Khai phóng và sức khỏe tinh thần con người
Sau thông tin về cái chết thương tâm của em học sinh lớp 10 tại Hà Nội, tối qua một người bạn tôi đã tỏ ra lo lắng và căng thẳng cực độ. Bạn ấy sợ, vì cũng có con đang trong độ tuổi đi học.
Nỗi lo của bạn là sợ con rơi vào mâu thuẫn, bị khủng hoảng giá trị khi mà sách vở nhà trường nói một đằng nhưng thực tế xã hội thì một nẻo, chúng gần như trái ngược nhau. Lâu nay, bạn vẫn hướng cho con đến sự thật, đến các giá trị phổ quát của loài người như sự thật, bình đẳng, tự do, cá nhân, tình thần khai phóng… Bạn hoang mang bởi, sợ rằng bản thân sẽ đẩy con vào chỗ bế tắc khi nó không thể giải quyết được sự mâu thuẫn giữa những gì người ta nói và bắt nó nghe theo ở trường học với những giá trị mà cá nhân nó đang hình thành và tin tưởng.
Trong nỗi lo lắng của bạn mà chính tôi cũng từng rơi vào, tôi hiểu lòng cha mẹ – nó chính đáng và cần được đồng cảm, và tôi cũng biết bạn đang dao động, có cả ân hận nữa. Rằng, chẳng thà không cho con biết, để nó yên ổn mà sống một cuộc đời, còn hơn là đẩy nó vào tấn bi kịch của sự giằng co khốn khổ. Hình ảnh em học sinh nhảy lầu ám ảnh bạn.
Tôi đã nói với bạn rằng chính việc không biết gì cả ngoài những điểm số, thành tích, xếp loại ở trường mới giết chết những đứa trẻ, “giết chết” theo nghĩa rộng. Sự hiểu biết tỉ lệ thuận với dũng khí của con người, người càng có sở học rộng lớn sẽ càng bình tâm trước những biến cố của cuộc sống. Một người biết theo đuổi các giá trị lớn và chân chính, thì điểm số đối với họ chỉ là chuyện vặt vãnh. Họ không bận tâm và chúng cũng không thể tác động vào họ đến mức gây ra một vụ tự tử. Những mâu thuẫn trong đời sống cá nhân, những hơn thua tị hiềm ích kỷ hẹp hòi danh lợi v.v.. cũng vì thế mà nhỏ lại, chìm xuống, tan đi. Đó chính là con đường rộng nhất, sáng nhất để bồi bổ và nâng cao sức khỏe tinh thần cho mỗi người và cho cả một cộng đồng.
Việc bịt mắt con cái và bịt mắt nhau, giam nhốt con người trong sự tối tăm của những thứ vặt vãnh vô bổ và coi đó là giá trị, chính điều ấy mới giết chết họ. Khi mà thế giới đã bị thu hẹp lại chỉ trong những bữa ăn, những con số, xe cộ và áo quần; thì cũng có thể chỉ vì những thứ ấy mà họ chọn cái chết.
Khai phóng. Nếu muốn con cái mạnh mẽ, có một tinh thần cường tráng thì không gì bằng khai phóng cho chúng. Con đường khai dân trí để dẫn đến dân khí là con đường sáng suốt và gần như tất yếu; không thể làm ngược lại.
Sự ngu muội bao giờ cũng dẫn tới sợ hãi, chán chường, bi quán nếu không háo danh và mù quáng theo đuổi những thứ phù phiếm.
Tôi nói với bạn tôi rằng, tôi chấp nhận để con tôi “học dốt” ở trường, thậm chí lưu ban và bỏ học; nhưng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nói dối nó. Giấu giếm, bưng bít sự thật để hòng mưu toan bình yên thì đó chỉ là cái bình yên giả tạo. Và luôn luôn có nguy cơ đẩy con người ta vào bi kịch.
Chúng ta cần một xã hội cường tráng. Sự cường tráng cần được khơi dậy và nuôi lớn bằng sự thật và giá trị chân chính. Chừng nào còn mưu toan sự bình yên bằng cách nhắm mắt bịt tai, chừng ấy chúng ta sẽ còn phải sống trong và sống với một cộng đồng èo uột, yếu đối, bênh tật và hỗn loạn.
Không phải chỉ cha mẹ, mà xã hội, chính cái xã hội mang trọng bệnh của chúng ta, căn bệnh dối trá và bưng bít, đã ám lên người tất cả, từ già tới trẻ, từ trưởng thành tới trẻ em, gần như hiếm ai không trở nên ốm yếu và đầy bệnh tật trong tinh thần.
Cuối cùng, tôi không nói rằng cái chết của em học sinh ở Hà Nội là vì những lý do như tôi vừa nêu, mà ở đây tôi chỉ đang cố gắng giải quyết cái nan đề trong nhận thức cho bạn tôi (và cho tôi) mà thôi, xin không hiểu lầm. Vì tôi cho rằng điều này quan trọng hơn tất cả.