PHIẾM VĂN CHƯƠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM....
Sáng Chủ Nhật, đang ngồi uống cà phê quán con Pha đầu hẻm, thằng Tang mặt còn ngái ngủ, quần áo xộc xệch cầm cuốn sách dày cui đi vô quán, giọng bô bô: “Em… cho anh ly phê đá, như mọi khi”. Con Pha liếc mắt đưa tình thằng Tang một phát xong “Dạ!” dẻo quẹo rồi ngoe nguẩy vô trong.
Thẳng Tang xà xuống bàn tôi, đưa cuốn sách ra nói “Chú Tư! Con biếu chú Tư nè”. Tôi liếc nhìn cái tựa “Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” là hiểu chuyện gì liền. Tôi nói “Mày có làm gì sai với tao đâu mà bày đặt biếu xén vậy mày”. Thằng Tang thiệt tình nói: “Ba con đem về một đống, rồi đem tặng mấy chú đảng viên hưu trí nhiều lắm. Nhưng họ đâu có lấy, nên ba con nói con đem đi đâu đó thì đem, ổng chỉ dặn đừng có vất trong thùng rác ở nhà, sợ bị kiểm điểm”.
Lúc này con Pha mang cà phê ra cho thằng Tang, rồi cầm cuốn sách lên tính giở ra xem nhưng thấy nặng quá vội bỏ xuống: “Sách gì nặng ‘bà cố’ vậy anh?” Thằng Tang cười nói “sách ca ngợi bác Trọng đó cưng”. Con Pha vội rút tay lại như sợ bị điện giựt, vừa bỏ vào trong vừa ngoái lại nói: “Bộ anh muốn khùng sao coi những cuốn như dzầy?”
Tôi cầm thử, đúng là nặng thật, tới hơn 620 trang chứ ít gì. Những cuốn sách do NXB Sự Thật in ấn và phát hành từ hồi “khai thiên lập địa”, đa số tác giả là lãnh đạo đảng hoặc nhà nước viết, nhờ viết, hoặc đặt người khác viết rồi lấy tên mình. Với những lãnh tụ to như thế thì sách phải được in bằng giấy tốt, và phải là bìa cứng bọc thêm một tờ bìa láng nữa cho nó “hoành tá tràng”. Hồi xưa, ưu điểm của những cuốn sách này là lúc nào cũng dày, nặng và… rẻ.
Tôi nhớ sau năm 1975, nhà sách Khai Trí bị đổi tên thành nhà sách FAHASA, chúng tôi thường canh mua những cuốn sách của NXB Sự Thật khi vừa phát hành ở đó, như mấy bộ “toàn tập” mấy chục cuốn của nhiều lãnh tụ cộng sản, hay những cuốn sách tiếng Liên Xô dày cui, cầm chọi không nổi.
Mà hồi đó, mấy cuốn sách này rẻ lắm, rẻ như cho. Lúc đầu mua rất dễ, chúng tôi cứ xếp hàng mua một bộ xong ra ngoài đưa một thằng giữ giùm, rồi quay lại mua tiếp, tìm cô thu ngân khác tính tiền cho khỏi lộ. Cứ thế mỗi thằng mua ba bốn bộ rồi lụi hụi đạp xe về xóm. Về tới nơi là có bà ve chai chờ sẵn, vì hôm qua chúng tôi đã dặn “sáng mai có sách” nên bả đến sớm ngồi chờ. Mấy thằng đổ sách ra vỉa hè, rồi xé bìa ra vất đi, chỉ cân ruột thôi. Bà ve chai nói bả không lấy bìa, chỉ tổ nặng mà không làm được cái giống gì. Ruột thì bả bán cho mấy bà bán xôi.
Tính ra một “phi vụ” mua sách “toàn tập” của lãnh tụ cộng sản Liên Xô như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh,… lời lắm. Một lần mua cả trăm ký sách, mua một đồng, bán hai, ba đồng, nên chúng tôi cà phê, thuốc lá thoải mái cả tuần.
Hồi đó sách NXB Sự Thật càng in càng lỗ là thật. Giờ cũng vậy. Cái “giỏi” của NXB Sự Thật là lỗ thì nhà nước lấy tiền thuế của dân ra bù, cuối năm tổng kết vẫn lời. Thế mới tài!
