MỘT CHÍNH PHỦ BẤT TÀI CẦN ĐƯỢC THAY THẾ
Những ai quan sát cách điều hành của nhóm lãnh đạo hiện nay trong việc đối phó với đại dịch sẽ thấy rằng đó là một nhóm bất tài và kém cỏi. Sự hỗn loạn và lan tràn dịch bệnh thiếu kiểm soát hiện nay là một bằng chứng. Chính phủ cho đến giờ này không có một kế hoạch rõ ràng nào về việc tiêm vắc-xin sẽ kéo dài bao lâu, đến bao giờ thì mở cửa, hỗ trợ người dân như thế nào. Tất cả chỉ là một con số không. Ở những nước khác, một nhóm bất tài như vậy đã bị người dân thay thế từ lâu rồi. Họ thay đổi bằng lá phiếu hoặc họ thay đổi bằng cách xuống đường và đòi một cuộc bầu cử tự do nhằm chọn ra những lãnh đạo khác. Dân Việt Nam thì quá hiền và quá sợ, cho nên đã chọn cách chịu đựng. Nhưng hiền, không có nghĩa là họ không biết. Có điều, bao năm sống dưới một chế độ tàn bạo, bị đàn áp quá khốc liệt, họ trở nên sợ hãi chính quyền.
Nếu lúc này, những nhóm trong quân đội đứng dậy, thay đổi chính phủ, tạo ra một nền cộng hoà dân chủ mới, hẳn người dân sẽ đứng dậy ủng hộ và biết ơn. Tên của các anh sẽ đi vào sử sách.
Bài dưới đây ghi lại buổi thảo luận của những học giả ở đại học Fulbright nói về những thất bại của chính phủ. Họ nói nhẹ nhàng thôi, nhưng đi đúng vào vấn đề mà nhiều người đã nói ít nhiều trên cộng đồng mạng lâu nay. Đó là: (1) chiến lược vắc-xin chậm ở tất cả các khâu; (2) không có một cơ chế để xử lý các tình huống khẩn cấp; (3) sự hỗn loạn trong thu mua vắc-xin; (4) không có khả năng đàm phán mua vắc-xin; và (5) không có một sự hỗ trợ nào cho người dân mà chỉ chăm chăm nhằm móc túi của họ, dù họ đã rất nghèo và khổ.
Chỉ cần 5 thất bại trên là đã đủ để cho thấy một chính phủ bất tài, không có khả năng dẫn dắt đất nước. Nhưng, có lẽ trong giới hạn của buổi hội thảo, nhiều vấn đề còn chưa được nói hết.
Tôi, Nguyễn Huy Vũ, tiến sỹ kinh tế, cũng xin bổ sung thêm với các đồng nghiệp ba vấn đề lớn nữa. Vấn đề thứ (6) đó là chính phủ không có khả năng quản lý ngân sách công; mà một bằng chứng là cho dù thu ngân sách năm 2020 tăng thêm so với năm trước nhưng ngân sách đã không hề có một khoản dự trữ nào để chi tiêu cho kế hoạch mua vắc-xin cho toàn dân, dù tổng chi phí chỉ tốn chừng 0,5% tổng thu nhập quốc dân.
Vấn đề thứ (7) đó là các dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài trong cách điều hành các kế hoạch sản xuất và mua vắc-xin cho thấy có một sự cấu kết của chính phủ với các nhóm lợi ích sân sau là Vingroup và VNVC nhằm hưởng lợi trên ngân sách quốc gia và thảm hoạ của dân tộc.
Và vấn đề thứ (8.), cũng là cuối cùng, thuộc về vấn đề đạo đức. Đó là những người cầm quyền đã đặt lợi ích của mình và gia đình lên trước lợi ích của toàn dân và dân tộc. Ở các nước, khi có vắc-xin, nó sẽ được phân phối cho dân theo độ tuổi và những người tuyến đầu được ưu tiên nhằm mục đích tối ưu hoá hiệu quả của vắc-xin trong bảo vệ toàn dân và nền kinh tế. Các lãnh đạo và gia đình do đó nằm trong sự sắp xếp chung chứ không được ưu tiên trước. Ngược lại, ở Việt Nam, giới lãnh đạo, người thân và những ai có quan hệ được ưu tiên tiêm trước, bất kể thứ tự sắp xếp. Đó là một vấn đề thuộc về đạo đức, và nó cũng cho thấy một sự hỗn loạn, không có một quy củ rõ ràng trong chiến lược vắc-xin của chính phủ.
Tóm lại, những ý kiến và bằng chứng cho thấy đây là một chính phủ bất tài, không có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt đất nước. Họ cần được thay thế, càng sớm càng tốt, để đất nước có một tương lai.
Nguyễn Huy Vũ
Tiến sỹ Kinh tế
Nguồn FB. Hội Những Người Cầm Bút Can Đảm
Nguồn FB. Hội Những Người Cầm Bút Can Đảm
Gửi ý kiến của bạn