VN- càng chống dịch càng "toang", và người dân
thì lãnh đủ hậu quả!
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4.2021, VN đã có khoảng thời gian đi sau các nước khác đến gần một năm rưỡi. Nhưng thay vì tận dụng khoảng thời gian vàng đó để học hỏi kinh nghiệm chống dịch từ các nước khác, thì do sự chủ quan, mà nhiều người châm biếm gọi là “tự sướng” với những kết quả kiềm chế dịch các đợt trước nên nhà cầm quyền VN đã không chuẩn bị gì cả. Từ việc đặt mua vaccine cho tới kịch bản nếu đại dịch bùng phát trở lại thì sẽ xử lý như thế nào. Kết quả, như chúng ta đều thấy, VN đã bị COVID-19 quật nặng. Và cứ nhìn vào tình hình diễn biến như hiện tại thì không ai có thể biết khi nào VN sẽ thoát ra khỏi đại dịch, khi hai điều kiện quan trọng nhất là vaccine và nguồn lực y tế đều thiếu và yếu. Vaccine, dù đã nhận được sự viện trợ hào phóng từ Hoa Kỳ, từ chương trình viện trợ nhân đạo quốc tế COVAX và các nước, nhưng vẫn chưa đủ vào đâu khi dân số VN là 96, 97 triệu người.
Có rất nhiều nguyên nhân nhưng những nguyên nhân chính khiến việc chống dịch ở VN càng chống càng thất bại, và người dân phải hứng chịu mọi hậu quả, không chỉ chết vì dịch mà còn chết vì đói, và bị “khủng bố” tinh thần bởi hàng loạt chủ trương sai lầm, hà khắc, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, hở tí thì cấm, phạt của nhà cầm quyền. Đó là:
1. NGẠO NGHỄ, CHỦ QUAN.
Như vừa nói ở trên, VN đã chủ quan không chuẩn bị gì, từ chiến lược vaccine cho tới làm sao để vừa phòng chống dịch cho hiệu quả, vừa để người dân có thể sống sót qua những ngày phong tỏa không có thu nhập, đồng thời kinh tế vẫn tiếp tục vận hành ở một mức độ nào đó, không bị đứt gãy giữa nguồn cung và cầu, đứt gãy sản xuất hoàn toàn v.v…Và cũng vì ngạo nghễ nên không thèm học bài học chống dịch, cách thức phong tỏa, quản trị quốc gia trong thời dịch từ các nước khác, cũng như bất chấp mọi ý kiến, mọi lời khuyến cáo của các bác sĩ, chuyên gia, người có kinh nghiệm ở trong hay ngoài nước, bất chấp dư luận, cứ làm theo ý mình, và nếu có học thì chỉ học duy nhất bài học chống dịch cực kỳ khắc nghiệt của Tàu Cộng tại Vũ Hán!
2. CHÍNH TRỊ HÓA VIỆC CHỐNG DỊCH. CHỐNG DỊCH VỚI TƯ DUY THỜI CHIẾN THAY VÌ TƯ DUY KHOA HỌC.
Ngay từ đầu cho tới giờ nhà cầm quyền vẫn cứ khăng khăng giương cao khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, với tinh thần “phải quyết thắng tới cùng”, để cho đám quan chức vốn xuất thân từ công an, tình báo, hoặc tuyên giáo, không có kiến thức, kinh nghiệm về khoa học lên lãnh đạo việc chống dịch, đưa công an, rồi quân đội vào một số thành phố phía Nam kiểm soát tình hình, coi virus là…giặc, coi dân cũng là những kẻ thù tiềm tàng…Thay vì chống dịch với tư duy khoa học, đưa các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực dịch tễ học, vi trùng học…lên lãnh đạo việc chống dịch, còn chính phủ thì lùi lại, lắng nghe ý kiến của họ, lắng nghe ý kiến của dân.
3. ĐỘC QUYỀN CHỐNG DỊCH, LUÔN LUÔN MUỐN KIỂM SOÁT MỌI THỨ. KHÔNG TIN DÂN.
Cái gì cũng độc quyền, thậm chí chống dịch đảng cũng phải độc quyền, không muốn chia sẻ trách nhiệm cho các chuyên gia đã đành, việc cứu trợ cho dân cũng không muốn các tổ chức hoạt động dân sự, các tổ chức tôn giáo tham gia trừ phi dưới cái ô của Mặt trận Tổ Quốc hay các tổ chức của đảng; mà nếu có cho phép được một lúc vì làm không xuể thì sau đó cũng lại giành lại, như đưa quân đội vào Sài Gòn giành cả công viêc đi chợ của shipper, công việc cứu trợ của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện…
Chuyện đưa bộ đội từ nơi khác tới đi chợ, đi trao quà cứu trợ giùm, thay vì chích vaccine đầy đủ cho lực lượng shipper, những người làm công tác thiện nguyện để họ có thể tiếp tục công việc, tức là bắt đội ngũ chuyên nghiệp phải ngồi chơi xơi nước trong khi bộ đội từ xa tới không quen việc đi chợ, không rành đường xá, không biết thành phần dân chúng nào, ở đâu thực sự cần phải được hỗ trợ trước, chưa kể thành phố lại phải lo ăn ở cho bộ đội v.v…chỉ là một trong vô số quyết định, chủ trương sai lầm của nhà cầm quyền mà ngay từ đầu những người dân bình thường có đầu óc suy xét cũng nhận thấy. Nhưng nhà nước này vẫn cứ làm để rồi sau đó lại phải lẳng lặng trả lại công việc này cho đội ngũ shipper.
