Ukraine nói Nga thả bom vào nhà hát giết hại thường dân ở Mariupol
Hình 9GAG
VOA
Ông Biden gọi ông Putin là ‘tội phạm chiến tranh’
Tổng thống Joe Biden hôm 17/3 đã gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh khi sự tàn bạo trong cuộc chiến ở Ukraine leo thang.
“Ông ta là tội phạm chiến tranh,” ông Biden nói về Putin khi ông rời khỏi một sự kiện không liên quan. Đây là lời lên án mạnh mẽ nhất của lãnh đạo Mỹ đối với hành động của ông Putin và Nga kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu.
Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới khác đã sử dụng cách gọi này, Nhà Trắng đã do dự khi tuyên bố hành động của Putin tương xứng với tội phạm chiến tranh, và cho biết đó là thuật ngữ pháp lý cần phải nghiên cứu.
Nhưng trong một bài diễn văn hôm 17/3, ông Biden nói quân đội Nga đã ném bom các bệnh viện và bắt giữ các bác sĩ làm con tin.
Mỹ sắp gởi thêm hàng trăm hệ thống chống máy bay đến Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/3 loan báo thêm 800 triệu đô la viện trợ an ninh cho Ukraine, cho dù là ông vẫn giữ nguyên lập trường về vùng cấm bay sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi khẩn cấp Quốc hội Mỹ trợ giúp quân sự để đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu về nghị quyết về Ukraine do Nga soạn thảo
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu vào ngày 18/3 về nghị quyết do Nga soạn thảo kêu gọi tiếp cận viện trợ và bảo vệ dân sự ở Ukraine, nhưng các nhà ngoại giao nói nghị quyết này sẽ không được thông qua vì nó không thúc đẩy chấm dứt chiến sự hay yêu cầu Nga rút quân.
Dự thảo nghị quyết cũng không đề cập đến trách nhiệm của Nga hay thừa nhận cuộc xâm lược của Nga vào nước láng giềng.
“Chúng tôi sẽ không hợp thức hóa nỗ lực của Nga nhằm trốn tránh tính giải trình, trách nhiệm và tội lỗi trong hành động xâm lược vô cớ của họ,” Olivia Dalton, phát ngôn nhân phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cho biết.
Nga trình ra dự thảo nghị quyết này sau khi Pháp và Mexico rút lại nỗ lực thông qua nghị quyết của họ về tình hình nhân đạo ở Ukraine vì cho rằng Moscow sẽ phủ quyết. Thay vào đó, họ dự định đưa nó ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng 193 thành viên, nơi không có quốc gia nào có quyền phủ quyết.
“Chúng tôi đã nói ngay từ đầu rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng thông qua một nghị quyết nhân đạo về tình hình ở Ukraine, miễn là nó không phải là hình thức ngụy trang để buộc tội và hạ nhục nước Nga một lần nữa,” đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia phát biểu hôm 15/3.
Nghị quyết do Nga soạn thảo ‘yêu cầu thường dân, bao gồm nhân viên nhân đạo và những người trong hoàn cảnh dễ tổn thương, trong đó có phụ nữ và trẻ em, cần được bảo vệ đầy đủ’. Nó cũng kêu gọi tiếp cận viện trợ an toàn và không bị cản trở và tạo hành lang đi lại an toàn cho người dân ra khỏi Ukraine.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng sẽ họp vào vào ngày 18/3 để nghe báo cáo về tình hình Ukraine, các nhà ngoại giao cho biết, theo yêu cầu của Mỹ, Albania, Anh, Pháp, Ireland và Na Uy.
(Reuters)