Báo Tiếng Dân
Thủ tướng Chính phủ rơm rớm nước mắt đứng trước màn hình vận động mua vaccine. Tin nhắn từ Mặt Trận Tổ Quốc và Chính phủ xin từng ngàn đồng cho quỹ vaccine lời lẽ khẩn thiết: “…ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều…”. Có ai tin được đây chính là lời lẽ vận động từ một quốc gia đã từng thất thoát, thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ đồng do “lỗi quản lý” hay không?
Đành rằng quốc gia lâm nguy toàn dân bỏ qua tất cả cùng nhau gánh vác. Nhưng suy đi ngẫm lại, nỗi đau hôm nay khó có thể tránh được khi nhìn thực trạng diễn ra. Số tiền mua vaccine ước tính khoảng vài chục ngàn tỷ đồng. Nó thấp hơn gấp đôi số tiền Bộ Công thương từng báo lỗ năm 2019-2020: 63 ngàn tỷ đồng, gần bằng thiệt hại ngân sách trong vụ Thủ Thiêm: 26.000 tỷ đồng tiền vốn chưa tính lãi. Dĩ nhiên, còn nhiều vụ khác nữa.
Đó là chưa kể đến hàng chục hay thậm chí hàng trăm miếng đất vàng đội nón ra đi với giá “bán mão”. Ai cũng thuộc câu: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà Nước thống nhất quản lý”. Vậy thiệt hại của đất công sản là thiệt hại chung thuộc về toàn dân.
Mới vài năm gần đây thôi, nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân công bố, số tiền xây nhà hát Thủ Thiêm (trên dưới 1.500 tỷ đồng) không dùng tiền ngân sách mà dùng tiền bán đất vàng mà có.
Trời đất quỷ thần ơi! Đất vàng công sản cũng là một loại ngân sách thuộc tài sản chung của toàn dân chứ còn gì? Tiến độ xây nhà hát Thủ Thiêm không thể như quý ngài mong muốn, cho tới nay cũng vài 3 năm có lẻ. Số tiền bán đất nằm trong ngân hàng sinh lãi có cao bằng giá thị trường phi mã tăng nhanh không?
Vậy tới khi chính thức xây nhà hát Thủ Thiêm thật phải bù thêm bao nhiêu tiền hay bán thêm bao nhiêu đất để bù vào khoảng đội vốn? Tầm nhìn quản trị của lãnh đạo không lẽ không ước lượng được điều cơ bản này?
Nếu không có những lỗi quản lý gây thất thoát đó thì có phải bây giờ Chính phủ không cần “bở hơi tai” đi vận động từng ngàn đồng một hay không? Cho nên nếu nhìn thẳng, nhìn thật thì theo cái nhìn cá nhân của tôi: Quỹ vaccine là một minh chứng cho sự thất bại của công tác quản trị đất nước. Những lớp lãnh đạo trước đã làm gì khi để công sản, ngân sách trôi đi như xòe tay múc nước?
Và hậu quả của thất thoát có phải được chia đều lên đầu toàn dân hay chăng?