Cuộc Truất Phế Bảo Đại, 23/10/1955 (phần 4 Của 4)

08 Tháng Năm 20238:17 CH(Xem: 762)
             Cuộc Truất Phế Bảo Đại, 23/10/1955 (phần 4 Của 4)

cuoctruatphebaodai-0-236x300-1



Chính Đạo




C. CHẤM DỨT LIÊN MINH MỸ-PHÁP:

Ngày Chủ Nhật, 8/5, nhân Hội nghị Tam cường và Hội nghị Bắc Đại Tây Dương từ ngày 9 tới 11/5/1955 tại Paris, Dulles, Faure và Macmillan họp bàn về Việt Nam. Bộ trưởng Các Quốc Gia Liên Kết Laforest (3-10/1955) trình bày tình hình Đông Dương. Theo Laforest, nếu có Tổng tuyển cử, miền Nam có thể thắng vì kinh tế mạnh hơn, nhưng phải có một chính phủ mở rộng, lôi cuốn quần chúng. Yếu tố thời gian vô cùng quan trọng. Chính sách của Pháp rất rõ ràng: Sự hiện diện của Pháp tại miền Bắc không chỉ giải quyết bằng một chữ ký. Pháp có quyền lợi kinh tế và văn hóa ở miền Bắc. Phái đoàn Sainteny có nhiệm vụ duy trì quyền lợi này. Pháp cũng đã bỏ ý định về một công ty hỗn hợp cũng như bán đứt công ty than đá Bắc Kỳ. Pháp chân thành yểm trợ chế độ Diệm từ khởi đầu, và bất cứ lời cáo buộc nào trái với điều này đều sai lầm. Pháp luôn luôn muốn chính phủ Diệm mạnh hơn, nhưng cũng muốn tránh một cuộc nội chiến, và tìm giải pháp hòa bình. Theo Laforest, Hội đồng Nhân Dân Cách Mạng bị ảnh hưởng Việt Minh. Ba nhân vật quan trọng có liên hệ với Việt Minh. Sở dĩ HĐNDCM lan tràn khắp nơi là do Việt Minh muốn truất phế Bảo Đại. Ngoài ra, còn có biểu tình bạo động chống Pháp và quân viễn chinh Liên Hiệp Pháp. Pháp không muốn quân Pháp trở thành đề tài cho Việt Minh tuyên truyền. Sẽ phải triệt thoái quân Pháp bằng mọi giá.

Dulles trả lời rằng tình hình nghiêm trọng hiện nay cần Mỹ và Pháp chung sức làm việc. Hiện đang có một cuộc cách mạng, Diệm là cơ hội tốt nhất để cưỡi con sóng cách mạng ấy và giữ nó trong biên độ chấp nhận được. Mỹ thấy Diệm là phương tiện duy nhất để cứu Nam Việt Nam và triệt để yểm trợ Diệm. Mỹ nhất định không để Diệm biến thành một thứ Kerensky [của Nga, đã đưa đến chiến thắng của phe Bolshevik vào tháng 11/1919].

Về Bảo Đại, theo Dulles, nếu có thể giữ lại được, chỉ còn khả năng làm lãnh tụ không quyền lực. Cho tới ngày bầu cử Quốc Hội, Bảo Đại phải yểm trợ Diệm, không được lấy đi quyền hành trong tay Diệm. Cao Đài và Hòa Hảo có thể dùng, nhưng Bình Xuyên thì không. Mỹ thấy chỉ có Diệm đáng để viện trợ. Pháp và Mỹ cần làm việc với nhau để giúp Diệm cưỡi trên cuộc cách mạng. Dulles cũng nói, khi có đại diện Bri-tên vào họp chung, là Mỹ không chọn Diệm, đã sẵn sàng chọn giải pháp khác Diệm. Nếu có ai khá hơn Diệm, Mỹ sẵn sàng cứu xét, nhưng chẳng thấy một ai được đề nghị. Collins cũng ủng hộ Diệm.

Faure không đồng ý. Theo Faure, đã đến lúc phải nói thẳng. Diệm lợi dụng cơ hội Collins vắng mặt để làm một cuộc đảo chính; nhưng thắng lợi chỉ phiến diện. Tinh thần bài Pháp của Diệm quá khích. Pháp không ủng hộ Diệm vì Diệm sẽ mang lại chiến thắng cho Việt Minh. Diệm không những thiếu khả năng mà còn khùng (fou). Pháp không thể tiếp tục chấp nhận sự liều lĩnh với Diệm. Tiếp tục yểm trợ Diệm sẽ có 3 kết quả tai hại: (1) Sẽ mang lại chiến thắng của Việt Minh; (2) Sẽ tạo sự thù hận Pháp; và, (3) Sẽ tạo nên sự xa cách giữa Pháp và Mỹ. Ai cũng tin rằng Mỹ yểm trợ Diệm và xúi Diệm chống Pháp, dù rằng chính phủ Mỹ không làm điều đó. (192)

Bảo Đại là lá bài xấu, nhưng còn có thể sử dụng được; với Diệm thì thất bại hoàn toàn. Ngày nào còn Diệm, không thể có một giải pháp. Diệm là một lá bài bất khả, và không có một cơ hội nào để thắng lợi hay cải đổi tình thế. Mặc dù Pháp không có ai để thay Diệm, nhưng bất cứ ai cũng có cơ hội thành công, ngoại trừ Diệm. “Diệm là một sự lựa chọn tồi dở, một giải pháp không thể thành công hay cải thiện tình thế. Không có Diệm, một giải pháp còn khả dĩ, nhưng nếu Diệm ở đó thì bất khả.” [Diem is a bad choice, impossible solution, with no chance to succeed and no chance to improve the situation. Without him some solution might be possible, but with him there is none]. Rồi Faure đặt câu hỏi liệu Mỹ muốn Pháp triệt thoái hoàn toàn khỏi VN, và liệu Mỹ có thể bảo đảm quyền lợi Pháp kiều tại VN hay chăng?

Dulles nói vấn đề chính là sự khác biệt quan điểm giữa Pháp và Mỹ về Diệm. Mỹ nghĩ Diệm có khả năng. Mỹ cũng có thể sẽ rút khỏi Việt Nam. Ba phe đồng ý sẽ thảo luận thêm vào ngày hôm sau. Cả Mỹ và Bri-tên chỉ muốn giữ vùng này khỏi Cộng Sản. (193)

Ngày Thứ Hai, 9/5, Laforest, Berard và Renerucci [Resterucci] với Robertson, Young và Gibson họp cùng hai đại diện Bri-tên. Sau khi trao đổi những khiếu nại về hành vi và thái độ của một số viên chức trung cấp tại Sài Gòn, hai bên đi đến những vấn đề sau: Nếu muốn duy trì Diệm, cần phải làm chính phủ ấy mạnh hơn bằng một sự liên kết rộng rãi, dựa trên mật ước 7 điểm Collins-Ely; Pháp đã cố gắng yểm trợ Diệm, nhưng sự chán ghét Diệm ngày một tăng vì thái độ bài Pháp của Diệm; đặc biệt là việc dùng xe phóng thanh đi khắp phố phường rêu rao khẩu hiệu chống thực dân Pháp; Laforest lập lại vấn đề triệt thoái quân Pháp khỏi Nam Việt Nam mà Faure đã nêu lên ngày Thứ Bảy, và muốn biết Mỹ có bảo đảm tính mạng và quyền lợi Pháp kiều hay chăng.( 194)

Ngày 9/5 này, từ Oat-shinh-tân, XLTV Ngoại trưởng Hoover cho Young biết chỉ có Collins mới đủ thẩm quyền về tầm quan trọng của việc triệt thoái quân Pháp khỏi Nam Việt Nam.( 195)

Theo lời yêu cầu của Dulles, Bộ Tổng tham mưu Liên quân [JCS], với sự đồng ý của Bộ trưởng Quốc Phòng, có ý kiến là hiện tại QĐQGVN khó thể bảo vệ an ninh nội địa nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài, và càng khó tự vệ nếu có sự tấn công từ bên ngoài [Bắc Việt]. Ngoài ra còn vấn đề liệu quân đội có trung thành với Diệm trong mọi hoàn cảnh hay chăng. Muốn bảo đảm an ninh nội bộ và chống lại đe dọa tấn công từ bên ngoài, Nam Việt Nam cần sự giúp đỡ của quân ngoại quốc. Mỹ thì bị ngăn cản bởi Hiệp ước Geneva, không thể bảo vệ tính mạng và tài sản Pháp kiều tại Việt Nam. Trong khi việc triệt thoái quân Pháp là điều ai cũng mong mỏi, nhưng nếu rút quá nhanh sẽ tạo nên tình trạng nguy hiểm. Cộng Sản sẽ khai thác và lợi dụng ngay tình trạng này, Nam Việt Nam sẽ lọt vào tay Cộng Sản. Đối diện tình thần bài Pháp hiện nay, và sự yếu ớt của quân đội cũng như chính phủ Việt Nam, ngay sự hiện diện của quân viễn chinh Pháp cũng khó giữ Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản. Cần có sự phối hợp giữa Pháp, Mỹ và Việt để ngăn ngừa Cộng Sản thống trị. Nếu Pháp rút quân, sẽ dùng lực lượng SEATO. Tuy nhiên cần thêm ý kiến của Collins.( 196)

Phần Collins, từ ngày 8/5 đã được tham khảo ý kiến. Ngày 9/5, Collins nhận định rằng quân viễn chinh Pháp cần ở lại Việt Nam ít nữa cũng tới tháng 7/1956. Thứ nhất, nếu quân Pháp triệt thoái, sẽ tạo nên một khoảng trống chiến lược. Thứ hai, nếu có sự hiện diện của quân Pháp, Việt Minh sẽ không đột ngột vượt sông Bến Hải tấn công. Thứ ba, quân Pháp là lựỳc lượng cần thiết để tổ chức Quân đội QGVN trong khuôn khổ Hiệp định Geneva. Về mặt chính trị, sự hiện diện của quân đội Pháp cũng giúp trung hòa những phần tử quá khích có thể lật đổ Diệm. Ngoài ra, còn vấn đề kinh tế. Sự hiện diện của quân viễn chinh Pháp góp phần lớn vào kinh tế Nam Việt Nam.( 197)

Tối Thứ Ba, 10/5, Hội nghị Ngoại trưởng bàn về việc phòng thủ Âu Châu; nhưng vấn đề Việt Nam vẫn được đưa ra bàn thảo. Faure than phiền về việc Diệm mới cải tổ chính phủ ngày 10/5 ở Sài Gòn, gồm toàn những người không hề có danh vọng hay thành tích, chỉ bao gồm thủ hạ trung thành của Diệm; sự gia tăng cường độ chống Pháp của báo chí Sài Gòn; và cảm thấy tiếc rằng Diệm đã đặt mọi người trước một sự việc đã rồi.

