Văn hóa ‘nhường ghế’ trước khi bị buộc ‘rời ghế’
'Một đít hai ghế' là thằng nào thì ai cũng biết - Hình Internet
Trân Văn
VOA Blog
Tự nguyện nghỉ hưu sớm vài tháng để nhận… “hỗ trợ” hàng trăm triệu đồng được bơm thổi thành “nền móng cho văn hóa nhường ghế” có thể là kết quả của “Hội nghị Văn hóa Toàn quốc” được tổ chức hồi hạ tuần tháng 11 năm ngoái.
Hôm 20/4/2022, tờ Thanh Niên đăng một bài viết ngắn trong mục “Tôi viết” về… “Nền móng cho văn hóa nhường ghế”. Bài viết vừa đề cập dẫn chuyện ông Nguyễn Viết Hùng – Phó ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng – tình nguyện nghỉ hưu sớm để một viên chức trẻ (42 tuổi) đang là Trưởng phòng Tổ chức đảng của Thành ủy Đà Nẵng thế chỗ và chừng 30 trường hợp viên chức (chủ yếu là nhân sự làm việc cho đảng CSVN và các đoàn thể được đặt dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN) xin nghỉ hưu sớm trong vài năm gần đây nhằm chứng minh… “nhường ghế” đã trở thành… “nét văn hóa của thành phố Đà Nẵng” , từ đó đặt… “nền móng” cho… “văn hóa nhường ghế” (1)!
Có lẽ chỉ ở Cộng hòa XHCN Việt Nam, công việc và chức vụ trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mới được đồng hóa với… “ghế” và “ghế” được xem như một thứ tài sản có thể… đổi chác, chuyển nhượng. “Nền móng cho văn hóa nhường ghế” ca ngợi một… “nghị quyết” do Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng soạn thảo – thông qua năm 2018 (Nghị quyết 159/2018). “Nghị quyết” này “khuyến khích cán bộ xin thôi làm nhiệm vụ và công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ khác” bằng cách “hỗ trợ cho những cá nhân xin thôi làm nhiệm vụ hoặc tự nguyện thôi việc từ 100 triệu đến 200 triệu đồng (sai biệt về mức hỗ trợ tùy theo chức danh)”.
“Nền móng cho văn hóa nhường ghế” tiết lộ, ông Nguyễn Thanh Hùng – nhân vật chính trong bài viết này sinh ngày 1/7/1962 và chỉ ca ngợi ông Hùng… “tự nguyện nghỉ hưu sớm, nhường ‘ghế’ cho cán bộ trẻ” nhưng lờ đi chuyện chín tháng nữa ông Hùng sẽ bị buộc phải nghỉ hưu theo các quy định hiện hành (lúc 60 tuổi sáu tháng). Không rõ ông Hùng được “hỗ trợ” bao nhiêu nhưng theo… tinh thần Nghị quyết 159/2018 của HĐND thành phố Đà Nẵng, chắc chắn mức “hỗ trợ” nằm trong khoảng từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Khoản “hỗ trợ” đó tương đương 25,5 tháng lương đến 51 tháng lương theo mức tối thiểu mà nhân dân lao động ở khu vực Đà Nẵng vẫn lãnh (3,92 triệu/tháng).
Ai gánh chi phí cho ông Hùng và những người có “ghế” như ông khi tự nguyện… “nhường ghế” thay vì bị buộc phải… rời “ghế” sau vài tháng nữa? Tất nhiên là… nhân dân lao động! Không rõ nhân dân lao động ở thành phố Đà Nẵng có cần ai đó ngồi vào “ghế”… Phó ban Tổ chức của Thành ủy Đà Nẵng hay không (?) nhưng rõ ràng, dù cần hay không, phúc lợi an sinh xã hội lẽ ra phải dành cho nhân dân lao động đã bị cắt bỏ để… “hỗ trợ” nhằm thúc đẩy… “nhường ghế”! Biến công việc, chức vụ thành hàng hóa để… “nhường” và nhận “hỗ trợ”, thổi những hành động này thành… “nét văn hóa”, hứa hẹn sẽ xây cả một nền… “văn hóa” gọi là… “nhường ghế” khiến người ta thấy… hài hước!
