Đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ngầm chỉ trích Nga
khi nhắc tới Ukraine
Đại sứ VN tại LHQ Đặng Hoàng Giang phát biểu về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tại phiên họp khẩn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, hôm 1/3/2022 - Hình TTcs.
RFA
Hôm 1 tháng 3, trong phiên họp khẩn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, Hoa Kỳ, đại diện Việt Nam đã có bài phát biểu bày tỏ lập trường của Nhà nước về cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine.
Trước đó, các thành viên của Hội đồng Bảo an đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu nhằm triệu tập một cuộc họp của toàn bộ các thành viên của Liên Hiệp Quốc, với 11 quốc gia thành viên đồng ý và chỉ duy nhất một mình Nga phản đối.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1985 một cuộc họp khẩn của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc được triệu tập được triệu tập, nhằm phản ứng trước một cuộc khủng hoảng.
Cuộc họp bắt đầu từ ngày 28 tháng 2, các quốc gia thành viên cử đại diện của mình để phát biểu quan điểm về cuộc chiến của Nga tại Ukraine.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang của Việt Nam - quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga - đã có bài phát biểu với lời lẽ “động chạm” và thẳng thắn hơn so với các tuyên bố trước đó của Chính phủ Việt Nam đối với Nga.
Tuy không gọi tên Nga một các trực tiếp, nhưng trong bài phát biểu này, phía Việt Nam đã gọi việc gây chiến của Nga là hành động “không phù hợp” với với những nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc, và “đe dọa nghiêm trọng hòa bình quốc tế”.
Ông đại sứ còn có phát ngôn được hiểu là ngầm chỉ đích danh Tổng thống Putin, khi nói rằng: “Các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.
Đại sứ Việt Nam tại LHQ cũng nhấn mạnh đến vấn đề quốc gia có chủ quyền:
“Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này.”
Đây được cho phát ngôn nặng nề nhất mà Việt Nam đưa ra kể từ khi Tổng thống Putin ra lệnh tấn công Ukraine hôm 24 tháng 2. Trước đó, thông qua người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Chính phủ Việt Nam chỉ kêu gọi các bên kiềm chế khi bình luận về diễn biển ở hai nước thuộc Liên Xô cũ. Báo chí Nhà nước Việt Nam vẫn tránh dùng từ xâm lược khi nói về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học chính trị tại trường đại học Victoria, New Zealand cho biết nhận định về vị trí của Việt Nam trong sự kiện này:
“Với Việt Nam thì thực sự đây là một vị trí rất khó. Với Việt Nam thì Nga không chỉ là một đối tác rất là quan trọng về kinh tế và quân sự, đặc biệt là về quốc phòng khi mà phần lớn vũ khí của Việt Nam hiện tại đang sử dụng thì đều có nguồn gốc từ Nga.
Ngoài ra thì vấn đề lịch sử là một cái yếu tố cực kỳ quan trọng. Việt Nam từ trước đến nay vẫn coi Nga là hậu duệ của Liên Bang Xô Viết, và một phần nào đẩy cả về mặt cảm tính và tính chính danh, cả về cái tạm gọi là diễn ngôn của Việt Nam về chủ nghĩa cộng sản, và lý tưởng phát triển, về một mặt nào đấy thì thấy rất là gần gũi với Nga. Kể cả những cái diễn ngôn như là diễn biến hoà bình, cách mạng màu thì Việt Nam hoàn toàn đứng về phía cách mà nhà nước Nga của Putin diễn ngôn.
Thì cái sự gần gũi về lịch sử, sự gần gũi về tính chính danh, rồi là yếu tố về mặt cảm tính, hợp tác kinh tế và quân sự thì đặt Việt Nam vào thế rất là khó khi mà phải trực tiếp lên án Liên Bang Nga.”
Tuy ở vào vị trí khó khăn là vậy, nhưng ông Nguyễn Khắc Giang cho rằng, với việc Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ngầm lên án Nga, cho thấy Việt Nam nhận thấy cần phải bảo vệ sự nhất quán trong quan điểm của mình về chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia, vì điều này sẽ giúp bảo vệ lợi ích của chính Việt Nam. Ông nói thêm:
“Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine trong giai đoạn này thì với Việt Nam, nó lại đi ngược lại với nguyên tắc mà Việt Nam đề cao nhất, đó là nguyên tắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Và rõ ràng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine thì không có gì để mà biện minh được, vi phạm rất là trắng trợn cái hiến chương Liên Hiệp Quốc, sau đấy là các nguyên tắc các nhà nước đối xử với nhau trong trường quốc tế.
Thì nếu Việt Nam không lên tiếng đưa ra các nguyên tắc của mình thì rõ ràng nó sẽ để lại một cái hệ luỵ rất là lớn về sau. Đặc biệt Việt Nam là nước có vị trí tương tự như Ukraine, nằm cạnh một siêu cường về quân sự. Về một lúc nào đấy thì có thể gặp vấn đề tương tự với Trung Quốc, nếu chúng ta không lên tiếng ngay bây giờ thì nó sẽ để lại để lại cái hệ luỵ về sau là sẽ không ai lên tiếng cả.”
Vị chuyên gia về khoa học chính trị này còn cho rằng với việc Việt Nam đang nỗ lực kêu gọi các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc phải hành xử theo luật lệ quốc tế trên Biển Đông, thì không thể im lặng trước việc Nga vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn như vậy.
Nhưng ông cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam sẽ có khả năng không làm gì thêm, đặc biệt là vẫn sẽ tránh lên án trực tiếp Nga, nhằm đảm bảo mối quan hệ với nước này cũng như duy trì tính chính danh.