Dulles trao cho Faure một dàn bài tóm lược quan điểm và lập trường của Mỹ: (1) Mặc dù Đông Dương quan trọng, nó không xứng đáng để Pháp và Mỹ kình chống nhau [serious discord]; (2) nếu Pháp rút lui, Mỹ sẽ tiếp tục yểm trợ một chính phủ chống Cộng ở miền Nam VN, nhưng Mỹ vẫn muốn sự hợp tác của Pháp; (3) Mỹ sẽ dùng hết ảnh hưởng để bảo vệ kiều dân Pháp; tuy nhiên hiện nay QĐVN chưa đủ sức giữ an ninh; (4) Mỹ hy vọng Mỹ và Pháp có thể đạt tới một chính sách chung. Mỹ không chấp nhận loại bỏ Diệm một cách đột ngột, không lý do, và mong Pháp sẽ giúp thành lập một chế độ chống Cộng mạnh hơn ở miền Nam theo thủ tục dân chủ, dù có hay không có Diệm. Mỹ đã và sẽ tiếp tục áp lực Diệm phải ôn hòa.

Faure nói dư luận Pháp đang nghiêng về phía chấp nhận Bắc Việt và bỏ rơi miền Nam; hoặc Diệm phải ra đi. Tuy nhiên, Faure đồng ý yểm trợ Diệm với hai điều kiện: Ngưng chống Pháp; và, mở rộng chính phủ. Faure cũng muốn duy trì Bảo Đại như một chiêu bài hợp pháp cho chế độ Diệm, dù Pháp chẳng ưa gì cá nhân Bảo Đại. Dulles lập lại là mặc dù Bảo Đại cung cấp tính cách hợp pháp [“legality”], nhưng phải giữ vai trò thụ động.

Đại diện Bri-tên, Caccia, đồng ý rằng việc cần thiết nhất là mở rộng chính phủ. Theo MacDonald, Diệm ngày một mạnh hơn. Tam cường nên cho đại diện địa phương nhiều quyền hạn hơn để khuyến khích Diệm mở rộng chính phủ. Nếu Diệm không hành động, sẽ xét lại việc thay Diệm

Nhưng Dulles cho rằng Diệm không “nằm trong túi Mỹ,” và cũng không là một thí nghiệm có thể vứt bỏ dễ dàng. Diệm thiếu nhiều đặc tính và không phải là một lãnh tụ hoàn toàn, nhưng là sự xuất hiện của một lực lượng quốc gia chống Cộng cần thiết nếu muốn cứu quốc gia này khỏi họa Cộng Sản. Về các sứ quân, Bình Xuyên không thể khoan nhượng được.( 198)

Tối 11/5, Dulles đề nghị Pháp tiếp tục ủng hộ Diệm cho đến ngày bầu cử Quốc Hội, để quyết định thể chế miền Nam, có hay không có Diệm. Faure chấp thuận với điều kiện Diệm phải mở rộng chính phủ, duy trì Bảo Đại như Quốc trưởng, bầu cử càng sớm càng tốt, ngừng ngay luận điệu tuyên truyền chống Pháp; Mỹ tiếp tục viện trợ, và triệu hồi những cá nhân gây trở ngại cho liên hệ Pháp-Mỹ (như Lansdale).

Dulles đồng ý, nhưng không thể viết thành khế ước vì liên quan đến một nước thứ ba mà cả Mỹ lẫn Pháp đều không thể kiểm soát. Dulles đề nghị mỗi nước công bố riêng chính sách và đường lối của mình. Điều này có nghĩa Mỹ tách dần khỏi kế hoạch liên minh Pháp-Mỹ tại Việt Nam.( 199)

Ngày 12/5, Dulles chỉ thị cho Collins rằng Mỹ yểm trợ Diệm không điều kiện, và thông báo cho Diệm những điểm đã đồng ý trong Hội nghị Tam cường.( 200)

Hôm sau, 13/5, Dulles chỉ thị cho G. Frederick Reinhardt, tân Đại sứ được chỉ định, về những việc phải làm:

(1) Tiếp tục yểm trợ chính phủ Diệm, và đối xử với chính phủ này như một chính phủ độc lập, có chủ quyền mà chúng ta tin rằng nó là như thế và phải như thế.

(2) Chúng ta muốn thấy chính phủ này mạnh hơn.

(3) Chính phủ sẽ có quyền không những với quân đội mà cả cảnh sát. Bình Xuyên phải bị giải tán.

(4) Cần chấm dứt việc chống Pháp.

(5) Mỹ và VN đều không ký hiệp ước Geneva, nhưng đồng ý nghiên cứu việc Tổng tuyển cử vào tháng 7/1956, với điều kiện được tự do bầu cử.

(6) Quân Pháp sẽ triệt thoái nhanh khỏi Nam Việt Nam.

(7) Tự do không thể duy trì được ở VN nếu các lực lượng cách mạng được mang ra chơi ở VN. Chắc chắn VM sẽ tìm cách điều khiển vì họ là những bậc thày trong ngành này. Diệm cần thi hành một chính sách ôn hòa và xây dựng.

Hôm sau, Thứ Bảy, 14/5, Collins rời Sài Gòn. Kidder XLTV một thời gian. Từ ngày này, lá bài Bảo Đại tại Việt Nam coi như chấm dứt. Vai trò Pháp cũng mất dần tầm quan trọng sau ngày Ely xin hồi hương.

Thứ Năm, 19/5/1955–đúng ngày Pháp triệt thoái khỏi Hải Phòng và Việt Minh rút khỏi Bình Định và Quảng Ngãi–HĐ/ANQG Mỹ họp lần thứ thứ 249. Dulles tường trình về chuyến đi Paris và Vienna: Pháp sẽ triệt thoái quân viễn chinh xuống tới 50,000.

Hai ngày sau, 21/5, XLTV Đại sứ Kidder báo cáo từ Sài Gòn là đã thông báo với Ely về kết quả hội nghị Tam cường ở Paris. Ely không tán thành nghị quyết trên, và đã xin hồi hương.( 201)

D. ĐẢ BẠI HÒA HẢO-CAO ĐÀI:

1. Hòa Hảo:

Từ sau ngày ký Hiệp định Geneva, đã bắt đầu có những tranh chấp cục bộ giữa các cấp chỉ huy Hòa Hảo và QĐQGVN, như vấn đề lấn chiếm vùng lãnh thổ cán binh Cọng Sản rút đi tập kết, hay tranh chấp thế lực. Nhờ sự dàn xếp của các viên chức Mỹ, thoạt tiên các lãnh chúa Hòa Hảo đồng ý gia nhập chính phủ liên hiệp của Ngô Đình Diệm vào tháng 9/1954. Nhưng sau ngày Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia ra đời, đa số các lãnh chúa Hòa Hảo đều ở vào thế chống Diệm. Lực lượng Hòa Hảo ở thời điểm này có khoảng 16,000, chia ra như sau: Năm Lửa Trần Văn Soái chỉ huy 7,000, Ba Cụt Lê Quang Vinh 3,000, Hai Ngoán Lâm Thành Nguyên 3,000, Nguyễn Giác Ngộ 3,000. Quân đội QGVN có 21,000 tại Cần Thơ, Sóc Trăng và Vĩnh Long.( 202)

Ngày 1/6/1955, Đại tá Ngộ chính thức về hợp tác với chính phủ Diệm. Ngày 5/6/1955, sau một cuộc chạm súng nhỏ ngày hôm trước giữa Hòa Hảo và QĐVN tại đảo Cái Khế, Ngô Đình Diệm–qua Trần Trung Dung–cho lệnh QĐVN mở chiến dịch Đinh Tiên Hoàng tấn công các lực lượng của “Thống lĩnh” Năm Lửa. Đại tá Dương Văn Đức chỉ huy chiến dịch với sự phụ tá của Thiếu tá Nguyễn Hữu Có. Ngay trong ngày 5/6, QĐVN làm chủ Cần Thơ và Cái Vồn. Năm Lửa chạy về Sa Đéc, rồi Hồng Ngự (Châu Đốc). Bốn ngày sau, 10/6, Diệm ký Dụ đặt Năm Lửa và Ba Cụt ra ngoài vòng pháp luật. Ba Cụt rút khỏi Thốt Nốt (Long Xuyên). Hai Ngoán đầu hàng ở Chợ Mới (Long Xuyên). Ngày 14/6, QĐVN hoàn toàn kiểm soát Quốc lộ 4 và đường Long Xuyên-Châu Đốc. Một số Hòa Hảo chạy vào các căn cứ cũ của Việt Minh trong Đồng Tháp Mười. Một số đơn vị khác bị cán bộ Cộng Sản xâm nhập và chi phối. (203)

Ngày 18/8, Diệm tuyên bố với Mansfield rằng các lực lượng Hòa Hảo coi như đã bị đả bại. Soái và Ba Cụt đang lẩn trốn ở miền Tây.( 204)

Ngày 28/11/1955, Quân đội chiếm thánh địa Hòa Hảo (Long-Xuyên). Khoảng một tháng sau, ngày 29/12/1955, Tương Dương Văn Minh được giao chỉ huy Chiến dịch Nguyễn Huệ, tảo thanh vùng Đồng Tháp Mười với mục đích tách rời áp lực của VC với Hoà Hảo; phá mọi kế hoạch của VC; tiến hành công tác tâm lý, lôi kéo giáo dân Hoà Hảo về phe Quốc Gia; bí mật chiêu hàng Năm Lửa vì sau khi vào Đồng Tháp, Soái đã thấy rõ mặt thực của VC. Điều kiện để trở về: Giữ được những tài sản còn lại. Ngày 9/1/1956, hai sứ giả của Lê Thị Gấm mang thư về xin hàng. Ngày 11/2/1956, Năm Lửa và vợ bí mật về hàng. Ngày 16-17/2/1956, đến lượt các lãnh tụ Hoà Hảo khác. Tổng cộng khoảng 1400 binh sĩ Hòa Hảo đã ra đầu thú. (Tân Phú, 950; Cái Công, 200; Cao Lãnh, 250). Tất cả tập trung ở Cái Vồn. Ngày 29/2, Huỳnh Công Bộ tới Sài Gòn gặp Soái và Tướng Minh. Ngày 8/3/1956, Diệm tổ chức lễ qui thuận của Hòa Hảo tại Cái-Vồn. Ngày 19-20/3/1956, 4,943 binh sĩ HH được đưa từ Cái Vồn về TTHL Quán Tre, Gia Định. (205)

Trong khi đó, tại Châu Đốc, từ ngày 29/2/1956, Nguyễn Ngọc Thơ bí mật gặp Ba Cụt tại Cồn Đảo, trên sông Cửu Long gần Tân Châu, bàn việc về hàng. Có tin Ba Cụt nhận lời qui thuận với cấp bậc Trung Tướng. Nhưng ngày13/4, Ba Cụt bị một toán tuần tiễu Bảo An, qua tố cáo của một chủ hãng xe đò, bắt sống tại Chắc Cà Đao, cách Long Xuyên khoảng 7 cây số. Khi bị bắt, Ba Cụt tự xưng đang trên đường về Long Xuyên để thương thuyết. Bộ Tư lệnh chiến dịch thì tuyên bố Ba Cụt bị bắt sống. Sau đó bị đưa ra tòa quân sự xét xử. Ngày 13/7/1956, Diệm xử tử Ba Cụt tại Cần Thơ. Chỉ có Bảy Đởm mang tàn quân qua Miên. Bảy Đởm và “Sư thúc” Huỳnh Văn “Mười” Trí thề sẽ trả thù. Khoảng 4 tiểu đoàn Hòa Hảo tiếp tục chống chính phủ Diệm cho tới năm 1962. “Mười” Trí sau này ngả theo VC.( 206)

2. Cao Đài:

Như đã lược thuật, nhờ trung gian của Mỹ, lực lượng Cao Đài dưới quyền hai Tướng Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế ủng hộ chính phủ Diệm từ đầu năm 1955. Tuy nhiên, Diệm không ưa Phạm Công Tắc (1893-1959)–người Diệm nghi có tham vọng làm Quốc trưởng. Cái chết của Thế vào tháng 5/1955 khiến các phe nhóm Cao Đài thêm phân hóa. Văn Thành Cao, thừa kế Lực lượng Cao Đài Liên Minh, và Phương tiếp tục ủng hộ Diệm. Nhưng Hộ Pháp Tắc ngả dần về đối lập, chống việc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại.