Tình trạng độc quyền cũng thể hiện qua việc trung ương cứ nhất định lãnh đạo toàn bộ việc chống dịch từ trên xuống dưới, trong khi chính quyền địa phương nắm tình hình rõ hơn thì lại phải tuân theo những chỉ thị có phần máy móc, không sát với từng địa phương, điều đó đã dẫn tới việc chính quyền Sài Gòn có những bất đồng, căng thẳng với ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. Kết quả là ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM bị mất chức, bị điều ra Hà Nội làm Phó Ban kinh tế trung ương ngồi chơi xơi nước, nhưng bản thân Vũ Đức Đam thì cũng không còn giữ chức vụ này mà đích thân ông Thủ tướng Phạm Minh Chính phải nhảy vào đảm nhiệm. Lẽ ra nên san sẻ bớt quyền lực cho các địa phương để những người tại chỗ nắm rõ tình hình chống dịch sát hơn nhưng đảng cộng sản thì luôn muốn tập trung quyền lực vào một mối, kiểm soát mọi thứ.
4. ĐI NGƯỢC VỚI LÒNG DÂN. KHÔNG COI ĐỜI SỐNG KINH TẾ VÀ SINH MẠNG CỦA DÂN RA GÌ.
Chúng ta thấy nhà cầm quyền VN đã nhân danh chống dịch để càng vi phạm nhân quyền qua các biện pháp cấm, phạt cực đoan, không coi cuộc sống và sinh mạng của dân ra gì. Cái kiểu chống dịch mà VN học theo Tàu Cộng nó nguy hiểm ở chỗ là họ khuyếch đại hóa nỗi sợ hãi, làm căng thẳng thêm tình hình để từ đó càng có cớ mà nhốt dân trong nhà, rồi đưa cả quân đội với súng ống, xe tăng, thiết giáp vào SG, lấy cớ là giúp dân chống dịch nhưng chủ yếu là nhằm ngăn ngừa mọi sự nỗi loạn từ người dân, hoặc mọi ý kiến, quyết định khác ý trung ương nếu có, của các chính quyền địa phương.
Tất cả là để nhằm giữ sự ổn định chính trị và giữ cái bề mặt “sạch sẽ” nghĩa là ai bị dương tính, bị nhiễm thì nhốt vào một chỗ mặc kệ lây chéo lẫn nhau, ai chết thì lẳng lặng đem đi thiêu, bây giờ là đi chôn tập thể, miễn sao trên bề mặt mọi thứ vẫn trong vòng kiểm soát và những con số về tình hình dịch bệnh vẫn "ở mức độ chấp nhận được" dù thực tế thì tồi tệ hơn rất nhiều!
Đó là chưa kể những chính sách bất công, bất hợp lý trong đối tượng ưu tiên chích vaccine, sự phân biệt vùng miền thay vì dồn tối đa nguồn vaccine, nguồn tài chính cho những tỉnh thành bị dịch nặng v.v...khiến tình hình càng tệ hơn.
TẤT CẢ LÀ DO: THỂ CHẾ ĐỘC TÀI+SỰ DỐT NÁT, DUY Ý CHÍ, CHỈ LO BẢO VỆ QUYỀN LỰC CỦA NHÀ CẦM QUYỀN.
Hầu như không có nước nào mà không bị đại dịch COVID-19, không có nước nào mà không có những quyết định sai lầm lúc này lúc khác, không có nước nào mà không có người chết, nhưng chỉ có một chế độ độc tài toàn trị thì mới có cái cách chống dịch như vậy.
Có một giai đoạn khi Trung Quốc, Việt Nam và một vài quốc gia Đông Á chưa thực sự là một nền dân chủ đầy đủ (full democracy) kìm chế dịch khá thành công trong khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây lao đao vì dịch, nhiều người còn đặt câu hỏi phải chăng đứng trước những thảm họa lớn như thiên tai, dịch bệnh thì mô hình thể chế độc tài là có lợi hơn vì thống nhất từ trên xuống dưới và dễ ép buộc người dân theo ý mình. Trong khi chính phủ ở các nước dân chủ thì phải chịu sự chỉ trích tứ phía từ đối lập, báo chí truyền thông cho tới dân chúng, đồng thời người dân thì đã quen với việc được tự do nên khó mà ép họ.