Hồi đó, và cả bây giờ, đảng viên nào cũng được “khuyến khích” (một ý nghĩa khác của từ “bắt buộc”) mua sách của NXB Sự Thật. Đảng viên càng cao cấp, lại càng phải có trong tủ sách riêng để chứng tỏ trình độ lý luận, và “tư tưởng vô (số) sản” của mình.
Cũng hồi đó, đến cơ quan nhà nước nào, vào phòng chủ tịch cũng đều thấy một tủ sách to đùng, cơ man “toàn tập”. Trong nước thì ngoài Hồ Chí Minh, còn có Trường Chinh, Lê Duẩn,… Ngoài nước có “toàn tập” Các Mác, Ăng Ghen, Lê Nin, Sì-ta-lin,… Chỉ nhìn sơ thôi, tôi cũng cũng đoán được giá trị của tủ sách đó theo giá… ve chai.
Thiệt ra, có ma nó đọc. Mà tôi nghĩ ma nó cũng chê. Người ta có nó là vì phải che đậy cái đầu óc bã đậu thôi. Giờ thì đỡ rồi.
Thằng Tang kể, hồi đó cơ quan ba nó vận động đảng viên, đoàn viên viết bài ca tụng bác Trọng. Nói vận động chứ ai cũng phải nộp bài, vì không nộp bài khó xử lắm. Đảng viên khác không biết sao, chứ ba nó từ bằng tiểu học đến trung học đều phải mua thì biết viết gì. Nó bày cho ba nó mướn người viết. Xong nó rủ một thằng bạn tướng tá xì-ke lắm, bắt mua cái kính không độ đeo vào giả danh nhà thơ, “điu” (deal) với ba nó, được bao nhiêu chia đôi.
Thằng bạn xì-ke này nói sao đó mà ba thằng Tang chịu mua ba bài thơ, mỗi bài mười triệu đồng, lại chịu đưa tiền trước, khiến thằng Tang há hốc mồm khâm phục. Thế là hai thằng có mấy ngày vi vu ra Vũng Tàu ăn chơi phè phỡn.
Thằng Tang kể tiếp, “chú Tư biết không, đêm cuối cùng ở Vũng Tàu, thằng bạn con vừa ôm gái vừa ‘rặn’ một lúc ba bài thơ cho ba con. Con đọc chưa hết một bài đã muốn ói. Tiên sư nó! Nó nịnh bợ bác Trọng một cách lố lăng, nhễu nhão không thể chịu được. Thế mà ba con lại khoái, khen nó có tài. Mà cũng hay, cả ba bài đó lại được chọn hết. Con nghĩ cái thằng cha tuyển chọn bài cho tuyển tập này mới là người tài nhất đó ông Tư.”
Tôi giở mục lục tìm tên ba thằng Tang nhưng không thấy, hỏi nó “sao tao không thấy tên ba mày”, nói ba nó lấy ba cái tên bút danh khác chứ không lấy tên thiệt vì sợ người quen đọc được rồi chửi muối mặt.
“Giá trị” của cuốn “Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” là chỉ cần đọc hai trang thôi, đầu óc quay cuồng như uống một thùng bia.
Tôi cũng muốn biết cảm giác đọc thơ ca tụng ông Trọng ra sao nên giở lại một trang đọc:
Đồn rằng ở xứ Đông Anh
Có người hào kiệt nổi danh nước nhà
Người này xứng tuổi ông cha
Ở ngôi cao nhất Đảng ta bây giờ
Hỏi ra mới thật bất ngờ
Bác là Nguyễn Phú Trọng phất cờ chống tham
(Trích bài thơ “Người đốt lò” lịch sử của tác giả Hoa Của Đá, trang 295)
Đúng là chỉ đọc tới đó thôi đã thấy hơi chóng mặt. Đang “thơ lục bát” (nếu gọi đó là thơ), hai câu cuối chuyển thành “thơ lục cửu” (nếu vẫn gọi đó là thơ). Ai đời ca ngợi bác Trọng mà lại dùng “thể loại 69” thì sao bác chịu nổi!
