn nhân bị áp bức về vấn đề tự do tôn giáo và thế là đã bị chính quyền sách nhiễu và làm khó rồi phạt tiền, phạt tiền vì cái lý do là tổ chức cái ngày đó.
Ngoài ra họ cũng làm giấy đăng ký sinh hoạt và bảo chính quyền hướng dẫn họ cách đăng ký sinh hoạt thì chính quyền cũng không có hồi âm cho họ.”
Mục sư Aga nói chính quyền ở Đắk Lắk và nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên luôn tìm mọi cách để buộc các nhóm Tin Lành độc lập (trong đó có hội thánh do ông thành lập), phải gia nhập các tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận, như Hội thánh Tin lành Miền Nam Việt Nam. Những cá nhân nào không chịu nghe theo, công an địa phương sách nhiễu và đe doạ bỏ tù.
Gần đây, theo mục sư Aga, do không chịu nổi sức ép của chính quyền, ông Y Don Niê đã bị buộc gia nhập Hội thánh Tin lành Miền Nam Việt Nam.
Chính phủ cũng phản hồi về các trường hợp của hai ông Y Phô Êban và Y Khen Bdap là các lãnh đạo của hệ phái Tin lành Good News Mission Church ở các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk, hay trường hợp của các lãnh đạo nhóm Cao Đài độc lập ở Tiền Giang và An Giang bị thẩm vấn, đàn áp vì kỷ niệm các ngày lễ quốc tế.
Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng đều cho là đang thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ và báo cáo của các Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc là "không đúng sự thật."
Việt Nam bị xếp vào nhóm các quốc gia không có tự do tôn giáo, theo báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Cuối tháng 11/2022, Ngoại trưởng Blinken đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
Trong vài năm gần đây, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo mang tính hệ thống ở quốc gia này.