Chiến thắng khá dễ dàng Bình Xuyên và Hòa Hảo khiến Diệm quyết định xuống tay với đối thủ chót là Phạm Công Tắc. Trong hai tháng 8-9/1955, viên chức chính phủ bắt đầu nêu lên “vấn đề Cao Đài.” Ngày 11/8/1955, Đại biểu chính phủ Trần Văn Lắm mật báo Cao Đài sắp gây hấn với QĐVN; Phạm Công Tắc cho lệnh rút quân từ Vĩnh Long và Long Xuyên về Tây Ninh; nhiều Pháp kiều cũng tiếp xúc với PCT.( 207) Ngày 25/8/1955, Giám Đốc ANQĐ Mai Hữu Xuân báo cáo Cao Đài tiếp xúc với đại diện Hội Liên Việt (Việt Minh) vào đầu tháng 7/1955; Cao Đài giúp tiền cho Liên Việt; ngày 4/8/1955, Hà Nội chỉ thị cho Liên Việt tổ chức giúp Cao Đài lớp tuyên huấn; ngày 16/8/1955, Bộ Tư lệnh Miền Nam được lệnh giúp huấn luyện Cao Đài; ngày 18/8, thêm một công điện khác cho BTL Miền Nam giúp Cao Đài tập trung quân lẻ tẻ về vùng ranh giới Gia Định-Tây Ninh. Ngày 30/8/1955, Tổng trưởng tư pháp Nguyễn Văn Sỹ báo cáo một Thiếu úy Cao Đài ở đồn Rạch Miễu, làng Nhơn Nghĩa “A”, huyện Cái Răng, Cần Thơ, giết 2 nông dân thả trôi sông. Ngày 20/9/1955, có tin Phạm Công Tắc họp mật với một số chính khách tại Tây Ninh.

Ngày 5/10/1955, Trung Tướng Phương mang quân chiếm Tòa Thánh Tây Ninh. Bắt 300 người, kể cả vợ con Phạm Công Tắc.

Từ giữa tháng 11/1955, Phạm Công Tắc bí mật cho thành lập Cao Đài Tự Do [CĐTD] trong Đồng Tháp Mười. Đại tá Nguyễn Văn Kiết–chỉ huy cơ Thánh vệ, con rể Hộ Pháp Tắc, mới được Tướng Phương phóng thích cùng hai con gái PCT (Phạm Thị Tranh và Phạm Thị Hồ Cầm) ngày 28/10/1955, đã trốn khỏi Tây Ninh ngày 12/11–làm Chỉ huy trưởng. Phụ tá là Trung tá Trần Ngọc Thoại. (208) Cuối tháng 11/1955–sau cuộc chạm súng giữa CĐTD và Cao Đài Nguyễn Thành Phương ngày 21/11, khiến CĐTD chết 3, bị thương 6, và phe NTP chết 14, 1 trọng thương–Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Vàng thông báo sẽ đưa Thiết Giáp tới bảo vệ Tòa Thánh Tây Ninh. (209)

Ngày 11/1/1956, Phạm Công Tắc rời Tây Ninh chạy qua Miên tị nạn. Tháp tùng Tắc có Hồ Tấn Khoa, Lê Văn Tất v.. v... Một số binh sĩ Cao Đài bỏ trốn theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Mừng. Một số khác ngả theo VC, tụ họp trong Đồng Tháp Mười.

Chủ nhật, 19/2/1956, Diệm cho lệnh chiếm Toà thánh Tây Ninh và núi Bà Đen. Đại tá Nguyễn Hữu Có được giao chỉ huy cuộc hành quân bình định vùng Tây Ninh, với sự tham dự của Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Hoàng Minh, Trưởng đoàn Trung Kiên Đại Đạo, gửi thư ngỏ tố cáo Văn Thành Cao “mượn binh lực người ngoài về chiếm đóng Thánh địa, đem xe tăng thiết giáp vô cửa chính nội ô, chạy rầm trời khắp chỗ. . .” Ví Cao như “Gia Long, Lê Chiêu Thống.”

E. TRUẤT PHẾ BẢO ĐẠI:

Theo tài liệu tuyên truyền của chế độ Diệm, việc truất phế Bảo Đại là một “cuộc cách mạng nhân vị” nhằm tiêu diệt tàn tích phong kiến, thực dân tại miền Nam. Tài liệu văn khố đã giải mật chưa đủ chứng thực điều này.

Cuộc truất phế Bảo Đại, như đã trình bày ở trên, do cả Pháp lẫn Mỹ chủ trương, đã lâu. Bảo Đại, giống như các vua Nguyễn khác thời Pháp thuộỳc, chỉ là vòng hoa trang điểm cho chế độ, hoặc, một dụng cụ hữu ích, nhằm cung cấp cho chế độ một sự chính thống hay hợp pháp. Năm 1885, “ông nội” Bảo Đại là Đồng Khánh (1885-1889) đã được Roussel de Courcy đưa lên ngai vàng để “trung hưng dòng chính thống [Tự Đức],” lấy đi chính nghĩa của phong trào Cần Vương, biến Hàm Nghi thành “một chú bé hoàng gia lang thang.” Hơn 60 năm sau, Paris lại muốn dùng Bảo Đại như biểu tượng của tinh thần Quốc Gia, biến Hồ Chí Minh–Chủ tịch nước VNDCCH, người từng ký với Pháp hai Tạm ước 6/3/1946 và 14/9/1946–thành một cán bộ Quốc tế Cộng Sản lang thang trong các rừng núi. Khác biệt chăng là Thế chiến thứ hai đã hoàn toàn quốc-tế-hóa đất Việt, cuốn hút Việt Nam vào cơn bão chính trị đang làm biến đổi bàn cờ chính trị thế giới. Hơn nữa, phong trào thực dân vật bản/Ki-tô Âu Châu đang rãy rụa trong cơn hấp hối. Bởi thế, thay vì bị bắt giữ, đầy qua Algeria như Hàm Nghi, Hồ Chí Minh đã củng cố được chính quyền kháng Pháp khắp ba miền, và đặc biệt thành lập được một quân đội đủ khả năng đương đầu với đạo quân viễn chinh Pháp trên khắp chiến trường. Và, cuối cùng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, VNDCCH được ký với Pháp Hiệp ước Geneva 20-21/7/1954, với sự bảo đảm của nhiều cường quốc. Ít nữa trên văn bản, hai phe lâm chiến sẽ phải thương thuyết tiến tới một cuộc Tổng tuyển cử trong vòng 2 năm. Nhưng cuộc chiến tranh lạnh Tư Bản-Cộng Sản (1947-1991), và quyết tâm muốn gia nhập sinh hoạt ngoại giao thế giới của Bắc Kinh, khiến Hiệp định Geneva trở thành tấm khăn liệm đẫm máu cho thi hài những người Việt vô tội. Liên bang Mỹ, do sự yêu cầu của những người Việt chống Cộng và với sự trợ giúp của Đồng Minh, quyết tạo nên một thực thể chống Cộng phía Nam vĩ tuyến 17.

Cuộc truất phế Bảo Đại, bởi thế, chỉ là đoạn kết khó tránh, một khi quân viễn chinh Pháp triệt thoái, và Diệm đã loại bỏ được mọi đối thủ không Cộng Sản, thu nắm hết quyền hành dân và quân sự trong tay. Ngoài ra, số tiền lương của Bảo Đại–5% thu nhập hàng năm của quốc gia– cũng là một món chi tiêu khổng lồ.

Như đã lược nhắc, sáng ngày 29/4, Diệm triệu tập một buổi họp các chính khách, “nhân sĩ” và 18 đoàn thể ở Dinh Độc Lập để thông báo về lá thư đòi Diệm phải qua Pháp. Trưa đó, 29/4, trong một buổi họp khoáng đại ở Toà Đô chính Sài Gòn của 18 đoàn thể “cách mạng,” Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia [HĐNDCMQG] ra đời, đòi truất phế Bảo Đại, yêu cầu quân viễn chinh Pháp triệt thoái, và tổ chức bầu cử Quốc hội. Vì áp lực của Collins, kể cả lời đe dọa sẽ không công nhận và cắt viện trợ, Diệm tạm gác lại ý định truất phế Bảo Đại tức khắc. Nhưng các cuộc biểu tình của HĐNDCMQG lan tràn khắp nơi trong tháng 5 và 6/1955.( 210)

Ở một cái nhìn phiến diện, lệnh gọi Diệm và Tỵ qua Cannes ngày 28/4 [29/4 Việt Nam] có vẻ là giọt nước tràn ly, khiến Diệm rũ bỏ lớp áo “bảo hoàng.” Thực ra, Diệm không “bảo hoàng” như các chuyên viên thường gán ép. Đối với Bảo Đại, lập trường Diệm không rõ ràng. Một mặt, trước ngày về Việt Nam, Diệm “thề trên thập tự giá”Ô là trung thành tuyệt đối với Bảo Đại, và giữ gìn ngai vàng nhà Nguyễn cho Hoàng tử Bửu Long. Lời thề trung thành trên thập tự giá này còn được lập lại trong thư riêng Diệm gửi Bảo Đại ngày 10/11/1954 để cám ơn việc gọi Tướng Hinh qua Pháp. Nhưng nó chỉ là một thứ lời thề và lòng trung thành có điều kiện–loại “trung thành” có thể đổi ngay sang ý định mà Bảo Đại gọi là “phản nghịch,” khi uy quyền của Diệm bị đe dọa. (211)

Trong buổi nói chuyện với Đại sứ Heath ở Paris ngày 21/6/1954, Diệm và Luyện đã tiết lộ ý nghĩ chân thực của họ Ngô: không muốn thấy Bảo Đại về nước.( 212) Ngày 5/1/1955, Diệm lập lại ý định này với Collins.( 213) Tối Chủ Nhật, 20/2/1955, khi Collins mời Diệm tới Toà Đại sứ ăn cơm tối, Diệm nói thẳng rằng gia đình Bảo Đại đã bị mất uy tín ở Việt Nam; ngay việc đưa Bảo Long lên ngôi cũng không được. Chế độ tương lai sẽ theo Mỹ hay Turkey.( 214)

Tháng 3/1955, khi cuộc tranh chấp với Bình Xuyên bùng nổ, Diệm đã xa gần muốn tiếm quyền, thành lập một chế độ Cộng Hòa, theo khuôn mẫu Mỹ.

