Khi Lưỡng Đảng Đối Lập Không Thống Nhất (P1)
Hình Dreamstime.com
Trần Công Lân
Nhìn vào chế độ dân chủ tại Hoa Kỳ, chúng ta thường coi đó là lý tưởng nhất. Nhưng qua những cơn khủng hoảng sau khi khối Liên Xô sụp đổ cho thấy có gì không ổn khi hai đảng không còn hợp tác trong việc điều hành đất nước. Vậy câu hỏi đặt ra là VN sau này có theo chế độ lưỡng đảng hay không?
Đa đảng? Nghe thì có vẻ dân chủ lắm. Nhưng "lắm thầy thối ma". Đảng chính trị là để cầm quyền. Mà cầm quyền thì phải có chủ trương, đường lối. Không phải đợi đến khi đắc cử mới tìm kiếm mà phải chuẩn bị trước đó. Có lý thuyết để chuẩn bị hay không?
Một khía cạnh khác là VN có theo chủ trương đặt tôn giáo tách khỏi chính trị hay không? (chính quyền và giáo quyền phân lập). Dĩ nhiên phải có ghi trong Hiến Pháp.
Vậy thì VN không thể có Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, hay Cộng Hòa Tin Lành hay Phật Giáo bảo thủ hay Cơ Đốc giáo cấp tiến…
Nếu đồng ý là lưỡng đảng thì phải tìm hiểu tại sao Hoa Kỳ lại lâm vào khủng hoảng?
Hãy so sánh và nhận định thực chất của lưỡng đảng trên nền tảng đã được xây dựng:
Quần chúng thường ngộ nhận giá trị của Cộng Hòa (CH) là bảo thủ (conservative) và Dân Chủ (DC) là tiến bộ (progressive) những giá trị này không hoàn toàn đúng. Để hiểu rõ thực chất của lưỡng đảng, chúng ta cần đi vào từng chủ trương, lĩnh vực về lối cai trị của mỗi đảng.
A. Đảng Cộng Hòa
Giảm Thuế
Ai cũng biết chính quyền nào cũng cần có tiền thuế để trả lương công chức điều hành việc nước. Vậy nếu là cường quốc như Mỹ, phải chi phí nhiều thì cần tiền nhiều. Dân Mỹ luôn luôn nhân danh người đóng thuế (taxpayer) để đòi hỏi chính quyền phải thoả mãn các nhu cầu của người dân.
Vậy câu hỏi đặt ra là nếu bạn đóng thuế ít vì lương ít nhưng lại đòi hỏi nhiều từ trường học, nhà cửa, đường xá, dịch vụ xã hội... và muốn nước Mỹ phải đứng đầu về mọi mặt trên thế giới; quân sự, thể thao, âm nhạc…. Vậy thì chính phủ lấy tiền đâu ra để thoả mãn nhu cầu của bạn?
Xã hội nào cũng có tỷ số dân nghèo đông hơn dân nhà giàu. Chính sách đảng CH muốn giảm thuế nhà giàu (công ty, thương mại...) vì lấy cớ nhà giới giàu sẽ có tiền để đầu tư, tạo công ăn việc làm cho dân nghèo.
Muốn làm giàu phải có tài năng và vốn. Vốn (capital) có thể do các nhà đầu tư (investor) hay ngân hàng bỏ ra. Nhưng khi đã giàu rồi mà muốn làm ăn thêm lại còn đòi chính quyền trợ cấp, giảm thuế... thì có quá đáng không? Giảm thuế chưa chắc đã khiến giới giàu tạo công ăn việc làm cho dân nghèo. Các luật lệ nâng đỡ giới đầu tư đã khiến nhà giàu bỏ tiền vào thị trường chứng khoán hơn là mở hãng mướn nhân công.
