Tư Tưởng và Đấu Tranh (P1)
Trần Công Lân
Cuộc sống là môi trường mà mỗi cá nhân phải tranh đấu để sống còn. Khi sống trong một xã hội mà luật lệ thiếu công bằng thì sự tranh chấp càng dữ dội vì quyền lợi kinh tế có giới hạn. Các đảng phái chính trị cũng như các tổ chức đấu tranh đều hứa hẹn với người dân về tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc, công bằng xã hội... nhưng chính bản thân họ hoàn toàn mù tịt về những gì họ đang hứa hẹn.
Tại sao lại có tình trạng như vậy?
Chỉ vì khi bước vào đấu tranh ở lớp tuổi thanh niên, nhìn về một tương lai mờ mịt thì bản năng sinh tồn trỗi dậy và họ phải dấn thân. Họ không đồng ý với những gì xảy ra trước mặt, trong xã hội nhưng hoàn toàn thiếu sự suy nghĩ sâu xa về tương lai mà họ muốn vươn tới. Tất cả những gì họ có thể suy nghĩ được là nếu nắm được chính quyền thì họ có thể thay đổi những gì trước mắt; còn nếu hỏi là đi về đâu thì chắc không có câu trả lời trừ khi họ được ai đó gài sẵn câu trả lời. Vì họ nghĩ rằng khi nắm quyền lực thì với thiện chí họ sẽ thực hiện được những gì mơ ước. Nhưng họ quên rằng "thiện chí đi đôi với sự ngu xuẩn là sự phá hoại" vì họ đã không có thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu về một tư tưởng hay lý thuyết. Đã có nhiều lớp trẻ bước vào đấu tranh với thành kiến lý thuyết là vô ích, mất thời giờ, không thực tế vì thế giới ngày nay thay đổi quá nhanh khiến lý thuyết trở nên lỗi thời trước khi có thể đem ra thực hiện.
Theo họ chỉ cần những khẩu hiệu "tự do, dân chủ, độc lập, hạnh phúc..." là đủ để lôi cuốn mọi người đứng lên tranh đấu cho quyền lợi của mỗi cá nhân. Họ cũng quên rằng một khi "lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện" như những người cộng sản đã làm cho một nửa thế giới rơi vào tù đày, diệt chủng, chết đói... chỉ vì cộng sản đã giấu, không nói là " phương tiện quyết định cứu cánh" (khi dùng phương tiện xấu để thực hiện mục đích tốt thì kết quả sẽ là xấu chứ không còn tốt như ý muốn. Vậy thì lỗi là ở người chọn phương tiện xấu hay người chọn mục đích tốt?). Và hậu quả là chúng ta thấy những "quốc gia thất bại" (failed states) chỉ vì các tổ chức, đảng phái chính trị khi cầm quyền đã không biết điều hành chính phủ như thế nào. Võ lực không giải quyết được kinh tế như các nước cộng sản đã gặp phải và sau 1989 đã phải thay đổi. Và kinh tế tưởng chừng giải quyết mọi vấn đề của xã hội (như tư bản và cộng sản đã tin như vậy) chỉ là trốn tránh sự thật bằng cách vịn vào lý do khác. Nhưng dù có thay đổi đó cũng chỉ là vá víu cho qua để chế độ độc tài (hay dân chủ tư bản) tiếp tục cầm quyền. Đó không phải là sự suy nghĩ xuyên suốt của một hệ thống tư tưởng mà không mấy ai chịu bỏ thời gian để tìm hiểu và thực hiện trên mặt lý thuyết.
Đã không có lý thuyết mà chỉ muốn đi vào thực hành thì bạn sẽ làm gì? (What's next? What need to be done?)
Nếu cộng sản đã thất bại thì tư bản có thành công không?
Lịch sử
Nhìn lại các quốc gia theo chế độ Dân Chủ và kinh tế thị trường thì cứ mỗi lần sau một cuộc cách mạng kỹ nghệ (than đá, dầu hỏa, điện tử ...) thì thế giới lại rơi vào một cuộc hỗn loạn kéo dài chỉ vì sự phát triển không đồng đều giữa các nước. Vì là tranh chấp kinh tế nên các nước phát triển cần phải "nuôi" các nước chậm tiến để phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như làm môi trường tiêu thụ mà họ gọi là "Cung-Cầu". Khi các nhà lãnh đạo cho rằng sự tiến bộ về khoa học sẽ lôi kéo con người chạy theo và đó là nâng cao nền văn minh loài người. Nhưng thực tế thì không phải ai cũng đủ khả năng để chạy theo vì đó là nhu cầu giả tạo khi trình độ hiểu biết của mọi người không đồng đều. Kẻ thông minh hơn sẽ có điều kiện để bóc lột người chậm tiêu hay những ai không muốn đổi mới vì thấy không cần thiết hay không muốn.
