BÀN CỜ THẾ GIỚI VÀ VỊ THẾ VIỆT NAM
Phải nói một sự thật rằng chuyện một quốc gia đem quân đi đánh một nước khác nhằm bảo đảm vùng an ninh lân cận cho mình không phải là chuyện hiếm trong lịch sử, ít nhất là cho đến lịch sử hiện đại.
Việt Nam đánh qua Campuchia, lật đổ chính quyền Polpot để thiết lập nên một chính quyền thân Việt Nam.
Chuyện Trung Quân đổ quân đánh dằn mặt Việt Nam năm 1979 để ngăn khả năng Việt Nam kết hợp với Liên Xô mà bao vây Trung Quốc.
Chuyện Mỹ lấy cớ Iraq có vũ khí huỷ diệt hàng loạt để đổ quân vào dập tắt chế độ độc tài của Saddam Hussein và dựng nên một chế độ thân Mỹ.
Chuyện Mỹ đổ quân vào Afghanistan để lật đổ chế độ Taliban, tìm diệt Osama Bin Laden và dựng nên một chế độ dân chủ thân Mỹ.
Và xa hơn là chuyện Mỹ chính thức can thiệp vào Thế chiến Thứ Hai để chấm dứt các chế độ phát xít của Đức, Nhật, Ý và lập nên những chế độ thân Mỹ, thậm chí áp đặt việc kiểm soát số lượng quân nhân và vũ khí như ở các nước Đức và Nhật nhằm ngăn ngừa khả năng các nước này trở thành những thế lực vượt trội làm ảnh hưởng đến hoà bình khu vực và cả Mỹ.
Nếu nhìn rộng ra trên bàn cờ thế giới, người Mỹ chia thế giới thành 5 khối để thi hành các chính sách ngoại giao.
Khối thứ nhất là các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, gồm các nước Anh, Canada, Úc, sau đó là khối Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Israel.
Khối thứ hai gồm những nước thân thiện, cùng chia sẻ nhiều quyền lợi hoặc có cam kết với Mỹ, chẳng hạn như các nước Nam Mỹ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Jordan.
Khối thứ ba gồm các nước mà Hoa Kỳ đang nỗ lực xây dựng các mối quan hệ vì lợi ích chung, chẳng hạn như Indonesia, Ấn Độ, hay Việt Nam. Đối với ba nước này, thì lợi ích chung mà Hoa Kỳ đang cố làm là giúp đỡ thiết lập một vùng Ấn Độ Thái Bình Dương hoà bình và thịnh vượng nơi mà các quốc gia chia sẻ những lợi ích và cố gắng ngăn sự bành trướng, độc chiếm của Trung Quốc. Các quốc gia này sẽ đứng cùng nhau để bảo vệ lợi ích của mình trước các đòi hỏi của Trung Quốc.
Khối thứ tư gồm các nước mà Hoa Kỳ giữ các mối quan hệ thân thiện, giúp họ bảo đảm an ninh, chống khủng bố, chống thiên tai, dịch bệnh … vừa là giúp họ, vừa xây dựng hình ảnh, và cũng vừa ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu, nếu có, đến Hoa Kỳ, chẳng hạn như các quốc đảo ở vùng Caribe, các nước ở châu Phi, Pakistan.
Và khối thứ năm bao gồm các quốc gia thù địch hoặc có khả năng thù địch đến Hoa Kỳ. Các quốc gia này hiện nay bao gồm chẳng hạn như Triều Tiên, Iran, Syria, Nga, Trung Quốc, và nhóm này liên tục thay đổi.
Chính sách của Mỹ là kềm chế những quốc gia thù địch, và nếu không thể thay thế những quốc gia này thành các chính thể thân thiện với Hoa Kỳ thì kềm toả, thậm chí cô lập nhằm ngăn chặn nó trở thành những đe doạ về an ninh.
Với Nga, trong một thời gian dài các chính quyền Mỹ đặt một ưu tiên đối phó. Riêng với Trung Quốc thì chính quyền Mỹ bắt đầu rục rịch xoay trục về châu Á kể từ thời tổng thống Barack Obama nhằm xây dựng đồng minh kinh tế, chính trị, và quân sự để kềm toả. Thời tổng thống Donald Trump, mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc được xét lại một cách cứng rắn hơn. Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng thành hình. Mỹ nỗ lực tách Trung Quốc ra khỏi nền kinh tế của mình. Sang thời tổng thống Joe Biden, chiến lược kềm toả Trung Quốc đi xa hơn bằng cách thiết lập thêm liên minh ba nước Mỹ - Anh - Úc (AUKUS) làm hạt nhân mà mục tiêu đầu tiên là bảo đảm Úc có tàu ngầm hạt nhân, và sau này có thể là sở đắc công nghệ hạt nhân. Khoảng cách từ sở đắc công nghệ hạt nhân đến chỗ sở đắc vũ khí hạt nhân không xa.