Từ ngày 9/4, các đảng phái họp để thảo luận về việc thành lập một Hội Đồng Tối Cao Chính Trị. Có: Bùi Diễm (ĐV), Lê Trung Nghĩa (MTQGLH), Nhị Lang (Lê Khắc Hoài, MTQGKC), Bác sĩ Nguyễn Văn Phát (Tập Đoàn Công Dân), Lê Phúc Thiện (VNPQH), Nguyễn Bảo Toàn (Dân Chủ Xã Hội), Nguyễn Hữu Khai và Ung Hải Thọ (PTCMQG). Hẹn gặp lại ngày 13/4/1955 vì có người không dám tự quyết. Hai ngày sau, 11/4, Diệm tiếp Trình Minh Thế. Ngày 12/4, Diệm họp với một số chính khách, như Trần Văn Đỗ, Nguyễn Tăng Nguyên, Huỳnh Kim Hữu (Tinh Thần), Trần Quốc Bửu và Bùi Lương (Lao Động), Huỳnh Minh Ý, Phan Huy Quát. Sau đó gặp Nguyễn Thành Phương, Phạm Xuân Thái, Nguyễn Mạnh Bảo (Cao Đài & VNPQH), Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Đức Thuận, Trần Trung Dung (Phong Trào Đại Đoàn Kết), Nguyễn Hữu, Phạm Quỳ (Tranh Thủ Tự Do), Nguyễn Văn Phát (Tập Đoàn Công Dân), Huỳnh Công Hậu (QGDC), Nguyễn Trác (Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời). Vào cuối tháng 4/1955, thật dễ hiểu là Diệm cương quyết không qua Cannes theo lệnh Bảo Đại. Ngày 29/4, Diệm nói thẳng với Kidder rằng nếu Bảo Đại nhấn mạnh trên việc Diệm phải qua Pháp, điều ấy có nghĩa là hồi kết của Bảo Đại.( 215)

Sau hậu trường, Ngô Đình Nhu lập nên HĐNDCMQG phát động phong trào truất phế Bảo Đại và ủng hộ Diệm. Nòng cốt của Hội Đồng Cách Mạng này là Tướng Phương, Thế của Cao Đài và các chính khách di cư.

Từ ngày này–trong khi quân đội QGVN liên tiếp mở những cuộc tấn công các giáo phái–Diệm đẩy mạnh hơn chiến dịch truất phế Bảo Đại. Ngày 1/5/1955–sau khi được tin Mỹ không chấp nhận kế sách thay Diệm của Collins-Ely–Diệm chính thức dò hỏi Kidder liệu Mỹ có “hoàn toàn và lập tức ủng hộ” nếu lật đổ Bảo Đại.( 216) Hôm sau, 2/5, khi Collins về tới Sài Gòn, Diệm lại nêu lên vấn đề loại bỏ Bảo Đại. Diệm yêu cầu Mỹ đề nghị Bảo Đại từ chức. Collins bảo Diệm nên cải tổ chính phủ và vãn hồi trật tự, để việc Bảo Đại cho Quốc Hội định đoạt.( 217)

Thực ra, ngày 1/5, khi Collins đang trên đường trở lại Việt Nam, Dulles đã chỉ thị phải ủng hộ Diệm vô điều kiện. Theo Dulles, Diệm đã trở thành biểu tượng của tinh thần quốc gia Việt Nam chống thực dân Pháp và những phần tử tham nhũng, chậm tiến. Bảo Đại, dù đúng hay sai, đại diện của những phần tử trên và Diệm xuất hiện như một anh hùng đại chúng. Dư luận và các giới dân biểu Mỹ ngày một ủng hộ Diệm sau các biến cố vừa qua. Việc loại Diệm chẳng những không thực tiễn trong bối cảnh chính trị nội địa mà còn tai hại lớn cho uy danh nước Mỹ tại Á Châu. Cần để chính phủ và các lực lượng chính trị quốc nội tự tìm một giải pháp. Vào thời điểm này, Mỹ cần: (a) Chứng tỏ yểm trợ chính phủ Diệm duy trì quyền thế, duy trì luật pháp, và vãn hồi trật tự; (b) Khuyên Diệm theo đuổi một chính sách tự tiết chế và ôn hòa với Pháp; (c) Khuyên Ely đừng áp dụng những biện pháp bất công với Diệm và Quân đội QGVN, và cảnh giác Ely rằng Mỹ chống việc quân Pháp can thiệp vào công việc của chính phủ Diệm; (d) Pháp cũng cần tự kềm chế.( 218)

Diệm cũng đã có định ý. Diệm muốn triệu tập một đại hội các đại biểu địa phương để lật đổ Bảo Đại, mời 700 đại diện của 39 tỉnh về họp. Một Ủy Ban đặc biệt gồm 50 người cũng thảo kế hoạch yêu cầu Bảo Đại trao quyền cho Diệm, trong khi chờ đợi Quốc Hội bầu xong trong vòng 6 tháng.( 219) Chiều 3/5, Giám đốc Thông tin, Trung tá Phạm Xuân Thái, dò ý Mỹ về vấn đề Hội đồng Cách mạng sẽ truất phế Bảo Đại thì được trả lời rằng Mỹ không chấp thuận, và muốn để Quốc hội quyết định.

Từ Oat-shinh-tân, chiều ngày 3/5 [sáng 4/5 tại Sài Gòn], Dulles chỉ thị cần khuyên Diệm nên “ôn hòa” (moderation) cũng như sẽ khuyên Bảo Đại nên “tự chế và ôn hòa” (restraint and moderation), vì nếu HĐNDCM có thể truất phế được Bảo Đại cũng có thể truất phế Diệm trong tương lai.( 220) Ngoài ra, còn có tin Cộng Sản đã xâm nhập HĐNDCM.

Bởi vậy, khi gặp Diệm ngày 4/5, Collins cảnh cáo rằng truất phế Bảo Đại là một cuộc cướp chính quyền (coup d’etat) và Diệm sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Collins khuyên Diệm nên tạm thời hòa hoãn, tổ chức bầu cử Quốc Hội, và để Quốc Hội quyết định. Nghĩ rằng Diệm đang tìm cách lật đổ Bảo Đại mau chóng và bằng mọi giá, Collins đề nghị Oat-shinh-tân phải áp lực mạnh, kể cả việc không nhìn nhận chế độ Diệm và ngưng viện trợ nếu Bảo Đại bị truất phế.( 221) Chiều đó, khi Collins gặp lại Diệm để chuyển lệnh của Oat-shinh-tân, Diệm không nhắc gì đến việc truất phế tức khắc nữa. Ngày 8/5, Diệm tiết lộ với Lansdale rằng sẽ đọc diễn văn về việc bầu cử Quốc Hội để quyết định bốn vấn đề hệ trọng của đất nước. Đồng thời, cho Lansdale biếtợ hầu hết các đại diện Hội đồng Cách mạng đã về nhà.( 222)

Dẫu vậy, ngày 31/5, Hội đồng NDCM bắt mở cửa Ngọ Môn, tịch thu ấn tín và nhiều vật dụng trong văn phòng Bảo Đại. Đứa con “tập ấm” của “bát cơm Bảo hộ Pháp” quyết tâm vùi chôn một lần và mãi mãi “tàn dư phong, thực, cộng.” Người cầm đầu chiến dịch chống Pháp này là Bùi Văn Thinh và Trần Chánh Thành. Rồi ngày 15/6/1955, Hội đồng Hoàng tộc–dưới bóng đen dọa nạt của Ngô Đình Cẩn–tuyên bố Bảo Đại phải thoái vị.

Ngày 5/7/1955, Hồ Hán Sơn họp báo chỉ trích Diệm chậm trễ truất phế Bảo Đại “kẻ thù của nhân dân, của cách mạng” [“the enemy of the people, of the revolution”], và thành lập Chính Phủ Cách Mạng Quốc Gia, vì chính phủ Diệm là một nhóm quan lại phong kiến bất lực trong việc kiến thiết quốc gia và chiến đấu nhưng rất khôn ngoan trong việc trộm cắp công quĩ và bóc lột nhân dân” [Diem’s cabinet was a group of “feudalist mandarins who were incompetent in reconstruction and struggle but were very smart in stealing public treasure and exploiting the people.”]( 223)

Hai ngày sau, nhân dịp lễ “Song Thất” (7/7) mừng đệ nhất chu niên ngày Diệm lập chính phủ, Diệm tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý vào ngày 23/10/1955 để chọn người lãnh đạo miền Nam.( 224)

Kết Từ:

Có thể nói, buổi nói chuyện đầy xúc động giữa Bảo Đại và Gibson tại Cannes ngày Thứ Sáu, 29/4/1955, chính là tấm mộ chí sự nghiệp của Bảo Đại. Bảo Đại không chỉ qui trách mọi tội lỗi của Diệm cho sự yểm trợ “mù lòa” của Mỹ, mà còn đe dọa sẽ về Đông Dương cầm đầu cuộc chiến chống “kẻ phản loạn [rebel]” Ngô Đình Diệm.( 225)

Ngày 5/5/1955, Collins báo cáo dư luận chống đối Bảo Đại vì việc gửi Hinh về Việt Nam với sứ mệnh đặc biệt. Bảo Đại cũng đã vi phạm những lỗi lầm lớn [major blunders]. Bảo Đại hai lần bắt Diệm qua Pháp. Mặc dù hai bức công điện mới nhất (4/5/1955) có vẻ hòa hoãn hơn, Bảo Đại đã cử Vỹ thay Diệm, và phái Hinh về Việt Nam. Bảo Đại đang bị HĐNDCMQG và báo chí lá cải [vernacular papers] đả kích. Chắc hẳn phải có sự xúi dục hay quay mặt làm ngơ của chính phủ. Nếu Bảo Đại tiếp tục hòa hoãn vẫn còn chỗ dụng, vì Bảo Đại tượng trưng tính cách hợp pháp của chế độ. Cho tới khi Quốc Hội được bầu ra, Bảo Đại là người duy nhất cung cấp yếu tố liên tục chính trị [political continuity]. Bởi thế, nên giữ Bảo Đại.

Trong khi đó, uy tín Diệm ngày một tăng. Điều này chứng tỏ qua việc Diệm phản ứng mạnh mẽ với Bình Xuyên ngày 28/4; quân đội QGVN tiếp tục trung thành; quân đội thành công trong việc đẩy Bình Xuyên khỏi Sài Gòn/Chợ Lớn; sự cay đắng của Pháp với Diệm; sự bất lực của Bảo Đại khi đối xử với Diệm, và thành công của Diệm trong việc đương đầu với Bảo Đại; sự tiếp tục yểm trợ của Mỹ. Nhưng Diệm cũng có nhược điểm: Nguy hiểm bị HĐNDCMQG “cầm tù;” sự trung thành của quân đội có điều kiện (vì Diệm là người cầm đầu chính phủ hợp pháp); Bảo Đại có thể cách chức Diệm nếu HĐNDCMQG truất phế Bảo Đại; khó kiểm soát khuynh hướng Cộng Hòa; Diệm có thể bị lật đổ bởi một nhóm muốn truất phế Bảo Đại, và rồi lại lập Diệm lên cầm quyền. Theo Collins, tốt nhất là duy trì chế độ quân chủ lập hiến cho tới khi bầu cử Quốc Hội. (226)

Dulles đồng ý, nhưng ngày 11/5 từ chối tiếp kiến Bảo Đại trong dịp tham dự Hội nghị Tam cường ở Paris. Nhờ “Ơn Trên” Mỹ, Diệm trên thực tế trở thành ông chủ mới của miền Nam, mặc tình xây dựng một chế độ gia đình trị và giáo phiệt dưới chiêu bài “Nhân vị [Persionalisme].”

