Hiện Tình và Tương Lai Việt Nam (P2)
Trần Công Lân
B. Tương lai xây dựng Việt Nam trên nền tảng nào?
Nói đến xây dựng một quốc gia là nói đến con người. Cho dù hoàn cảnh chính trị, kinh tế, xã hội có tệ hại đến đâu thì cũng phải bắt đầu từ con người để xây dựng lại với những gì đang có. Tuy rằng xã hội Việt Nam hiện nay cũng có máy điện thoại, điện toán, truyền thanh, truyền hình... để phổ biến tin tức đến mọi người nhưng giá trị của những tin tức đó như thế nào, thật hay giả, tốt hay xấu?
Phương tiện sử dụng trong cuộc sống tuy cần nhưng tâm trí con người quan trọng hơn trong việc tiếp nhận các tin tức để tạo nên cá tính của con người. Sự đoàn kết của một dân tộc trong việc kiến thiết đất nước là cần thiết. Yếu tố nào sẽ đem lại sự đoàn kết đó? Dân chủ, tự do, hạnh phúc, thịnh vượng... chỉ là những khẩu hiệu, sáo ngữ mà dân Việt Nam đã nghe và bị lừa gạt quá nhiều lần. Niềm tin tôn giáo đã phai mờ vì tôn giáo quốc doanh hay bị điều khiển bởi thế lực bên ngoài. Người trong nước có thể nắm tình hình địa phương nhưng thế giới đang biến động thì làm sao Việt Nam có thể thay cùng với thế giới? Người hải ngoại có thể biết những chiều hướng thay đổi của thế giới nhưng có giúp gì những người trong nước hay chỉ áp chế những hiến pháp tiền chế (soạn sẵn) cho người dân Việt chọn lựa?
Vậy thì để xây dựng con người nhân bản thì bắt đầu từ đâu? Trong khi chờ đợi một lớp người nhân bản trưởng thành thì ai điều hành đất nước?
Nhìn lại nước Nhật khi đổi mới cũng phải dựa trên tinh thần võ sĩ đạo trên căn bản đạo đức. Nước Hàn cũng đã đi theo con đường đó với võ đạo Karate. Đến trường hợp Đài Loan thì không còn dựa vào nền tảng giáo dục con người mà là sự thay đổi của chính trị, kinh tế và xã hội giúp con người hướng tới sinh hoạt dân chủ.
Trong thời đại kinh tế toàn cầu và trật tự thế giới mới thì mạng lưới thông tin xã hội (social media) ảnh hưởng nhanh và rộng nhưng khó kiểm soát thực hư. Khi kỹ thuật luôn luôn đi trước luật lệ thì khó mà kiểm soát ảnh hưởng của mạng xã hội với sự tấn công và lũng đoạn của tin tặc (hackers).
Giả sử người Việt trong và ngoài nước đều ước mong sống dưới chế độ dân chủ, tự do theo hiến định, thịnh vượng, hạnh phúc, bình đẳng... thì hiến pháp sẽ như thế nào? Kinh tế sẽ là tư bản hay xã hội chủ nghĩa? Mục đích đời sống là làm giàu hay hạnh phúc? Vấn đề tôn giáo, sắc tộc, biên giới...hiến pháp của Việt Nam tương lai sẽ như thế nào? Chính quyền mới sẽ đối xử thế nào với kẻ thù dân tộc trong quá khứ? Sẽ đối xử với lân bang và quốc tế ra sao? Với di sản do cộng sản Việt Nam để lại thì hướng đi nào sẽ dẫn Việt Nam vươn lên với thế giới?
Nghịch lý là người Việt trong nước chiếm đa số thì không có thời giờ hay không thể bày tỏ suy tư, thảo luận về tương lai bởi quyết định nằm trong tay đảng cộng sản Việt Nam. Trong khi người Việt hải ngoại có điều kiện thì đã có mấy ai quan tâm theo đuổi? Những người có lòng với dân tộc, đất nước chỉ dừng lại ở việc soạn thảo hiến pháp Việt Nam tiền chế mà không biết người trong nước có chấp nhận hay không? Hoặc là lo lập chính phủ lưu vong một ngày về thay cộng sản Việt Nam điều hành đất nước mà không biết sẽ đưa đất nước đi về đâu.
Tình trạng của cộng đồng Việt Nam hải ngoại hiện nay là lớp người tỵ nạn 1975 nay đã dần dà mai một; các hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam chỉ còn tiếng mà thực lực hoạt động đã suy tàn. Tuy rằng dân số có tăng nhưng lớp trẻ không còn quan tâm đến Việt Nam hay cộng đồng Việt Nam. Lớp người mới từ Việt Nam du nhập qua đường lối thương mại, du học, hôn nhân... có gia tăng nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng của cộng sản Việt Nam, chưa nói là tay sai trá hình của cộng sản để xâm nhập và nắm các sinh hoạt trong cộng đồng Việt Nam. Một số muốn hội nhập các sinh hoạt văn hóa Việt Nam Cộng Hòa nhưng vốn liếng về văn hóa Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản không thích ứng với điều họ mong đợi. Họ cần hướng dẫn và giúp đỡ nhưng ai sẽ làm công việc đó? Cũng như tầng lớp hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa là lớp trẻ muốn tiếp nối thế hệ cha anh nhưng họ đã học được gì và sẽ đi về đâu khi không có lãnh đạo?
Người Việt hải ngoại có rất nhiều những trang mạng (website, web page, blogs) mà người (hay nhóm) chủ trương quan tâm đến đất nước, dân tộc nhưng sau gần 50 năm vẫn không đem lại kết quả gì.
Xem ra câu hỏi “Xây dựng Việt Nam trên nền tảng nào“ vẫn chưa có câu trả lời và còn xa vời lắm.