Rất nhiều người lầm tưởng là hễ có bằng cấp cao hoặc chuyên môn như Kỹ Sư, Cử Nhân, Cao Học, Đốc Sự, Tiến Sĩ, Bác Sĩ, Luật Sư, Giáo Sư thì lập tức được coi là người Trí Thức. Điều đó chỉ đúng phần nào nếu những vị có bằng cấp như thế mà hành sử như một người hiểu xa, trông rộng.
Không thiếu những người có bằng Đại Học 4 năm, 6 năm, hoặc 9 năm mà hành động sai trái, trong khi có những người không có lấy một mảnh bằng Đại Học lại có trình độ hiểu biết cao xa, có nhận định đúng đắn và chính xác trên nhiều khía cạnh. Socrate, triết gia của muôn thế hệ, chỉ học căn bản viết và làm tính. Ông có học thêm về luât và âm nhạc. Với trình độ học lực như thế, những tưởng ông sẽ chỉ đi làm phu khuân vác, nhưng thực tế, những lời giảng dậy của ông, từ thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, cho đến thời đại này, vẫn thu hút người nghe, người đọc như những ma lực khiến người sau phải cúi đầu khâm phục.
Khác với Socrate là người không có may mắn đến trường học, Plato, người học trò cưng của Socrate, lại được đi đây đó và học hỏi thêm rất nhiều từ những triết gia khác. Sự hiểu biết của ông về người Thầy là Socrate cao siêu đến độ, hễ nói đến Socrate là người ta nghĩ ngay đến Plato. Nhưng Plato có nhiều may mắn hơn Socrate vì sau này đã tự mở được trường học triết lý, một Academy, và giảng dậy về triết lý cho cả ngàn học trò, trong đó, nhiều học trò cũng trở thành triết gia lỗi lạc. Nhiều bài giảng của Plato sẽ còn tồn tại đến muôn đời, thí dụ:
- “Tình Yêu là môt bệnh tâm thần khó chữa”,
- “Khi óc suy nghĩ, là nó đang nói chuyện với chính nó”,
- “Tư cách của con người chẩy tràn từ ba nguồn: ước muốn, xúc cảm, và kiến thức”,
- “Người khôn ngoan nói vì họ có nhiều điều để nói, kẻ ngu đần thích nói vì phải nói lên một điều gì đó”,
- “Một trong những hình phạt cho người từ chối tham gia vào chính trị là cuối cùng người đó sẽ bị cai trị bởi những kẻ dốt hơn mình.”,
- “Người ta như bùn đất. Họ có thể nuôi bạn và giúp bạn lớn lên như cây trồng, hoặc là họ sẽ cản trở sự lớn lên của bạn, làm cho bạn yếu đi, và chết” …
Ngược lại, trong hai thế kỷ nay, lịch sử Việt Nam lại chứng minh là có những người có bằng cấp cao trọng, lại làm nhiều điều hư hỏng. Thạc sĩ Trần Đức Thảo là một người Việt nổi tiếng khắp Âu Châu vì có bằng Thạc Sĩ Triết Học năm 26 tuổi (Ở Pháp, muốn có bằng Thạc Sĩ phải có bằng Tiến Sĩ rồi mới được thi Thạc Sĩ).Với tài năng như thế, tưởng ông làm được gì ích quốc lợi dân, không ngờ vì thiếu kiến thức về Cộng Sản, ông đã làm đơn xin về miền Bắc Việt Nam phục vụ, để rồi ông bị bỏ rơi tàn tệ, đến nỗi muốn có ký gạo phải nộp đơn xin chấp thuận. Rồi ông dính líu đến vụ Nhân Văn Giai Phẩm, từ đó ông trở thành con sâu, cái kiến, sống chết đều do Đảng chỉ định. Ông đành thu mình trong vỏ ốc, mong sống qua ngày cho đến khi chết trong phẫn nộ.
Nhiều khoa bảng khác cũng kém thông minh như ông và rồi đều bị “vắt chanh, bỏ vỏ” như Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ, người hy sinh cả danh dự, tiền bạc, để đi theo Cộng Sản, cùng với Kỹ Sư Huỳnh Tấn Phát, Bác Sĩ Dương Quỳnh Hoa, và nhiều người mang bằng cấp đầy mình, để rồi chết trong tủi nhục. Như vậy, có thể nói họ có bằng cấp nhưng không có trí thức.