Trung tuần tháng 7/1955–nhân dịp kỷ niệm một năm “Quốc hận”–Diệm cho phát động chiến dịch Tố Cọng. Chính phủ ứng ra 1 triệu đồng để chuẩn bị bích chương, truyền đơn, khẩu hiệu và những cuộc biểu tình tuần hành. Cao điểm của chiến dịch Tố Cọng là ngày 20/7/1955, ngày dự trù bàn thảo về việc Hiệp thương Bắc-Nam. Diệm tổ chức học sinh, sinh viên di cư biểu tình tấn công phái đoàn quân sự BV của Tướng Văn Tiến Dũng (1915-2002) tại khách sạn Majestic và khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo. Hồ Anh Tuấn, một phụ tá của Dũng, bị thương hư một mắt.

Chiến dịch tuyên truyền chống Cộng còn là bàn nhún cho một mưu toan khác–tức phủ nhận Hiệp định Geneva và từ chối Hiệp thương, tổng tuyển cử.

Từ ngày 29/6/1955, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu đã tiết lộ với Đại sứ Mỹ kế hoạch từ chối Tổng tuyển cử của Diệm. Theo Mẫu, Diệm sẽ chính thức công bố kế hoạch trên vào ngày 20/7/1955 hoặc trễ hơn. (227) Nhưng tối Thứ Sáu, 15/7 [sáng Thứ Bảy, 16/7, Việt Nam], Dulles chỉ thị Reinhardt yêu cầu Diệm đọc diễn văn về tổng tuyển cử trước ngày 18/7/1955. Bởi thế, ngay ngày 16/7, Diệm tuyên bố trên đài phát thanh là không chấp nhận Tổng tuyển cử. Lý do thứ nhất là chính phủ Diệm không hề ký Hiệp ước Geneva nên “không bị ràng buộc bởi những điều khoản của Hệp định.” Thứ hai, “Ở miền Bắc không thể có tuyển cử tự do.” Ngoài ra, không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Việt đặt quyền lợi quốc gia trên quyền lợi của Quốc Tế Cộng Sản. (228)

Ba ngày sau, Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng chính thức viết thư cho Ngô Đình Diệm, yêu cầu bàn thảo về tổng tuyển cử như Hiệp định Geneva qui định. Ngày 23/7/1955, khi gặp Eden tại Geneva, Ngoại trưởng Molotov không có vẻ gì nóng giận về lời tuyên bố của Diệm. Eden giải thích là Bri-tên cũng như Pháp đều khuyến khích Diệm trả lời đề nghị ngày 19/7/1955 của Phạm Văn Đồng. (229)

Ngày 3/8, Dulles chỉ thị Reinhardt khuyên Diệm nên trả lời thư ngày 19/7/1955 của Đồng. Tuy nhiên, mãi tới ngày 9/8, chính phủ Diệm mới phát thanh lại lời tuyên bố ngày 16/7 của Diệm. Ngoại trưởng Mẫu cũng chỉ nhờ Bri-tên và Pháp chuyển thư của Diêm đến các nước liên hệ cùng đồng bào phía Bắc vĩ tuyến 17.( 230)

Ngày 10/8/1955, Hồ Chí Minh lại kêu gọi hiệp thương và hứa tự do tổng tuyển cử. Nhưng Diệm vẫn từ chối. Một ngày sau khi Phạm Văn Đồng viết thư cho Nga và Bri-tên, than phiền việc trì trễ hiệp thương, ngày 21/9/1955, Diệm lại tuyên bố không thể hiệp thương hay tổng tuyển cử.

Ngày 5/10/1955, Giám đốc Sở Philippines và Đông Nam Á, Young, thư cho Reinhardt: “Nên bắt đầu có những mắt nhìn xa hơn tại Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, từ nay, không cần bận tâm đến việc tổng tuyển cử năm 1956 nữa. Vấn đề thống nhất còn xa. Phe Cộng Sản không áp lực.” (232)

Như để biểu diễn cho Hà Nội biết thế nào là “bầu cử tự do” và “dân chủ kiểu Diệm” [Diemocracy], cuộc “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại ngày 23/10/1955 được vận động và tổ chức rầm rộ ở miền Nam, hầu mở đường cho “Chí sĩ” Diệm bước lên ngai Tổng thống. Nhưng ngay đến Joseph Buttinger, một người ủng hộ Diệm nhiệt thành qua kế hoạch tái định cư dân miền Bắc, phải ghi nhận:

“Cuộc vận động bầu cử một chiều và các phương cách sử dụng để bảo đảm số phiếu gần như đồng thuận cho Diệm thật khiến người ta nổi giận. . . . Cách sử dụng mọi phương cách để bảo đảm chiến thắng cho một mục đích tốt tạo nên viễn tượng xấu cho một chế độ mà những người cầm đầu thường thích tự quảng cáo về các hành động đạo đức” (233)

Một nhà ngoại giao Mỹ, Chester Cooper, ghi nhận rằng cuộc trưng cầu dân ý trên đập tan mọi ảo tưởng rằng Diệm và gia đình sẽ đủ khả năng, và ngay cả ước muốn, để thiết lập một chế độ dân chủ ở miền Nam. Cooper tiếp:

Vào cuối năm 1955, Diệm đã hoàn tất hầu hết những mục tiêu mà Diệm đã đặt ra. . . . Mục tiêu duy nhất mà Diệm không hoàn tất năm 1955 là mục tiêu chẳng bao giờ Diệm có thể hoàn tất: Đó là sự thành lập một chính phủ chống Cộng mạnh và được dân chúng yểm trợ”.( 234)

Có nhiều lý do khiến Diệm, dù đã thụ hưởng Thiên Mệnh Mỹ và Phép Lạ Mỹ, nhưng không thiết lập nổi một chế độ vững mạnh và được đa số dân chúng ủng hộ. Nhưng yếu tố quan trọng nhất nằm ngay trên bản thân Diệm. Thực trạng Việt Nam sau 1945 cần một lãnh tụ mà không phải một Quốc trưởng, Thủ tướng hay Tổng thống chỉ có thể sinh tồn nhờ ngoại viện.

Một trong những yếu tố để trở nên một lãnh tụ là sức thu phục nhân tâm [charismatic power]. Diệm không có khả năng thiên bẩm này. Diệm chỉ có thể là một tỉnh trưởng hay Thủ hiến tốt, giữa thời thái bình thịnh trị, khó thể là một lãnh tụ chính trị có khả năng, xây dựng và cải biến miền Nam Việt Nam thành một tiền đồn chống Cộng [nation building như ai đó đã ví von]. Diệm là một “ông quan” do Pháp huấn luyện, trong bộ Âu phục của Mỹ, hơn một lãnh tụ cách mạng đủ sức đương đầu với Hồ Chí Minh, cùng cuộc cách mạng đã phá vỡ cấu trúc xã hội Pháp thuộc cũ và đang trong chu trình tái thiết lập một trật tự mới giữa những cơn cuồng phong, bão táp chính trị quốc tế đang vẽ lại bản đồ thế giới.

Một lãnh tụ đủ khả năng duy trì miền Nam cũng cần biết làm chính trị, làm việc chung với những người có tài nhưng khác chính kiến và nguồn gốc xuất thân. Nhưng Diệm thiếu khả năng này. Theo Giám mục Lê Hữu Từ, Diệm ganh ghét những người có tài và tìm cách đốn hạ họ. Diệm cũng thẳng tay trung lập hóa, cô lập hoặc tiêu diệt các đảng phái kháng Pháp đã hoạt động từ thời Pháp đô hộ.

Với một xã hội như Nam Việt Nam năm 1954-1955, một lãnh tụ cần có thành tích yêu nước và tranh đấu cho nền độc lập. Diệm thiếu thành tích này. Thành tích hai đời phục vụ Bảo hộ Pháp (Ngô Đình Khả, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm) và hợp tác với Nhật trong Thế chiến thứ hai (1939-1945) được văn công viết lại, biến Diệm thành người phất cờ cho nền độc lập của Việt Nam qua thành tích từ quan năm 1933 (và, thành lập Phong trào Cách Mạng Quốc Gia từ ngày này) chỉ thuyết phục được những ai muốn bị thuyết phục. Dĩ nhiên, trong lịch sử nhân loại không thiếu những con cháu cách mạng đã nhai nuốt cách mạng của cha ông; và cũng không thiếu những người đổi chủ trong đời hoạt động. Nhưng tự xưng và sử dụng cơ quan tuyên truyền suy tôn mình là “cứu tinh của những người Việt chống Cộng” chỉ tạo nên những phản ứng trái ngược trong tâm trí người Việt–một dân tộc đã chứng kiến quá nhiều cảnh dâu bể hay bạo phát bạo tàn của các tác nhân lịch sử (“chó nhảy bàn độc” là câu ngạn ngữ bình dân quen thuộc). Thực ra, thành tích duy nhất của Diệm là đã xin được viện trợ Mỹ, một siêu cường, giữa lúc sự sinh tồn của chính chế độ QGVN và sự hiện hữu của khối giáo dân Ki-tô đang bị đe dọa trầm trọng. Nhưng xin được viện trợ và giữ vững đựợc viện trợ ấy là hai việc khác biệt. Ngoài ra, còn vấn đề sử dụng viện trợ cho hữu hiệu trong mục đích chung Mỹ-Việt: Đó là gia tăng khả năng tồn tại của miền Nam trước quyết tâm thống nhất đất nước của Hồ Chí Minh và Đảng CSĐD.

Để “xây dựng một quốc gia,” cũng cần biệt tài tổ chức. Nhưng dù có cố vấn Mỹ và hai Cố vấn Nhu ở Sài Gòn, Cẩn ở Huế, Diệm thường tập trung công việc hàng ngày trong tay, ngập đầu giữa tiểu tiết, đến nỗi chỉ thấy cây rừng mà quên đi toàn cảnh của cả khu rừng. Sự thất bại của các kế hoạch cải cách nông thôn, Dinh Điền hay Khu Trù Mật là những bằng chứng quá hiển lộ. Từ năm 1962, còn thêm quốc sách Ấp Chiến Lược.

Muốn bảo vệ miền Nam, cũng cần quân đội mạnh và thiện chiến. Quân đội này không do Diệm lập ra; cũng không thể coi như thiện chiến (vì họ chỉ giữ nhiệm vụ bình định trước năm 1954; và chỉ chính thức khai sinh từ năm 1950 hoặc 1951-1952). Đó là chưa kể những lực lượng giáo phái hay sứ quân. Giống như bất cứ một quốc gia đang phát triển nào, khuynh hướng quân phiệt bạo động là điều khó thể không quan tâm. Giới quân nhân là một đe dọa thường trực cho chính quyền dân sự. Mặc dù từ năm 1950, anh em họ Ngô đã chủ trương xây dựng một quân đội mà nòng cốt là giáo dân, khối lượng hơn 160,000 quân đội QGVN mà Diệm thừa hưởng từ Bảo Đại đa số là người không Ki-tô. Những khoảng cách biệt văn hóa, xã hội, tôn giáo, địa phương, xuất thân binh nghiệp và chính trị tiềm tàng, có khả năng đột phá, bẻ gãy quân kỷ bất cứ thời điểm nào. Âm mưu đảo chính của Nguyễn Văn Hinh mới chỉ là khởi đầu. Những cuộc truy diệt Bình Xuyên, Hòa Hảo, rồi Cao Đài là những động lực gieo rắc bất mãn kế tiếp. Những cuộc đảo chính hụt vào tháng 11/1960, đánh bom Dinh Độc Lập tháng 2/1962 càng đánh thức thêm tinh thần bạo động và giấc mơ quyền lực, lợi nhuận trong giới quân phiệt. Và, cuộc đảo chính 1/11/1963 không phải là cuộc đảo chính cuối cùng của quân đội Việt Nam.

