Cơ Năng Bản vị đối chiếu Cơ Năng Hiến Pháp (P2)
Xã hội Mỹ không còn là xã hội của 1787 khi sự chênh lệch giàu nghèo chưa quá nặng và nước Mỹ chưa mang trọng trách với thế giới về sự hòa bình và tồn tại của nhân loại. Xã hội Mỹ ngày nay phân hóa vì cá nhân vô trách nhiệm, ích kỷ... cái gì cũng muốn nhất (number one), muốn ăn trên ngồi trước (American first) nhưng lại không muốn lãnh trách nhiệm bảo vệ hoà bình thế giới. Người dân Mỹ muốn chính quyền làm đủ thứ nhưng lại không thích đóng thuế (tăng thuế) cho nhà nước? Mặc dù họ biết rằng "nothing for free" hay "no free lunch".
Nước Mỹ không muốn can thiệp vào các tranh chấp vùng nhưng sẵn sàng nhận tỵ nạn, di dân như là nguồn thu nhập chất xám của thế giới để tạo ưu thế. Một khi Mỹ can thiệp vào các cuộc tranh chấp địa phương thì khi chính trị Mỹ thay đổi đảng cầm quyền thì có thể là Mỹ sẽ bỏ dở cuộc chơi (thí dụ: VN, Iraq, Kurds, A Phú Hãn...).
Vấn đề không phải là người Mỹ (giới lãnh đạo) không thấy hay không biết. Vấn đề là họ không muốn giải quyết tới nơi tới chốn mà chỉ muốn gây xung đột để thủ lợi (hay những ai tìm ra giải pháp có lợi). Đôi khi sự thách đố (vấn đề) quá cao và hai đảng không có nhân tài (như Reagan) để đứng ra giải quyết thì nước Mỹ sẽ nhắm mắt giao phó cho một nhân vật "không cần biết anh là ai" (như Trump).
Khi người dân Mỹ quyết định ẩu thì hy vọng lớp lãnh đạo sẽ cứu nguy. Nhưng khi cả tầng lớp ưu tú (elite) lẫn dân đen đều bất tài và ẩu thì đại họa. Bài học 9/11/2001 và khủng hoảng tài chính 2008 (đảng Cộng Hòa trách nhiệm) không làm dân Mỹ tỉnh ngộ thì nay bài học đại dịch 2020 (cũng do đảng Cộng Hòa trách nhiệm) cũng sẽ không làm dân Mỹ tỉnh ngộ.
Nền giáo dục của nước Mỹ đã tạo ra tầng lớp ưu tú trong hai đảng cũng như các tầng lớp dân chúng trong xã hội trở nên mù quáng, ù lỳ, cố chấp, ganh ghét, thù hận lẫn nhau còn hơn là kẻ thù. Sự sụp đổ của khối Xô Viết khiến dân Mỹ quên đi là "con người cộng sản vẫn còn". Cộng sản thay đổi bề ngoài như Putin, Xi JinPing, Kim Jong Un... nhưng chính sách, thủ đoạn vẫn còn đó. Không phải là tầng lớp trí thức Mỹ không biết lý luận nhưng cho dù họ lý luận đúng thì máu "cao bồi" (chống bất cứ điều gì từ chính quyền đưa ra) của dân Mỹ cũng chống đối. Thêm vào đó là sự khích động của phe thiểu số muốn gây bất lợi cho phe đa số để hy vọng giành lại chính quyền trong kỳ bầu cử sắp tới. Đó là lý do chúng ta thấy đạo luật sức khỏe (ACA) đã không được đảng Cộng Hòa góp ý kiến xây dựng mà chỉ bôi xấu và đòi hủy bỏ trong khi không thể đưa ra bộ luật thay thế.
Khi kẻ thù thay đổi và trở nên nguy hiểm hơn thì nước Mỹ đang trở thành lụn bại vì "tham ăn" (kinh tế toàn cầu).
Chủ trương của nước Mỹ là dựa vào sức mạnh quân sự để làm ăn (kinh tế). Nhưng khi không có chính sách cho toàn cầu thì "cái nọ xọ cái kia". Và sự rối loạn được phản ảnh qua chủ trương của lưỡng đảng trở nên lỗi thời. Bề ngoài có vẻ là Âm-Dương nhưng bên trong thì Thái Dương không có Thiếu Âm và Thái Âm không có Thiếu Dương ("Thái" là thời gian cầm quyền, đa số, sẽ thực hiện chương trình đã định. "Thiếu" là khi thiểu số, lui về để chuẩn bị, nghiên cứu kế hoạch cho thời gian tới. Nếu khi là thiểu số mà bạn không đóng góp với phe đa số để xây dựng đất nước thì lấy gì bảo đảm bạn sẽ có sự cộng tác của phe kia khi bạn nắm đa số. Ai là kẻ chơi xấu trước?).
Sự chọn lựa một vị tổng thống đại diện đảng không quan trọng bằng chính sách của ông ta mà đảng (nhà) sẽ ủng hộ hay chống đối (đối lập). Khi hai đảng xung khắc thay vì đối lập thống nhất thì khi nắm quyền, đảng A sẽ triệt hạ những gì đảng B đã thực hiện trong quá khứ. Tuy là nói vì dân nhưng thực tế là dân Mỹ vẫn chịu thiệt hại vì là kẻ đóng thuế và giới lãnh đạo, nhà giàu là giới trốn thuế.
