Việt Nam phản ứng về việc toà Philippines hủy thoả thuận
hợp tác khai thác trên Biển Đông
Một giàn khoan của VN - Hình Internet
VOA
Trả lời câu hỏi về sự kiện Toà án Tối cao Philippines mới đây cho rằng thoả thuận hợp tác khai thác năng lượng của nước này với Trung Quốc và Việt Nam là “vi hiến” và đưa ra phán quyết huỷ bỏ thoả thuận này, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 12/1 nói mọi hoạt động hợp tác cần phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam cho rằng mọi hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác biển, cần phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phạm Thu Hằng, nói tại buổi họp báo ngày 12/1.
Bà Phạm Thu Hằng nhắc lại rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, và cho rằng các hoạt động hợp tác quốc tế cần “tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của các nước”, nhưng không cho biết Việt Nam sẽ phản ứng thế nào trước phán quyết của Toà án Philippines.
Trước đó, vào ngày 10/1, Tòa án Tối cao ở Philippines tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận giữa Công ty Dầu khí Quốc gia Philippines do nhà nước điều hành, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc và Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trong khu vực có diện tích 142.886 km2 (55.169 dặm vuông) trên biển.
Toà Tối cao Philippines cho rằng thỏa thuận thăm dò năng lượng năm 2005 của nước này với các công ty Trung Quốc và Việt Nam là bất hợp pháp, nói rằng hiến pháp nước này không cho phép các thực thể nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhà nước Philippines phải kiểm soát và giám sát các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, và các công ty liên quan phải thuộc sở hữu đa số của Philippines.
Tình trạng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông luôn đề ra nguy cơ làm gián đoạn các hoạt động năng lượng. Thực tế này đã khiến cho Philippines gặp khó khăn trong việc tìm đối tác nước ngoài để khai thác tài nguyên, ngay cả trong các khu vực không có tranh chấp ở Biển Đông, mặc dù tòa trọng tài đã làm rõ những quyền lợi của Manila trong phán quyết năm 2016.
Những nỗ lực nhằm tìm kiếm một phương cách khả thi về mặt pháp lý để hợp tác trong việc thăm dò năng lượng đã nhiều lần gặp trở ngại.
Chính phủ tiền nhiệm của Philippines vào tháng 6 năm ngoái đã từ bỏ nỗ lực mới nhất, viện dẫn những ràng buộc về hiến pháp và các vấn đề về chủ quyền.
Vào đầu tháng 12/2022, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr tuyên bố Philippines phải tìm cách tự khai thác trữ lượng năng lượng chưa được khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, ngay cả khi không có chuyên gia của Trung Quốc.