Về Cảnh Sát-An Ninh, Diệm không có thực quyền chỉ huy (nằm trong tay Bình Xuyên từ tháng 4/1954). Ngay đến Dinh Gia Long không có lực lượng bảo vệ, và Lansdale phải mang một số thân tín từ Manila qua giúp Diệm. Để thay thế nhóm giang hồ Bình Xuyên, Diệm giao ngành an ninh cho Nhu và Cẩn phụ trách. Đa số cán bộ sử dụng là giáo mục và giáo dân Ki-tô hay cựu kháng chiến. Những người này chẳng hề biết, và cũng chẳng thèm bận tâm, đến những nhân quyền cơ bản, nói chi nguyên tắc dân chủ, tự do, pháp trị. Trên thượng tầng thì anh em nhà họ Ngô chẳng hề dấu diếm quan điểm của họ: Không thể có dân chủ, theo kiểu Tây phương, khi đang đương đầu với hiểm họa Cộng Sản. Thật tự nhiên là miền Nam chẳng khác biệt bao lăm với miền Bắc–độc đảng, công an trị, giáo phiệt. Nhưng nông thôn miền Nam đã từ lâu mở rộng cho cán bộ Cộng Sản. Diệm không đủ thời gian, nhân sự và tài lực, và ngay cả kế hoạch ổn định an ninh vùng nông thôn. Đó là chưa nói đến kế hoạch tự vệ và phản công của Cộng Sản.

Một trong những ưu điểm của Diệm, so với người đương thời, là Diệm có lực lượng yểm trợ khá đông và tương đối đoàn kết: tức hàng giáo phẩm Ki-tô, đang chăn nuôi linh hồn 300,000 giáo dân Ki-tô miền Nam và khoảng 600,000 giáo dân Bắc di cư. Nỗ lực chính của Diệm trong thời gian 300 ngày tự do di cư sau ngày đình chiến là đưa về phía Nam vĩ tuyến 17 tuyệt đại đa số giáo dân Ki-tô, đặc biệt là các giáo phận Bùi Chu/Phát Diệm. Tuy nhiên, một số quan sát viên Tây phương–kể cả Bernard Fall–đã quá vội vã khi cho rằng hơn 800,000 người Bắc di cư đều ủng hộ Diệm. Thực ra, đại đa số chỉ muốn duy trì một miền Nam chống Cộng. Với cá nhân Diệm, người Bắc di cư ngày một thất vọng. Từ mùa Thu 1954, có dấu hiệu cho thấy giáo mục miền Bắc không còn nhiệt thành yểm trợ Diệm nữa. Tháng 12/1954, chẳng hạn, Giám mục Lê Hữu Từ tâm sự với Đặc sứ Collins rằng hào quang của Diệm ngày mới về nước đã lụn tàn. Diệm không chỉ bất lực mà còn ganh tị với những người có khả năng hơn (hoặc danh tiếng hơn), và tìm cách đốn hạ họ. Trong số những người bị đốn hạ này có đảng viên các tổ chức chống Cộng miền Bắc như Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, và cựu quân nhân. Nói cách khác, trong khi nhất thống quyền lực, Diệm đã gián tiếp giúp Việt Minh chiến thắng bằng cách, và chỉ có khả năng, tiêu diệt gần hết các thế lực chống Cộng ở phía Nam vĩ tuyến 17, và tạo nên sự chia rẽ sâu đậm dài theo ranh giới tôn giáo và địa phương.

Chỗ nương tựa đầu tiên và cuối cùng của Diệm chỉ còn lại gia đình khá đông đảo của họ Ngô.( 235) Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi quốc sách của Diệm là gia đình trị [Diemocracy]. Lối gia đình trị kiểu Trung Cổ, mà mỗi người trong gia đình trở thành tâm điểm của những cụm quyền lực [cluster of power] nho nhỏ, tự trị trong khuôn khổ quốc gia. Luật sư Nguyễn Hữu Châu, sau khi đào thoát qua Pháp năm 1958, đã phải bi phẫn phát biểu rằng chẳng có ai được coi như thân tín [inner circle] của họ Ngô, ngoại trừ anh chị em nhà Ngô. Tất cả những người cộng tác khác đều bị coi như nô bộc, theo triết lý “được chim bẻ ná.”( 236)

Diệm cũng có lợi thế bỗng dưng được hưởng lợi của cuộc kháng chiến kháng Pháp 9 năm của toàn dân, đặc biệt là phe Việt Minh. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, Pháp phải triệt thoái khỏi Đông Dương. Chính phủ Diệm vội vã khai thác “chiến thắng” này, nêu cao khẩu hiệu “bài phong, đả thực”–dù thực tế, thực dân/phong kiến đã cung cấp “bát cơm của giòng họ Ngô” từ cuối thế kỷ XIX, và ngay chính chức vụ Thủ tướng cùng phần lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 17 vào hạ bán thế kỷ XX. Không chỉ là những chiêu bài chống Pháp để thu phục nhân tâm, mà tiềm chứa bao thủ thuật khó thể chấp nhận với thế giới văn minh. Ngày 1/12/1955, Diệm cắt đứt liên hệ kinh tế và tài chính với Pháp. Ngày 7/12/1955, ra Dụ số 10 về quốc tịch. Theo một tờ trình của Bộ Tư lệnh Pháp, ngày 23/1/1956, 6,650 trong số 7,000 người Việt có quốc tịch Pháp trước ngày 8/3/1949 đã xé bỏ quốc tịch. Trong số này, có Tướng Trần Văn Minh, André Trần Văn Đôn và 14 sĩ quan cao cấp khác. Y sĩ Trần Văn Đôn, cha André Đôn, đại sứ ở Roma, và Trần Văn Chương, đại sứ ở Mỹ, cũng xin bỏ quốc tịch. Những người có quốc tịch Pháp sau ngày 8/3/1949 sẽ tự động bị hủy bỏ vì hiệp ước Pháp-Việt ngày 6/8/1955.( 237)

Tháng 4/1956, Bộ Tư lệnh viễn chinh Pháp giải tán, sau khi hai nước đồng Chủ tịch Hội nghị Geneva giúp Pháp tháo bỏ trách nhiệm với Hiệp ước 20-21/7/1954. Nam Việt Nam trở thành một “quốc gia” vệ tinh của “Thế Giới Tự Do” do siêu cường Mỹ lãnh đạo. Trong cuộc phiêu lưu, nổi trôi không định hướng từ một thế giới dĩ vãng, đã chết, tới một quốc gia hiện đại hóa chưa có khả năng khai sinh này, nhà tiên tri không có lời rao giảng là Ngô Đình Diệm đã chỉ có khả năng và quyết tâm biến miền Nam Việt Nam thành một trại thí nghiệm “cách mạng nhân vị” sỉn tanh mùi máu, xám xanh cơ hàn và hãi sợ bạo quyền.

Trong những năm đầu, vì thế giới có nhiều chuyển biến, chính phủ Eisenhower cho Diệm được tự do Tố Cọng, Diệt Cọng. Điều người Mỹ khó ngờ, và ngần ngại không muốn can thiệp, là Tố Cọng hay Diệt Cọng của họ Ngô chỉ có khả năng, hoặc chỉ nhằm, tiêu diệt những phần tử chống đối không Cộng Sản. Khi Hà Nội đã tạm thời chấn chỉnh xong miền Bắc, quyết định thống nhất đất nước từ tháng 1/1959 (Hội nghị TW thứ 15, khóa II), chế độ Diệm chỉ đủ khả năng vận động “thánh chiến” giữa giáo mục Ki-tô và Đảng Cộng Sản [Lao Động] Việt Nam. Hầu hết phần tử ưu tú của miền Nam đều chống Diệm, và dĩ nhiên, chống lại chính sách Mỹ, thế lực hùng hậu phía sau Diệm.

Phần đám đông, của cả hai miền, chỉ tựa những bè lục bình nổi trôi theo con triều thô bạo của khói lửa.

Ngắn và gọn, quan hệ Việt-Mỹ–và dòng lịch sử Việt Nam–hẳn đã đổi khác nếu Mỹ chấp thuận kế hoạch “thay ngựa” của Collins và Ely năm 1955, hoặc chấp nhận tổng tuyển cử theo tinh thần Hiệp định Geneva 1954. Biết bao sinh mạng và tài sản của hai dân tộc Việt-Mỹ đã được tiết kiệm, không bị hoang phí cho một “cuộc chiến tiền đồn” mà khi khói bom đạn loãng tan chỉ có những người thua cuộc, với những thương tích khó bề hàn gắn.

Houston, 2002-Sài Gòn, 4/2005.

Chính Đạo

[Trích: Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng [2004], tập I, có hiệu đính]

Phụ chú :

192. Secto 8, 8/5/1955, Dulles gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:372-375.

193. Tài liệu Ngũ Giác Đài ghi là buổi họp này diễn ra ngày 10/5/1955, nội dung như sau: Trước đó, Dulles đã khẳng định Diệm là phương tiện duy nhất để cứu Nam Việt Nam; Bảo Đại đã hết thời. Mặc dù trước khi cuộc thanh trừng Bình Xuyên xảy ra, Collins và Ely đã đồng ý thay Diệm, nhưng nay quyết định yểm trợ Diệm. Ngoại trưởng La Forest và Thủ tướng Faure không đồng ý. Faure cho rằng Diệm không những “thiếu khả năng” [incapable] mà còn “khùng [mad].” Diệm sẽ mang đến chiến thắng cho Việt Minh, khiến mọi người ghét Pháp, và gây sự đổ vỡ giữa Mỹ và Pháp. Faure kết luận: “Diệm là một sự lựa chọn tồi, một giải pháp bất cập, không có một cơ hội nào để thành công, không có cơ hội nào để cải thiện tình hình. Không có ông ta, còn có thể tìm được một giải pháp, nhưng có ông ta thì bất khả.” Sau đó, Faure đề nghị triệt thoái tức khắc quân viễn chinh Pháp khỏi Việt Nam, nếu Mỹ muốn. Dulles nói Mỹ chỉ muốn Nam Việt Nam không bị lọt vào tay Cộng Sản; và sẽ để Pháp tự do hành động. Tuy nhiên, nếu Pháp thay Diệm, Mỹ có thể ngưng tài trợ. Ngoại trưởng Bri-tên, MacMillan, đề nghị cần thêm thời gian để thảo luận trước khi có quyết định. The Pentagon Papers (Gravel), I:237-238.

