ĐÊM NGHE THƠ CÔNG AN

Lộc Dương
Hắn bắt đầu làm thơ cách đây nhiều năm, khi còn làm cho một lò mổ lợn. Nhìn những con vật bị dí điện kêu eng éc, hồn thơ hắn bổng dâng trào lai láng. Hắn viết trong nước mắt: “Lợn ơi tâm hồn em trong trắng, sao em lại bị dí điện thế này...”. Thơ gửi đi, không báo nào đăng. Hắn buồn lắm vì nghĩ mình bị dìm hàng. May quá, có thằng bạn cùng xóm mới khuyên hắn nên làm thơ ca tụng lãnh đạo. Nó bảo thời buổi thực phẩm bẩn này thì thơ cũng cần phải bẩn mới ăn tiền. Hắn nghe theo và đêm nào cũng thức khuya trằn trọc làm thơ. “Bác Trọng tóc bạc thân gầy người ẻo lả, mà bác vẫn còn đi đứng hiên ngang”, hay: “ Bác Phúc niễng, niễng đầu vì non nước, niễng quá nhiều tội lắm nước non ơi “…Quả nhiên thơ hắn được đăng tùm lum ở các tờ báo trên cả nước. Có nơi còn tổ chức hội thảo bình thơ hắn, coi hắn như là một hiện tượng văn học của thế kỷ thứ 21. Thế là từ đó hắn hiên ngang cảm thấy mình như đã chính thức bước cả hai chân vào văn học sử.
Hắn bắt đầu lân la làm quen và điếu đóm cho các nhà văn, nhà thơ đàn anh trong Hội văn Nghệ Hà Nội. Bất cứ buổi ra mắt tác phẩm nào của đàn anh hắn cũng đi dự, con có ốm hay vợ có lăn đùng ra chết thì hắn cũng vẫn cứ đi.
Cho nên tối nay, mặc dù chưa ăn gì vào bụng, nhưng hắn vẫn phấn khởi bắn 2 bi thuốc lào liên tiếp, rồi dắt xe đi dự Đêm Thơ của một đàn anh thứ gộc, có bút hiệu là Hữu Ước.
Đó là một đêm thơ hoành tráng với chủ đề “Ăn Một Mình”, được tổ chức tại nhà hát Âu Cơ, Hà Nội. Bởi vì ngoài danh hiệu nhà thơ ra, chủ nhân đêm thơ còn mang quân hàm Trung Tướng công an, cho nên khỏi phải nói, đêm thơ đặc kín người tham dự. Người ta thấy đủ các gương mặt nổi cộm của giới yêu thơ, giới doanh nhân, tụi cò chạy án, và cả các anh chị trùm xã hội đen nữa. Hội trường với mấy trăm ghế, giá cao ngất ngưỡng, loáng một cái đã bán hết sạch. Ai chậm chân đành phải ngồi ghế hạng bình dân. Nữ thi sĩ Lệ Thủy, tác giả tập thơ Hoa Mút Mùa, vì bận gây lộn với mẹ chồng nên tới trễ, đành phải ngồi chung với băng giang hồ chuyên móc túi ở bến xe Mỹ Đình. Thật cứ như hoa Nhài cắm bãi cứt trâu.
M.C của đêm thơ là một tay nhanh mồm nhanh miệng của Hội Nhà Văn. Ông ta đang gân cổ giới thiệu những nét đặc sắc cùng những lời tiên tri có tính định mệnh trong thơ của đại thi sĩ Hữu Ước. Giọng ông sang sảng: - Thơ của Hữu Ước rất buồn mà cũng rất vui. Sâu sắc mà bình dân. Đầy những ồn ào trong khoảng lặng hư vô. Khi đọc thơ Hữu Ước, người ta cần thắp lên những ngọn nến hay những cây nhang cũng được, có như vậy ta mới hiểu hết tận đáy những trăn trở mà nhà thơ muốn gửi gấm lại cho nhân gian….Trong hội trường đã nghe được nhiều tiếng khóc thút thít giả tạo, xen kẽ với tiếng đánh rắm của một tay chuyên cho vay nặng lãi, bị sình bụng, cố kìm lại mà không xong.(!)
Đêm thơ đang đến độ cao trào, thì bổng nhiên có rất nhiều tiếng ồn ào từ bên ngoài. Phải lắng nghe lâu lắm, cử tọa mới nhận ra đó là một cuộc biểu tình của anh em công an. Đã từng được mệnh danh là thanh kiếm và lá chắn của chế độ, hôm nay một bộ phận trong số họ bổng trở thành công an oan. Họ đứng ngay trước của nhà hát, giăng lên những băng rôn và hô to khẩu hiệu:
- Cứu với, cứu với Thủ Tướng ơi.
- Yêu cầu Hữu ước dẹp thơ đi để trả nhà cho chúng tôi.
- Khỉ không vặt lông khỉ.
- Ai đã ăn 23.000 mét vuông đất của cán bộ chiến sĩ báo Công An Nhân Dân?
- Công an oan chúng tôi dễ thương lắm, mong cộng đồng mạng chia sẻ.

Cuộc biểu tình không lường trước được này có nguy cơ phá hỏng đêm thơ. Nhà thơ kiêm tướng công an, kiêm quan chức văn nghệ, giận run người. Ông móc phôn ra gọi cho chính quyền thành phố. Rồi ông nhìn chằm chằm vào đám cựu thuộc hạ đang biểu tình, lòng dậy lên sự khinh bỉ. Ông buột miệng lẩm bẩm mà chỉ mình hắn, vì đứng quá gần nên nghe được:
- Còn nhà đâu nữa mà trả. Nó biến thành biệt phủ của ta rồi. Đòi gì nữa mà đòi? Mẹ kiếp, làm đến công an rồi mà vẫn còn ngu.