Sự phản ứng của mỗi nhà lập pháp (Thượng viện, Hạ viện của liên bang, tiểu bang) cho thấy cơ chế bầu cử chọn người và giao phó trách nhiệm đã để quá nhiều lỗ hổng khiến các vị dân cử như ông trời con, phản bội cử tri mà cử tri không thể làm gì được ngoài việc chờ kỳ bầu cử tới. Và nếu cứ bị gạt như thế thì bao giờ mới chấm dứt?
Làm sao cử tri có thể chọn người đại diện xứng đáng?
B . Bản Vị với Cơ Năng
Mặt khác, trong xã hội có nhiều ngành nghề và các nhà chính trị không phải từ cục đất chui ra. Họ cũng là người, có học, có sinh hoạt trong xã hội. Khi ra tranh cử thì tiểu sử, quá trình sinh hoạt của họ phải được biết đến. Vậy trước khi nói đến những gì họ hứa hẹn sẽ làm thì hãy nói qua về quá khứ những gì họ đã làm với xã hội, với người trên, kẻ dưới....
Nếu quá khứ bạn làm việc với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, khách hàng... mà bạn không đối xử tốt thì khi ra phục vụ công chúng (ứng cử) bạn sẽ nói gì? Nếu bạn gian dối với quá khứ thì lấy gì bạn sẽ thành thực với tương lai? Nếu những người đồng sự của bạn trong quá khứ lên tiếng đánh giá con người bạn thì cử tri sẽ quyết định ra sao?
Thành tích, giá trị việc làm quá khứ của bạn (bản vị) sẽ cho thấy khả năng làm việc trong tương lai của bạn (cơ năng) một khi bạn cầm quyền (Yahoo News).
Kinh nghiệm với cộng sản cho chúng ta bài học "Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm".
Nếu một cá nhân có kỷ luật tự giác thì hai cá nhân như vậy sẽ đối xử với nhau ra sao? Như thế nào? Và rồi một tập thể 10, 100 người sẽ tác động trong xã hội qua ỷ tha, động tha (cho và nhận) mà chúng ta thấy nước Nhật là một thí dụ cụ thể.
Chủ nghĩa thực nghiệm (pragmatism) của Tây Phương không còn hiệu nghiệm khi gặp một kẻ đại bịp như Trump: hứa đủ mọi điều, cũng cố thực hiện nhưng rồi bỏ dở nửa chừng hay sau đó rút lui, đổi chiều (thí dụ: mậu dịch với Canada, ngăn biên giới Mễ, thương chiến với Trung Cộng vẫn không cân bằng cán cân chênh lệch về mậu dịch...).
Sự lạm dụng quyền lực của Trump cho thấy các tập tục (norm) của một cơ chế dân chủ sẽ bị phá nát bởi những kẻ không tôn trọng (vì chưa bao giờ giữ chức vụ công quyền) vì muốn thách đố nền dân chủ với tiềm năng phát triển độc tài. Đó là một sự đe dọa nguy hiểm cho nước Mỹ và thế giới.
Phải chăng chúng ta cần một Hiến Pháp quy định sự can thiệp (đan quyền) của tầng lớp dân chúng qua Cơ Năng-Bản Vị (hay qua Trung Tâm Hội Nghị của các cấp tỉnh, Hạt, Quận...) như một hình thức trưng cầu dân ý thay vì qua Quốc Hội đang bị lũng đoạn vì đảng tranh?
Hiện tượng ù lỳ, cố chấp trong phe đảng mới chính là mối đe dọa cho sinh hoạt dân chủ chứ không phải "âm mưu bí mật” (deep state) mà Trump dùng để lôi kéo những kẻ ngây thơ.
Sự bế tắc chính trị tại Hoa Thịnh Đốn vì giới chính trị gia đa số lẫn thiểu số phá đám mà cử tri không thể ngăn chặn các hành vi phản bội lời thề chức nghiệp (tung, hàng dọc) và các đồng nghiệp không quyết định tẩy chay hay loại trừ ra khỏi hàng ngũ chuyên môn (hợp, hàng ngang) thì sự kiểm soát các nhân vật chính trị không còn nữa và sự lũng đoạn quyền hành xuất hiện.
Khi Hiến Pháp trở nên lỗi thời, sinh hoạt lưỡng đảng biến chất, tầng lớp ưu tú trở thành giai cấp thao túng quyền hành và làm giàu cho bản thân, người dân bị áp lực của việc làm và sự hưởng thụ trong khi giới truyền thông và toà án mất đi sự độc lập thì sinh hoạt dân chủ cần được cải tổ không phải riêng cho nước Mỹ mà cả thế giới khi chúng ta có chung một ý niệm về nhân quyền và bảo vệ môi sinh vì loài người và trái đất này chỉ có một mà thôi.
TCL
Tháng 11 năm 2020
(Việt lịch 4899)