Hai phó thủ tướng được cho nghỉ: khuất tuất đằng sau
VOA
Bị thanh trừng hay tự xin nghỉ? Nguyên nhân là gì? Tại sao quy trình của Đảng và Quốc hội miễn nhiệm phó thủ tướng và bổ nhiệm người mới diễn ra nhanh gọn như vậy? Hai vị phó thủ tướng đã phạm sai lầm gì đến mức bị bãi chức? – nhiều nghi vấn được dư luận đặt ra xung quanh việc ra đi của hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.
Ông Phạm Bình Minh là ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng Thường trực, nhân vật số hai trong Chính phủ sau Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông từng là Bộ trưởng Ngoại giao. Trong khi đó, ông Vũ Đức Đam, ủy viên Trung ương Đảng, nhiều năm là phó Thủ tướng phụ trách mảng Văn hóa-Y tế-Giáo dục.
Hôm 30/12 năm 2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp phiên bất thường để nhất trí cho ông Minh và ông Đam ra khỏi Trung ương Đảng. Riêng ông Minh còn ra khỏi Bộ Chính trị luôn.
Đây là hội nghị trung ương bất thường lần thứ 2 trong nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa 13. Tại hội nghị bất thường lần trước hồi đầu tháng 10, có tới 3 ủy viên Trung ương đã bị thanh trừng mà thông báo chính thức nói là ‘cho thôi’.
Tuy nhiên, nếu như các ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt và Bùi Nhật Quang được Đảng nói rõ là đã có sai phạm, khuyết điểm gì và đã bị kỷ luật thế nào mới bị cho ra khỏi Trung ương, thì đối với hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, Đảng không hề nói rõ nguyên nhân là gì.
Trong một diễn biến chóng vánh, chỉ 6 ngày sau hội nghị trung ương bất thường của Đảng, đến lượt Quốc hội họp phiên bất thường hôm 5/1 để quyết định miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng của hai ông Minh và ông Đam và bầu luôn người thay thế trong cùng ngày.
Các thông báo phát đi của Trung ương Đảng và Quốc hội đều cho rằng việc này là ‘xét theo nguyện vọng cá nhân’ của hai ông Minh và ông Đam. Tại buổi lễ sau đó, hai ông Minh và Đam còn được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa và ca ngợi công lao. Tất cả những điều này cho thấy dường như hai ông này không hề bị thanh trừng mà chỉ là ‘hạ cánh an toàn’.
Trả lời báo chí về nguyên nhân bãi nhiệm hai phó thủ tướng này, ông Bùi Văn Cường, chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, nói như sau: “Nếu có vấn đề sức khỏe không đảm bảo, hay uy tín giảm sút, thì xin thôi. Cấp có thẩm quyền khi đó sẽ xem xét miễn nhiệm nhiệm vụ ấy.”
Tuy nhiên, không rõ hai ông Minh và ông Đam gặp vấn đề sức khoẻ gì cùng một lúc hay là ‘uy tín giảm sút’, mà nếu ‘uy tín giảm sút’ thì vì lý do gì vì trước giờ hai ông chưa từng bị Đảng loan báo kỷ luật.
Kỷ luật vì cấp dưới?
Nhận định về việc này, ông Lê Quốc Quân, một luật sư bất đồng chính kiến ở Hà Nội, nói với VOA rằng bất chấp các ngôn từ ‘cho thôi’ hay hình thức trang trọng, đúng quy trình mà Đảng thể hiện, bản chất của vụ việc này ‘vẫn là kỷ luật’.
Ông Quân phân tích nguyên nhân hai vị này bị kỷ luật là những bê bối về vụ chuyến bay giải cứu ở Bộ Ngoại giao, cơ quan dưới thẩm quyền ông Minh, và vụ bộ xét nghiệm của công ty Việt Á mà ông Đam một thời là trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 nên không tránh khỏi liên đới.
“Hai ông này phải chịu trách nhiệm về những vụ tham nhũng của cấp dưới của mình vốn đã bị bắt và bị khởi tố trong hai vụ án lớn,” ông Quân nói.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Trịnh, trợ lý ông Đam, đã bị khai trừ Đảng, truy tố về tội nhận hối lộ trong vụ Việt Á, còn ông Nguyễn Quang Linh, trợ lý ông Minh, cũng bị bắt giam để điều tra về cùng tội danh trong vụ chuyến bay giải cứu.
Ngoài ra, ông Quân cũng đề cập đến ‘yếu tố Trung Quốc’ được tờ báo Nikkei Asia của Nhật loan ra là tại buổi tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh vào cuối năm ngoái, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với ông Trọng ‘cần giới hạn ảnh hưởng của các nhân tố phương Tây’ và ‘nêu đích danh ông Phạm Bình Minh’.
Ông Minh là con trai của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người được cho là có quan điểm chống Trung Quốc mạnh mẽ trong Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Do vậy, chúng ta có thể dự đoán nguyên nhân đằng sau là sức ép của phương Bắc và của những người bảo thủ có ý chống lại sự hội nhập với thế giới phương tây, mà đặc biệt là Hoa Kỳ. Khi cần kỷ luật thì người ta có thể đưa ra được vô vàn lý do,” vị luật sư bất đồng chính kiến này phỏng đoán. VOA không thể kiểm chứng được thông tin này.
Khi được yêu cầu đánh giá về thành tích của hai phó thủ tướng vừa bị bãi chức, ông Quân nói bản thân ông ‘khá quý mến ông Minh và ông Đam’.
“Tôi có theo dõi họ và thấy cả hai ông đều là người có năng lực, học vấn cao, thông thạo ngoại ngữ, gần gũi với nhân dân và báo chí,” ông nói.
“Còn nói chuyện tham nhũng hay không thì tôi không biết nhưng trong sạch thì dứt khoát là không, bởi vì một lý do duy nhất: anh không thể là một ‘giọt nước trong’ trong một lọ mực đen,” ông Quân nói thêm.
Ông chỉ ra ‘vai trò rất lớn’ của ông Đam trong việc hội nhập cùng ASEAN khi còn là Vụ trưởng Vụ ASEAN và sau này là thư ký riêng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Tôi nghĩ ông Đam có ảnh hưởng lớn từ tinh thần đổi mới và vì dân của ông Kiệt,” ông Quân đánh giá.
“Riêng ông Phạm Bình Minh thì tôi nhận thấy rõ vai trò của Việt Nam đang lên, được ngồi vào nhiều ghế quan trọng của Liên Hiệp Quốc như là uỷ viên không thường trực, giờ lại là thành viên Hội đồng Nhân quyền mặc dù Hà Nội vẫn gia tăng đàn áp nhân quyền mạnh. Điều này chứng tỏ sự lèo lái về ngoại giao của ông ấy tốt,” vị luật sư này phân tích.