***
Có bao nhiêu tỉnh, thành sử dụng công quỹ để… “hỗ trợ” việc… “nhường ghế” như thành phố Đà Nẵng? Chưa rõ song có lẽ không ít và ít nhất đang có nỗ lực lập quy để khuyến khích “văn hóa nhường ghế” trên phạm vi toàn quốc. Hồi trung tuần tháng 2 vừa qua, hệ thống truyền thông chính thức từng giới thiệu dự thảo một nghị định do Bộ Nội vụ cầm chịch nhằm khuyến khích viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền “nghỉ hưu trước tuổi” với rất nhiều ưu đãi bằng tiền mồ hôi, nước mắt của bá tánh. Sự… “hỗ trợ” đó dành cho cả những viên chức bị xếp vào loại… “không hoàn thành nhiệm vụ” (2).
Tự nguyện nghỉ hưu sớm vài tháng để nhận… “hỗ trợ” hàng trăm triệu đồng được bơm thổi thành “nền móng cho văn hóa nhường ghế” có thể là kết quả của “Hội nghị Văn hóa Toàn quốc” được tổ chức hồi hạ tuần tháng 11 năm ngoái – sự kiện được cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lẫn hệ thống truyền thông chính thức khẳng định là đặc biệt vì “75 năm nay (từ ngày 24/11/1946) mới lại có hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn thế này”. Vì sao đến lúc này đảng mới chịu thừa nhận vai trò, vị trí của văn hóa, mới nghĩ tới việc “hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học”?..
Diễn văn khai mạc “Hội nghị Văn hóa Toàn quốc” của ông Trọng (3), phát biểu của một số viên chức hữu trách về “chấn hưng, phát triển văn hóa” (4), cho thấy, từ Tổng Bí thư trở xuống đã nhận ra, thực trạng chính trị – kinh tế – xã hội Việt Nam khiến dân chúng đã hết hứng thú với CNXH, để tiếp tục nắm giữ độc quyền lãnh đạo, đảng CSVN phải tự đồng hóa với “văn hóa”, cho nên mới có những tuyên bố, nhận định kiểu như: Đại hội lần thứ 13 của đảng ta tiếp tục phát triển tư duy mới, xác định văn hóa phải thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội và soi đường cho quốc dân đi, khẳng định văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc…
Liệu lần này đảng CSVN có thành công trong việc sử dụng chiêu bài “văn hóa dân tộc, bản sắc dân tộc, kế thừa truyền thống,…” để giữ vững vai trò dẫn dắt quốc gia, dân tộc? Chẳng có gì bảo đảm cho điều đó. Ai tin cả trăm triệu người Việt sẽ đồng tình với việc xiển dương văn hóa bằng những… “nét văn hóa” kiểu như… “nhường chỗ” để xây dựng cho cái gọi là… “nền móng cho văn hóa nhường ghế”. Ai tin cả trăm triệu người Việt dễ tin đến mức có thể đồng cảm với việc Tạp chí Tuyên giáo xiển dương… “văn hóa từ chức” vì… “trước hết và căn bản, từ chức thuộc về văn hóa, về đạo lý của người làm quan, thể hiện tính liêm sỉ và giá trị công bộc” (5).
Kể từ hạ tuần tháng 11 năm ngoái – sau “Hội nghị Văn hóa Toàn quốc” – “văn hóa” đã và tiếp tục được tung hứng như một công cụ để hỗ trợ việc bảo vệ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN. Chẳng phải ngẫu nhiên mà sau hội nghị này, “văn hóa” lại đi kèm với “ghế”, kiểu như… “văn hóa từ chức (bỏ ghế)”, “văn hóa nhường ghế”,… Tuy nhiên do bản chất và khả năng của những người CSVN, ý tưởng, hành vi, tuyên bố, nhận định về “văn hóa” không thể là… văn hóa đúng nghĩa, cho nên việc nhân danh văn hóa mới trở thành kệch cỡm, thậm chí tự sỉ vả cả mình lẫn các hệ thống. Ví dụ, khẳng định… “từ chức thuộc về văn hóa, về đạo lý của người làm quan, thể hiện tính liêm sỉ và giá trị công bộc” thì có khác gì thừa nhận, trước nay, viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hoàn toàn thiếu những “văn hóa” ấy?
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/nen-mong-cho-van-hoa-nhuong-ghe-post1450280.html
(5) https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/van-hoa-tu-chuc-136784