194. Polto 28, 9 May 1955, BNG gửi Sài Gòn; FRUS, 1955-1957, I:Tài liệu 182 [386-387])

195. Tosec 10, BNG gửi Paris, cho Young; FRUS, 1955-1957, I:tài liệu 181 [pp.385-386]

196. Tedul 9, 9 May 1955, Hoover gửi Paris (Dulles); FRUS, 1955-1957, I:tài liệu 179 [pp.380-381]

197. CĐ 1323, 9/5/1955, Collins gửi Paris; FRUS, 1955-1957, I:382-385.

198. Secto 36, 11/5/1955, Dillon gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:393-399.

199. The Pentagon Papers (Gravel), I:239; FRUS, 1955-1957, I:401-405.

200. The Pentagon Papers (Gravel), I:405.

201. FRUS, 1955-1957, I:408.

202. FRUS, 1955-1957, I:431-433.

203. Xem chi tiết về các lực lượng Hòa Hảo trong Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia [TTLTQG] II (TP/HCM), PTT/1CH, HS 4323-4327.

204. FRUS, 1955-1957, I:519.

205. TTLTQG II (TP/HCM), PTT/1CH, HS 4320; SHAT (Vincennes), 10H 4197; Trần Văn Trà, 1993:73. Ngày 3/8/1957, Diệm cho Durbrow biết đã cách chức Chỉ huy trưởng Bảo An của Soái; FRUS, 1955-1957, I:839. Ngày 9/2/1961, Soái chết tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Ngày 5/9/1967, Nguyễn Văn Thiệu hoàn trả tài sản của Soái.

206. Phúc trình của Tướng Dương Văn Minh, ngày 27/4/1956, về việc bắt Lê Quang Vinh tức Ba Cụt ngày 13/4/1956; TTLTQG II (TP/HCM), PTT/1CH, HS 4322; The Pentagon Papers, (Gravel), I:305. Mười Trí, còn có biệt danh “Tư Bà Quẹo,” sinh năm 1908 tại Tân Sơn Nhì, Gia Định. Trước năm 1945, hai lần vượt ngục Côn Đảo. Từng chỉ huy Trung đoàn 4 Việt Minh; SHAT (Vincennes), 10H 3969. Ngày 6/6/1969, Huỳnh Văn Trí được liệt kê như một thành viên Hội đồng cố vấn chính phủ lâm thời Cộng Hoà Miền Nam, với Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch; Trịnh Đình Thảo làm Phó; Chung một bóng cờ, 1993:967. Có tin cho rằng Mười Trí không phải là Hòa Hảo.

207. Tất cả những chi tiết về Cao Đài dưới đây rút ra từ TTLTQG II (TP/HCM), PTT/1CH, HS 4324. Chúng tôi chỉ ghi thêm cước chú nếu sử dụng nguồn tài liệu khác.

208. Cũng có báo cáo ngày 22/9/1955, Đại tá Trương Lương Thiện, TMT/ Cao Đài Liên Minh [CĐLM], cùng Đại úy Ngô Đình Song và Trung úy Đinh Khắc [Thạch] Bích đi quan sát Đồng Tháp Mười [tới 24/9/1955]. Ngày 25/9, triệu tập một phiên họp tại trụ sở CĐLM, 159 đường Trần Quí Cáp. Ibid., PTT/1CH, HS 4325. Ngày 15/11/1955, Nguyễn Tấn Hướng, Tỉnh trưởng Mỹ Tho, báo cáo: Pháp, VC, Hòa Hảo, Cao Đài Thống Nhất và Cao Đài Liên Minh Ly Khai phối hợp hành động. Ibid.

209. Ibid., PTT/1CH, HS 4323.

210. The Pentagon Papers (Gravel),Gravel, I:303.

211. Fall, Two Vietnams, 1964:244; Phụ bản trong Nguyễn Mạnh Quang, Thực chất Giáo hội La Mã, 2 tập (Tacoma, WA: 1999), II:776-778. (Tài liệu này do Bà Mộng Điệp trao cho ông Nguyễn Đắc Xuân).

212. Diệm cũng nói cần ba bốn tháng để củng cố chính quyền. FRUS, 1952-1954, XIII:2:1728.

213. FRUS, 1955-1957, I:19.

214. FRUS, 1955-1957, I:91-92.

215. FRUS, 1955-1957, I:318.

216. CĐ 4985, ngày 1/5/1955, Sài Gòn gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:353n2.

217. CĐ 5006, ngày 2/5/1955, Sài Gòn gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:353-4n3.

218. FRUS, 1955-1957, I:345-6.

219. The Pentagon Papers (Gravel), I:235.

220. CĐ 4867, ngày 3/5/1955, BNG gửi Collins; FRUS, 1955-1957, I:353-355. Dulles khuyên Pháp nên tự chế trong tình trạng hiện tại; và yêu cầu Bảo Đại gọi ngay Tướng Hinh [từ Nam Vang] về Paris.

221. CĐ 4507, 4/5/1955, Collins gửi BNG; FRUS, 1955-1957, I:357-359.

222. FRUS, 1955-1957, I:370-371.

223. Xem Phụ bản thông cáo phổ biến cho báo chí ngày 5/7/1955. Ngày 30/10/1955, tổ chức này bị giải tán. The Pentagon Papers (Gravel), I:304. Ngày 11/1/1956, báo Cách Mạng Quốc Gia phản đối cuộc họp báo ngày 7/1/1956 của Nguyễn Bảo Toàn. Đăng cải chính trên các báo CMQG, Tự Do, Dân Nguyện. Ngày 11/1/1956 này, Diệm ký Sắc lệnh số 6, bắt giữ bất cứ ai có hành động làm hại đến an ninh công cộng. Theo tài liệu chính phủ, trong năm 1956 có khoảng 20,000 cán bộ CS bị cải huấn tại các trại tập trung. Đáng kể nhất là trung tâm Phú Lợi (6,000). Tài liệu Pháp ghi nhận vào khoảng 50,000; The Pentagon Papers (Gravel), I:311. Ngày 17/1/1956, Le Monde loan tin HĐNDCM bị truy bắt. Nhiều người phải chạy trốn qua Miên, Mỹ (Nguyễn Bảo Toàn), v.. v... Họ cho là bị lừa (double-crossed); Fall, Two Vietnams, 1964:258. Tháng 6/1956, Đại tá Nguyễn Văn Quan, Phân khu trưởng Phân khu Cần Thơ, báo cáo: Có tin đồn Đại tá Hồ Hán Sơn bị Ban Vô hình của Nguyễn Thành Phương ám sát vì xúi dục binh sĩ Cao Đài chống lại Phương; TTLTQG II (TP/HCM), PTT/1CH, HS 4324.

224. Fall, Two Vietnams, 1964:257. Ngày 26/9/1955, Diệm thông báo với Đại sứ Reinhardt là sẽ thực hiện hai giai đoạn để loại bỏ Bảo Đại: Trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955 về người cầm quyền tại Nam Việt Nam; và, Trưng cầu dân ý biểu quyết Hiến pháp ngày 27/11/1955. Reinhardt khuyên Diệm đừng nên dùng trưng cầu dân ý để loại bỏ Bảo Đại vì có vẻ thiếu dân chủ. Diệm không nghe; FRUS, 1955-1957, I:547-548 [Document 259]. Diệm cũng bắt giữ hai viên chức Pháp về tội phá hoại nhà máy biến điện Sài Gòn vào tháng 8/1955, rồi dùng vụ án gián điệp này để áp lực Pháp phải chấp nhận và tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại.

225. US-Vietnam, Bk 10:948-954; FRUS, 1955-1957, I:Tài liệu 160 [pp. 332-336]. Ngày 30/4/1955, báo Nice Matin [Buổi sáng Nice] đăng danh sách 25 người được Bảo Đại mời qua Cannes tham khảo: Phạm Công Tắc, Trần Văn Soái, Bảy Viễn, GM Lê Hữu Từ, một đại diện Phật Giáo, Hữu, Tâm, Lộc, Xuân, Trần Văn Đỗ, Hồ Thông Minh, Hồ Văn Nhựt, Nguyễn Tôn Hoàn, Phan Huy Qúat, Phan Văn Ngọi, Trần Văn Lý, Nguyễn Xuân Chữ, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Đắc Khê, Nguyễn Văn Tri, Nguyễn Quốc Định, Nguyễn Nhơn Ứng và Ưng Ân, cùng 2 đại diện khác; FRUS, 1955-1957, I:334n335n.

226. FRUS, 1955-1957, I:364-365.

227. FRUS, 1955-1957, I:470-471.

228. Gravel, I:287; FRUS, 19551957, I:489-490; VKĐTT, 16:1955, 2002:457-462.

229. FRUS, 1955-1957, I:497-498.

230. FRUS, 1955-1957, I:505.

231. FRUS, 1955-1957, I:540-542.

232. Thực ra, tháng 1/1956, Bắc Kinh đã đưa ra đề nghị triệu tập một phiên họp mới về Hiệp định Geneva. Tuy nhiên khi họp sơ bộ tại London ngày 11/4/1956, Ngoại trưởng Gromyko và Lord Reading của hai nước đồng chủ tịch đồng ý không thể triệp tập Hội nghị Geneva, tạm đình hoãn bầu cử vô hạn định, và cởi bỏ cho Pháp trách nhiệm tổ chức bầu cử. UBQTKSĐC [ICC] được yêu cầu tiếp tục nhiệm vụ cho tới ngày tổng tuyển cử. Pháp cũng được yêu cầu làm trung gian; CameronVietnam Crisis, I:432-436; FRUS, 1955-1957, I:680-682. Ngày 10/5/1956, khi báo cáo với Dulles tin này, Sebald cho đây là một chiến thắng ngoại giao cuả Nam Việt Nam. Trong khi đó, ngày 2/5/1956, Christian Pineau nói với Dulles là Pháp chống lại việc triệu tập Hội nghị Geneva, vì thật vô ích khi cả Mỹ lẫn Nam VN sẽ vắng mặt. Về quân sự, Pháp muốn duy trì căn cứ Seno ở Lào, nhưng cần giữ được xưởng Ba Son ở Sài Gòn để bảo trì các chiến hạm. Pháp không có ý định bang giao với VNDCCH; FRUS, 1955-1957, I:676-677.

233. Nguyên văn: “The one-sided ‘election campaign,’ and the methods employed to assure an almost unanimous vote for Diem were quite outrageous. . . . The use of these methods to secure the victory of a good cause boded ill for the future of a regime whose leaders liked to advertise his acts as morally inspired;” Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled (New York: Prager, 1967), tr. 890-891. Ngày Thứ Bảy, 19/3/1955, để chuẩn bị cho việc tổ chức Tổng Tuyển Cử dự trù trong Hiệp ước Geneva, Collins và Diệm đã bàn kế hoạch cho Diệm tuyên bố chấp nhận tranh cử dân chủ thực sự. Ngoài ra, chính phủ miền Nam sẽ được hợp hiến hoá qua cuộc bầu cử Quốc hội Lập Hiến trước tháng 7/1956. Nhưng Dulles chỉ thị cho Collins: Nếu có Tổng tuyển cửƯ, Diệm chắc chắn sẽ thua to. Phải tìm cách không tổ chức Tổng Tuyển Cử, nhưng đổ lỗi cho Việt Minh từ chối tổ chức tuyển cử tự do; FRUS, 1955-1957, I:134.

