Trân Văn
VOA Blog
Ông Lloyd Austin – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa hội đàm với ông Ngụy Phương Hòa – Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ở Seam Reap khi cả hai cùng đến Campuchia tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia trong khối ASEAN mở rộng.
Trong sáu tháng gần đây, ông Austin và ông Ngụy đã gặp nhau hai lần. Nội dung chính của cả hai lần hội đàm vẫn là Đài Loan và biển Đông – hai vấn đề khiến bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc càng ngày càng sâu sắc.
Theo Stars and Strips (một tờ báo của quân đội Mỹ) [1] thì Chuẩn tướng Pat Ryder – Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ mới cho biết, ông Austin vừa nhắc ông Ngụy, rằng cả hai bên cần phải có trách nhiệm kiểm soát bất đồng, duy trì liên lạc với nhau.
Đến giờ này, ít nhất Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và của Trung Quốc cũng đã đồng ý với nhau, rằng “đối thoại để giảm rủi ro chiến lược, cải thiện liên lạc khi có biến cố và gia tăng mức độ an toàn trong hoạt động quân sự” là quan trọng.
Chuẩn tướng Ryder kể thêm là trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Austin nhấn mạnh việc Mỹ càng ngày càng lo ngại trước những hành động càng ngày càng nguy hiểm của các chiến đấu cơ Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bởi điều đó gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Ông Austin còn nhấn mạnh thêm một điều nữa, rằng chiến đấu cơ của Mỹ sẽ tiếp tục bay, chiến hạm của Mỹ sẽ tiếp tục di chuyển ở bất cứ khu vực nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Thêm một lần nữa, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định sự quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng, nhắc Trung Quốc phải kiềm chế không có thêm bất kỳ hành động gây bất ổn nào.
Quan hệ Mỹ – Trung suy giảm trong nhiều năm và cách nay năm năm đã trở nên tồi tệ hơn sau khi ông Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Stars and Strips lưu ý, giống như Mỹ, giới lãnh đạo phương Tây hết sức lo ngại khi Trung Quốc tìm đủ cách gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một khu vực rộng lớn trải dài từ châu Á đến bờ biển phía Đông châu Phi, bao gồm nhiều quốc gia như Đài Loan, Nhật, Hàn, Indonesia và Philippines.
Trước khi đến Campuchia, ông Austin đã ghé qua Indonesia. Tại đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cám ơn Indonesia đã cùng cộng đồng quốc tế lên án Nga xâm lược Ukraine và hứa sẽ gia tăng hợp tác quân sự, củng cố khả năng tương tác giữa hai bên, hỗ trợ Indonesia nâng cao năng lực quốc phòng, hiện đại hóa quân đội. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia thì sự giúp đỡ của Mỹ trong đại dịch COVID-19 đã giúp củng cố niềm tin rằng Mỹ thật sự là một người bạn hữu dụng (2).
Cũng vào thời điểm này, bà Kamala Harris – Phó Tổng thống Mỹ đã đến thăm Philippines. Mục tiêu chuyến thăm Philippines của bà Harris là tái khẳng định Mỹ sẽ thực thi cam kết trong Hiệp định Phòng thủ chung đã ký với Philippines năm 1951,bảo vệ Philippines nếu quân đội, chiến đấu cơ, chiến hạm của Philippines bị tấn công tại các vùng biển đang có tranh chấp về chủ quyền. Lần này, bà Harris dự định sẽ thảo luận thêm với Philippines về việc gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở quốc gia này (3),…
***
Giống như Indonesia và Philippines, Việt Nam cũng là quốc gia mà chủ quyền bị yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông đe dọa nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng CSVN, Việt Nam chọn cách ứng xử hoàn toàn toàn khác.
Hồi đầu tháng này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam đồng loạt bày tỏ sự “hồ hởi, phấn khởi” khi ông Nguyễn Phú Trọng “được” Trung Quốc mời sang bên đó.
Theo ông Bùi Thanh Sơn – Ngoại trưởng Việt Nam: “Điều đó thể hiện sự coi trọng lẫn nhau giữa hai đảng, hai nước, nhất là sự trân trọng của đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Tổng Bí thư đảng ta, thông qua việc thu xếp đón Tổng Bí thư đảng ta với mức lễ tân cao nhất và có nhiều thu xếp đặc biệt”. Ông Sơn nói thêm: “Chuyến thăm góp phần thể hiện đảng và nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc, vì lợi ích căn bản, lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới và khu vực. Chuyến thăm cũng nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Cứ như lời ông Sơn thì Việt Nam đã… “nhất trí tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm 16 chữ ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần bốn tốt – láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (4).
Cứ tạm cho là lần này hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam… “đúng đắn” thì sự… “đúng đắn” ấy chưa thật sự… “chính xác” và… “nhất quán”. Để bảo đảm yếu tố… hoàn toàn… “đúng đắn”, tuân thủ và thực thi “phương châm 16 chữ” cũng như “tinh thần bốn tốt”, sắp tới, không nên lên tiếng phản đối Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại biển Đông như hồi tháng 4 vừa qua (5), cũng không nên “yêu cầu Trung Quốc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm nhân viên công vụ và bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam” như hồi tháng 6 vừa qua sau khi tàu công vụ của Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam ở biển Đông (6)… Giờ, hành động như cách nay vài tháng là mâu thuẫn với tuyên bố hoàn toàn tự nguyện, chẳng ai ép… “đảng và nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc”! Không nên thiếu… “nhất quán” như thế vì dễ bị… “lợi dụng”, “xuyên tạc”!
Chú thích
(2) https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2022-11-21/austin-indonesia-united-states-8134347.html