Mở một trang khác:
Bác ơi! Con dạ bàng hoàng
Nghe tin bác ốm đàng ngoài Kiên Giang
Lịch trình thực tế ruộng, làng
Tuổi cao nắng rát sức vàng cũng đau
Người ta ô, lọng trên đầu
Còn bác giản dị che đầu mũ thôi
Tuổi già chẳng quản nắng nôi
Nên người đổ bệnh, dân tôi xót lòng.
(Trích bài thơ “Thương Bác” của tác giả Nguyễn Tuyết Lan, trang 305)
Đọc đến đây thì quả tình tôi buông sách không dám cầm nữa. Thực ra, mấy nhà làm thơ nịnh lãnh tụ cỡ này còn thua xa những kẻ xu nịnh thời xưa như Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, hay Nguyễn Tuân,…
Nhưng thời kỳ nào cũng thế, từ ông Hồ, đến ông Chinh, Duẩn, Linh, Mười, Phiêu, Mạnh, cho đến ông Trọng, ông nào cũng muốn cầm cây “gậy tự sướng”. Khi họ không tự làm được, thì đã có các đệ tử cầm cho họ, để họ sướng… “rên mé đìu hiu”.
Nhiệm vụ của NXB Sự Thật là như thế, và sống được nhờ biết làm những cuốn sách tạo được niềm vui “rên mé đìu hiu” cho các lãnh tụ. Nhờ đó, rất nhiều “nhà” (thơ, văn các kiểu) bám vào đó sống, nhờ làm được những bài gọi là thơ, văn ca ngợi lãnh tụ. Tuy nhiên ngày nay không phải chỉ có giới văn nghệ văn gừng mới biết “lấy thân mình làm gậy tự sướng” cho lãnh tụ, mà ngay cả mấy tay đại biểu Quốc hội cũng bắt đầu “lấn sân… nịnh”.
- Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) – Ảnh: Báo Giao Thông
Tôi nhớ trong phiên họp Quốc hội vào Tháng Ba năm ngoái, đại biểu Vũ Tiến Lộc ở Thái Bình nịnh ông Trọng bằng một câu “đi vào lòng đất”:
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là kiến trúc sư và nhạc trưởng của mối quan hệ nhân hòa.”
Tuy vậy, dù ông Lộc cố gắng đội ông Trọng lên bằng ông Hồ bằng các từ “kiến trúc sư, nhạc trưởng” thì cái sự nịnh của ông Lộc không bằng ông Nguyễn Anh Trí (đại biểu Hà Nội).
Cũng trong phiên họp Quốc hội đó, ông Trí nói: “Cảm động vô cùng với một vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước có ‘mái đầu bạc trắng hiên ngang’, với ‘gánh sơn hà nặng trĩu hai vai’, là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc.”
- Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) – Ảnh: Thanh Niên
Tay đại biểu Trí này còn có một bài chẳng biết nên gọi là gì, nhưng có dùng bảy nốt nhạc, mang tên “Có một mái đầu tóc bạc”, rồi tổ chức hát hò trên YouTube với tựa đề: “Có một mái đầu tóc bạc – GS.TS. Nguyễn Anh Trí sáng tác – Bài hát ca ngợi Bác Nguyễn Phú Trọng”.
Một người tên Pham Sang khi nghe bài này trên YouTube bình luận: “Tác giả bài này (Nguyễn Anh Trí) có mối thù truyền kiếp với âm nhạc.” Bình luận này ác quá, nhưng nếu ai có nghe mới thấy… đúng! Có lẽ do nhiều người còm-men giống như thế, nên tác giả đã đưa đoạn video này về “chế độ riêng tư”. Chắc là chỉ để cho tác giả “tự thủ… sướng” thôi!
Ông Trí phát biểu ở Hà Nội, thế mà nhà thơ Cứ Nguyễn ở Đà Lạt lại thấy câu nói ông Trí có mùi, nên viết vài câu thơ đối đáp như thế này:
“Giang sơn nặng trĩu hai vai”
Như hai hòn d. nằm trong đáy quần
Mặc cho nước cạn trơ rừng
Quê hương ta đó vừa mừng vừa sung
Tổ quốc mình lắm anh hùng
- “Giá trị” của cuốn “Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” là chỉ cần đọc hai trang thôi, đầu óc quay cuồng như uống một thùng bia.
- Hình từ bài chủ và Báo Tiếng Dân.
- Hình từ bài chủ và Báo Tiếng Dân.
Gửi ý kiến của bạn