234. Nguyên văn: “By the end of 1955 Diem had achieved most of the objectives he had originally set for himself. . . . The goal he was not achieved during 1955 was one he would never achieve–the creation of a strong and popular anti-Communist government;”Cooper, The Lost Crusade, tr. 151-152.

235. Ngày 7/3/1955, Diệm và Wesley Fishel bàn về gia đình Diệm. Theo Diệm, Nhu là linh hồn của Đảng Cần Lao Nhân Vị; nhưng Nhu là một “học giả thuần thành,” viết tiếng Latin và tiếng Greek thạo hơn tiếng Pháp, chỉ muốn vui vầy với những bản thảo cũ hơn giải quyết những khó khăn chính trị. Cẩn là một người khôn ngoan nhất trong nhà, đáng lẽ phải ngồi ghế Thủ Tướng mà không phải Diệm. Tuy nhiên, Cẩn bị yếu tim, không đủ sức đi bộ quá 100 thước. Cẩn cũng không thích chính trị, chỉ hoạt động từ sau ngày anh cả trong gia đình là Khôi bị giết. Cẩn cũng không muốn dính líu vào việc cai trị, nhưng ai nấy đều muốn được Cẩn “cố vấn.” Cẩn không hề có một toán đặc biệt để ám sát các đối thủ. Luyện, em út trong nhà, có khả năng nhưng “nóng tính” (very hot temper). Fishel nhận xét rằng Nhu và Cẩn đều dấu Diệm sự thực. Họ sợ Diệm, không muốn làm Diệm nổi giận; như có lần Diệm đã “yêu cầu” Lệ Xuân phải đi nghỉ mát Hong Kong hai tháng. Diệm rất khó chịu khi nghe những lời chỉ trích anh em mình; FRUS, 1955-1957, I:111-3. Trong khi đó, buổi tối ngày 25/3/1955, Giám mục Thục gặp Collins theo lời yêu cầu của Collins. Collins cho Thục biết có nhiều chỉ trích anh em họ Ngô, đặc biệt là Nhu và Cẩn. Collins đề nghị nên cho Nhu đi làm Đại sứ và đưa Cẩn qua Mỹ chữa bệnh tim. Collins cũng bảo Thục rằng không muốn thấy một chức sắc Ki-tô nào được mời qua Việt Nam trong vòng 6 tháng tới; và hạ ngay biểu ngữ treo trên đường phố gần Dinh Độc Lập. Thục hứa sẽ thảo luận các vấn đề này với Diệm sau khi đi Huế trở về; FRUS, 1955-1957, I:tài liệu 72. Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng [CLNVCMĐ] do Hà Đức Minh làm Tổng thư ký, trước kia đặt trụ sở tại số 22/27 đường Frostin, sau đổi qua số 296 đường Tướng Lize. Trần Thanh Nam [Đại Việt] là Trưởng phòng nhì; SHAT (Vincennes), 10H 4196. Về Đảng Cần Lao, xem tóm lược trong Chính Đạo, VNNB, tập I-C: 1955-1963, tr. 135-137. Xem thêm Idem., VNNB, tập II-A: Các tổ chức tôn giáo (đang in); và hồi ký của Chu Tử Kỳ, Đỗ Mậu, Huỳnh Văn Lang và Nguyễn Văn Minh.

236. Chính Đạo, VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 126, 137-138.

237. SHAT (Vinvennes), Indochine, 10H 4197.

Chính Đạo
Copyright 2009 by Chieu N. Vu All Rights Reserved


Nguồn bài viết: https://hopluu.net/p128a209/11/cuoc-truat-phe-bao-dai-23-10-1955-phan-4-cua-4

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Mười 2024
Nhưng điếm yếu nhất của chế độ độc tài đảng trị độc đảng chính là do chỉ có một đảng phái cai trị dẫn đến lạm quyền, kèm theo đó là không có tự do ngôn luận – hệ thống báo chí tư nhân – và quan trọng hơn hết là người dân bị cấm cái quyền dân chủ của mình, họ không được nói, được chỉ trích những di hại, bằng chứng về những sai lầm của bộ máy đảng trị và có thể bị bắt bất cứ lúc nào bằng các điều luật phản nhân quyền, phi dân chủ như 72, 258, 331… mà bộ máy cai trị đặt ra để kềm tỏa người dân!. Đó chính là một đảng phái độc tài, cực đoan và ngụy dân chủ!
09 Tháng Mười 2024
Nhưng đài báo nhà nước thì cho dân “ăn” bơ sữa thường xuyên, nhất là khi lên tiếng tố cáo chính quyền “ngụy” Sài Gòn. Họ gọi đó là bọn tay sai của đế quốc Mỹ, cam phận ăn “bơ thừa sữa cặn” để áp bức bóc lột đồng bào miền Nam, gây chiến tranh chia cắt đất nước. Theo cán bộ hồi đó giải thích, cũng như đọc trên báo Nhân Dân, ăn “bơ thừa sữa cặn” là ăn thứ người ta đổ đi, ăn hèn ăn nhục, bám đít đứa khác, chả khác gì con chó ăn sít. Thà đói khổ mà làm người cách mạng, còn hơn sống kiếp “bơ thừa sữa cặn”. Nghe giải thích vậy, tự dưng thấy không thèm bơ sữa nữa. Đói cũng vinh quang. Thèm cũng tự hào.
08 Tháng Mười 2024
Họ vẫn tiếp tục tung tin giả để ủng hộ ông Trump cho kỳ bầu cử này. Họ không đủ can đảm để vượt lên đảng tính. Họ dùng cảm tính để đánh giá sự thật thay vì dùng tri thức để đánh giá sự thật. Đó chính là lý do tại sao, đến giờ phút này, họ vẫn tiếp tục tung tin giả để ủng hộ “thần tượng Trump” của họ. Họ hoàn toàn không hề nghĩ rằng họ đã bị lợi dụng như chính cộng sản Việt Nam đã lợi dụng lòng yêu nước của Việt tộc từ năm 1930 đến năm 1975.
07 Tháng Mười 2024
Đối với một số cán bộ lãnh đạo các cấp, đi làm việc nước cũng có nghĩa là xách cặp đi họp, chu toàn bổn phận…. Việc làm thường xuyên này đã tạo ra cho họ hai trạng thái tâm lý rất tế nhị, đó là an tâm và ngụy tín (mal foi/ tin giả, đức tin xấu). An tâm là thái độ nhân danh để hành động, do đã có tập thể bảo kê mà mình tin là sáng suốt lãnh đạo chịu trách nhiệm hết cả; còn ngụy tín là thái độ tự lừa dối chính họ mà họ không hay biết. Nghĩa là khởi đầu họ tin là thật một điều gì đó biết là không thật, nhưng cứ đóng kịch mãi rồi quên mất mình giả vờ, đóng kịch, cuối cùng tin thật vào những điều mình giả vờ, đóng kịch, cho đến khi tỉnh ngộ mới nhận ra được.
04 Tháng Mười 2024
Tuy ông Phúc đã không còn quyền lực, nhưng chắc chắn, tiền tham nhũng ông không ăn một mình. Đặc biệt, ông Trương Hòa Bình – Phó Thủ tướng Thường trực dưới thời ông Phúc làm Thủ tướng, không thể không liên quan đến những sai phạm của cấp trên. Trong chế độ này, khi phải ký những văn bản có nguy cơ dính đến sai phạm, thì cấp trưởng thường hay đẩy cho cấp phó, buộc họ phải ký. Nếu bứt “dây” Nguyễn Xuân Phúc, thì sẽ động đến cả khu rừng. Lúc đó, không những ông Trương Hòa Bình, mà có thể cả ông Trương Tấn Sang cũng nhảy vào gỡ rối. Trong khi đó, ông Trương Tấn Sang rất có ảnh hưởng đến nhóm Hà Tĩnh. Vì thế...
02 Tháng Mười 2024
Tôi xin được chia sẻ cùng mọi người cái nhìn của tôi về dự án kinh đào Phù Nam Techo của Campuchia. Thứ nhứt, sau khi hoàn tất, con kinh sẽ có những tác động gì đến Việt Nam, về kinh tế và an ninh chiến lược? Thứ hai, Hun Sen và con trai là Hun Manet đã có ước vọng, hay nói cách khác là tầm nhìn của họ qua dự án kinh đào Phù Nam Techo là gì? Dự án kinh đào Phù Nam và sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc có quan hệ gì với nhau không và việc này có tác động gì đến Việt Nam?
01 Tháng Mười 2024
Tô Lâm còn hứa: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến ổn định, tin cậy và hấp dẫn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách nước ngoài. Con đường để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình là đổi mới sáng tạo, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.” Tất nhiên Việt Nam chỉ có một con đường nhìn về phía trước để hợp tác tồn tại. Nhưng không có tự do và thiếu dân chủ thì Việt Nam cũng chỉ là quốc gia kém mở mang và chậm tiến. Vì vậy, chừng nào đảng CSVN còn từ chối...
30 Tháng Chín 2024
Nếu bà Kamala Harris đắc cử, chiến thắng cuộc đua, trở thành Tổng Thống thứ 47, bà sẽ là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo nước Mỹ trong lịch sử lập quốc 248 năm – một đất nước thành lập từ di dân vào thế kỷ 18 – với 46 đời tổng thống trước toàn là đàn ông. Đúng ra, nếu không vì hệ thống bầu cử lạ lùng, lỗi thời (Gerrymandering) - tính phiếu đại cử tri (Electoral voter) của mỗi tiểu bang – thay vì tính số phiếu phổ thông của cử tri đi bầu (individual vote) thì năm 2016 bà Hllary Clinton đã trở thành nữ Tổng Thống đầu tiên của Mỹ do nhiều hơn ông Donald Trump khoảng 3 triệu phiếu cử tri.
30 Tháng Chín 2024
Người xem VTV khóc tu tu thương cho hoàn cảnh bọn trẻ miền núi vô cùng thiếu đói. Trên má thì lệ tuôn, tay thì sờ ví xem còn đồng nào móc nốt gửi lên trên trường ấy, tặng các cháu một bữa cơm có thịt. Chứ xót xa quá, như đứt từng khúc ruột. Tiếng khóc trước màn hình VTV vang lên đến tận nhà anh Hờ A Dê, cha của em bé năm tuổi kiêm thần đồng ăn gừng đã nói. Hôm sau, trước ống kính của các phóng viên khác, anh Dê hồn nhiên nói hôm ấy anh đang chuẩn bị chiên trứng cho con mang đi ăn thì phóng viên VTV hỏi có gừng không, thái một ít bỏ vào cặp lồng cơm cho cháu.
28 Tháng Chín 2024
Nhìn danh sách những nhân vật hiện diện dẫn đầu đoàn đi dự bao gồm Tô Lâm, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Trọng Nghĩa, Phan Văn Giang, Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc, Tô Ân Xô… tất cả đều là tướng Công an và Quân đội, người ta thấy được một điều khá rõ nét. Đó là Đoàn đại biểu Việt Nam đi dự Đại hội đồng Liên Hiệp quốc mang đậm tính chất nhà nước Việt Nam hiện tại: Ở đó, chủ yếu là tướng tá Công an và quân đội, là đặc trưng của hệ thống chính trị kiểu nhà tù ở Việt Nam hiện nay. Đó cũng là một đặc trưng, mang đậm “Bản sắc Tô Lâm” hiện nay.