Chuyện giảm thuế cho nhà giàu để nhỏ giọt xuống dân nghèo (trickle down) mà đảng Cộng Hòa rêu rao từ thời Reagan đến nay chỉ là huyền thoại vì giới giàu vẫn tiếp tục giàu (con số triệu, tỷ phú vẫn tăng) trong khi đồng lương lao động vẫn ì ạch và Quốc Hội vẫn không thông qua quy định về lương tối thiểu là 15 USD. (xem People, Power and Profits. Joseph Stiglitz)
Khi không tìm được việc làm tốt thì dân đen mở dịch vụ (nhà hàng, bán rong, sửa nhà, lao động...) nhưng khi kinh tế suy sụp thì các đại công ty (nhà giàu) được cứu (bail out) với bạc triệu, bạc tỷ. Còn các dịch vụ dân đen thì chết queo vì các ngân hàng không cung cấp tín dụng. Vậy nếu dân đen làm ăn để sống sót thì bị thuế. Còn nhà giàu làm ăn thì được miễn thuế, cứu chuộc khi lâm nạn (cơn đại dịch 2020 là thí dụ điển hình).
Đó là đầu mối dẫn đến chuyện ngân sách. Tại sao Mỹ thiếu nợ cả ngàn tỷ (trillions) mà Quốc Hội vẫn xài tiền như nước cho quốc phòng và ngoại viện tuy miệng than là nợ cho con cháu (debt to my children) vì tiền thuế không có thì lấy tiền của cơ quan Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve).
Tuy thiếu nợ nhưng xài sang, đảng CH sẵn sàng để Ngũ Giác Đài phung phí cả tỷ trong chiến tranh Iraq, viện trợ Do Thái và nghiên cứu vũ khí mới nhưng khi phe Dân Chủ chi tiền cho giới nghèo (vô gia cư, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, môi sinh...) thì đó là gây nợ cho con cháu? Hay theo "xã hội chủ nghĩa" (nên nhớ Nhật, Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Canada đánh thuế rất cao để có ngân sách phục vụ quần chúng, xã hội nhưng vẫn có người làm giàu, vẫn có tự do ngôn luận, đi lại, làm ăn hay bất đồng chính kiến với chính quyền).
Dân Mỹ ai cũng muốn chính phủ phải lo đủ thứ từ quốc tế (thể thao, du lịch, môi sinh, văn hóa, nhân đạo...) hay cứu trợ thiên tai thì tất nhiên chính phủ phải có tiền (thuế) và nhân lực (các bộ, cơ quan) thế nhưng dân Mỹ lại đòi cắt giảm chính phủ thì người và của đâu để phục vụ nhân dân? Cũng như đóng thuế chỉ 1 đồng mà đòi chính phủ chi tiêu 100 đồng cho mọi ý muốn của một cá nhân thì nền kinh tế, tài chính nào chịu nổi?
Giới hạn sự can thiệp của chính quyền và chi phí thấp cho bộ máy chính quyền
Từ khi lập quốc trên một lãnh thổ rộng lớn dân Mỹ phải tự giải quyết các vấn đề địa phương vì liên bang quá xa mà phương tiện liên lạc khó khăn, chậm chạp và nhiều khi không chuẩn bị để đối phó vì luật pháp không dự liệu. Vì thế các tiểu bang, các kẻ có tiền, thế lực chi phối các sinh hoạt và áp lực liên bang qua 2 vị Thượng Nghị Sĩ (TNS) đại diện tiểu bang. Do đó mỗi khi Thượng Viện biểu quyết ngân sách, chúng ta thường thấy các TNS tranh giành quyền lợi cho tiểu bang của mình (pork barrel). Thế nhưng khi thiên tai, bão lụt, cháy rừng, động đất... thì liên bang phải cứu trợ. Chính quyền mà bị cắt giảm thì làm sao đối phó với những nhu cầu như vậy. Đó là chưa nói bảo vệ đất nước.
Nước Mỹ có quân đội hùng mạnh, vũ khí tối tân nhất thế giới (với các phát minh hiện đại luôn luôn cải tiến). Chúng ta đã thấy ngân sách quốc phòng hàng năm tăng gấp bội, các công ty phụ trách các sản phẩm quốc phòng phát triển không ngừng và chứng khoán lên giá liên tục. Vậy nếu muốn đất nước giàu (cắt thuế cho giới thương mại) và mạnh (chi tiêu quốc phòng, quân đội) thì tại sao lại cắt ngân sách nhà nước?