Ở Miền Nam, có nhiều Giáo Sư Toán, Lý Hóa nổi tiếng mà không có Cao Học, Tiến Sĩ, chỉ có bằng Sư Phạm, hoặc bằng đại học 4 năm. Có vị Giáo Sư chưa hề tốt nghiệp Đại Học nhưng đến giờ dậy của Thầy, học sinh ngồi chật lớp mà im phăng phắc.
Miền Nam có may mắn là có nhiều vị học giả vừa bằng cấp cao, vừa trí thức mênh mông như Học Giả Hoàng Xuân Việt. Ông vừa là dịch giả, vừa là nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục, triết gia, nhà thần học, nhà xã hội học, và môt nhà hùng biện. Ông từng đi tu, có bằng Cao Học tại trường Đại Chủng Viện Saint Joseph và Saint Sulpice.
Học giả Hoàng Xuân Việt thông thạo 5 sinh ngữ: Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Hi Lạp, La Tinh, và chữ Hán nôm. Trong khi ông làm Hiệu Trưởng nhiều trường, ông vẫn được mời đi thỉnh giảng tại các trường Đại Học. Học Giả Hoàng Xuân Việt là tác giả của 373 cuốn sách về “Học Làm Người”. Ông cùng với học giả Nguyễn Hiến Lê là hai vì sao sáng trong nền Giáo Dục Việt Nam.
Nói về Trí Thức mà không nhắc đến yếu tố “Đạo Đức” thì thật là thiếu sót. Giả sử như có Trí Thức mà không có Đạo Đức thì thật là nguy hiểm cho xã hội. Kẻ có trí thức, thông minh, có sự hiểu biết sâu rộng về mọi vấn đề mà không có đạo đức thì biến thành gian hùng.
Như Hitler, người có biệt tài hùng biện, đã viết cuốn “Mein Kampf” (My Struggle), kể lại cuộc đời khốn khổ của y và vẽ ra một tương lai rực rỡ cho dòng giống Đức nguyên thủy. Cuốn sách và tài hùng biện của Hitler đã biến một anh lính quèn thành một Lãnh Tụ Vĩ Đại Nhất trên thế giới, đã làm cho cả nước Đức say mê, cuồng tín đi theo hắn, để gây chiến với toàn thể thế giới và giết chết nhiều chục triệu người, kinh khủng nhất là hắn chế ra các lò nướng người để tiêu diệt hơn 5 triệu người Do Thái, người Ba Lan gốc Do Thái…
Lính Đức, vì say mê “Thủ Lãnh” đã giết người không gớm tay. Có tên cai tù, cứ mỗi sáng là tập bắn người, bắn con gái, trẻ thơ, ông già, bà cả… Trong các trại tù, cai tù người Đức lột da người làm đồ bọc nệm giường, lấy tóc đàn bà làm gối, da người làm chụp đèn. Có những tên lính thi nhau xem tên nào xé xác người làm hai mảnh nhanh nhất. Ngoài ra, để thử súng, chúng bắt tù nhân xếp hàng rồi bắn…
Như thế, có thể nói là “có Thông minh mà không có Đạo Đức thì thường biến thành Quỷ sống.” Chế độ Cộng Sản được tạo ra dựa trên cuốn kinh thánh của họ: cuốn “Tư Bản Luận” do Karl Marx và Engels, hai kẻ thông minh mà không đạo đức soạn thảo. Lenin đã dựa theo tinh thần của Karl Marx mà thúc đẩy cuộc cách mạng 1917, để dần dần biến thành phong trào Cộng Sản rộng lớn trùm lên hơn nửa quả địa cầu.
Tuy nhiên, chế độ Cộng Sản lại có cương lĩnh khác với Phát Xít hay Hitler là việc các lãnh tụ Cộng Sản lại chuyên sử dụng những kẻ ngu đần, không trí thức, không bằng cấp, và không đạo đức làm kẻ lãnh đạo xã hội. Cộng Sản sợ trí thức vì cho rằng: “Trí Thức là cục phân! Tôn giáo là thuốc phiện”.
Do đó, xã hội Cộng sản Việt Nam hiện tại, dù sau 48 năm thống nhất Nam, Bắc, người dân Việt vẫn bị cai trị bởi những tên ngu dốt, chuyên xài bằng cấp giả, và chuyên nói láo dụ người. Hiện thực này rất đúng với lời dậy của Plato cách đây 25 thế kỷ: “Một trong những hình phạt cho người từ chối tham gia vào chính trị là cuối cùng người đó sẽ bị cai trị bởi những kẻ dốt hơn mình.”
Gửi ý kiến của bạn