Luật Thuế Ở Mỹ Phục Vụ Người Giàu
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Bài trước trình bày một số hình thức thuế ở Mỹ. Bài này sẽ phân tích một số luật thuế của Mỹ cố tình tạo ra lỗ hổng để phục vụ người giàu.
Đánh thuế người dân cần phải có luật. Luật của thuế phải tạo ra sự công bằng. Mà công bằng trong thuế có nghĩa là người nào làm ra nhiều tiền thì có khả năng trả thuế hơn những người làm ít tiền. Người làm ra ít tiền vẫn phải đóng thuế tuy nhiên đóng mức thuế nhẹ hơn người làm nhiều tiền. Luật thuế của Mỹ đánh thuế dựa vào đồng lương và phần trăm sẽ gia tăng khi số lương càng gia tăng. Đó là trên mặt lý thuyết chứ thực tế thì luật thuế luôn luôn có lỗ hổng.
Lỗ hổng của thuế về hưu liên bang
Tiền đánh thuế cho quỹ an sinh xã hội (quỹ về hưu) là 6.2% (6.2% là phần của nhân viên và phần của chủ hãng, ai làm self employed thì phải đóng gấp đôi) và chỉ đánh đến số lương 137,700 cho năm 2020. Có nghĩa là nếu đồng lương của bạn một triệu thì số tiền làm trên 137,700 sẽ không bị phần thuế 6.2% này. Cái nguyên lý của thuế là ai làm tiền nhiều thì có khả năng đóng nhiều hơn đã không được thực hiện ở đây. Người giàu có hay trung lưu, với số lương trên 137,700 không phải đóng vào quỹ xã hội. Đây là luật nhưng cũng đồng thời là bất công bởi nếu tính tổng cộng số phần trăm của thuế này thì người làm lương cao hơn 137,700 phần trăm đóng thuế thấp hơn 6.2%.
Thí dụ: anh A số lương là 137,700 phải đóng số tiền thuế này là 8537.40 (137700 x 6.2%). Anh B có số lương là 500,000 cũng đóng số tiền 8537.40. Phần trăm thuế của anh B so với số tiền lương là 1.71% (8537.40/500,000) cho quỹ về hưu.
Khi bạn về hưu thì số tiền tối đa mà sở an sinh xã hội cho bạn mỗi tháng là 3,770 đô la cho năm 2019. Số tiền này không phải ai cũng được mà là dựa vào số tiền lương mà bạn đã làm, đã đóng vào trong quỹ an sinh xã hội. Bạn làm ít thì bạn sẽ nhận tiền ít. Bạn làm nhiều thì bạn sẽ nhận tối đa con số bên trên. Dĩ nhiên đây là con số rất lớn dành cho những người không có tài sản, không phải thuộc loại giàu có khi họ về hưu, không đi làm. Còn đối với những nhà triệu phú ở Mỹ, khi họ về hưu, đồng tiền của họ vẫn tiếp tục thu vào dù họ không đi làm bởi họ bỏ tiền vào một công ty nào đó để đẻ ra tiền. Đúng ra họ không cần số tiền về hưu này từ quỹ an sinh xã hội. Tuy nhiên theo luật, bởi họ đã bỏ tiền vào trong quỹ thì khi về hưu, họ vẫn được hưởng tiền này mà không cần biết tài sản của họ có là bao nhiêu. Đây là sự bất công thứ hai của luật thuế quỹ về hưu của Mỹ. Chưa kể nhiều người về hưu, tùy theo sống ở tiểu bang nào, với số tiền về hưu chưa chắc đủ để chi trả chi phí ăn ở nếu họ không có tài sản riêng, không có nhà riêng đã trả hoàn toàn.
Lỗ hổng của thuế lợi tức liên bang
Thuế lợi tức được đánh theo số lương của người làm và phần trăm khác biệt dựa vào đồng lương đó. Theo biểu đồ thuế của năm 2020 thì có 7 tầng, phần trăm đánh vào thuế lợi tức từ 10% đến 37%. Bảy tầng đó được liệt kê như sau:
10% cho đồng lương dưới 9,875.
12% cho đồng lương từ 9,876 đến 40,125.
22% cho đồng lương từ 40,126 đến 85,525.
24% cho đồng lương từ 85,526 đến 163,300.
32% cho đồng lương từ 163,301 đến 207,350.
35% cho đồng lương từ 207,351 đến 518,400.
37% cho đồng lương trên 518,401. Đây là bản đóng thuế dành cho người độc thân. Những người có gia đình hay ở diện khác, cũng vẫn là phần trăm này nhưng con số sẽ gia tăng theo tầng phần trăm của thuế. Thí dụ bạn có gia đình và khai thuế chung, số tiền bị 10% thuế là 19,750 trở xuống.
