Đắp mền chống muỗi
Cánh Cò
RFA Blog
Vậy là người dân Tp. HCM bắt đầu thấm đòn khi quyết định mới nhất mà nhà nước vừa đưa ra phong tỏa mọi cơ sở kinh doanh có sự trao đổi của đám đông đều bị đóng cửa. Không tụ tập quá 3 người và quy định này kéo dài 14 ngày từ lúc 0h ngày 20 tháng 6. Tổng cộng có 414 điểm bị phong tỏa, riêng ba khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân, sự phong tỏa sẽ ảnh hưởng tới đời sống của khoảng 60.000 người.
Như vậy, đợt dịch thứ 4 này (tính từ ngày 24/7 đến nay) tổng số ca nhiễm trong cộng đồng tại Tp.HCM đã lên 1.346 ca. Tổng số ca bệnh nằm dàn trải khắp 21 quận huyện và Tp. Thủ Đức.
Người dân thành phố như thường lệ, không có dấu hiệu phản ứng gì mặc dù việc phong tỏa sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho người nghèo, những di dân vào thành phố kiếm sống bằng phương tiện thô sơ mà nếu mất đi một ngày thu nhập đồng nghĩa với mất đi một bữa ăn, một chỗ ngủ. Người dân buộc lòng tuân theo chỉ thị vì bảo vệ mạng sống cho chính mình vì vậy mọi cấm đoán, dù vô lý, cũng không gây bức xúc gì cho dân vì họ biết chỉ có phong tỏa mới ngăn cản được con virus nguy hiểm nhất hành tinh này.
Tuy nhiên, phong tỏa mà không có biện pháp chống lại nó kể như đắp mền chống muỗi đốt.
Muỗi cứ bay dày đặc chờ tấn công, người đắp mền thụ động rồi cũng phải có lúc hé mền ra để thở, lâu hơn nữa phải ôm mền chạy đi vệ sinh và điều nhất định phải xảy đến là phải bỏ mền ra mà nấu nướng, ăn uống và nhất là kiếm tiền để sống. Vậy thì việc phong tỏa và sức chịu đựng của người dân là bao lâu?
Ai cũng biết ngay lúc này thì vaccine là phương tiện gần như duy nhất có khả năng chống lại dịch bệnh một cách chắc chắn. Tính đến ngày 18/6/2021 trung bình đã có 36.6% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 liều vaccine covid. Tỷ lệ này ở Mỹ là 94%, Trung Quốc 67%, Campodia 34.46%, Lào 15.6%, Thái Lan 10.3%, các quốc gia thu nhập trung bình thấp là 11.63%. Và Việt Nam là 2%
Ngoài 2% người được tiêm vaccine, số còn lại đang chờ nhà nước, nhà nước chờ nguồn chi và dĩ nhiên chờ luôn nơi có thể cung cấp vaccine cho cả nước. Hai nguồn có khả năng nhất, một, đến từ các quỹ vaccine của thế giới qua hình thức viện trợ nhân đạo và nguồn thứ hai đến từ những hợp đồng mua vaccine từ các hãng sản xuất. Nguồn thứ nhất được Nhật, Mỹ, WHO đã và sẽ cung ứng tuy nhiên số lượng quá ít không thể trông chờ kết quả cho toàn cộng đồng. Nguồn thứ hai được trông đợi vào khả năng thương thuyết của nhà nước đối với các công ty sản xuất vaccine của các nước, trong đó có cả Nga và Trung Quốc.
Không cần phải bàn cãi, tên tuổi và độ hiệu quả cao vẫn đến từ Pfizer, BioNtech, Moderna hay AstraZeneca, riêng hai loại Sputnik của Nga hay Sinopharm của Trung Quốc đang bị nhiều nước nghi ngờ và thực tế cho thấy Sinopharm của Trung Quốc chưa thể chứng minh được những yêu cầu nghiêm ngặt mà vaccine cho Covid-19 cần phải có theo tiêu chuẩn của thế giới.
Vụ 288 ngàn liều vaccine của AstraZeneca không được xuất kho sau khi mua về là một câu hỏi lớn dành cho bộ y tế nhưng chưa nghiêm trọng bằng số tiền hàng ngàn tỷ kêu gọi đóng góp từ người dân không dùng để mua vaccine mà lại chuyển vào ngân hàng kiếm lời đang là một câu hỏi lớn dành cho nhà nước.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết rằng “để bảo đảm hiệu quả tối đa, tiền ủng hộ tạm thời nhàn rỗi sẽ được gửi ngân hàng để lấy lãi theo đúng quy định”
Tiền mà người dân chắt chiu đóng góp được ông Bộ trưởng xác định là “tiền nhàn rỗi” và vì nhàn rỗi nên nhà nước thoải mái bỏ vào ngân hàng để sinh lợi mà không bị bất cứ một ràng buộc nào kể cả ràng buộc vì mục tiêu sử dụng.
Phải chăng thế giới thật sự đóng cửa đối với Việt Nam nên không thể mua được vaccine cho dù có sẵn tiền? Hai là, nếu mua vaccine khó khăn vì số lượng sản xuất không kịp theo yêu cầu thì tại sao số tiền ấy không được dùng đặt cọc cho các hãng sản xuất mà lại bỏ vào ngân hàng để sinh lợi?
Quỹ vaccine của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập hôm 26/5 và chính thức ra mắt hôm 5/6. Theo VOA Chính phủ Việt Nam đã liên tục sử dụng báo chí và nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả tin nhắn qua điện thoại, để kêu gọi người dân và doanh nghiệp đóng góp. Tính đến 5 giờ chiều ngày 17/6, quỹ tiếp nhận xấp xỉ 5.700 tỉ đồng do gần 316.500 tổ chức, cá nhân đóng góp.
Những câu chuyện “làm mồi” xuất hiện liên tục bất kể logic đã khiến việc kêu gọi quyên góp bị bóp méo tệ hại. Điển hình nhất là câu chuyện bé Nguyễn Trần Minh Anh mới 5 tuổi đã có số tiền 100 triệu để ủng hộ quỹ chống Covid-19 gây cho cộng đồng đặt ra nhiều câu hỏi, liệu nhà nước có nghĩ rằng chỉ số thông minh của người dân hiện nay quá thấp hay sự tuyên truyền ngày một lạc hậu của nhà nước đã đẻ ra sản phẩm rất khôi hài này?
Rồi đây khi phân phối 500 ngàn liều vaccine vừa nhập từ Trung Quốc liệu người dân có sẵn lòng chịu chích thứ sản phẩm Made in China đã quá nhiều tai tiếng hay không? Và cho đến khi nào chính phủ Việt Nam mới ngưng những quyết định mang tính chính trị để giảm thiểu sự lo lắng cho những người vừa bỏ tiền vừa có nguy cơ bỏ mạng?