Trần Công Lân
Từ khi định cư tại Mỹ thì thấy sự thăm dò dư luận có vẻ dân chủ lắm: "Ý dân là ý trời". Nhưng phải sau hơn 40 năm mới hiểu "trong chăn có rận". Mỗi khi tới mùa bầu cử hay có biến cố thì các cơ quan truyền thông thường đưa ra các thống kê về dư luận qua các cuộc thăm dò (polling, survey...). Nhưng phải nhìn vào vấn đề mới biết "sự thật méo mó" (nếu không nói là bị bóp méo chứ chưa hẳn là xuyên tạc).
Ai ở không để làm những thống kê, thăm dò ý kiến? Tất nhiên có người trả tiền cho công việc đó nhưng bạn (là người được hỏi ý kiến) có biết là ai? Và mục đích đằng sau cuộc thăm dò ý kiến là để làm gì nữa?
Có bao giờ bạn để ý những câu hỏi được đưa ra theo thứ tự ra sao? Có khuynh hướng dẫn dắt người được hỏi sẽ suy nghĩ, phản ứng, chọn lựa... theo tiến trình tâm lý chuẩn bị sẵn. Dĩ nhiên bạn chẳng mất gì ngoài chuyện làm bù nhìn cho kẻ khác lợi dụng cái gọi là ý kiến "dân chủ" để lấy kết quả này gán cho mục đích khác.
Thí dụ như câu hỏi về ý kiến của người dân trước việc làm của tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống? Ai đứng ra đặt câu hỏi như vậy? Để làm gì? Khi kết quả các việc làm của cựu tổng thống còn chưa rõ kết quả thì làm sao người dân có thể so sánh với tổng thống đương nhiệm, mới làm việc trong một thời gian ngắn. Rõ ràng mục đích của thăm dò ý kiến chỉ là kích động những người dân ngây thơ, dễ xúc động, thiển cận... lên tiếng và kết quả sẽ bị bóp méo tùy theo kẻ chủ trương. Trong khi bạn hí hửng tưởng rằng đã đóng góp vào sinh hoạt dân chủ Mỹ nhưng thực sự là ý kiến của bạn đã bị lợi dụng để phá hoại dân chủ.
Thí dụ khác là chuyện FaceBook thanh lọc thông tin sau biến cố 1/06/2021 xảy ra tại Quốc Hội Mỹ. Nếu các chuyên gia của FaceBook có thể soạn những Algorithm để khám phá các khuynh hướng, ý định của độc giả để từ đó nhét các quảng cáo thích hợp với khuynh hướng người tham dự, nhất là giới thanh thiếu niên, phụ nữ.
Vậy thì việc các thông tin có tính kích động, gây bạo động, chủ trương hay có khuynh hướng phá hoại đều có thể kiểm soát (nếu muốn) nhưng FaceBook đã làm ngơ vì đó là tin nhạy cảm, dễ lôi cuốn người đọc chạy theo (vì số đông tham dự) sẽ có nhiều quảng cáo và đó là lợi nhuận của FaceBook.
Như vậy các đại công ty cũng như giới chủ nhân triệu, tỷ phú ngoài chuyện trốn thuế lại mang thêm tội phá hoại dân chủ bằng cách tiếp tay các nguồn tin xuyên tạc, ngụy tạo, gây rối cho xã hội và đầu độc dân chúng.
Thí dụ khác là câu hỏi bạn có đồng ý bãi bỏ luật bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ (Roe vs Wade 1973). Dĩ nhiên bạn chỉ có thể trả lời "có" hay "không" nhưng để làm gì? Ai đặt câu hỏi như vậy? Phải chăng đó là phe chống phá thai? Dân chúng có ý kiến như vậy thì Tối Cao Pháp Viện có nghe theo không? Chắc chắn là không. Nếu dân chúng (đa số) đòi bác bỏ mà Tối Cao Pháp Viện (TCPV) nghe theo thì hóa ra là bù nhìn hay sao? Mà nếu TCPV 2021 bác bỏ phán quyết của TCPV 1973 thì sau này TCPV 2XXX sẽ làm ngược lại thì hóa ra trò hề hay sao?
Vậy thì trò thăm dò ý kiến chỉ là cách tìm kiếm (hay duy trì) mồi lửa để có cơ hội đốt nhà hay gây rối loạn mà kẻ chủ mưu giấu mặt dưới hình thức dân chủ.
Nếu thực sự giới truyền thông hay người chủ sự thăm dò ý kiến muốn giải quyết vấn đề thì ít nhất phải nếu ra cái gốc (nguyên nhân) gây ra vấn đề đang bàn bàn cãi. Khi nhận diện nguồn gốc của vấn đề chính xác thì sự trình bày các sự kiện xảy ra sau đó và cuối cùng dẫn đến tình trạng hiện tại. Cuối cùng thay vì đặt câu hỏi để lèo lái người đọc đi theo khuynh hướng người chủ sự muốn thì đó là sự gian lận. Thay vào đó phải là nhận định cả hai chiều "thuận" (Yes) thì sẽ ABC...nếu "nghịch" (No) thì XYZ... với sự góp ý của các chuyên gia về hậu quả có thể xảy ra để người đọc suy nghĩ.
Trong mùa đại dịch chúng ta đã thấy có những vị lãnh đạo tôn giáo, dân biểu, bác sĩ, luật sư... tuyên bố (nói), hành động (làm) vô trách nhiệm về việc phòng ngừa và cứu chữa bệnh dịch mà vẫn có người tin theo, cho thấy sinh hoạt dân chủ không phải nhắm mắt chạy theo cái mình thích, điều mình muốn hay những gì Hiến Pháp ghi nhận rất mù mờ mà bất cứ luật sư nào cũng có thể xuyên tạc.
Vậy thì khả năng lý luận của bạn có thể đặt câu hỏi ngược lại từ chủ thể cho đến khách thể để tìm ra nguyên do của người đặt câu hỏi và tại sao câu hỏi được đưa ra như vậy. Trong thời đại điện toán, mạng xã hội, điện thoại cá nhân... cộng với tin tặc, chiến tranh tôn giáo... thì làm công dân một nước dân chủ như Mỹ thật là khó khăn chứ không phải chỉ kiếm tiền và hưởng thụ.
TCL