Nếu tăng chi quốc phòng mà cắt chi tiêu đối nội (y tế, nông nghiệp, đường xá, giáo dục, an sinh xã hội, môi sinh) thì sao? Câu trả lời là dân nghèo, bệnh hoạn, trẻ em không được giáo dục; người già không có chỗ ở; đường xá hư hỏng, bệnh viện, chợ búa không có thì có là giàu và mạnh được không? Ai sẽ đi lính bảo vệ đất nước?
Quyền làm chủ tư nhân
Để khuyến khích người dân làm ăn thay vì trông chờ nhà nước giao việc thì tự làm chủ qua các dịch vụ, thương mại, kỹ nghệ là tốt. Nhưng thực tế thì lúc mới đầu cần khách thì nịnh nọt, tâng bốc khách hàng. Đến khi cơ sở vững vàng, nổi tiếng rồi thì coi khách như cục bột: bóc lột, uy hiếp, đe doạ, kỳ thị khách hàng ... và vì thế -- giới thương mại, công ty muốn giới hạn vai trò của chính quyền để dễ bề lộng hành trong xã hội và bóc lột cá nhân. Đó là thực chất của tư bản Mỹ: làm giàu và sức mạnh (power). Đó cũng là lý do của sự duy trì việc sử dụng súng (Gun rights).
Quyền có súng
Từ khi lập quốc trên một lãnh thổ rộng lớn, người dân Mỹ cần có vũ khí để tự vệ. Nhưng sau 300 năm với nền dân chủ vững chắc, với Quốc Hội, Tối Cao Pháp Viện, quân đội và các cơ chế chính quyền địa phương làm việc chặt chẽ với liên bang thì có vũ khí hay không -- có vẻ trở nên lỗi thời? Các công ty sản xuất vũ khí đã vận động để chính phủ thông qua (1994) dự luật cho phép người dân dùng các vũ khí tấn công (assault weapons) như súng tự động của quân đội. Từ đó các vụ giết người hàng loạt xảy ra và khi đạo luật đó hết hạn 2004, thì Quốc Hội Cộng Hòa (đa số) làm ngơ không điều chỉnh dù phe Dân Chủ phản đối. Quyền tự vệ hay đi săn nghe thì có lý nhưng tự vệ chỉ cần 5, 10 viên đạn. Đi săn thì bắn 1, 2 viên là đủ đâu cần phải bắn hàng loạt 15, 30 viên một lúc. Thế nhưng "tự do ngôn luận" cho phép cãi bướng: súng nào cũng là súng, sở hữu một súng hay 100 súng là như nhau. Thế nhưng khi tiệm bán súng hay chủ nhân làm mất súng thì không có trách nhiệm khi vũ khí đó, sử dụng bởi kẻ trộm hay người mua, giết người vô tội?
Còn nếu bảo là có súng để chống lại chế độ độc tài thì đó là chuyện thời xưa khi nền dân chủ còn phôi thai. Bây giờ có các cơ chế dân chủ: Quốc Hội do chính người giữ súng đi bầu. Phân xử có Tối Cao Pháp Viện, có Tổng Thống do cả nước bầu qua hệ thống cử tri đoàn (electors college), quân đội là chuyên môn, tình nguyện. Vậy thì người giữ súng lo sợ điều gì? Thời xưa súng bắn từng viên một thì hai bên đồng tài, đồng sức. Ngày nay quân đội với võ trang tân tiến thì cây súng của bạn có nghĩa lý gì? Mà tại sao phải dùng súng? Bạn không còn tin vào Quốc Hội, tòa án, vào cuộc bầu cử mà bạn đã tham dự hay sao? Nếu bảo có súng để "Don't tread on me" thì theo bạn công bằng xã hội ở đâu? Nếu cơ chế chính quyền không đem lại công bằng xã hội thì bạn đi bầu làm gì? Mà nếu có công bằng xã hội nơi luật pháp, tòa án... thì bạn cần gì phải có súng? Còn chuyện đi săn chẳng liên hệ gì đến chuyện cấm súng liên thanh chỉ dùng để giết người cho nhanh và nhiều. Đem chuyện này xọ chuyện kia là nghề của mấy ông chính trị gia bịp bợm để dành ghế.
TCL
Tháng 12 năm 2020(Việt lịch 4899)