Đó là lý do kinh tế thị trường vẫn tiếp tục tiến hóa để tồn tại trong cảnh giàu bóc lột nghèo. Như vậy thế giới không thể sống hòa bình khi Liên Hiệp Quốc chỉ là sân khấu giả hiệu của một cộng đồng thế giới. Và giới lãnh đạo chính trị chỉ lợi dụng vai trò để trục lợi với danh nghĩa dân chủ, tiến bộ... nhưng mục tiêu hạnh phúc thì không bao giờ đạt tới vì chỉ số tổng sản lượng kinh tế (GDP), lợi tức mỗi đầu người hay số người có việc làm không phản ảnh trung thực về hạnh phúc của người dân hay công bằng xã hội. Nền kinh tế thị trường hãnh diện với các đại công ty nhưng không ai nhắc tới trách nhiệm về môi sinh, khí hậu thay đổi, tầng lớp người vô gia cư vì thất bại trong cuộc chạy đua với nền kinh tế khắc nghiệt.
Đối với các nhà chính trị và kinh tế thì không cần lý thuyết, tư tưởng, triết học vì chỉ cần nắm tâm lý quần chúng là có thể điều hành đất nước "phát triển" theo tầm nhìn của họ, còn mọi thiệt hại sẽ tính sau. Khi các thế hệ trẻ bắt đầu phản kháng sự lãnh đạo của cha anh (dù là độc tài cộng sản hay kinh tế thị trường) vì họ cảm thấy có những sai trái. Nhưng sửa đổi ra sao thì họ hoàn toàn không có tầm nhìn vì xã hội và học đường đã không chuẩn bị cho họ về một cuộc cách mạng Nhân Bản. Họ chỉ được dạy để tiếp nối những gì cha anh họ đã xây dựng và tin là đó điều nên theo. Ngay cả lớp lãnh đạo tôn giáo cũng cuốn theo chiều gió vì chính bản thân họ cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của chính trị và kinh tế, là môi trường đã giúp các tôn giáo tồn tại. Tất cả chỉ vì nếu con người tự lập, tự kỷ để nhìn thấy tương quan giữa con người, xã hội và thiên nhiên thì hệ thống chính trị, kinh tế, tôn giáo đã đổi khác.
Nhưng tuổi trẻ không có thời giờ để suy nghĩ về tư tưởng cách mạng Nhân Bản và đó là vấn nạn của chúng ta hôm nay.
Tất cả những vấn đề của nhân loại hôm nay là do con người đã tạo ra. Vì tự hào là văn minh, tiến bộ... con người đã không nhìn nhận những sai lầm từ lúc bắt đầu xuất hiện, dần dần thấm sâu vào hệ thống và khi hiện hình như một trở ngại thì con người đã không còn nhận ra cội gốc của vấn đề nữa. Thí dụ như về một (phát minh) tiến bộ của khoa học kỹ thuật (máy điện toán, internet, mạng xã hội...). Nếu một người sáng tạo ra (tuy là có nhiều người giúp) sẽ góp phần vào sự thay đổi đời sống nhân loại (cứu giúp nhiều người). Nhưng cũng qua phát minh đó đã tạo cơ hội cho nhiều người gây thiệt hại cho xã hội (hacker, scam, skimmer, ransomware...). Vậy nếu cái lợi, tốt so với cái hại, xấu chỉ là 1/1000 (kể cả nhân mạng lẫn tài sản) thì có nên theo đuổi không? Khi đứng trước nguy cơ diệt vong của nhân loại thì phải chăng đã quá trễ?
Vậy một khi con người đứng lên đấu tranh để thay đổi xã hội thì phải nhìn về cội gốc của vấn đề. Đó không chỉ đơn thuần là kinh tế, chính trị, xã hội hay văn hóa, tôn giáo.... Đó là vấn đề con người.