Bản đánh thuế theo phần trăm này thực hiện đúng lý thuyết của thuế. Nghĩa là tiền càng cao thì thuế sẽ đóng cao hơn. Tuy nhiên, thực tế thì người giàu đóng thuế, nếu tính theo tổng số tiền làm ra so với số thuế đóng vào thì phần trăm rất là thấp. Chính nhà tỷ phú Warren Buffett nói rằng phần thuế của mình đóng thấp hơn phần trăm thuế của cô thư ký. Tại sao thế?
Bởi luật thuế dành ưu tiên cho những người có tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc thị trường bond của thành phố. Nếu bạn là triệu phú, bạn bỏ tiền ra mua bond của thành phố ở bất cứ tiểu bang nào và cuối năm -- thành phố trả tiền lời cho bạn là 500 ngàn thì số tiền 500 ngàn đó hoàn toàn không bị một đồng xu thuế nào của liên bang. Trong khi đó nếu bạn đi làm cho một công ty, cùng với số tiền trên, bạn sẽ đóng thuế theo bản số bên trên.
Luật thuế lợi tức dành cho những người mua bán chứng khoán cũng nhẹ hơn là số tiền đi làm từ hãng xưởng. Theo luật thuế của năm 2020, khi bạn mua chứng khoán và giữ trên một năm, khi bán ra bạn có lời thì số tiền đó sẽ bị đóng thuế như sau cho diện độc thân: tiền lương dưới 40,000 là không phải đóng thuế. Trên 40,001 cho đến 441,450 thì phải đóng 15%. Trên 441,451 thì phải đóng 20% tiền thuế.
Rõ ràng luật thuế lợi tức của liên bang là phục vụ người giàu để họ đóng thuế ít hơn so với những người dân đi làm công sở. Chưa kể người giàu tạo ra những công ty mà phần chi phí cho cá nhân có thể khai là chi phí của công ty để trừ thuế mà người thường dân không làm được.
Lỗ hổng của luật thuế tiểu bang
Có một số tiểu bang dành ưu đãi cho các công ty mở cơ xưởng tại tiểu bang của mình. Ưu đãi đó có thể không phải đóng thuế lợi tức của tiểu bang trong khoảng thời gian nào đó (vài năm). Ưu đãi đó có thể không phải trả thuế tiêu thụ (sales tax) khi mua dụng cụ máy móc cho hãng xưởng trong sản xuất. Ưu đãi đó có thể thành phố bỏ ra vài trăm triệu để khuyến khích công ty dời bản doanh về thành phố của mình, đặc biệt là những công ty có các đội thể thao hoặc những công ty lớn như Amazon. Có nghĩa là anh nhà giàu được thành phố lấy tiền thuế của dân để cho anh nhà giàu dời bản doanh hoặc mở văn phòng công ty tại thành phố mình. Và các thành phố ở các tiểu bang cạnh tranh nhau để khuyến dụ các công ty về thành phố của mình bằng những số tiền khá to cho những công ty này qua dạng khuyến mãi.
Ngoài ra còn có một số đầu tư khác tạo ra tiền được luật thuế nâng đỡ mà người viết bài này không biết rõ. Một điều chắc chắn rằng, người giàu ở Mỹ có hệ thống luật sư về thuế, chuyên nghiên cứu lỗ hổng của thuế để đóng thuế ít hơn so với những thường dân đi làm lương từ hãng xưởng. Hệ thống chính quyền của Mỹ giao phó cho các ông nghị sĩ làm luật và các ông nghị sĩ thì làm luật bởi do nhóm vận động hành lang để luật phục vụ những người giàu có, công ty lớn. Người dân hoàn toàn không có một cơ quan chính quyền nào để lên tiếng về sự bất công ngoại trừ đi bỏ phiếu. Mà bỏ phiếu thì chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân trong khu vực đại diện cho mình, họ sẽ không giải quyết được vấn đề bởi họ chỉ có một lá phiếu trong Quốc Hội.
Cơ Năng Hiến Pháp là một hệ thống chính quyền Duy Dân do Lý Đông A đề nghị, có những cơ quan chính quyền để người dân xét lại và giải quyết những bất công này. Trong mùa thu sắp đến, người viết sẽ giới thiệu và phân tích Cơ Năng Hiến Pháp để thế hệ tương lai có thể suy tư cho một hệ thống cầm quyền hữu hiệu nhằm mục đích “kiến thiết và chấp hành nhân sinh”.
VHABP
Tháng 6 năm 2020
(Việt Lịch 4899)