Các Loại Thuế Thông Thường Ở Mỹ
Hình Forbes
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Trong cuộc đời của chúng ta, có hai cái không bao giờ thoát đó là Chết và Thuế. Thuế được thực hiện qua nhiều hình thức mà chính người thường dân không nhìn rõ đó là thuế.
Có những loại thuế rất là công bằng dành cho người nghèo lẫn người giàu. Nhưng ngược lại, tại Mỹ, luật thuế lợi tức là để phục vụ quyền lợi của những người giàu. Đó là lý do tại sao, những người giàu có nhân bản như ông Warren Buffett than thở là phần trăm số tiền thuế ông đóng còn thấp hơn cô thư ký của ông.
Khi nói đến thuế, nhiều người cứ tưởng là thuế lợi tức và thuế tiêu thụ. Thực tế thì thuế ở nhiều dạng và đôi khi không gọi là thuế mà được gọi là lệ phí. Những loại lệ phí thường là hằng năm và tiền lệ phí không nặng lắm.
Lệ phí là một giá như nhau hoặc dựa vào giá trị của tài sản để đánh giá tiền của lệ phí. Thí dụ khi bạn đi câu cá ở sông, hồ, biển hoặc đi săn; bạn phải mua lệ phí đi câu hoặc đi săn cho dù bạn săn trên đất của bạn. Những con thú ngoài rừng, sông, biển, hồ là của thiên nhiên chứ không phải là tài sản của bạn, cho nên bạn phải đóng lệ phí để được quyền giết những con thú đó. Có những loại thú phá hoại đất đai thì luật cho phép bạn giết những con thú đó mà không cần đóng lệ phí nếu con thú đó vào đất của bạn. Thí dụ là heo rừng thường tàn phá đất đai cho nên ở một số tiểu bang, chủ đất được quyền giết heo rừng mà không cần đóng lệ phí săn. Dĩ nhiên luật đi săn của mỗi tiểu bang khác nhau nhưng nói chung đều có những điểm giống nhau như đã nói bên trên. Tại sao có luật này? Mục đích là để bảo đảm thú sống ngoài thiên nhiên không bị giết hại quá đáng làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của loài vật khác và ảnh hưởng đến cuộc sống của con người khi hệ sinh thái của thiên nhiên bị thay đổi.
Một lệ phí khác hằng năm cho những ai có tài sản là chiếc xe. Lệ phí này dựa vào xe mới hay cũ để đánh giá mỗi chiếc xe phải trả lệ phí là bao nhiêu mỗi năm.
Một số ngành nghề phải đóng lệ phí cho ngành nghề của mình. Gọi nôm na là bằng hành nghề. Những nghề sau đây cần phải đóng lệ phí hằng năm như cắt tóc, làm đẹp, bác sĩ, những người có CPA (certified public accountant), luật sư v.v…. Luật của tiểu bang có thể khác nhau cho lệ phí của một số ngành nghề. Tiền lệ phí cho ngành nghề thì đều giống nhau, không phân biệt giàu nghèo.
Thuế thông tin liên lạc gồm điện thoại, hệ thống 911. Thuế này gồm có tiểu bang và liên bang áp đặt vào người tiêu thụ dựa vào số tiền chi phí hằng tháng hoặc số tiền ấn định cho mỗi số điện thoại hay mỗi thẻ điện thoại thuộc loại trả tiền trước.
Thuế xăng dầu gồm cả tiểu bang và liên bang. Số tiền ấn định cho thuế này là do luật thuế dựa vào mỗi gallons xăng hay pounds nếu là chất khí (gas hay profane).
Thuế xuất nhập cảng đánh vào người mua hay người bán. Loại thuế này thường người tiêu thụ phải trả bởi người mua hay bán sản phẩm chẳng dại gì đóng thuế này làm giảm lợi tức của công ty. Cho nên người tiêu thụ là người cuối cùng phải trả loại thuế này.
Thuế môi trường áp dụng cho người tiêu thụ lẫn người làm ra sản phẩm. Người làm ra sản phẩm bị thuế môi trường, thông thường họ không được phép bắt người tiêu thụ trả số tiền thuế này. Luật là thế nhưng thực tế người làm ra sản phẩm đưa số tiền thuế này vào giá thành của sản phẩm mà sở thuế không thể làm gì được. Đây cũng là kẻ hở của luật mà người làm ra sản phẩm lợi dụng để gia tăng lợi tức của mình. Thí dụ của thuế môi trường là rác, thay nhớt xe, vỏ xe, hoặc những công ty xả chất khói vào không khí.