Đối lại với sự kềm toả của Mỹ, Trung Quốc và Nga tìm đến nhau. Ấn Độ lo ngại một Trung Quốc lớn mạnh nên chịu đứng vào liên minh Ấn Độ - Thái Bình Dương gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và Úc để bảo đảm một khu vực hoà bình ở Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Nhưng Ấn Độ là một nước lớn, một nền văn hoá, và tâm lý dân tộc, bài phương Tây khi chịu quá khứ thuộc địa vẫn còn lớn, nên dù họ chia sẻ nhiều quyền lợi trong liên minh với Mỹ, họ chắc chắn chọn một vị thế ngoại giao độc lập thay vì đứng cùng với phương Tây.
Mỹ kềm toả Nga bằng hai cách chính. Thứ nhất là cô lập kinh tế để ngăn Nga trở thành một thế lực lớn. Một khi Nga không có tiềm lực kinh tế thì khó mà theo đuổi các chiến lược quốc phòng dài hơi. Về lâu về dài, vũ khí Nga sẽ bị tụt hậu về công nghệ. Thứ hai là kéo các nước lân cận Nga gia nhập vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm tránh để các nước này trở thành những vây cánh của Nga. Một khi Nga không có vây cánh, không có nhiều đồng minh, không có tiềm lực kinh tế, thì họ không đủ sức mạnh để theo đuổi các kế hoạch phát triển quốc phòng, cũng khó có thể mạo hiểm thực hiện các cuộc chiến tranh lâu dài.
Để đối phó Mỹ, Nga thúc đẩy quan hệ với các nước mà Mỹ xem là thù địch — “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Các nước độc tài từ Triều Tiên, Cuba, Venezuela, cho tới Belarus, Iran, hay Syria trở thành những người bạn của Nga.
Cuộc chiến của người Nga vào Ukraine nó không chỉ là cuộc chiến của người Nga với người Ukraine, mà nó là một bước đi nhằm cố gắng thay đổi bàn cờ thế giới — bàn cờ mà hiện cán cân đang dần nghiêng về phía Mỹ và phương Tây.
Đến đây thì bạn sẽ thắc mắc rằng tại sao các cuộc chiến mà trong đó Mỹ và phương Tây đem quân xâm lược các nước khác và lật đổ các chế độ ở các nước này như ở Nam Tư, Iraq, Afghanistan, Syria, hay Libya thì họ lại không bị chống đối nhiều như khi Nga đem quân xâm lược Ukraine hiện nay?
Khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở hai điểm.
Điểm quan trọng nhất đó là Ukraine là một thể chế dân chủ, còn các nước như Nam Tư, Iraq, Afghanistan, Syria, hay Lybia khi phương Tây can thiệp nó là các chính thể độc tài. Xâm lược một chính thể dân chủ đồng nghĩa với việc tuyên chiến với cả một dân tộc, vì dân tộc đó bầu ra chính thể dân chủ đại diện cho quốc gia. Ngược lại, đem quân vào một chính thể độc đoán để lật đổ những lãnh đạo độc tài thì đó chỉ là việc tuyên chiến với chỉ một nhóm cầm quyền đang tiếm quyền của quốc gia. Đó là lý do mà nếu vì một lý do nào đó Mỹ có thể mang quân xâm lược vào Bắc Triều Tiên hay Iran để giải trừ chế độ độc tài chẳng hạn thì chẳng có mấy quốc gia văn minh phản đối.
Và điểm thứ hai đó là các cuộc xâm lược của Mỹ không có tham vọng lãnh thổ. Nó khác với tham vọng của Nga hiện nay.
Nhìn lại bản đồ chính trị thế giới, Việt Nam muốn có được một tương lai phải nhanh chóng làm hai chuyện. Chuyện đầu tiên là nhanh chóng thay đổi thể chế, dứt khoát chuyển đổi sang một thể chế dân chủ. Và chuyện thứ hai đó là tranh thủ ngoại giao nhằm xây dựng một mối quan hệ tin cậy, một người bạn thân thiết với Âu Mỹ, nhằm phát triển đất nước, xây dựng quốc phòng, và cùng đứng về thế giới văn minh.
Riêng chuyện ngoại giao với Trung Quốc, thì một khi Việt Nam có một tiềm lực kinh tế, một sức mạnh quốc phòng đủ để phòng thủ, một nước dân chủ, văn minh, và được tôn trọng trong cộng đồng thế giới, thì tất Trung Quốc sẽ đối xử tử tế với Việt Nam như là một láng giềng hữu hảo và đáng tôn trọng.
Việt Nam chỉ có thể có hoà bình trong phẩm giá khi nó dân chủ, văn minh, và mạnh mẽ. Còn hoà bình hiện nay là hoà bình của đầu gối, hoà bình của ô nhục khi luôn sợ Trung Quốc, luôn bợ đở Nga, nó khiến hình ảnh của Việt Nam rất tệ trong mắt thế giới.
Gửi ý kiến của bạn