Nhưng cuối cùng thì chúng ta đã thấy, mô hình dân chủ vẫn có những ưu điểm vững chắc. Thứ nhất, những người lãnh đạo của họ là do dân bầu lên và sẽ bị gạt bỏ nếu làm việc yếu kém, nên họ phải làm việc tốt. Thứ hai, sự chỉ trích sẽ giúp chính phủ điều chỉnh các chính sách, quyết định kịp thời. Quan trọng nhất, mọi chính sách luôn đặt quyền lợi, sinh mạng của con người lên trên hết, tự do, phẩm giá, nhân quyền của con người được tôn trọng. Ngay cả trong những ngày số người tử vong cao ngất ngưỡng, trong những ngày bị phong tỏa nghiêm ngặt nhất thì người dân ở các quốc gia này chỉ có một nỗi lo là dịch bệnh, còn kinh tế đã có nhà nước hỗ trợ đầy đủ, tinh thần không bị hoạch họe, xách nhiễu, khủng bố.
Nhìn lại cách chống dịch của nhà cầm quyền VN, vừa rất sai về mặt khoa học, vừa hà khắc, độc tài khiến cho đời sống người dân càng thêm tang thương, khốn khổ.
Chống dịch như chống giặc. Giặc đâu không thấy nhưng người dân phải trả giá bằng bao nhiêu thảm cảnh và sinh mạng. Hết sai lầm này đến sai lầm khác. Khiến nhà báo Trân Văn trên blog VOA phải viết “Chống dịch như giặc, chỉ mong đừng chống giặc như dịch”. Phải, chống dịch sai lầm thì chết dân, kinh tế sụp. Còn chống giặc mà đi từ sai lầm này đến sai lầm khác như vậy thì chỉ có mất nước! Đừng “ngạo nghễ”rằng mấy chục năm trước thắng Pháp thắng Mỹ thì bây giờ giặc nào cũng thắng.
Và sau bao nhiêu ngày hùng hục chống dịch với tinh thần phải thắng, bây giờ thì chính ông Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thừa nhận là phải chung sống lâu dài với dịch. Chỉ có điều, các nước quyết định "sống chung với COVID-19" là sau khi họ đã lockdown dài hạn để có thời gian ngăn chặn tỷ lệ lây nhiễm lan nhanh trong cộng đồng và có thời gian chích ngừa cho dân, đến khi đạt được khoảng ít nhất 60% dân số được tiêm vaccine đầy đủ thì họ mới mở cửa. UK là một trong những quốc gia như vậy, và đã mở cửa hoàn toàn trở lại từ ngày 19.7. Từ đó đến nay tỷ lệ người bị nhiễm vẫn cao, nhưng tỷ lệ bị nặng phải vào bệnh viện và tỷ lệ người chết thì thấp hẳn.
Sống chung với dịch là trong điều kiện như vậy. Và đừng quên trước đó UK đã lockdown dài hạn mấy lần. Nhưng dù lockdown dài ngày, không có ai phải chết đói cả, không có ai phải cứu ai.
Còn VN, theo trang Our World in Data, tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ hai mũi chỉ mới 2.4% dân số, còn theo WHO là 1.68%, VN hiện đang “đội sổ” về tỷ lệ tiêm chủng chống COVID so với các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Như vậy thì bao giờ người dân mới được chích đủ ít nhất 60% hay hơn để có thể sống chung với dịch? Hay vì kinh tế lẫn một số đông dân chúng quá kiệt quệ dù chỉ mới lockdown chưa phải là lâu, nên các ông chuẩn bị dư luận để cứ mở cửa bất chấp sinh mạng của người dân?
Từ khi đại dịch bùng phát trở lại tới giờ, nhà cầm quyền đã thí nghiệm đủ cách, đủ chỉ thị chính sách khác nhau sáng đúng chiều sai mai lại đúng, bất chấp người dân lãnh đủ! Không có gì ngạc nhiên nếu họ lại thí nghiệm liều lĩnh mở cửa bất chấp hậu quả. Sống chung với dịch, đúng, nhưng hãy chích ngừa đủ cho dân đi đã. Còn trong thời gian này khi chưa thể mở cửa thì phải cứu trợ cho dân, chấm dứt ngay mọi chính sách hà khắc, ngăn sông cấm chợ một cách không cần thiết, học theo cách các nước khác chống dịch, phong tỏa như thế nào chứ đừng chỉ nhất cử nhất động học theo Bắc Kinh.
Và dù dịch hay không thì người dân cũng phải được sống như Con Người chứ không phải như tù nhân, bị lùa đi cách ly tập trung ngay cả khi chỉ mới bị nhiễm nhẹ, bị chăng dây kẽm gai, bị khóa cửa ngõ, bị cấm đi ra khỏi nhà ngay cả đi mua thực phẩm, thuốc men, bị hoạnh họe, xách nhiễu đủ thứ, bị đẩy đến bần cùng, chết vì dịch và cả vì đói.
Từ Phật giáo cho tới Lão giáo đều dạy con người thuận theo lẽ trời, thuận theo tự nhiên mà sống thì mọi việc yên ổn, một cá nhân còn như thế, huống hồ điều hành quản trị một quốc gia mà cứ khăng khăng duy ý chí, đi ngược với quy luật tự nhiên, xu hướng thời đại, đi ngược với khoa học và cả lòng người làm sao mà thành công?