Thuế an sinh xã hội (quỹ về hưu và y tế khi về già). Những ai đi làm có tiền thì phải đóng thuế an sinh xã hội để khi về già, không còn làm ra tiền, vẫn có tiền để sống. Thuế này áp dụng cho người làm và người chủ. Có nghĩa là người chủ sẽ trả phân nửa số thuế này và nhân viên làm việc phải trả nửa còn lại. Những ai tự làm (self employed) thì phải trả toàn bộ số thuế này khoảng 15.3% (năm 2020) trên tổng số tiền làm ra sau khi trừ tất cả chi phí dính dáng đến công việc làm ra tiền này. Số tiền thuế này gồm tiền y tế khi về già sẽ được hưởng y tế mà chi phí y tế chính quyền sẽ trả (một phần nào đó chứ không hoàn toàn 100%).
Số tiền làm ra trong năm ngoài chuyện đóng thuế an sinh xã hội mà còn phải đóng thuế lợi tức của liên bang lẫn tiểu bang. Thuế này dựa vào đồng lương. Lương càng cao thì càng đóng nhiều. Tuy nhiên đó là trên lý thuyết. Thực tế thì người giàu đóng thuế, nếu dựa vào phần trăm so với đồng tiền tạo ra trong năm -- thì người nghèo đóng nhiều hơn.
Thuế nhà, thuế đất dành cho những người có nhà, có đất. Đất ở thành phố thì thuế cao hơn là đất ở nông thôn. Những người không có nhà mà phải mướn nhà ở thì chủ nhà cũng đã cộng số tiền thuế trong tiền mướn nhà rồi. Thành ra đừng nghĩ mình không có nhà thì không phải trả tiền thuế này mà thực tế thì trả gián tiếp, qua người chủ nhà, trong tiền mướn nhà. Thuế này gồm có một số tiền thuế để trang trải cho trường học công cộng tùy theo từng tiểu bang.
Thuế tiêu thụ (sales tax) khi mua những món hàng sử dụng cho đời sống. Thí dụ quần áo, thức ăn, dụng cụ sử dụng trong nhà, xe, máy móc, điện, nước v.v…. Có một số tiểu bang không đánh thuế thực phẩm mua ở tiệm bán thực phẩm hoặc không đánh thuế quần áo. Con số này rất nhỏ mà đa số tiểu bang đều đánh vào tất cả những món hàng sử dụng hằng ngày. Số tiền thuế này từ 4% cho đến 11%. Có 5 tiểu bang không có thuế này ở dạng tiểu bang (state) nhưng cho phép địa phương (thành phố, quận, hạt) được quyền tính thuế này để có tiền cho chính quyền địa phương hoạt động. Trong 5 tiểu bang này thì Delaware, New Hampshire và Oregon là ba tiểu bang hoàn toàn không có thuế tiêu thụ (state & local).
Thuế khách sạn là loại thuế đánh vào những khách sạn lớn có nhiều phòng, cho khách mướn phòng ngủ ngắn hạn. Loại thuế này cộng với thuế tiêu thụ có thể lên đến 17% hoặc hơn.
Thuế rượu, thuốc hút. Đây là loại thuế đặc biệt đánh vào những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Loại thuế này khá cao nhằm mục đích giảm bớt số người tiêu thụ sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Thuế phi trường khi người tiêu dùng sử dụng phương tiện máy bay ở những phi trường. Cho dù đi máy bay không phải trả tiền (thực tế là dùng điểm hoặc mile để trả cho chuyến đi này) cho hãng máy bay nhưng vẫn phải trả tiền thuế này bởi sử dụng phi trường cho chuyện di chuyển bằng máy bay.
Thuế phục vụ dành cho những dịch vụ như dọn dẹp, lau rửa nhà cửa, những tòa nhà thương mại; hoặc những dịch vụ đấm bóp, sửa xe, sửa quần áo, dịch vụ lấy rác v.v…. Thực ra thuế này có thể gọi là thuế tiêu thụ bởi phần trăm của thuế giống như thuế tiêu thụ. Tuy nhiên những dịch vụ này thuộc dạng phục vụ người tiêu dùng cho nên gọi là thuế phục vụ (taxable services).
Tất cả những loại thuế bên trên được áp dụng hầu hết trên toàn tiểu bang của Mỹ. Có một số thuế khá đặc biệt thường chỉ đưa ra vài năm để giải quyết một vấn đề nào đó mà chính quyền địa phương muốn có tiền thực hiện một đề án nào đó (thí dụ xây sân vận động) qua trưng cầu dân ý để tạo ra luật thuế ngắn hạn. Đa số những luật thuế ngắn hạn này chấm dứt sau vài năm ngoại trừ vài trường hợp -- chính quyền địa phương tiếp tục thuế ngắn hạn thành dài hạn nếu không có sự chống đối của quần chúng tại địa phương.
Câu hỏi được đặt ra là luật thuế của Mỹ có công bằng và phục vụ thành phần nào trong xã hội? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về đề tài này trong tuần tới.
VHABP
Tháng 6 năm 2020(Việt lịch 4899)