Tôi bán căn nhà với giá 10 tỷ nhưng tôi khai với sở thuế là chỉ bán nó với giá 2 tỷ để trốn thuế. Tất nhiên tôi với bên mua đã thỏa thuận từ trước để đối phó với vấn đề của bên sở thuế. Hiện tượng này người ta gọi là hiện tượng “2 giá” trong khai báo thuế, giá bán và giá khai thuế hoàn toàn khác nhau. Tất nhiên với hiện trượng “2 giá” không thể qua mặt được nhà nước CS. Cho nên họ đang có chủ trương siết vấn đề “2 giá” trong khai báo thuế để tránh cho nhà nước thất thu.
Như vậy cách siết vấn đề “2 giá” này như thế nào? Rất đơn giản, quan chức ngành thuế hành dân bằng cách trả hồ sơ cho người dân khai báo lại “cho đúng giá thị trường”. Chính cách siết kiểu này đã gây nên hiện tượng ùn ứ hồ sơ làm người dân trở nên khốn đốn vì vấn đề giấy tờ. Bắt dân khai “đúng giá thị trường” mà không có một cơ sở pháp lý nào làm căn cứ thì đấy là lỗi của phía nhà nước. Giá nhà nước không theo sát giá thị trường thì làm sao bắt dân “khai đúng giá thị trường”?
Trong trường hợp này, rõ ràng dân đã khai gian, tuy nhiên, việc bắt người dân trung thực là không thể. Không ai dại gì trung thực để rồi mất một lượng tiền lớn. Vấn đề là ở phía nhà nước, tại sao khung giá nhà nước quy định không theo sát giá thị trường để sở thuế căn cứ vào đó mà đánh thuế mà lại giở trò hành dân làm gì?
Trên thế giới, không có quốc gia nào xảy ra hiện tượng dân oan nhiều như ở Việt Nam. Nguyên nhân là do giá đền bù mà nhà nước quy định cực thấp so với giá thị trường. Chính khung giá nhà nước quá thấp như thế nên khi thu hồi đất chả khác gì ăn cướp. Tại Thủ Thiêm, giá đền bù chỉ 18 triệu đồng/m2. Sau khi nhận đất thu hồi, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và bán lại nền đất với giá 350 điệu đồng/m2. Tất nhiên doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thì phải bán cao hơn giá thu hồi mới có lời, tuy nhiên, điều đáng nói là giá thị trường lúc người dân bị thu hồi ấy là 200 triệu/m2. Giá thị trường 200 triệu/m2 mà thu 18 triệu thì đây không phải ăn cướp là gì?
Văn Giang, Dương Nội, Vườn Rau Lộc Hưng vv... đấy là những trường hợp điển hình thôi, còn vô số trường hợp khác diễn ra khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Hiện tượng dân oan không phải mới xuất hiện đây, mà nó xuất hiện từ rất lâu, từ khi mà hiện tượng lợi ích nhóm mới nhen nhóm hình thành.
Phân nhiệm trong lợi ích nhóm: Nhà nước sẽ ra chính sách (trường hợp này là ấn định giá đất rẻ như cho), quan chức dùng lực lượng vũ trang để cưỡng bức dân phải nhả đất ra. Cưỡng bức xong, nhà nước giao miếng đất ấy cho doanh nghiệp làm dự án. Đây là chuỗi khép kín có phân công phân nhiệm rõ ràng. Việc ấn định giá đền bù thấp như thế là nhà nước đã giúp tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp. Kết quả là cả doanh nghiệp và quan chức đều ăn được miếng bánh ngon - miếng bánh được làm từ máu và nước mắt của dân oan.
Nỗi oan của dân xảy ra từ rất lâu, nguyên nhân là giá đất nhà nước ấn định thấp so với giá thị trường. Nhà nước CS biết rất rõ là thế, thuy nhiên, họ không sửa bởi vì đó là “mỏ vàng” cho quan chức các cấp làm giàu. Không đời nào họ thay đổi.
Dân trốn thuế và nhà nước gây ra hiện tượng dân oan đều có thể giải quyết được bằng một chính sách. Đó là giá nhà nước theo sát giá thị trường là đủ. Giá đền bù mà theo sát giá thị trường thì làm gì có hiện tượng dân oan? Mà giá nhà nước sát giá thị trường thì dân dùng chiêu trò khai gian giá để trốn thuế làm gì? Cứ căn vào giá nhà nước mà đánh thuế thì dân hết chạy.
Nếu là nhà nước vì dân thì làm cho xã hội lành mạnh và thị trường BĐS trở nên quy củ là không khó. Tuy nhiên, một khi ĐCS đã vì lợi ích đảng, vì lợi ích nhóm, và vì lợi ích quan chức chứ không vì dân thì mãi mãi không có cách giải quyết thỏa đáng được. Xã hội có tốt đẹp hay không nó phụ thuộc rất lớn vào bản chất của nhà nước đó. Với bản chất như vậy, nhà nước CS không bao giờ tạo ra xã hội công bằng và thị trường lạnh mạnh./.
Gửi ý kiến của bạn