CSVN, ‘phiếu chống’ và chống con người được làm người
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, phát biểu trong phiên họp đặc biệt về Ukraine vào ngày 1/3/2022. Việt Nam bỏ 2 phiếu trắng và 1 phiếu chống 3 nghị quyết LHQ lên án Nga. Nguồn: TTcs.Trân Văn
VOA Blog
Nhiều người ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam tiếp tục bình luận về sự kiện chính quyền CSVN bỏ “phiếu chống” nỗ lực cộng đồng quốc tế loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Trong khi ông Carl Thayer – một chuyên gia về Đông Nam Á và Việt Nam – gọi lựa chọn của chính quyền CSVN là “tự bắn vào chân mình” (1) thì nhiều người Việt xem “phiếu chống” là “hành động phản dân, sỉ nhục cả dân tộc lẫn quốc thể” (2)…
Tại sao CSVN lại bỏ “phiếu chống” ngay sau khi đại diện của chính quyền CSVN tại Liên Hiệp Quốc công khai… “phản đối mọi hành vi tấn công dân thường, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế” (3)?
Có lẽ câu trả lời không đơn thuần là… ngại Nga phật lòng, cho dù rõ ràng Việt Nam phụ thuộc Nga về nhiều mặt, chẳng hạn cần sự hiện diện của Nga như đối trọng với Trung Quốc trong quá trình thăm dò – khai thác dầu khí tại biển Đông, cần sự hợp tác của Nga để bảo trì phần lớn phương tiện quân sự đã mua từ Nga…
Câu trả lời nằm ở vế sau trong phần phát biểu của đại diện chính quyền CSVN khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức phiên họp bất thường hôm 7/4/2022 để quyết định về tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Nga: “…Quyết định của các cơ quan, tổ chức quốc tế cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động và mọi quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cần dựa trên thông tin được kiểm chứng…”!
***
Khi tường thuật về sự kiện cộng đồng quốc tế cùng nhau xem xét tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trang web của Liên Hiệp Quốc cho biết có 24 quốc gia bỏ “phiếu chống” nhưng chỉ kể tên 7/24 quốc gia này là: Nga, Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Syria và Việt Nam (4). Trước nay, cả bảy vốn đã nổi tiếng vì thường xuyên bị các tổ chức quốc tế, chính phủ nhiều quốc gia, kể cả Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không lên án thì cũng nhắc nhở nghiêm khắc vì vi phạm phân quyền.
Giống như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Syria và mới đây là Nga, chính quyền CSVN đã nhiều lần “lên bờ, xuống ruộng” cả vì những chê trách lẫn những tác động của cộng đồng quốc tế nhằm thúc ép cải thiện, thăng tiến nhân quyền.
Chẳng hạn, trong ba tháng (từ 11/2021 đến 1/2022), Liên Hiệp Quốc – vốn hết sức thận trọng vì đại diện cộng đồng quốc tế – liên tục lên tiếng do lo ngại về các dấu hiệu vừa xâm hại, vừa gạt bỏ những quyền liên quan đến nhân vị của công dân Việt Nam.
Ngoài thư của bộ phận đặc sát thuộc Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) gửi chính quyền CSVN vào tháng 11 năm ngoái (5), yêu cầu cung cấp những thông tin liên quan đến việc bắt giữ – phạt tù hàng chục công dân Việt Nam vì có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, chính quyền CSVN tiếp tục vi phạm các nguyên tắc chung trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà chính quyền CSVN đã cam kết thực thi từ đầu thập niên 1980, chính quyền CSVN còn bị yêu cầu giải trình về những cáo buộc liên quan đến sách nhiễu, trả thù có hệ thống nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền, các tổ chức dân sự, nhà báo và bloggers (thư vừa đề cập đã được Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 1/2022 và đại diện chính quyền CSVN tại Liên Hiệp Quốc đã xin gia hạn thời gian phúc đáp)…
OHCHR còn loan báo là cơ quan này của Liên Hiệp Quốc xem việc kết án Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Đỗ Nam Trung, chuẩn bị xét xử Lê Trọng Hùng là những dấu chỉ nghiêm trọng về tính hợp pháp của việc giam giữ, tính công bằng của việc xét xử, khiến người Việt phải tự kiểm duyệt và những người quan tâm đến tự do truyền thông rùng mình. Sự trừng phạt đó ngăn cản mọi người thực hiện các quyền căn bản và tham gia tranh luận công khai về các vấn đề quan trọng(6).
***
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có 47 thành viên. Nga bắt đầu vai trò thành viên hồi tháng 11 năm ngoái và là một trong số 15 được Đại hội đồng chọn làm thành viên có nhiệm kỳ ba năm. Theo nghị quyết về việc thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, quốc gia đang là thành viên của hội đồng này có thể bị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bãi nhiệm, tước bỏ tư cách thành viên nếu vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống.
Xưa giờ, nhân quyền vẫn là vấn đề mà chính quyền CSVN muốn thực thi theo “tiêu chí riêng” như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Syria. Việc cướp bóc, cưỡng hiếp, tàn sát thường dân, hay hủy diệt trường học, bệnh viện, khu dân cư ở Ukraine không quan trọng bằng… “phòng ngừa”, tránh “há miệng mắc quai” khi cần bày tỏ phản ứng trước những hành động xâm hại nhân quyền. Lựa chọn của chính quyền CSVN khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xem xét tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Nga không phải cho “nhân đạo, nhân quyền” ở Ukraine, ở Việt Nam hay ở bất kỳ đâu trên trái đất này như đại diện chính quyền CSVN bày tỏ, “Phiếu chống” là cho thể chế chính trị đang tồn tại ở Việt Nam, là phản ứng theo kiểu “trông người mà ngẫm đến ta”.
Cứ thử tìm kiếm trên Internet về phản ứng trước nay của chính quyền CSVN khi bị chỉ trích, thúc ép về thăng tiến nhân quyền, ắt sẽ thấy… “cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục hoạt động” hay “cần dựa trên thông tin được kiểm chứng”… không hề mới! Đó là kiểu mà Việt Nam vẫn thường tự biện dù cả kẻ nói lẫn người nghe đều không tin!
Tháng 9 năm ngoái, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế… ủng hộ Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023 – 2025 và các cơ chế quan trọng khác của Liên Hiệp Quốc (8). Chính quyền CSVN quả là có… viễn kiến. Bỏ “phiếu thuận” mà bị chất vấn về nhân quyền tại Việt Nam rõ là “khó ăn, khó nói”!
Chú thích
(2) https://www.voatiengviet.com/a/ngoại-giao-phản-dân-làm-nhục-cả-dân-tộc-lẫn-quốc-thể/6523218.html
(4) https://news.un.org/en/story/2022/04/1115782
(6) https://news.un.org/en/story/2021/12/1108292