Thế Nào Gọi Là Sắc Tộc Thiểu Số?

Trần Thị Lan Anh
Bạn thân,
Bản tin trên mạng trong cuối tháng 10 năm 2021 đưa tin là cô học sinh người Hmong, đang lấy bằng tiến sĩ về hệ thần kinh, được đề nghị nhận học bổng từ Howard Hughes Medical Institute. Tuy nhiên nhóm người xét duyệt đề nghị này đã không chấp nhận bởi vì cô này không nằm trong danh sách gọi là dân tộc thiểu số.
Tại sao như thế? Đơn giản là những người xét duyệt học bổng này dựa vào định nghĩa mà cơ quan học bổng này đưa ra, trong đó hoàn toàn không nói đến người gốc Á Châu. Cô người Hmong này hỏi những người xét duyệt học bổng cho cô ta biết người phụ nữ nào gốc Hmong đã nằm trong chuyên ngành này để cô học hỏi. Bài báo không ghi rõ nhóm xét duyệt trả lời câu hỏi của cô học sinh này. Và cũng theo tờ báo, tuy dựa vào định nghĩa ai là người dân tộc thiểu số nhưng họ cũng có thể đi ra ngoài cái định nghĩa đó tùy theo trường hợp. Tiếc rằng đối với cô Hmong này, họ dựa vào định nghĩa bên trên mà không đi ra ngoài sự ngoại lệ.
Theo định nghĩa của trường này thì những người da đen, người Mỹ gốc Phi Châu, người Mỹ gốc Mễ, người Mỹ gốc da đỏ, người bản địa ở Alaska, Hawaiian, hoặc các giống dân thổ địa sống ở các hòn đảo Thái Bình Dương thuộc về lãnh thổ của Hoa Kỳ là những người được gọi là thiểu số trong lãnh vực học ngành tiến sĩ. Trường này dựa vào bản nghiên cứu cho thấy người Á Châu khá thành công trên lãnh vực học tiến sĩ cho nên họ cho rằng cô người gốc Hmong này không đạt đủ tiêu chuẩn để họ cho học bổng.
Nếu chỉ dựa vào bản nghiên cứu về sự thành công của người Á Châu thì cô người gốc Hmong này cho rằng cần phải nhìn thẳng vào thực tế là không có người Hmong nào đạt bằng tiến sĩ về ngành thần kinh học. Vậy thì dù rằng cô ta là thuộc thành phần gốc Á Châu nhưng nếu nhìn về gốc người Hmong thì thực sự trong ngành học này, hoàn toàn chưa có ai -- thành ra sự loại bỏ cô ta ra khỏi thành phần thiểu số cần giúp đỡ là sự không công bằng.
Những người học trong ngành khoa học nghĩ gì về chuyện cô gốc Hmong này than phiền? Họ hoàn toàn ủng hộ cô trong vấn đề này bởi họ nghĩ rằng cô đáng được giúp đỡ học bổng trong việc theo đuổi bằng tiến sĩ của cô trong ngành thần kinh học. Sự so sánh thành công của người gốc Á Châu để rồi dựa vào đó áp dụng vào người Hmong thì không công bằng bởi thực tế thì người Hmong vẫn gặp nhiều trở ngại ở Mỹ trong việc học ở những ngành y khoa não; và như cô gốc Hmong này đã hỏi trường này cung cấp cho cô biết người Hmong nào đã có bằng tiến sĩ về thần kinh học để cô ta học hỏi từ người đó thì trường này hoàn toàn không có câu trả lời.
Xem ra đánh giá thế nào gọi là sắc tộc thiểu số cũng là một vấn đề không đơn giản. Nhập nhằng người sống ở vùng Châu Á vào một thì là thiệt thòi cho những gốc người thiểu số khác bởi thực tế có những dân tộc thiểu số hoàn toàn thiếu vắng trong các ngành học cao mà nếu ai đó có khả năng thì họ cần giúp đỡ về mặt học bổng.
TTLA
(Việt lịch 4901)